Một góc nhìn Marxist về mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và sự tuyệt chủng

Chủ nghĩa tư bản không khác nhiều so với sự va chạm của một thiên thạch khổng lồ. Cả thế giới đã biến thành một trại chăn nuôi. Đợt tuyệt chủng thứ sáu đang tiến tới với một tốc độ dữ dội.

MôGóc nhìn Marxist về mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và sự tuyệt chủng

Tác giả: Troy Vettese, nhà nghiên cứu về tư tưởng môi trường, đại học Harvard, Mỹ.

Nguồn: A Marxist Theory of Extinction; Salvage.zone; 25/5/2020.

Trích dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Bi kịch của chủ nghĩa bảo vệ môi trường

Vào năm mà nghị viện Anh thông qua Đạo luật Bao quanh (Inclosure Act) 1773, có một loài chim bị tuyệt chủng là loài chim rẽ Tahitian.

Đợt tuyệt chủng thứ sáu là sự hủy diệt vô số nhánh cổ đại và không thể thay thế của cây sự sống. Cùng thời điểm với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, buổi bình minh của Đợt tuyệt chủng thứ sáu bắt đầu cách đây một thiên niên kỷ và giờ đây đang tiến tới với một tốc độ dữ dội so với sự tàn phá của thảm họa lớn gần nhất cách đây 60 triệu năm.

Từ quan điểm sự sống trên trái đất, chủ nghĩa tư bản không khác nhiều so với sự va chạm của một thiên thạch khổng lồ. E. O. Wilson, một nhà tự nhiên học có ảnh hưởng, dự báo rằng một nửa hệ thực vật và động vật của thế giới sẽ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này. Theo ước tính của các nghiên cứu gần đây, các loài động vật có vú đã biến mất với tỉ lệ nhanh hơn tỉ lệ tự nhiên từ một phần trăm đến một phần ngàn. Có vô số động lực gây ra Đợt tuyệt chủng thứ sáu nhưng nguyên nhân trước nhất là sự mất đi môi trường sống, tiếp theo là nạn săn bắn trộm, mặc dù biến đổi khí hậu sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn. Có ít nhất một loài động vật có vú đã tuyệt chủng do biến đổi khí hậu, loài chuột nâu Australia Bramble Cay melomys vào năm 2016, khi mực nước biển tăng cao đã làm ngập lụt hồn đảo là nhà của loài chuột này ở độ cao gần mực nước biển ở rạn san hô Great Barrier Reef.

Tuy nhiên, động vật có vú chỉ chiếm tỉ lệ phần trăm vô cùng nhỏ trong vương quốc động vật mà động vật không xương sống chiếm đa số. Các sinh vật nhỏ như bướm Xerces Blue của San Francisco (tuyệt chủng năm 1941) chịu tác động chính của thảm họa: tới 130.000 loài không có xương sống đã biến mất kể từ thời kỳ hiện đại sớm, khoảng 7% tổng số các loài động vật. Thế nhưng, ngoài những nỗ lực đáng chú ý như các cuốn “Tuyệt chủng” (Extinction) của Ashley Dawson và “Bi kịch của hàng hóa” (Tragedy of the Commodity) của Brett Clark, Rebecca Clausen và Stefano B. Longo, những người Marxist đã bỏ mặc cuộc tranh cãi về tuyệt chủng, nhường lại sân chơi cho liên minh gian ác những người theo chủ nghĩa tân tự do và những người theo học thuyết dân số Malthus phân biệt chủng tộc.

