Bi kịch của các loài vật bị nhốt trong sở thú

Những con vật sống trong sở thú một thời gian dài có thể mắc hội chứng zoochosis. Không chỉ thế, chúng còn đối diện với nhiều nguy cơ như bị bỏ đói, ngược đãi đến chết.

Bi kịch của các loạt vật bị nhốt trong sở thú

Cuộc sống của những con vật trong sở thú đau khổ hơn bề ngoài du khách vẫn hay nhìn thấy. Chúng được chăm sóc y tế, cho ăn đúng bữa và không phải lo cái chết cận kề dưới súng đạn của những tay thợ săn. Đổi lại, chúng bị nuôi nhốt trong không gian quá nhỏ so với môi trường sống tự nhiên. Điều này lâu dần có thể dẫn đến chứng zoochosis, hay còn gọi là hội chứng vườn thú.

Zoochosis hiểu đơn giản là biểu hiện rối loạn tâm thần xảy ra ở động vật khi sống trong điều kiện nuôi nhốt (cả rạp xiếc lẫn sở thú). Khi mắc chứng này, con vật có xu hướng rập khuôn hành động. Hội chứng zoochosis được phát hiện nhiều nhất ở khỉ, voi, gấu, hổ hay cá voi sát thủ…

Một vài triệu chứng khi mắc zoochosis thường thấy ở động vật là nhảy liên tục trong chuồng, đi vòng vòng, lắc lư qua lại hay thậm chí tự làm đau mình. Gần đây, phóng viên tạp chí National Geographic đã “đột nhập” vào trường dạy thú ở Thái Lan và ghi lại điều kiện sống tồi tệ của các con vật. Họ cũng quay lại được khoảnh khắc một con khỉ mắc chứng zoochosis nhảy tưng tưng liên tục trong chiếc chuồng nhỏ.

Nghiên cứu đăng trên tờ Salon cho biết gấu Bắc cực thường có những hành vi rập khuôn trong điều kiện nuôi nhốt. Ở ngoài tự nhiên, chúng không như vậy do môi trường sống tốt hơn. Người ta chứng minh việc mở rộng diện tích sống cũng như tăng khả năng tiếp cận thị giác vượt ngoài chuồng sẽ giúp con gấu giảm hành vi rập khuôn. Tuy nhiên, để mở rộng môi trường sống cho chúng lại là bài toán kinh tế không nhỏ của các sở thú.

Ngoài hội chứng zoochosis, vườn thú cũng đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến động vật. Theo tổ chức Freedom for Animals, sở thú là nơi ngục tù khốn khổ dành cho động vật. Năm 2010, một điều tra viên của tổ chức đã ghi lại hình ảnh những con vật chết và thối rữa trên sàn nhà ở sở thú Tweddle Farm (Anh). Họ sau đó còn phải đưa một con thỏ đến trung tâm y tế để điều trị nhiễm trùng.

Theo nhiều nghiên cứu, tuổi thọ của động vật sống trong sở thú cao hơn bên ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, Freedom for Animals lại đưa ra những dẫn chứng khác. Họ cho biết voi châu Phi ở tự nhiên tự sống lâu hơn 3 lần so với khi bị nuôi nhốt trong sở thú. Các con voi châu Á làm việc trong trại gỗ cũng có tuổi thọ cao hơn đồng loại sinh ra trong sở thú. Freedom for Animals cũng tiết lộ thêm 40% sư tử non ở sở thú chết trước một tháng tuổi, con số này trong tự nhiên là 30%.

Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy động vật trong các sở thú châu Âu thường xuyên ở tình trạng “thừa thãi”. Do đó, chúng có thể bị giết để đảm bảo số lượng ổn định. Hiệp hội Sở thú và Thủy cung châu Âu (EAZA) từng tiết lộ các đơn vị thành viên được khuyến khích giết chết những con vật không mong muốn. Theo họ, các con vật này sẽ chiếm không gian sống và làm tốn thời gian của người nuôi giữ.

Trong nhiều trường hợp, các sở thú còn bỏ đói động vật hoặc nuôi nhốt chúng trong điều kiện tồi tàn. Bua Noi, con khỉ đột của sở thú Pata (Thái Lan) đã dành 30 năm sống một mình trên nóc trung tâm thương mại. Nhiều chiến dịch giải cứu Bua Noi đã được thực hiện nhưng thất bại do sở thú này không vi phạm pháp luật. Nhiều sở thú khác ở Indonesia cũng được xem như “địa ngục” của động vật vì điều kiện sống quá thấp.

Bị tách biệt khỏi thiên nhiên nhưng tính hoang dã của những con vật này không hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, khi thú tính trong chúng trỗi dậy, cái kết thảm khốc là điều các con vật phải gánh chịu. Năm 2018, Mike Hodge, chủ sở thú ở Anh đã bị một con sư tử thuộc khu bảo tồn Động vật Marakele (Nam Phi) tấn công. Đoạn video cho thấy Mike đã thản nhiên bước vào khu nuôi sư tử mà không phòng bị hay có người đi cùng. Theo các báo cáo, con sư tử đã bị giết sau đó. Theo

TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,