Một số khía cạnh đạo đức và pháp lý về quyền của động vật

Liệu động vật có quyền? Nếu có thì đó là những quyền gì? Những quyền này là cho tất cả các loài động vật, hay chỉ một số loài? Cơ sở để cho rằng động vật có quyền là gì?…

Một số khía cạnh đạo đức và pháp lý về quyền của động vật

Tác giả: Vũ Công Giao, PGS,TS. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội & Nguyễn Minh Tâm, ThS. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

1. Sự phát triển trong nhận thức của nhân loại về quyền và hành vi đối xử với động vật

Liệu động vật có quyền? Nếu có thì đó là những quyền gì? Những quyền này là cho tất cả các loài động vật, hay chỉ một số loài? Cơ sở để cho rằng động vật có quyền là gì?… Đó là những câu hỏi đã được nêu trên thế giới từ lâu nhưng vẫn còn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trên thế giới tin rằng không chỉ con người, mà cả động vật (non-human animals) cũng có quyền. Khái niệm quyền của động vật (animal rights)ngày càng được nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới ủng hộ và vận động để được pháp điển hóa trong pháp luật quốc gia và quốc tế.

Ngược dòng lịch sử, cách đối xử “thích hợp” với động vật đã từng được các triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại đề cập. Chẳng hạn, những người theo chủ nghĩa Pythagore (the Pythagoreans) và Platon mới (the Neoplationists) đã từng kêu gọi tôn trọng lợi ích của động vật, bởi họ tin rằng có sự luân hồi (linh hồn) giữa người và động vật. Trong các tác phẩm của mình, Aristotle nhiều lần cho rằng, động vật sống có những lợi ích của chúng, mặc dù trong cuốn Chính trị luận (the Politics), ông cho rằng, tự nhiên tạo ra tất cả động vật nhằm phục vụ lợi ích của con người[3].

Aristotle, và sau đó là Các nhà Khắc kỷ (the Stoics), tin rằng thế giới là một chuỗi chúng sinh (The Great Chain of Being), được sắp xếp theo thứ bậc dựa trên độ phức tạp và hoàn hảo của chúng, và sự tồn tại của những dạng sống bậc thấp nhằm phục vụ lợi ích của những dạng sống cao hơn trong chuỗi, trong đó con người, với sức mạnh của lý trí (rationality), chiếm vị trí cao nhất. Các động vật khác (non-human animals) do không có lý trí (irrationality), cho nên bị (con người) coi như nô lệ và phải chịu những sự đối xử tùy tiện và tệ bạc[4]. Những quan điểm này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc tranh luận về sự tôn trọng quyền lợi của động vật trên thế giới, khiến nó gần như biến mất trong một thời kỳ. Cho đến cuối thế kỷ XX, trên thế giới chỉ có một số khảo cứu triết học và quy định ít ỏi về vấn đề phúc lợi của động vật (animal walfare)[5].

Tuy nhiên, quan niệm trên dần dần thay đổi vào nửa sau thế kỷ XX. Năm 1972 được xem là khởi đầu của phong trào vận động cho quyền của động vật hiện đại (the modern animal rights movement), khi cuốn sách Giải phóng động vật (Animal Liberation) của Peter Singer được xuất bản[6]. Cuốn sách này được xem là một trong những văn kiện nền tảng của phong trào. Nội dung của nó khẳng định rằng quyền lợi của con người và quyền lợi của động vật nên nhận được sự xem xét bình đẳng[7].

Cần phân biệt thuật ngữ “quyền động vật” (animal rights) và “phúc lợi của động vật” (animal walfare) do chúng có những sự khác nhau nhất định[8]. Khái niệm quyền động vật hàm nghĩa rằng, động vật có quyền tự do không bị con người sử dụng và khai thác; con người không được sử dụng động vật cho những mục đích như làm thực phẩm, quần áo, giải trí và thí nghiệm khoa học… Khái niệm quyền động vật được xây dựng trên cơ sở nhận thức rằng “động vật cũng có cảm giác” (sentience), cho nên chúng có thể cảm thấy đau đớn[9].

