⠀
Marx và Phật: Hai tư tưởng lớn trên cùng một quỹ đạo lịch sử
Khi các nhà tư tưởng trên thế giới bị bó hẹp trong thời đại của mình, Đức Phật và Karl Marx đã nhìn xuyên bề mặt xã hội bằng tư duy nhân – quả để đạt tới sự hiểu biết về những phương diện lịch sử rộng lớn hơn.
Trích dịch bài viết của Tiến sĩ Adrian Chan-Wyles, người sáng lập kiêm Giám đốc của Học viện Thiền Phật giáo ở London, Anh quốc.
Nguồn: Dharma As Socialism, Adrian Chan-Wyles, Buddhist-Marxism Alliance (UK), 2014.
Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net. Các tiêu đề phụ do Redsvn.net đặt.
Tương quan lịch sử của Đức Phật và Karl Marx
Triết học Marxist đã vượt qua truyền thống triết học châu Âu, và do đó có thể được coi là một phương pháp xuyên triết học. Đó là một hệ thống tư tưởng vượt qua giới hạn của mọi kiểu suy nghĩ đã từng tồn tại.
Một thái độ Marxist thực sự không gì khác hơn là mộ trạng thái tâm lý cấp tiến và vị lai, được biểu hiện theo cách “ngay ở đây và ngay bây giờ”. Quan điểm của chủ nghĩa Marx có thể được coi là tương đồng với “Pháp” của Phật giáo – cụ thể là khi đề cập đến một biểu hiện của “sự thật bẩm sinh” không phụ thuộc vào sự mặc khải của Thiên Chúa để biện minh cho sự tồn tại của mình.
Marx dường như đã đến với thái độ tự nhiên hậu hiện đại này bằng cách suy nghĩ vượt qua lối mòn kinh viện thông thường. Ông học tư tưởng Hy Lạp, tư tưởng châu Âu, và đã nhận thức được triết lý Phật giáo (qua tình bạn của ông với Karl Koppen, chuyên gia Đức về Phật giáo đầu và Tây Tạng). Ông đã kiểm tra các phương thức khác nhau để tổ chức tâm trí con người thông qua việc sử dụng tư tưởng, và phát triển cái nhìn sâu sắc để nhận thức được tâm trí con người hoạt động như thế nào, và vì sao.
Khi các nhà tư tưởng trên thế giới bị bó hẹp trong thời đại của mình, Đức Phật và Karl Marx đã nhìn xuyên bề mặt xã hội bằng tư duy nhân – quả để đạt tới sự hiểu biết về những phương diện lịch sử rộng lớn hơn.
Marx đã tìm lại “bản ngã đích thực” của mình, hay “ý thức đích thực”, trong khi Đức Phật “giác ngộ” về chức năng tâm trí của chính mình liên quan đến thế giới vật chất trong đó ngài sinh sống.
Đức Phật đã đối diện với tôn giáo thời đại của mình, và đưa nó về với cốt lõi phi tôn giáo của nó. Ngài đã sử dụng thiền định như một phương tiện để phục hồi “bản ngã thật sự” của mình. Điều này đồng nghĩa với việc bác bỏ hoàn toàn biểu hiện tôn giáo, chính trị và xã hội của nền văn hóa Bà La Môn.
Đức Phật kiên quyết bác bỏ quan niệm phân chia đẳng cấp dựa trên thần quyền. Thiền bị tước đi phép thuật, trạng thái thần bí gắn với các vị thần, trở thành một phương pháp đơn giản để tạo dựng và duy trì sự thanh sạch tinh thần. Mục đích của sự thanh sạch này được gọi là “Niết bàn” – trạng thái tinh thần vĩnh viễn không bị lòng tham và các và các bản năng khác chi phối.
