Lòng tin xã hội – nhìn từ Bắc Âu

Bắc Âu được xem là một mô hình kết hợp đặc biệt giữa “Chủ nghĩa tư bản vị lợi và chủ nghĩa xã hội vị tha”. Một trong những giá trị tạo ra sự khác biệt của các nước Bắc Âu là lòng tin xã hội. Bài viết phân tích vai trò, nguyên nhân, giải thích các yếu tố làm gia tăng lòng tin xã hội ở Bắc Âu, qua đó rút ra những giá trị tham khảo phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 

Lòng tin xã hội – nhìn từ Bắc Âu

Tác giả: ThS Hồ Thị Nhâm, Học viện Chính trị khu vực III.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018.

1. Lòng tin xã hội và vai trò của lòng tin xã hội

Lòng tin xã hội (social trust) là vấn đề được tiếp cận và nghiên cứu đa ngành, gắn với tên tuổi của các học giả nổi tiếng như Giddens, Putnam, Weigert, Lewis, Coleman, hay Francis Fukuyama,v.v.. Trong xã hội học, lòng tin xã hội được xem là một cấu phần chính của Vốn xã hội (social capital), cùng với các mạng lưới xã hội, các chuẩn mực xã hội (social norms). Anthony Giddens quan niệm về lòng tin xã hội như sau: “Có thể nói sự tin cậy là một phương tiện làm ổn định các mối quan hệ tương tác. Có thể tin cậy vào một người khác là có thể tin rằng người này sẽ có một loạt những phản ứng mà mình mong đợi”(1). Lòng tin xã hội được tiếp cận đa diện, đa chiều. Nếu cho rằng, niềm tin là một đặc tính cá nhân thì nó liên quan đến các đặc điểm cá nhân, đặc điểm nhân cách cốt lõi, các đặc điểm xã hội và nhân khẩu học riêng lẻ như tầng lớp, giáo dục, thu nhập, tuổi tác và giới tính. Nếu cho rằng, niềm tin xã hội là tài sản không phải của cá nhân mà là của các hệ thống xã hội thì nghiên cứu về niềm tin yêu cầu phải có một cách tiếp cận từ trên xuống, tập trung vào các thuộc tính chủ đạo và các thể chế trung tâm.

Lòng tin xã hội giữa người dân góp phần tạo ra một loạt các hiệu ứng tích cực, bao gồm sự tăng trưởng kinh tế, sự ổn định và chất lượng cho các thể chế dân chủ, tạo dựng sự hội nhập, hợp tác và hài hòa xã hội. Cụ thể là, sự tin tưởng làm giảm chi phí cho các giao dịch thông qua giảm bớt các thủ tục, mâu thuẫn và quy trình pháp lý. Chi phí giao dịch thấp hơn có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế cao hơn. Mức độ tin cậy cao sẽ giúp tạo ra sự thuận lợi cho đầu tư, là một loại chất bôi trơn cho nền kinh tế (Francis Fukuyama). Lòng tin xã hội cũng có vai trò tích cực trong việc tăng cường cố kết và trật tự xã hội. Với tính cách là một thành tố trong vốn xã hội, lòng tin xã hội giúp tăng cường vốn xã hội và ngược lại. Những người có mức độ tin cậy cao cũng thường nghiêng về nhận thức rằng họ có quyền kiểm soát tốt hơn cuộc sống và cơ hội sống của họ. Lòng tin cũng được coi là một thành phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia trong xã hội, giảm tội phạm và gia tăng hạnh phúc cá nhân.

Trong chính trị, lòng tin có vai trò rất quan trọng đối với sự tham chính của công dân. Đó là sự tin tưởng của người dân vào thể chế và chất lượng nền dân chủ. Lòng tin chính trị gắn liền với phạm trù về tính chính đáng (Legitimacy). Theo đó, tính chính đáng chính trị dựa trên niềm tin, sự nhận thức một cách có thiện chí của công dân về quyền lực chính trị thông qua sự bằng lòng hoặc ủng hộ của họ đối với một nhà nước hoặc tính ổn định và hợp pháp của một chế độ cai trị. Như vậy, tính chính đáng của chính quyền, bản chất được xây dựng trên cơ sở niềm tin của người dân, thừa nhận rằng chính quyền xứng đáng được cầm quyền. Niềm tin của người dân vì vậy mang lại cho chính quyền uy tín lãnh đạo. Việc xây dựng tính chính đáng là một quá trình diễn ra liên tục và không ngừng, bởi tính chính đáng được coi là một yếu tố đa diện, luôn luôn biến đổi của mỗi chính quyền. Điều này cũng đồng nghĩa với quá trình chính quyền phải không ngừng tạo dựng lòng tin từ công dân đối với việc cai trị của mình.