Còn khái niệm phúc lợi của động vật hàm ý rằng, con người có quyền sử dụng động vật, chỉ cần chúng được đối xử theo cách nhân đạo trong quá trình nuôi dưỡng và khi chúng bị giết mổ. Như vậy, nếu theo quan điểm phúc lợi của động vật thì con người chỉ cần dừng những hành động tàn ác bằng cách cải thiện điều kiện nuôi nhốt hay giết mổ động vật mà thôi[10].

Trong khi quan điểm về quyền động vật thống nhất gần như tuyệt đối, thì quan điểm về phúc lợi của động vật lại chưa thống nhất về phạm vi. Chẳng hạn, một số người vận động cho phúc lợi của động vật muốn cấm việc sử dụng da thú, trong khi những người khác lại tin rằng, sử dụng da thú là có thể chấp nhận được về mặt đạo đức nếu động vật được giết một cách nhân đạo và không phải chịu đau đớn trong một khoảng thời gian dài. Hoặc có quan điểm cho rằng, một số loài động vật cụ thể (như chó, mèo, ngựa…) thì đáng được bảo vệ hơn các loài khác (như cá, bò, gà…)[11].

2. Những tranh luận chính về quyền và đối xử với động vật

Từ trước đến nay, nhận thức của nhân loại về quyền và đối xử với động vật đã phát triển theo từng bước tiệm tiến như sau: “không có bất kỳ vấn đề gì về mặt đạo đức khi đối xử với động vật” – “phúc lợi của động vật” – “quyền động vật”. Trong quá trình phát triển nhận thức này, có thể tóm tắt những ý kiến tranh luận chính như sau:

(1) Động vật là những loài (species) khác con người, chúng không có nhận thức, không quan trọng bằng con người nên phải nhận được sự đối xử khác với con người. Sự đối xử khác bao gồm việc con người có thể hành xử tùy ý với động vật mà không bị coi là vi phạm những quy tắc đạo đức, vì đạo đức chỉ dành cho con người.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những tiêu chí về chủng loài hay sự quan trọng không nên được sử dụng để biện minh chống lại quyền của động vật. Thứ nhất, đúng là khả năng nhận thức tạo ra sự khác biệt giữa con người và động vật, nhưng khả năng nhận thức không liên quan gì đến đạo đức. Nếu gắn liền khả năng nhận thức với đạo đức thì phải chăng những người thông minh sẽ có đạo đức và giá trị pháp lý cao hơn những người ít thông minh? Ở đây, chủ nghĩa phân biệt đối xử về loài (speciesism) được cho là cũng sai lầm như chủ nghĩa phân biệt đối xử về chủng tộc (racism) hay chủ nghĩa phân biệt đối xử về giới tính (sexism). Nhân loại hiện đã đồng thuận rằng, chủng tộc và giới tính không phải là tiêu chí để biện minh cho sự phân biệt đối xử giữa người và người. Tương tự, việc lấy chủng loài (species) làm tiêu chí cho sự đối xử khác biệt giữa con người và các động vật khác cũng là không phù hợp. Cảm giác – khả năng cảm nhận đau đớn – mới chính là tiêu chí xác định quyền. Bản chất của quyền là để ngăn chặn những sự đau đớn không hợp lý (bất công), cho nên cả con người và động vật đều có quyền vì đều cần được bảo đảm không phải chịu những đau đớn không hợp lý[12].

Thứ hai, sự quan trọng cũng không phải là một tiêu chí thích hợp để xác định chủ thể quyền, bởi vì đánh giá về sự quan trọng mang nặng tính chất chủ quan, mỗi cá nhân khác nhau có những lợi ích khác nhau nên có thể nhận thức một vấn đề, sự việc hay chủ thể có tầm quan trọng khác nhau đối với họ và đối với người khác. Chẳng hạn, một người độc thân có thể cho rằng những con thú cưng (companion animals) quan trọng với họ hơn bất kỳ người nào khác trên thế giới. Vậy phải chăng nhân loại phải đồng ý với những người này là thú cưng của họ cần có quyền còn những thành viên khác của nhân loại thì không?