Đức Phật đã thách thức hệ thống Bà La Môn tồn tại hàng trăm năm, hệ thống đã giúp một thiểu số nắm giữ quyền lực cai trị quần chúng thông qua hệ thống đẳng cấp ngột ngạt. Về bản chất, tất cả các hệ thống chính trị và xã hội tồn tại sự phân biệt giai cấp đều vận hành như vậy, dù mức độ biểu hiện có thể khác nhau.
Marx đã nhìn thấu điều này trong xã hội của mình và sự giác ngộ của ông là một hệ quả. Tất nhiên, cũng giống như Đức Phật tiếp tục sống trong một xã hội Bà La Môn cơ bản, Marx tiếp tục sống trong một hệ thống tư bản của giới tư sản. Sau khi trải nghiệm sự giác ngộ tương ứng, họ đã sống trong xã hội ngột ngạt và miễn cưỡng theo cách riêng của mình. Cũng đúng khi nói rằng cả hai người đều tin rằng thế giới bên ngoài có thể được biến đổi, và trạng thái áp bức giai cấp – đẳng cấp có thể được xóa bỏ thông qua việc bắt đầu thay đổi triệt để.
Đức Phật đã từ chối tính tôn giáo của hệ thống Bà La Môn và coi nó là sản phẩm của một ý thức nghịch đảo (tinh thần tạo ra vật chất). Đức Phật dạy, giống như Marx, rằng những ý niệm thần học về thần thánh và các đẳng cấp chỉ là sản phẩm của tâm trí con người. Các vị thần không tạo ra nhân loại (hay xã hội), mà ngược lại, thần thánh chỉ là sự tuôn ra của trí tưởng tượng không bị kiềm chế bởi logic của con người.
Nói cách khác, nếu nhân loại tạo ra các vị thần và tôn giáo, nó cũng tạo ra xã hội riêng của nó. Nhân loại tạo ra và duy trì thế giới tinh thần và vật chất (nền văn hóa, thiết chế xã hội) mà nó sinh sống từ bản tính tự nhiên của mình. Tất cả sự tồn tại của con người là sản phẩm của tư duy và hành động lịch sử.
Về điều này, Đức Phật dạy rằng các vị thần và tôn giáo tồn tại chỉ khi tâm trí con người tin vào sự tồn tại của chúng. Một khi tâm trí được giải phóng khỏi ảo tưởng có điều kiện của nó, nó sẽ thấy rõ ràng chuỗi nhân – quả trong suy nghĩ – hành động mới là điều chi phối sự tồn tại của con người.
Lịch sử nhân loại là tổng số suy nghĩ và hành động của mọi giai tầng, biểu hiện qua tâm trí và thể xác của từng cá nhân. Cá nhân, với tư cách thành viên của một giai cấp (hoặc đẳng cấp trong trường hợp Ấn Độ cổ đại), có khả năng “nhìn thấu” điều kiện hiện hành và trở nên tự do về tinh thần, trong khi vẫn tồn tại trong giới hạn xã hội của nó.
Tự do tinh thần dẫn đến hành động tiến bộ, là khởi đầu của sự chuyển đổi mang tính cách mạng ở cấp độ xã hội. Tâm trí của nhiều cá nhân phát triển thành hành động tập thể, cùng nhau mở ra thời cơ cho các lực lượng của lịch sử một cách hiệu quả và tiến bộ nhất. Đối với cả Marx và Đức Phật, quá trình này đòi hỏi sự phá vỡ hoàn toàn và tổng thể tôn giáo của quá khứ.
Những Phật tử buổi đầu ở Ấn Độ, theo lịch sử ghi lại, đã từ bỏ hoàn toàn tính tôn giáo của chủ nghĩa Bà La Môn, trong khi đối với châu Âu hiện đại, Marx (và Engels) yêu cầu người phương Tây phá vỡ hoàn toàn truyền thống thần học của Do Thái – Thiên Chúa giáo. Trong bối cảnh này, cả Bà La Môn và Thiên Chúa giáo có thể được đánh đồng với chính xác cùng một quá trình tâm lý đảo ngược tạo ra ảo tưởng rằng một thực thể thần thánh đã tạo ra nhân loại và thế giới nó sinh sống. Đây là lý do tại sao Marx và Phật đã xem “tôn giáo” là sự sai lầm và gốc rễ của mọi đau khổ trên trái đất.