Từ quan điểm tân tự do, một loài chỉ nên được bảo tồn – kể cả khi được tư nhân sở hữu – nếu nó có lợi nhuận, chỉ khi thị trường ra lệnh cho nó. Mặc dù các nhà kinh tế học bảo thủ soạn thảo những bài viết ca tụng sự thông minh của thị trường trong việc sử dụng khéo léo thiên nhiên khan hiếm, các nhà kinh tế học tân tự do thẳng thừng hơn. Từ quan điểm tư bản, các sinh vật sống không có giá trị thực – kể cả vài cá nhân cuối cùng của một loài – mà chỉ là các tài sản tư bản khác nhau trong một danh mục đầu tư đa dạng và thay đổi liên tục. Sự miêu tả tự nhiên là vốn đến từ nhà kinh tế học ngư nghiệp Canada, Anthony Scott, người mà quan điểm của ông đã được các nhà tân tự do khác như Friedrich Hayek và Dieter Helm (giảng viên đại học Oxford và chủ tịch Ủy ban Tư bản Tự nhiên) lựa chọn. Logic này đã được trình bày rõ ràng trong Hiến pháp Tự do (Constitution of Liberty) của Hayek, trong đó ông lập luận “từ quan điểm cá nhân cũng như xã hội, bất kỳ nguồn lực tự nhiên nào cũng chỉ là đại diện cho một mục trong tổng tài trợ các nguồn lực cạn kiệt của chúng ta, và vấn đề của chúng ta là không bảo tồn loài này dưới bất kỳ hình thức nào, mà luôn duy trì nó dưới một hình thức tạo ra đóng góp đáng mơ ước nhất trong tổng thu nhập”.

Nhưng, một nhà kinh tế học ngư nghiệp Canada khác, Colin Clark, là người đã trình bày những lập luận hợp lý cuối cùng một cách thẳng thắn nhất trong bài báo “Tối đa hóa lợi nhuận và sự tuyệt chủng các loài động vật” năm 1973”. “Nói thẳng ra”, ông viết, “những điều sau đã được chứng minh là các điều kiện cần và đủ cho tuyệt chủng trong sự tối đa hóa giá trị hiện tại: (a) tỉ lệ giảm giá (hoặc ưu tiên thời gian) vượt quá tiềm năng sản xuất tối đa của dân số một cách vừa đủ, và (b) một lợi nhuận tức thời có thể được lấy từ việc thu hoạch các động vật còn sống sót”. Với Clark, hai yếu tố này quan trọng hơn nhiều việc một sinh vật thuộc sở hữu riêng hay chung; tư hữu hóa không phải là phương thuốc cứu sự tuyệt chủng.

Mặc dù những nhà tân tự do khó mà che giấu cách họ nhìn tự nhiên chỉ là một tài sản khác, cánh tả đã mất rất lâu để nhận ra rằng điều này là nơi trung tâm tranh luận diễn ra. Kiểm soát của tư bản đối với hệ động vật và thực vật không phải như một nhánh đặc biệt của nền kinh tế yêu cầu lý thuyết của riêng nó, mà chỉ có tính công nghiệp như việc sản xuất thép và vi chip. Hiểu biết sâu sắc này là do Kenneth Fish mở rộng trong Các xí nghiệp sống (Living Factories) – có lẽ là cuốn sách hay nhất trong các nghiên cứu động vật theo chủ nghĩa Marx. Cá đặc trưng cho các sinh vật sống bị biến đổi gen (GMO) như các “nhà máy – các nhà máy sống. Vi sinh vật, thực vật và động vật, thật ra chính là sự sống, qua các kỹ thuật của công nghiệp di truyền, được sử dụng như một phần trước của cách mạng công nghiệp”.

Tuy nhiên, GMO chỉ là một trường hợp cực đoan của những gì tư bản tìm kiếm để thực hiện đối với toàn bộ sự sống. Đó là, tư bản xóa bỏ những khác biệt phân biệt sinh vật sống với máy móc. “Đối với tất cả sự thành thạo công nghệ được đánh dấu bằng sự xuất hiện của máy móc thì”, Fish quan sát, “theo Marx tầm quan trọng của xí nghiệp nằm ở chỗ cách nó tiếp cận một sinh vật sống, sinh vật tự nhiên nhất”. Bình luận của Marx về xí nghiệp là một “sinh vật sống” là, đó là “lao động chết” sống lại khi được gắn vào một “lực tự nhiên”, là một ẩn dụ ít hơn là sự mô tả máy móc như những con quái vật của gánh nặng tư bản.

Sự thống trị và tuyệt chủng

Trochetiopsis melanoxylon, một loài thực vật “gỗ mun lùn” nội sinh ở Saint Helena đã bị tuyệt chủng vào năm 1771. Đó là năm Richard Arkwright mở xí nghiệp vải động cơ hơi nước đầu tiên ở Cromford.