(2) Quyền chỉ xuất phát từ khả năng suy nghĩ (ability to think), hoặc ít nhất là từ khả năng cảm nhận sự đau đớn (ability to suffer)[13]. Loài vật không có khả năng suy nghĩ và cảm giác bị đau đớn như con người nên không thể là chủ thể của quyền.

Tuy nhiên, quan điểm trên cũng bị nhiều nhà nghiên cứu phê phán. Họ cho rằng không thể chỉ lấy tiêu chí khả năng suy nghĩ hay ý thức để xác định chủ thể của quyền, bởi tại sao không sử dụng các tiêu chí khác như là khả năng bay (của loài chim) hay đi trên tường (của thạch sùng) cho việc này? Hơn nữa, nếu quyền đến từ khả năng suy nghĩ thì một vài dạng người như trẻ em, những người thiểu năng về trí tuệ phải chăng sẽ không có quyền hoặc sẽ bị hạn chế quyền so với những người lớn bình thường khác, còn một vài động vật đã được chứng minh là có khả năng suy nghĩ logic như con người thì phải chăng lại có quyền? Về vấn đề này, năm 2012, Ủy ban Thần kinh học quốc tế đã đưa ra Tuyên bố Cambridge về Ý thức (Cambridge Declaration on Consciousness)[14], trong đó nêu lên rằng, động vật cũng có ý thức, hay nói cách khác là con người không phải là đối tượng duy nhất có ý thức trên trái đất. Cho nên tiêu chí về khả năng suy nghĩ để xác định chủ thể của quyền là không hợp lý.

Liên quan đến khía cạnh trên, Jeremy Bentham cho rằng, “vấn đề không phải là liệu chúng [động vật] có thể suy nghĩ, hay chúng có thể nói, mà là chúng có thể bị đau đớn”[15]. Nhưng liệu động vật có khả năng cảm nhận được đau đớn hay không? Nhà triết học Rene Descartes từng cho rằng, “động vật hoạt động như đồng hồ – một máy móc phức tạp mà có bản năng, nhưng không bị đau đớn hoặc cảm thấy đau đớn”[16]. Tuy nhiên, hầu hết mọi người trên thế giới, đặc biệt là những người cùng sống hay nuôi động vật chắc chắn sẽ không đồng ý với tuyên bố này của Descartes, vì họ đều đã chứng kiến động vật phản ứng thế nào khi đói, đau đớn hay sợ hãi.

 (3) Nếu việc sư tử ăn thịt động vật khác là điều bình thường, thì con người ăn thịt động vật khác cũng nên được coi là điều bình thường[17].

Luận điểm trên cũng bị nhiều nhà nghiên cứu cho là không hợp lý, bởi vì sư tử cần ăn thịt để tồn tại, trong khi con người không nhất thiết phải cần điều đó. Nói cách khác, sư tử không có sự lựa chọn khác ngoài việc ăn thịt động vật khác để sống, còn con người thì có. Nhiều nghiên cứu và thực tế cũng đã chỉ ra rằng, ăn chay (vegetarian diets) là chế độ ăn vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng nuôi sống con người trong khi lại có tác dụng phòng và điều trị một số bệnh.

Hơn nữa, không thể so sánh xã hội loài người với xã hội của loài sư tử, bởi trên thực tế sư tử đực từ xưa đến nay vẫn làm những việc được coi là không hợp pháp và bị lên án trong xã hội của loài người, chẳng hạn như giết chết những con sư tử đực khác để chiếm lãnh địa và những con sư tử cái, đồng thời giết luôn những con sư tử nhỏ không phải là con của nó. Câu hỏi đặt ra là, “nếu sư tử đực có thể làm vậy, tại sao những người đàn ông lại không thể?”[18]. Câu hỏi này có thể bị coi là điên rồ, nhưng nó cũng điên rồ giống như luận điểm cho rằng sư tử cũng ăn thịt để biện minh cho quan điểm rằng động vật không có quyền.

(4) Nếu thừa nhận quyền của động vật, thì động vật nuôi sẽ bị tuyệt chủng, vì nuôi động vật về bản chất là việc tước bỏ quyền tự do của chúng[19].