2. Lòng tin xã hội ở Bắc Âu

Độ tin cậy cao là một giá trị vàng đã được khẳng định, nằm trong hệ giá trị Bắc Âu. Ở Bắc Âu, sáu đặc tính phổ biến dễ dàng được tìm thấy là: Trung thực, công bằng, hiệu quả, tận tâm, tin tưởng vào chính phủ, bình đẳng giới và văn hóa đồng nhất (2).

Lòng tin cao góp phần làm nên công thức thành công cho các nước Bắc Âu. Trên thế giới, cụm các nước Bắc Âu luôn đứng đầu trên các bảng xếp hạng, từ chỉ số dân chủ, sự thịnh vượng quốc gia, tự do kinh tế, tự do báo chí, phát triển bền vững, chống tham nhũng; tới các chỉ số về giáo dục, hạnh phúc quốc dân, bình đẳng giới, và các giá trị toàn cầu. Theo Báo cáo của Hội đồng Bộ trường Bắc Âu có tiêu đề Is the Nordic Region best in the world? (2017), thì trong 12 chỉ số đã được công bố, so với châu Âu lục địa, Nam Âu, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ, Bắc Âu dẫn đầu ở 8 chỉ số(3). Những thành công của Bắc Âu có được dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có ba yếu tố chủ đạo là: Quản trị (Governance), Vốn xã hội (Social capital), Bình đẳng tương đối và các xã hội công bằng (Relatively egalitarian and equal societies)(4[1]). Trong Vốn xã hội, lòng tin xã hội của Bắc Âu được xem là “cao đặc biệt” so với các nước và khu vực khác trên thế giới. Lòng tin đó biểu hiện ở lòng tin về quyền tự chủ của cá nhân, lòng tin với thể chế và cả với người khác.

Có nhiều cách thức đo lường sự tin tưởng của các xã hội Bắc Âu. Khảo sát của Eurobarometer (khảo sát Xã hội châu Âu) về sự tin tưởng rộng rãi của xã hội (trái ngược với niềm tin của gia đình) cho thấy các nước Bắc Âu ở các vị trí hàng đầu. Bảng khảo sát về Mức tín nhiệm của công chúng đối với thể chế(5) (gồm báo chí, các Đảng phái chính trị, chính phủ, EU và Liên Hợp quốc),  thể hiện các xu hướng tin tưởng cao thuộc về ba quốc gia Bắc Âu là Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển.

Lòng tin của người dân Bắc Âu cũng thể hiện ở việc họ sẵn sàng đóng thuế cao. Họ tin tưởng rằng các công dân khác cũng đóng góp cho nền kinh tế thông qua hệ thống thuế, và các cơ quan công quyền quản lý doanh thu thuế một cách công bằng và hiệu quả, không bị tham nhũng.

Về xếp hạng các chỉ số: năng lực cạnh tranh toàn cầu, mức độ dễ dàng kinh doanh, khả năng đổi mới, sáng tạo toàn cầu, chỉ số cảm nhận tham nhũng, chỉ số phát triển con người và mức độ thịnh vượng; cho thấy các vị trí dẫn đầu thuộc về các quốc gia Bắc Âu(6).

Năm 2017, Đan Mạch đã trở thành đất nước hạnh phúc nhất thế giới, tiếp theo là Iceland, Phần Lan và Thụy Điển. Báo cáo tiêu chí này được dựa trên sáu tiêu chí chính: GDP, tuổi thọ khỏe mạnh, hỗ trợ xã hội, sự hào phóng, tự do và tin tưởng.

Tại sao lòng tin xã hội của Bắc Âu lại cao đặc biệt? Đây là kết quả của nhiều yếu tố được hun đúc theo thời gian thông qua các quy trình tương tác xã hội, trên nền tảng của các quy ước, các chuẩn mực xã hội, và trong khuôn khổ của những định chế xã hội nhất định. Có thể lý giải nguồn gốc lòng tin xã hội của Bắc Âu từ hai nhóm nguyên nhân: nhóm nguyên nhân tập trung vào các điều kiện xã hội, lịch sử và văn hóa, nhấn mạnh các điều kiện xã hội xác định các yếu tố liên quan đến tương tác xã hội, chẳng hạn như sự tham gia vào cuộc sống lao động và các hiệp hội, là điều quan trọng nhất để xây dựng sự tin tưởng vào một xã hội về lâu về dài; nhóm còn lại nhấn mạnh vào các điều kiện về thể chế chính trị và kinh tế xã hội.