Khi những người Marxist thấy rằng tư bản tìm cách chuyển đổi hệ thực vật và động vật thành máy móc thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi thấy mối quan hệ giữa tư bản với tự nhiên là gì, và làm cách nào Đợt tuyệt chủng thứ sáu lại là một vấn đề tư bản cố hữu. Có lẽ các công cụ Marxist hữu ích nhất là “sự thống trị thực tế” và “sự thống trị hình thức” đều đã được miêu tả trong “Bản thảo Kinh tế 1864-1866” của Marx. Sự thống trị hình thức xảy ra khi “các tiến trình sản xuất có một quyết tâm xã hội khác biệt do đó được chuyển thành tiến trình sản xuất của tư bản”.

Nếu trong thời kỳ tiền tư bản, một cá nhân sở hữu phương tiện sản xuất (ví dụ, một nông dân tiểu chủ) hoặc bị ràng buộc với một người ở cấp trên thông qua quan hệ xã hội dày đặc (ví dụ, một người học việc hoặc một nông nô), chủ nghĩa tư bản thay thế các quan hệ này bằng quan hệ trung gian bằng tiền. Thế nhưng, tiến trình công việc sẽ thay đổi rất ít nếu lao động chỉ bị thống trị về mặt hình thức.

Bất chấp tất cả những điều này”, Marx bình luận, “thay đổi được chỉ ra không có nghĩa là một thay đổi thiết yếu xảy ra từ buổi ban đầu trong cách thức thật sự mà tiến trình lao động được thực hiện… Vì vậy tư bản thống trị trong chính nó một tiến trình lao động sẵn có đang tồn tại, ví dụ như lao động thủ công, hình thức nông nghiệp tương ứng với trang trại nông dân độc lập quy mô nhỏ”.

Hình thức cơ bản nhất là nghề thủ công: Thợ dệt làm việc khi cô muốn và với tốc độ cô muốn, thường là ở nhà, đáp ứng các nhà tư bản vì tiền lương hoặc nguồn cung không thường xuyên. Điều này không hàm ý rằng sự thống trị hình thức là không có hại. Vì việc tăng năng suất mà không có máy móc là khó khăn, giá trị thặng dư tăng thêm chỉ có thể tăng tuyệt đối bằng cách kéo dài ngày làm việc.

Sự thống trị thực tế bắt đầu khi nhà tư bản đưa vào máy móc, chuyển đổi sản xuất thông qua “ứng dụng khoa học tự nhiên, cơ khí, hóa học… có ý thức”. Thay vì sử dụng dụng cụ bằng tay như trong sự thống trị hình thức, giờ đây công nhân sử dụng một cỗ máy chạy bằng “lực tự nhiên” như động cơ hơi nước hoặc than đá. Những thay đổi này cho phép tập trung lao động và gia tăng năng suất, làm cho việc suy giảm kỹ năng và giảm giá trị công nhân thuận lợi hơn, nhưng có lẽ quan trọng hơn là, nó buộc công nhân phải lao động nặng nhọc với tốc độ của máy móc và vì vậy, lao động với tốc độ do chính nhà tư bản đặt ra.

Khái niệm về thống trị của Marx có tính chủ động: Thống trị hình thức thường đến trước, nhưng khi hàng hóa do máy móc sản xuất bắt đầu cạnh tranh với hàng hóa làm bằng tay thì các công nhân thủ công sẽ có khả năng là tầng lớp bị tiêu diệt. “Lịch sử đã tiết lộ không có bi kịch nào khủng khiếp hơn sự tuyệt chủng dần dần của những người thợ dệt tay Anh quốc”. Hầu hết các nhà Marxist quanh quẩn ở đây, vì sự quan ngại với những người thợ dệt thủ công và những người thừa kế xui xẻo của họ. Nhưng, chỉ bằng cách thay đổi một chút góc nhìn của một người, có thể thấy được những gì sẽ xảy ra khi tư bản mở rộng phạm vi của nó tới những vương quốc hệ thực vật và hệ động vật.