Về quan điểm trên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự thật là nếu chúng ta ngừng việc nuôi động vật thì một vài loài trong số chúng vẫn có khả năng tồn tại trong tự nhiên, trong khi một số khác đúng là có thể đi đến tuyệt chủng. Tuy nhiên, với những loài động vật mà không thể thích nghi với sự tồn tại trong môi trường tự nhiên thì sự tuyệt chủng không phải lỗi của con người, mà là sự chọn lọc của tự nhiên. Ngoài ra, cần thấy rằng quan điểm về quyền tự chủ của động vật (animal autonomy) chỉ áp dụng cho động vật hoang dã, nhằm ngăn cấm con người săn bắn, đặt bẫy và giam giữ chúng. Cho dù lý tưởng nhất là động vật nên có cuộc sống tự do thoát khỏi sự kiểm soát của con người, nhưng dưới những điều kiện của tự nhiên, chúng có thể có một cuộc sống kém chất lượng. Vì vậy, việc con người nuôi một số loài vật là chấp nhận được, với điều kiện cần yêu thương và chăm sóc chúng chu đáo.

(5) Những thí nghiệm trên động vật đem đến những lợi ích thiết thực, thậm chí không thể thiếu để bảo vệ sức khỏe của con người. Vì vậy không thể thừa nhận động vật có quyền mà qua đó sẽ phải chấm dứt dùng động vật làm đối tượng thí nghiệm.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xét về mặt đạo đức, không có lý do gì loài người lại tự cho phép mình có thể làm thí nghiệm trên động vật trong khi đã cấm làm thí nghiệm trên con người. Ngoài ra, việc làm thí nghiệm trên động vật không phải là điều không thể thay thế, vì đã có nhiều tiến bộ khoa học đạt được mà không cần thí nghiệm trên động vật, chẳng hạn như việc phát hiện ra nguyên nhân và cách chữa trị bệnh hoại huyết; vắc-xin đầu tiên được phát minh vào thế kỷ XVIII phòng bệnh đậu mùa; hay thậm chí thuốc kháng sinh penicillin cũng đã được phát hiện mà không cần nghiên cứu trên động vật. Gần đây nhất, phương pháp Heimlich[20] được phát triển mà không cần giải phẫu (trên động vật) và đã cứu sống nhiều người. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu về dân số (của con người) đã dẫn đến những phát hiện y học quan trọng, như mối liên hệ giữa bệnh tim và cholesterol, giữa hút thuốc và ung thư[21].

(6) Nếu không ăn thịt động vật vì chúng có khả năng cảm nhận sự đau đớn thì thực vật cũng có cảm giác (feeling), cho nên việc ăn chúng cũng là không phù hợp về mặt đạo đức[22].

Về quan điểm trên, đúng là nếu thực vật cũng có thể cảm nhận sự đau đớn thì sẽ đặt con người vào hoàn cảnh giống như loài sư tử, khi mà con người không thể sống nếu không ăn thực vật. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, quan điểm về thực vật cũng có cảm giác còn cần phải nghiên cứu (hiện cơ bản mới chỉ là phỏng đoán). Ngoài ra, số loài thực vật cũng đa dạng và nhiều hơn số loài động vật để có thể nuôi sống con người, và con người không nhất thiết phải sử dụng thực vật khi chúng còn sống. Chúng ta có thể ăn các loại ngũ cốc hay hoa quả khi chúng đã rời cành, hay ăn thực vật khô… để thay thế cho thức ăn từ động vật.

(7) Động vật không có quyền bởi vì chúng không có nghĩa vụ[23].

Luận điểm trên bị cho là không hợp lý, giống như ví dụ về khả năng suy nghĩ đã được phân tích trên. Ở đây, nếu lấy nghĩa vụ là tiêu chí để xác định chủ thể quyền thì có nhiều người không có nghĩa vụ hoặc chỉ có một số nghĩa vụ (ví dụ như trẻ em, người mắc bệnh tâm thần, người thiểu năng về trí tuệ…) phải chăng cũng sẽ không có quyền và những người khác có thể tự do giết và ăn thịt họ?