Rasmus Fonnesb eck Andersen và Peter Thisted Dinesen thuộc trường Đại học Copenhagen trong ấn phẩm Social Capital in the Scandinavian Countries đã xem xét một số nghiên cứu, và khẳng định rằng các xã hội Bắc Âu có mức vốn xã hội cao ngay từ giai đoạn đầu. Trong các nghiên cứu khác, các nỗ lực đã được thực hiện để xác nhận điều này, ví dụ, kiểm tra người Thụy Điển di cư sang Mỹ và sự tin tưởng của họ. Kết quả cho thấy là “Ngay cả sau vài thế hệ, Người Mỹ có nền tảng Scandinavia mức độ tin tưởng xã hội cao hơn những người Mỹ khác”(7).

Có thể tiếp cận để lý giải cho những hiện tượng này bắt đấu từ các yếu tố lịch sử. “Từ thời đại của người Viking đã đề xuất các hệ thống quản trị và kinh doanh ban đầu như các yếu tố giải thích quan trọng” và “Bản chất phi phân cấp của Đạo Tin lành cho phép sự tin tưởng xã hội phát triển”(8).Trong lịch sử Scandinavia, đất nông trại thưa thớt ở đây đã không đủ cho số dân bản địa. Đối với cả Tây Âu và cả Đông Âu, cuộc di dân và các cuộc cướp bóc của người Viking (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển) đã làm thay đổi bản đồ chính trị. Nếu ở phía đông, người Viking gắn liền với việc buôn bán và cướp bóc (họ đã được mời can thiệp vào các cuộc chiến tranh giữa người Slav phương Đông vào khoảng năm 830), người Viking cũng bành trướng về cả phía Tây. Trong quá trình buôn bán như những thương gia, thương mại đường dài đã giúp họ sớm tạo dựng sự tin tưởng, uy tín duy trì cho việc giao thương. Thêm vào đó, Đạo Tin lành ở Bắc Âu cũng tạo ra những dấu ấn rất đậm nét, góp phần xây dựng lòng tin xã hội ở đây. Trong nền đạo đức Tin lành thì “Con người cho dù được cứu độ hay bị kết án, đều có nghĩa vụ lao động cho sự vinh quang của Thiên Chúa và Vương quốc của Người ở ngay trên thế gian này”(9).  Đạo đức Lutheran cũng nhấn mạnh một quy tắc vàng: “Hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn”. Một luận điểm mang tính dân chủ quan trọng của Đạo Tin Lành là “Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa”.Có thể nói, Đạo đức Luther đã có một tác động lớn đến lịch sử và các hệ thống kinh tế của thế giới Bắc Âu như đạo đức Calvinist về lịch sử và hệ thống kinh tế của Anh, Scotland, Hà Lan, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ.Các quốc gia Bắc Âu vẫn là một thành trì của đạo Tin lành Lutheran, với xu hướng nội quan, không trọng hình thức. Trong lịch sử, mối quan hệ nhà nước – nhà thờ cũng làm cho Bắc Âu khác biệt với nhiều quốc gia trên thế giới.

Văn hóa Bắc Âu có tính đồng thuận và định hướng tập thể, bị chi phối bởi nông nghiệp. Bắc Âu có một tầng lớp nông dân độc lập, lịch sử ít có đấu tranh giai cấp và giải quyết xung đột thiên về thỏa hiệp. Chế độ phong kiến Bắc Âu có nhiều điểm khác biệt so với các vùng lân cận như: Có sự vắng mặt tương đối của tầng lớp tư bản trung lưu giai đoạn sớm, nông dân ít bị áp bức, công nhân sớm được xã hội hóa. Sự chi phối bởi những người nông dân độc lập là kết quả của sự cá thể hóa nông nghiệp (gia tăng chủ hộ nông dân, các phong trào bao vây và cuộc cách mạng nông nghiệp diễn ra rất hòa bình). Sự phát triển với trang trại gia đình là đơn vị nông nghiệp cơ bản (ngoại trừ Đan Mạch, chế độ phong kiến đã có những cách quản lý riêng ở Bắc Âu). Điều này khác với hầu hết Tây Âu là nông nghiệp quy mô lớn và cũng khác với cả Đông Âu. Nếu hầu hết các khu vực khác của châu Âu đều có hệ thống phong kiến, nơi mà phần lớn dân chúng là nông dân không có quyền sở hữu đất đai riêng, những người nông dân độc lập Bắc Âu, trái ngược lại, đã kiếm được nhiều tiền từ đầu tư vào năng suất của các trang trại – quyền sở hữu đối với quần chúng rộng lớn.