Bạn có thể bắt đầu từ giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa của các quan hệ con người-tự nhiên, ví dụ giữa các động vật cho da lông và các dân tộc bản địa ở Bắc Mỹ. Khi con người săn hươu, rái cá, chuột xạ, và có lãi nhất là hải ly, việc tận diệt tất cả những động vật như thế là phi lý. Đó là vì nhu cầu của người săn bắn dễ dàng được đáp ứng, sẽ cần nỗ lực đáng kể để tìm ra con chuột xạ, rái cá, hoặc con hươu sống sót cuối cùng, và sẽ sẽ không còn con nào nữa cho tương lai. Do đó các đợt tuyệt chủng khá hiếm hoi trong các xã hội tiền tư bản (mặc dù có thể có ngoại lệ như đợt tuyệt chủng các động vật lớn – megafauna cách đây hàng ngàn năm).

Nhưng quan hệ giữa các dân tộc bản địa với động vật cho da lông đã thay đổi khi họ trở thành một phần của thị trường thế giới trong thế kỷ 17, một dịch chuyển lịch sử được Richard White kể chi tiết trong nghiên cứu cổ điển của ông, “Những cội rễ của sự phụ thuộc” (The Roots of Dependency).

Yêu cầu lông thú không thể đáp ứng từ các nhà buôn mũ phụ nữ châu Âu đã thúc đẩy các doanh nghiệp sớm như Bay Company của Hudson (ra đời năm 1670, tám năm sau khi con chim dodo cuối cùng bị giết) mở rộng ra khắp lục địa châu Mỹ. Các doanh nghiệp và các thương nhân đã giao việc săn bắn cho các dân tộc bản địa, biến lông hải ly thành một món hàng có thể trao đổi để lấy ấm đun nước, chuỗi hạt, súng, ngựa, dao.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, những người bẫy thú bản địa chỉ bị tư bản thống trị một cách hình thức, được làm việc khi nào và ở đâu mà họ muốn. Giá trị thặng dư chỉ có thể được gia tăng tuyệt đối, vì vậy các nhà tư bản cố gắng tìm kiếm thêm những người bẫy thú và khuyến khích họ giết nhiều hải ly hơn. Mặc dù họ săn nhiều hơn, nhu cầu của nhiều dân tộc bản địa là vừa đủ.

Không phải là lần đầu tiên, các nhà tư bản chuyển hướng sang buôn bán các mặt hàng gây nghiện, chẳng hạn như rượu, để mở rộng thị trường. Cuối cùng, quá nhiều động vật bị giết và khủng hoảng xảy ra sau đó. Những người bẫy thú có thể đi săn ở địa bàn khác hoặc chuyển sang các loài khác, nhưng các giải pháp này vẫn nằm trong phạm vi sự thống trị hình thức. Cuối cùng các trang trại cung cấp lông thú cũng sẽ trở nên khả thi, nhưng điều này đánh dấu một bước nhảy sang sự thống trị thực tế.

Sự thống trị thực tế xảy ra khi tư bản thành thạo các chức năng sinh học của một loài động vật hay thực vật, cho phép họ khai thác chúng như bất kỳ một cái máy nào khác. Giờ đây, tăng năng suất là khả thi, cho phép tư bản bóp chặt thêm giá trị thặng dư tương đối từ công nhân.

Ngành nuôi trồng thủy sản minh họa sự dịch chuyển từ sự thống trị hình thức sang thực tế: Khi số lượng nhiều loài cá suy giảm từ thập niên 1990, có một sự dịch chuyển sang nuôi cá như là gia súc. Cá nuôi được cho ăn thường xuyên hơn và phong phú hơn trong tự nhiên để được vỗ béo nhanh hơn. Kích cỡ của chúng có thể tăng cao hơn qua xử lý hormone kích thích tăng trưởng. Xử lý hormone thậm chí có thể thay đổi giới tính của một con cá, điều có thể là lợi thế nếu một loài có những đặc điểm khác nhau ở mỗi giới tính.