(8) Nếu động vật có quyền, thì khi những quyền của chúng bị vi phạm, cơ chế nào sẽ bảo vệ chúng? Liệu sự vi phạm quyền của chúng có thể được mang ra khởi kiện tại tòa?

Về câu hỏi trên, câu trả lời thực ra rất đơn giản. Động vật có thể được đại diện pháp lý bởi con người, giống như việc đại diện bảo vệ quyền lợi cho những người thiếu hoặc mất năng lực hành vi. Khi đó, những người đại diện, giám hộ động vật sẽ thực hiện việc bảo vệ quyền lợi cho động vật trước các cơ quan tố tụng. Ý tưởng về việc cho phép những vụ kiện trên danh nghĩa của động vật là hoàn toàn có thể thực hiện được và thực tế trên thế giới đã có nhiều vụ việc được xét xử liên quan đến quyền động vật. Chẳng hạn, năm 2008 Tòa án Tối cao Na Uy đã xét xử một vụ việc tấn công chó cảnh sát và ra phán quyết rằng, “tấn công chó nghiệp vụ của cảnh sát được xem như hành vi phạm tội nghiêm trọng tương tự như hành vi tấn công trực tiếp nhân viên cảnh sát”[24].

3. Vấn đề pháp điển hóa quyền và đối xử với động vật trên thế giới

Trong khoảng nửa thế kỷ vừa qua, câu hỏi về quyền động vật ngày càng thu hút sự quan tâm và trở thành đề tài trong nhiều diễn đàn tranh luận chính trị và luật học diễn ra trên cả phạm vi quốc gia và quốc tế, và đã có những tiến triển nhất định về mặt pháp lý. Năm 2002, Đức trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu ủng hộ việc bảo vệ quyền động vật trong Hiến pháp của mình, bằng việc thêm cụm từ “và động vật” vào một điều khoản về nghĩa vụ của Nhà nước tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm của con người[25]. Năm 2008, Nghị viện Tây Ban Nha đã thông qua nghị quyết thúc giục Chính phủ quy định cho đười ươi, tinh tinh, và khỉ đột một số quyền mà theo pháp luật trước đây chỉ dành cho con người. Nghị quyết này đã xác lập một khuôn khổ pháp luật toàn diện để bảo vệ những loài vật đã nêu, trong đó quy định mọi hành động giết hại (trừ trường hợp để tự vệ), tra tấn, giam giữ những loài vật này đều bị coi là bất hợp pháp[26]. Thêm vào đó, Nghị quyết còn yêu cầu cấm sử dụng khỉ trong biểu diễn, nghiên cứu có hại, và kinh doanh cũng như những hoạt động khác có liên quan đến việc thu lợi nhuận từ động vật. Mặc dù các vườn thú vẫn được cho phép nuôi giữ khỉ, nhưng bị buộc phải cung cấp cho chúng những điều kiện sống tối ưu nhất[27].

Ngoài ra, nhiều nước khác, trong đó có Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Anh đã pháp điển hóa luật bảo vệ động vật khỏi sự đối xử vô nhân đạo hoặc tàn bạo. Thụy Sĩ được cho là có luật về cấm đối xử tàn bạo với động vật mạnh và rõ ràng nhất hiện nay, trong khi nhiều nước khác tuy chưa quy định trong luật nhưng trong thực tế không thừa nhận những hành động đối xử tồi tệ, tàn bạo với động vật, ví dụ như Trung Quốc và Ả Rập Saudi[28].

Ở phạm vi quốc tế, hệ thống các điều ước quốc tế về bảo vệ động vật, đa dạng sinh học ngày càng phong phú[29]. Năm 2003, tại Hội nghị Manila về phúc lợi động vật (animal walfare), các đại biểu đã đi đến thống nhất rằng, cần đảm bảo năm loại tự do cho động vật, đó là: tự do khỏi đói, khát; tự do khỏi sự sợ hãi, căng thẳng; tự do khỏi đau đớn, bệnh tật; tự do biểu đạt bằng các hành vi thông thường[30]. Ngày nay, các khóa học pháp luật về động vật (animal law) cũng đã được giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới[31], chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, Canada, Úc hay Newzealand.