Hoạt động như một sự phá vỡ nhận thức luận đầy đủ từ lịch sử của tôn giáo, cả chủ nghĩa Marx và Phật giáo không thể được gọi là “tôn giáo”, hoặc là “giáo lý tôn giáo”. Cũng giống như Marx đã hoàn thành và vượt qua giới hạn tư sản của truyền thống châu Âu về triết học, Đức Phật đã hoàn thành và vượt qua thần học và triết lý của Ấn Độ cổ đại.
Không gian vật chất – tinh thần được tiết lộ thông qua chủ nghĩa Marx và Phật giáo là giống hệt nhau. Vấn đề mà chủ nghĩa Marx và Phật giáo thường gặp phải, (và điều này có lẽ rõ rệt hơn sau này), đó là ảnh hưởng của tôn giáo và sự trở về trạng thái tinh thần nguyên thủy. Đối với chủ nghĩa Marx, đó chủ yếu là mối đe dọa lịch sử từ truyền thống Do Thái – Thiên Chúa giáo, trong khi đối với Phật giáo là mối đe dọa từ chủ nghĩa Bà Là Môn (nghĩa là Ấn Độ giáo).
Sức mạnh của tôn giáo để giam giữ chúng sinh trong trạng thái tinh thần mông muội cũng có sức mạnh để kéo các cá nhân tiến bộ khác trở lại ảnh hưởng của nó thông qua sự quyến rũ liên quan đến sức mạnh siêu nhiên. Đó là sức mạnh chi phối con người của hoàn cảnh lịch sử. Khi tâm trí suy nghĩ, cơ thể sẽ hành động; và từ những trải nghiệm của cơ thể, tâm trí sẽ suy nghĩ.
Chủ nghĩa Marx và Phật giáo trong thế giới đương đại
Tình hình của thế giới ngày nay là chủ nghĩa Marx và Phật giáo đã lan rộng ra ngoài môi trường văn hóa đã tạo ra chúng. Chủ nghĩa Marx đã lan truyền từ phương Tây sang phương Đông, và Phật giáo lan rộng từ Đông sang Tây. Phật giáo đã gặp phải chủ nghĩa duy vật và tôn giáo phương Tây, trong khi chủ nghĩa Marx đã tiếp xúc với tư duy và tôn giáo gắn liền với phương Đông.
Khi gặp phải sự khác biệt về bản chất này, khả năng giải mã mang tính cách mạng của phương ngữ Marxist, cùng với kỹ thuật tâm lý Phật giáo phải được duy trì để nhấn mạnh đến sự biến đổi liên tục của tâm trí và xã hội thông qua việc loại bỏ ảo tưởng và áp bức. Vì Phật giáo không phải là một tôn giáo, nó không thể bị phương pháp luận Marxist từ chối. Và vì chủ nghĩa Marx không phải là một ảo tưởng mang tính “tham” “sân” “si” của con người, Phật giáo sẽ không phủ định hệ tư tưởng này.
Thay vào đó, cả hai phương pháp đều tiết lộ chính xác cùng một khoảng không gian nhận thức, từ các quỹ đạo tương tự với đôi chút khác biệt.
Thuật ngữ “Pháp” trong Phật giáo ngụ ý một hành động chính xác đạt được mục tiêu được xác định rõ ràng. Đối với Đức Phật, đây là những lời dạy của ngài liên quan đến tâm trí, bản chất hoạt động của nó, và cách thay đổi hoặc chỉnh sửa chức năng này. Tuy nhiên, đối với Đức Phật, tâm trí không thể thay đổi mà không xem xét đến thể xác và môi trường vật chất. Sự tập trung tâm trí (thiền) được kiểm soát thông qua cơ thể, cho dù đó là đứng, ngồi, đi bộ, hoặc nằm xuống, và trong từng hơi thở.