Các hiệp hội tự nguyện cũng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Bắc Âu, phần lớn trùng hợp với sự chuyển đổi của các nước Bắc Âu từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Các hiệp hội nảy sinh trong thế kỷ XIX ở vùng Bắc Âu, là “các phong trào quần chúng”, thường là tự nguyện, đặc trưng bởi quá trình ra quyết định dân chủ. Các hiệp hội này đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong xã hội Bắc Âu. Ban đầu, nhiều người trong số họ có quyền lợi xung đột, nhưng dựa trên các cuộc đàm phán, tạo sự tin tưởng lẫn nhau để phát triển. Các hiệp hội cũng có mối quan hệ đặc biệt với nhà nước, có thể làm việc song song với nhà nước. Thái độ cởi mở của nhà nước đối với hiệp hội giúp gia tăng sự tin tưởng vào tổ chức và niềm tin chung trong xã hội. Mối quan hệ giữa nhà nước và hiệp hội này làm công dân có thể gây ảnh hưởng chính trị nhất định, điều này làm tăng lòng tin của người dân vào các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội khác. Tầm quan trọng của các phong trào quần chúng trong xã hội Bắc Âu đã giảm trong những năm gần đây, các thành viên của các hiệp hội truyền thống cũng giảm sút. Tuy nhiên, thay vào đó, thành viên của các loại liên kết mới hơn lại có chiều hướng gia tăng.

Bắc Âu cũng là nơi sớm có truyền thống tự do, dân chủ mà hệ thống Nghị viện là nền tảng của văn hóa Bắc Âu. Alþing, được chính thức thành lập vào năm 930 SCN, là cơ quan quốc hội lâu đời nhất trên thế giới, tại Þingvellir. Þing là một cơ quan mang tính dân chủ, thực thi pháp luật trong các xã hội Norse/ Germanic. Bắc Âu cũng có truyền thống sớm về tự do. Khái niệm quyền được thông tin xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1766 tại Thụy Điển trong Luật về Tự do báo chí. Đạo luật này, một mặt, cho phép tự do ngôn luận “trừ trường hợp báng bổ và chỉ trích Nhà nước”, mặt khác, công nhận cho công dân có quyền được “tiếp cận tài liệu công”. Đây là hai khía cạnh cơ bản, quan trọng nhất trong nội hàm của khái niệm quyền tiếp cận thông tin. Bắc Âu cũng có những nhà tự do xuất chúng. Nhà tư tưởng tự do được xem như “Adam Smith của Bắc Âu” là Anders Chydenius được biết đến như là người tự do cổ điển hàng đầu của lịch sử Bắc Âu, người có vai trò trụ cột trong việc soạn thảo Luật báo chí. Năm 1765, Chydenius từng xuất bản cuốn sách nhỏ mang tên National Gain đề xuất ý tưởng về tự do thương mại và công nghiệp, khám phá mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội, và đưa ra các nguyên tắc cho chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ hiện đại (Những tư duy kinh tế về bàn tay vô hình của Anders Chydenius trong cuốn sách được cho là ra đời trước The Wealth of Nations của Adam Smith đến 10 năm).

Một câu hỏi đặt ra là tại sao sự tin tưởng của Bắc Âu lại gia tăng trong thời gian gần đây? Điều này liên quan đến nhóm nguyên nhân thứ hai, đó là thể chế. Trong các yếu tố chủ chốt gần đây, chất lượng thể chế và sự công bằng – cộng với việc tham nhũng được đẩy lùi nói riêng – đang là yếu tố trung tâm([1]10).  Điều này thể hiện ở việc, các cá nhân và tổ chức sẵn sàng trả thuế, minh bạch hóa quá trình đưa ra quyết định và hạn chế tối đa tham nhũng. Yếu tố then chốt vẫn là các nhà nước Bắc Âu làm việc với một sự minh bạch và công bằng, mức độ toàn vẹn cao. Sự công bằng gắn liền với mục tiêu của các Đảng Dân chủ xã hội, các Đảng này vốn dĩ được khắc họa đậm nét trong lịch sử Bắc Âu, với khẩu hiệu Freedom (tự do), Justice (công bằng), Solidarity (đoàn kết). Nhà nước phúc lợi chung ở Bắc Âu cũng giúp ngăn chặn sự gia tăng tầng lớp dưới trong xã hội, giảm thất nghiệp và nâng cao trình độ dân trí dân chủ cho người dân. Sự công bằng và sự tin tưởng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong một nghiên cứu cổ điển, Francis Fukuyama nói về bán kính của sự tin cậy rằng: càng giống những người khác, bạn càng có xu hướng tin tưởng họ.