Tóm lại, trong khi quyền của động vật còn có nhiều tranh cãi thì việc bảo vệ và đối xử nhân đạo với động vật hiện đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, kể cả bởi những người phản đối quyền của động vật. Bảo vệ và đối xử nhân đạo với động vật ngày càng được xem là một tiêu chí đánh giá một xã hội văn minh. Tra tấn, đối xử tàn bạo, ngược đãi hay bỏ mặc động vật ngày càng bị lên án trong dư luận và bị trừng phạt theo pháp luật của nhiều quốc gia.

4. Một số nhận xét, kết luận 

Cần thấy rằng, việc thừa nhận quyền của động vật hoàn toàn không phải là đặt động vật ngang bằng hay cao hơn con người, cũng không phải là đòi hỏi động vật cũng phải có tất cả những quyền như con người. Nếu chúng ta hiểu rằng, “quyền” là những bảo đảm pháp lý nhằm chống lại những sự xâm hại vô lý, thì nhiều động vật cần có những quyền đó, và ý tưởng về quyền của động vật sẽ không gây ra những tranh luận hay phản đối.

Xét trên nhiều phương diện, động vật xứng đáng có một số quyền giống như của con người (ngoại trừ một số quyền, ví dụ như quyền bỏ phiếu hay sở hữu tài sản…). Những tiêu chí quan trọng nhất cho việc thừa nhận quyền của động vật đó là động vật cũng có ý thức và nhận thức về sự tồn tại, chúng biết những gì đang xảy ra với mình và đặc biệt là chúng cũng có cảm giác về sự đau đớn, thậm chí có một số loài đã phát triển cả ý thức (đến mức độ nhất định). Nếu con người đều thừa nhận (về mặt đạo đức và pháp lý) rằng, không nên có những hành động gây đau đớn (pain) hoặc đau khổ (suffer) cho những người khác, thì những hành động có khả năng gây ra những đau đớn, đau khổ cho động vật cũng là không chấp nhận được.

Có lẽ sự so sánh của Jeremy Bentham cho rằng “sự ngược đãi đối với động vật cũng giống như chế độ nô lệ hay sự phân biệt chủng tộc”[32] là một kết luận tốt cho chủ đề này. Quyền của động vật đã, đang và dần sẽ được nhân loại công nhận và bảo vệ, giống như quá trình giải phóng những người nô lệ hay loại bỏ chế độ phân biệt chủng tộc. Nhận thức về quyền của xã hội loài người hiện vẫn đang tiếp tục phát triển; những người đồng tính (LGBT) vẫn đang đấu tranh cho quyền kết hôn của họ; phụ nữ vẫn đang đấu tranh cho việc được đối xử bình đẳng với đàn ông… và nhiều cá nhân, tổ chức vẫn đang vận động cho quyền của động vật được tự do khỏi sự sử dụng và khai thác của con người.

Xu hướng ủng hộ việc bảo vệ và đối xử nhân đạo với động vật cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Bằng chứng là, như đã nêu ở trên, thời gian qua báo chí và dư luận đã có những tranh luận rất “gay gắt” về những lễ hội trong đó động vật bị hiến sinh một cách tàn bạo. Quan sát những tranh luận về chủ đề này có thể thấy, đa số ý kiến không ủng hộ việc duy trì những cổ tục “dã man” với động vật[33], mà một trong những lý do rất xác đáng đó là nó gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và hành vi của những người xem, đặc biệt là trẻ em: “không ai dễ dàng vượt qua được cảm giác tội lỗi khi lần đầu sát hại một sinh vật. Nhưng khi vượt qua rồi thì lại dễ dẫn tới những sự sát sinh khác. Đây là một bước để có thể tiến tới những tội ác lớn hơn”[34]. Còn với những ý kiến ủng hộ, đa phần đều cho rằng việc duy trì những lễ hội này là nhằm giữ gìn và phát huy các “giá trị truyền thống văn hóa”. Ở đây, đồng ý rằng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là việc cần làm, song không thể lấy đó là lý do biện minh cho những “cổ hủ tục” được. Bởi đặc trưng nổi bật trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam là tinh thần khoan dung, nhân đạo (hiểu theo nghĩa rộng là đối với cả động vật)[35]. Hơn nữa, có những cách làm khác để duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà không sát sinh động vật một cách tàn bạo, chẳng hạn với lễ hội chém lợn đã nêu ở trên, hoàn toàn có thể cải biến bằng việc dùng lợn gỗ tượng trưng[36], hoặc chỉ tiến hành rước lợn, và sau đó sẽ giết mổ và cúng tế bình thường[37].