Can thiệp di truyền qua nhân giống chọn lọc hoặc kỹ thuật di truyền cũng khả thi, ví dụ như cá hồi nhãn hiệu AquAdvantage của AquaBounty Technologies. Trong bối cảnh xí nghiệp nuôi trồng thủy sản, lao động có hiệu năng cao hơn qua sự tự động hóa việc cho ăn để thay thế cho ăn bằng tay. Quy mô sản xuất có thể được mở rộng bằng cách tập trung cá với số lượng lớn hơn nhiều những gì có thể diễn ra trong tự nhiên, với tất cả những vấn đề đi kèm mà việc này mang lại như rác thải và bệnh tật. Cái sau có thể được giảm thiểu phần nào bằng cách chuyển hướng mạnh sang kháng sinh, trong khi cái trước có thể là một gánh nặng.

Bạn có thể phân biệt ba hình thức trung gian giữa sự thống trị thực tế và hình thức, có thể được gọi tên là “chăn nuôi”, “bắt cóc” và “xí nghiệp trong rừng nhiệt đới”. Chăn nuôi xảy ra khi việc chỉ thống trị một phần tiến trình cuộc sống của một sinh vật sống là rẻ đối với nhà tư bản. Ví dụ, bò sừng dài Texas đã được đánh giá cao trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 vì chúng có thể chống lại những con thú săn mồi và đủ cứng cáp để sống sót ngoài thảo nguyên. Vòng đời của chúng hầu như là hoang dã cho đến khi các nhà tư bản tìm cách làm chúng lớn nhanh hơn hoặc nhiều cơ bắp hơn để có lợi nhuận cao hơn. Cuối cùng, những sinh vật nhân tạo này phải được nhốt trong các trại chăn nuôi thay vì thả ra ngoài môi trường tự nhiên.

Trại cá giống tương tự như mô hình nuôi bò sừng dài, khi cá hồi nhỏ được nhân giống và đưa vào hồ, suối để bổ sung cho quần thể ban đầu đã bị suy giảm. Mặc dù việc sinh sản của chúng không tự nhiên, cá tự sinh tồn trong phần lớn cuộc đời mình, và tư bản chỉ cần đến lao động ở khâu cuối đánh bắt, giết và biến thành hàng hóa. Đó là một nửa chặng đường trong quy trình nuôi trồng thủy sản.

Bắt cóc là hình ảnh phản chiếu của chăn nuôi vì những khoảnh khắc đối lập trong vòng đời của một sinh vật bị thống trị, đó là sự trưởng thành sau khi ra đời. Một nghiên cứu tỏa sáng trong “Bi kịch Hàng hóa” (The Tradegy of the Commodity) theo dõi tiến trình này trong thị trường cá ngừ. Vì cá ngừ không thể sinh sản khi nuôi nhốt, ngư dân cố gắng đánh bắt và nhốt cá ngừ con hoang dã vào lồng quây để vỗ béo chúng cho thị trường. Vì vậy, đó là sự kết hợp giữa thống trị hình thức (đánh bắt cá) và thống trị thực tế (nuôi trồng). Dĩ nhiên, hình thức lai này chỉ đẩy nhanh sự suy giảm của một loài vì nó cho phép rất ít cơ hội sinh sản. Do đánh bắt và “bắt cóc” quá mức, số lượng cá ngừ Địa Trung Hải đã giảm mạnh những năm 1990, 2000. Số lượng các loài cá hồi trên toàn thế giới đã giảm 74% kể từ năm 1970 trên toàn cầu. Con số này che giấu các khác biệt theo khu vực và đó là điều tệ nhất ở Thái Bình Dương, nơi quần thể đã hoàn toàn suy thoái, chỉ còn 2-3% số lượng của chúng trong lịch sử.

Trong hình thức trung gian thứ ba, xí nghiệp rừng nhiệt đới, vòng đời của sinh vật sống bị săn bắt vẫn là hoang dã nhưng việc săn bắt thể hiện sự thống trị thực tế. Đánh bắt cá đã trải qua hàng thế kỷ bị thống trị hình thức ở các vùng biển Anh vì nhìn chung nó rất không hiệu quả, dù việc săn một vài loài động vật biển có vú ở Bắc Đại Tây Dương là trường hợp đặc biệt gây nguy hiểm cho loài.