Các hành động của cơ thể lại được quy định bởi các quy tắc tinh thần được thiết kế để kiểm soát hành vi. Tâm trí con người hiểu được lý do cho sự cần thiết của quy tắc, làm thế nào để thực hành các quy tắc, và lợi ích mong đợi từ khi quy tắc được thực hiện một cách chính xác. Không chỉ được áp dụng cho các hoạt động của cơ thể, các quy tắc tinh thần đồng thời cũng được áp dụng cho chức năng của tâm trí. Một cơ thể không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các điều kiện bên ngoài (thông qua phong cách sống) cho phép tâm trí hoạt động trong trạng thái yên bình. Tâm trí yên bình sẽ không tạo ra tham lam, hận thù, hay ảo tưởng, thì cơ thể sẽ được kiểm soát dễ dàng hơn trong một thế giới đầy phiền nhiễu và cám dỗ.
Đối với Đức Phật, giáo lý của ngài, hay “Pháp” là phương tiện để tạo ra một tâm trí yên bình bằng cách tiêu diệt các lớp tâm lý của tham, sân, si, và những hành động vật chất của những phản ứng quen thuộc trước sự hiện diện của chúng. Thông qua việc thực hành thiền một cách chính xác, con người có khả năng tiến dần đến trạng thái tâm lý này.
Kinh nghiệm sai lầm của tâm trí về thế giới được Marx gọi là “ý thức sai lầm”, và Đức Phật gọi là “vọng tưởng”, “vọng niệm”. Thông qua thiền định, con người có thể nhận thức hợp lý thế giới bên trong và bên ngoài như một thực thể thống nhất, không phân cực thành “vật chất” hay “ý thức” mà là sự kết hợp mang tính biện chứng của cả hai trạng thái này.
Đức Phật đã từ chối chủ nghĩa vật chất siêu hình, và cũng bác bỏ quan niệm định nghĩa thực tại là các ý niệm tinh thần. Điều này phản ánh chính xác cách tiếp cận được phát triển trong chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx (và Engels). Giải thích chủ nghĩa Marx là một lý thuyết duy vật siêu hình cũng sai lạc như việc định nghĩa Phật giáo là một tôn giáo thuần túy.
Thông qua việc tuân theo phương pháp thiền định Phật giáo và sửa đổi hành vi, một cá nhân có thể giải phóng tinh thần và thể chất khỏi sự phi lý của điều kiện lịch sử, ngay ở đây và ngay bây giờ. Trạng thái này sẽ cho phép phát triển hiệu quả hoạt động giai cấp theo hướng thiết lập chủ nghĩa xã hội.
Khi người Phật tử tiêu diệt tất cả các tâm lý “tham” “sân” “si” mang đặc tính xã hội tư bản, người đó sẽ tạo ra một chỗ đứng mới cho mình trong dòng chảy lịch sử, trong khi đồng thời hiện diện trong hệ thống tư sản. Trạng thái nghịch lý hậu hiện đại này hoàn toàn giống như trạng thái của những nhà tư tưởng vĩ đại vẫn còn sống trong một hệ thống tư sản nhưng cái nhìn sâu sắc của họ đã cho phép họ nhìn xuyên qua tình trạng của tình trạng khó khăn của mình, và do đó tự giải phóng tinh thần từ nó. Marx và Engels là hai trong số nhiều nhà tư tưởng lớn đã trải nghiệm thực tế này.
Một vị trí lịch sử như vậy khi đối mặt với hiện trạng xã hội tư bản (và tính tôn giáo của nó) mang tầm vóc một sự trải nghiệm tương lai của chủ nghĩa xã hội ngay ở đây và ngay bây giờ.