Về phương diện khoa học, thời gian qua đã có những cuộc hội thảo về quyền của động vật, thậm chí môn học về quyền lợi của động vật đã chính thức được giảng dạy ở một số cơ sở đào tạo[38]. Đặc biệt, về khía cạnh pháp lý, Điều 8(2) của Dự thảo Luật Thú y đã có quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân chăn nuôi, sử dụng động vật có trách nhiệm “giảm thiểu đau đớn, sợ hãi đối với động vật trong vận chuyển, giết mổ, giết hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học”[39]. Đây là quy định pháp luật đầu tiên về đối xử nhân đạo với động vật của nước ta, mặc dù vẫn còn sơ sài nhưng đã thể hiện một bước tiến lớn, bước đầu tiệm cận với xu hướng chung về vấn đề này trên thế giới, rất cần được khuyến khích, phát triển.

Nói tóm lại, vấn đề quyền và việc đối xử nhân đạo với động vật ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ ở nước ta. Đây là xu hướng phát triển tiến bộ đáng mừng về mặt văn hóa, rất cần thiết để xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc nhưng phù hợp với những chuẩn mực và giá trị nhân bản được cộng đồng quốc tế ủng hộ, qua đó củng cố hình ảnh tốt đẹp của dân tộc ta trước thế giới, đúng như câu nói của Gandhi: “Sự vĩ đại của một dân tộc và sự tiến bộ về đạo đức của dân tộc đó có thể được đánh giá qua cách mà họ đối xử với động vật”[40].

——————————-

Chú thích:

[1] http://vnexpress.net/de-xuat-cham-dut-le-hoi-chem-lon-o-bac-ninh/topic-18608.html
[2] http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bao-anh-rung-ron-1000-con-meo-bi-nghien-chet-o-vn-3231225/
[3] Xem:“Animal Rights”, Encyclopedia Britannica, 2014.
[4] Xem:“Animal Rights”, tlđd.
[5] Xem:“Animal Rights”, tlđd.
[6] Xem: Historical Timeline of the Animal Rights Movement, đăng trên: http://animalrights.about.com/od/animalrights101/a/timelinemodern.htm
[7] Xem: “Animal Rights”, tlđd.
[8] Xem: Animal Rights v. Animal Walfare, đăng trên: http://animalrights.about.com/od/animalrights101/a/RightsvWelfare.htm
[9] Xem: Animal Rights v. Animal Walfare, tlđd.
[10] Xem: What are animal rights?, đăng trên:
http://animalrights.about.com/od/animalrights101/a/What-Are-Animal-Rights.htm
[11] Xem: What are animal rights?, tlđd.
[12] Xem: Basic Tenets of Animal Rights, tlđd.
[13] Xem: Top Eight Arguments Against Animal Rights, tlđd.
[14] Xem: Neuroscientists Declare Animals Have Consciousness, đăng trên: http://animalrights.about.com/od/animalrights101/a/Neuroscientists-Declare-Animals-Have-Consciousness.htm
[15] Xem: “Animal Rights”, tlđd.
[16] Xem: Basic Tenets of Animal Rights, tlđd.
[17] Xem: Top Eight Arguments Against Animal Rights, đăng trên: http://animalrights.about.com/od/animalrights101/tp/ArgumentsAgainstAR.htm
[18] Xem: If Lions Can Eat Meat, Why Can’t People?, đăng trên: http://animalrights.about.com/od/animalrights101/f/If-Lions-Can-Eat-Meat-Why-Cant-People.htm
[19] Xem: Top Eight Arguments Against Animal Rights, tlđd.
[20] Phương pháp Heimlich là phép chữa bệnh cấp cứu cho người bị ngạt bằng cách ép mạnh vào cơ hoành.
[21] Xem: Top 10 Animal Rights Issues, đăng trên:http://animalrights.about.com/od/animalrights101/tp/Top10AnimalRightsIssues.htm
[22] Xem: Top Eight Arguments Against Animal Rights, tlđd.
[23] Xem: Top Eight Arguments Against Animal Rights, tlđd.
[24] Xem: Attack on Police Dog in Norway Now Equal To Assaulting Police Officer (Foxnews, 2008), đăng trên: http://www.foxnews.com/story/2008/06/05/attack-on-police-dog-in-norway-now-equal-to-assaulting-police-officer/
[25] Xem: Cass R. Sunstein, The Rights of Animals: A Very Short Primer, (Chicago Working Paper in Law and Economics, 2002), đăng trên: http://www.law.uchicago.edu/files/files/157.crs_.animals.pdf
[26] Xem: Donald G. McNeil Jr, When Human Rights Extend to Nonhumans, (The New York Times, 2008), đăng trên: http://www.nytimes.com/2008/07/13/weekinreview/13mcneil.html?pagewanted=all&_r=0
[27] Xem: “Animal Rights”, tlđd.
[28] Xem: What is Cruelty to Animal?, đăng trên: http://www.wisegeek.net/what-is-cruelty-to-animals.htm
[29] Xem: Micheal Hass (2014), International Human Rights: A Comprehensive Introduction, (Routledge, 2nd Edition), tr. 503-504, 510.
[30] Xem: Univeral Declaration on Animal Welfare, đăng trên: http://en.wikipedia.org/wiki/Universal_Declaration_on_Animal_Welfare
[31] Xem: Animal Law Courses, đăng trên: http://aldf.org/resources/law-professional-law-student-resources/law-students-saldf-chapters/animal-law-courses/
[32] Xem: Cass R. Sunstein, tlđd.
[33] Xem: Anh Phương (2013), Những lễ hội “kinh dị” ở Việt Nam, đăng trên: http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/hai-phong/nhung-le-hoi-kinh-di-o-viet-nam-2895698.html; và Ngọc Anh (2014), Những lễ hội hiến tế gây tranh cãi ở Việt Nam, đăng trên: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-le-hoi-hien-te-gay-tranh-cai-o-viet-nam-a123948.html
[34] Xem: Quỳnh Trang, Hoàng Phương (2015), Tranh cãi gay gắt quanh lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, đăng trên: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tranh-cai-gay-gat-quanh-le-hoi-chem-lon-o-nem-thuong-3141206.html; và Dương Tùng (2013), Lễ hội dã man sẽ nuôi dưỡng lớp trẻ “máu lạnh”, đăng trên: http://khampha.vn/tin-nhanh/le-hoi-da-man-nuoi-duong-mau-lanh-c4a66341.html
[35] Đó chính là tinh thần khoan dung, nhân đạo của Phật giáo với giới luật “cấm sát sinh” và các nghi lễ thực hành như phóng sanh, ăn chay.
[36] Xem: Dương Tùng (2013), tlđd.
[37] Xem: Mai Nguyên (2015), Lễ hội chém lợn được đề xuất đổi thành lễ hội rước lợn, đăng trên: http://www.nguoiduatin.vn/le-hoi-chem-lon-duoc-de-xuat-doi-thanh-le-hoi-ruoc-lon-a174129.html
[38] Xem: Anh Tuấn (2013), Tăng cường bảo vệ quyền lợi của động vật tại Việt Nam, đăng trên: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/thien-nhien/item/64602-tăng-cường-bảo-vệ-quyền-lợi-của-động-vật-tại-việt-nam.html
[39] Xem Dự thảo Luật Thú y tại: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=923&LanID=1000&TabIndex=1
[40] Mahatma Gandhi: “The greatness of a nation and its moral progress can be judged by the way its animals are treated”, xem: http://www.goodreads.com/quotes/340-the-greatness-of-a-nation-and-its-moral-progress-can

Theo LAPPHAP.VN

Tags: , ,