Cuối năm 1882, nhà sinh vật học có ảnh hưởng Thomas Huxley tuyên bố trong bài diễn văn khai mạc Triển lãm Ngư nghiệp London là “có thể tất cả các loài cá biển lớn đều không thể cạn kiệt”. Nhưng chỉ 8 năm sau, các nhà khoa học thể hiện mối lo ngại về suy giảm cá nuôi do sự tham lam của các tàu đánh cá dùng lưới kéo chạy bằng động cơ hơi nước, một công nghệ chưa đầy hai thập niên tuổi đời.

Trong các thế kỷ 20 và 21, sự thống trị thực tế của săn bắt đại dương đã bị đẩy đến mức cực đoan lố bịch. Những người săn cá voi và ngư dân lái những chiếc thuyền mạnh mẽ giống như thiết giáp hạm hơn là những chiếc thuyền buồm khiêm tốn trong thời đại thuyền buồm. Chúng được trang bị tận răng với những cây lao móc phát nổ, các thiết bị đo nhiệt độ bề mặt nước, thiết bị lùa cá, các máy bay phát hiện và thiết bị dò tìm dưới nước bằng sóng âm. Việc giết mổ có thể diễn ra ngay trên tàu và nhờ các tủ đông lớn, các nhà máy nổi này có thể lênh đênh trên biển hàng tháng trời. Hiệu quả tàn bạo của việc đánh bắt lưới kéo kiểu công nghiệp, đề tài sở trường của báo Economist, đã buộc cả người phát ngôn của chủ nghĩa tân tự do ngay thẳng cũng phải tự cao là “đánh cá hiện đại thật ra tương tự như khai thác mỏ: Cá được kéo từ biển nhanh hơn chúng có thể được phục hồi”.

Chủ nghĩa cộng sản thuần chay

Karl Marx mất ngày 14/3/1883. 151 ngày sau, con lừa vằn cuối cùng chết trong một sở thú ở Hà Lan.

Một phân tích về sự thống trị thực tế và hình thức cũng như các hình thức trung gian của chúng, sẽ tiết lộ cụ thể cơ chế tuyệt chủng tư bản chủ nghĩa. Các nhà tư bản có thể cố gắng tiến lên từ sự thống trị hình thức đến thực tế khi số lượng một loài bị suy giảm, nhưng vòng đời của sinh vật có thể quá mong manh để chịu đựng sự khai thác của tư bản, ví dụ như cá ngừ.

Tư bản thậm chí có thể không bận tâm nếu có sẵn một sự thay thế phù hợp, chẳng hạn như bò sừng dài Texas đã thay thế bò rừng bizon. Nếu một sinh vật được kiểm soát qua sự thống trị thực tế thì nó không bị sự tuyệt chủng đe dọa, trừ khi nó biến mất qua nhân giống chéo như bò rừng Auroch năm 1627. Khi nông nghiệp chuyên sâu như nuôi cá hồi hoặc vỗ béo gia súc bắt đầu, tư bản sẽ cố gắng gia tăng giá trị thặng dư tương đối bằng cách tăng năng suất.

Cũng giống như năng suất của công nhân xí nghiệp thế kỷ 19 được gia tăng nhờ máy móc chạy bằng động cơ hơi nước có công suất cao hơn, tiêu thụ nhiều than đá hơn, dân số khổng lồ được duy trì nhân tạo của gia súc, đạt số lượng gần 50 tỷ, phụ thuộc vào cây trồng dùng nhiên liệu hóa thạch được duy trì với số lượng tương đương. Chúng là các nhà máy sống, đó là lý do vì sao các nhà nghiên cứu từ Học viện Worldwatch xem sự hô hấp của gia súc là một dạng ô nhiễm khí thải nhà kính, tương tự khí thải bị máy móc đẩy ra – hơi độc tạo ra 51 phần trăm tổng lượng phát thải.

Sự thống trị thực tế đã cho phép mở rộng công nghiệp động vật, và tiến trình này là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy chúng ta đi tới Đợt tuyệt chủng thứ sáu. Các ngành công nghiệp động vật cần hơn 4 tỉ hecta mặt bằng, gần phân nửa bề mặt không thể sinh sống của trái đất. Một lượng khổng lồ đất bị ăn cắp như thế gây ra vô số sự tuyệt chủng, nhưng sẽ có thêm nhiều sự tuyệt chủng nữa xảy ra nếu ngành công nghiệp thịt tăng gấp đôi vào năm 2050 theo dự báo.

Tình hình ở biển không khá hơn gì vì nhiều loài cá phổ biến, đặc biệt là cá ngừ, là loài ăn thịt phàm ăn. Với mỗi 1.000 tấn sinh khối cá ngừ (khoảng 2.000 con cá trưởng thành), hoạt động vỗ béo cá ngừ cần 50-60 tấn thức ăn cho cá mỗi ngày. Lượng thức ăn như vậy ngày càng khan hiếm vì nuôi trồng thủy sản và “bắt cóc” cá ngừ gia tăng, buộc tư bản phải thăm dò các độ sâu lớn hơn và đánh bắt bằng lưới kéo ở độ sâu hàng trăm mét vùng biển khơi trung (mesopelagic, sâu từ 200-1000 mét), tạo ra những vùng tuyệt chủng mới.

Theo cách này, ta có thể nhìn thấy các hệ quả của các hình thức trung gian. Chăn nuôi gia tăng áp lực lên các sinh vật khác khi động vật bị biến thành hàng hóa tiêu tốn vô số không gian, trong khi bắt cóc không chỉ đặt áp lực lên cả động vật bị thống trị mà cả hệ sinh thái xung quanh, và hình thức thứ ba, xí nghiệp rừng nhiệt đới, gia tăng sự phá hủy bất kỳ hình thức sản xuất nào chỉ thống trị tự nhiên về mặt hình thức. Tất cả những hình thức thống trị này phải được đảo ngược nếu có bất kỳ hy vọng nào để dừng lại Đợt tuyệt chủng thứ sáu. Điều này có nghĩa là trả lại ít nhất một nửa trái đất, bao gồm một nửa biển khơi cho tự nhiên. Hiện tại, chỉ 1/6 các vùng đất lớn của thế giới có sự bảo vệ, và tỉ lệ này ở biển là 1/20.

Những người Marxist nên phản đối mạnh mẽ sự thống trị tàn nhẫn của tư bản đối với tự nhiên, đối với việc biến cả thế giới thành một xí nghiệp, trung tâm thương mại hoặc thùng rác. Thông qua sự thống trị, tư bản làm cho cả con người lẫn các sinh vật khác xa lạ với bản tính giống loài của mình – cách mà chúng sống trong tự nhiên. Cánh tả phải phản đối quan điểm tân tự do rằng tự nhiên chỉ là một hình thức khác của tư bản. Thay vào đó, cánh tả phải nỗ lực ủng hộ sự tự hiện thực hóa của tự nhiên.

Điều này sẽ như thế nào, còn quá sớm để nói, do có quá ít tác phẩm của chủ nghĩa Marx về chủ đề này, nhưng ít nhất phải có thêm không gian cho hệ thực vật và động vật hoang dã, và điều này có nghĩa là gia súc phải được kiểm soát. Khi các phân tích được nêu ra ở đây áp dụng cho thực vật cũng nhiều như động vật, với sự lãng phí của việc chuyển đổi ngũ cốc thành sữa và thịt động vật, việc tránh các sản phẩm động vật ít nhất cũng giảm thiểu sự đồng lõa của con người với sự thống trịthiên nhiên của tư bản. Trở thành người ăn thuần chay là hành động đơn giản nhất và hiệu quả nhất mà một cá nhân có thể làm để giảm tác động môi trường của một người, mặc dù dĩ nhiên là, không một người theo chủ nghĩa Marx nào hài lòng với thứ chính trị “lối sống” đơn thuần.

Dù xã hội cộng sản tương lai sẽ có hình thức nào, sự xuất hiện của nó phải được bổ sung bằng sự loại bỏ công nghiệp động vật, thay thế bằng nông nghiệp thuần chay hữu cơ do cộng đồng điều hành để con người bước đi nhẹ nhàng trong sinh quyển trái đất. Mối quan hệ giữa nhân loại và tự nhiên nên được định hướng bằng sự khiêm tốn, thấu cảm và tự chủ.

REDSVN.NET

Tags: , , ,