Các quốc gia Bắc Âu cũng luôn đứng đầu danh sách các quốc gia ít tham nhũng nhất. Bí quyết ở đây là việc xây dựng được bộ máy tư pháp độc lập, tự do truyền thông trong quản trị nhà nước dân chủ, xây dựng hệ thống pháp luật vững chắc, đội ngũ công chức nhà nước chuyên nghiệp, hiểu biết sâu sắc những quy tắc đạo đức rõ ràng về chống tham nhũng… Xã hội Bắc Âu cũng đề cao vấn đề liêm chính. Người ta tin rằng tham nhũng là đáng xấu hổ, trung thực và đáng tin cậy là sự cần thiết để tuân thủ các chuẩn mực xã hội và toàn vẹn cá nhân.

Trong một nghiên cứu vào năm 2007 của Viện Nghiên cứu kinh tế Phần Lan đã chỉ ra rằng: “So sánh một cách tổng thể với các nước khác, các nước Bắc Âu tốt hơn khi kết hợp hiệu quả kinh tế và tăng trưởng với thị trường lao động nhân bản, phân phối thu nhập công bằng và cố kết xã hội. Mô hình này tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều người tìm kiếm một hệ thống kinh tế – xã hội tốt hơn… Ở chiều ngược lại, điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là tại sao các nước Bắc Âu có thể trở nên thịnh vượng và tăng trưởng tốt với các khuyến khích kinh tế được xem là yếu đi cùng với thuế suất rất cao, một hệ thống an sinh xã hội hào phóng và chế độ phân phối bình quân(11[1]). Để có được điều này, sự khác biệt nằm ở mức độ tin tưởng cao, và không dễ tìm được ở nơi nào khác, tạo nên một mô hình Bắc Âu độc đáo và ngoại lệ.

*

Mặc dù hiện nay, tính bền vững của mô hình Bắc Âu còn gây nhiều tranh cãi, lòng tin xã hội của Bắc Âu cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong xu thế toàn cầu hoá, vấn đề thay đổi nhân khẩu học, vấn đề người nhập cư, tham nhũng gia tăng và sự khủng hoảng của dân chủ xã hội Châu Âu. Tuy nhiên, Bắc Âu vẫn là một mô hình thành công, có nhiều giá trị để các quốc gia tham khảo nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong những điều kiện cụ thể của riêng mình, trong đó có Việt Nam.

————————————

Chú thích:

(1) Anthony Giddens: Social Theory and Modern Sociology, Stanford, Stanford University Press1996,  p.136.
(2) Federal Reserve Bank of Philadelphia: (2014)  The Nordic model: successes, challenges & the future, http://www.norwegianamerican.com.
(3), (8) 8 chỉ số đó là: Chỉ số hạnh phúc thế giới, Chỉ số thịnh vượng, Chỉ số nhận thức tham nhũng, Chỉ số Tự do Báo chí, Chỉ số bất bình đẳng về giới, Chỉ số khoảng cách Giới Toàn cầu, Bảng Cải tiến châu Âu, Chỉ số Hiệu suất Môi trường .
(4) Nordic Council of Ministers (2017): Is the Nordic Region best in the world? p.14, http://norden.diva-portal.org.
(5), (6) The Economist. Special report: The Nordic countries, https://www.economist.com.
(7), (8) Nordic Council of Ministers: Trust – Nordic Gold, https://norden.diva-portal.org.
(9) Max Weber: Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản. Bản dịch tiếng Việt của Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.24.
(10) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Tài liệu Tọa đàm: Mô hình KTXH Bắc Âu – thành tựu và bài học kinh nghiệm.
(11) Torben M. Andersen, Bengt Holmström, Seppo Honkapohja,Sixten Korkman, Hans Tson Söderström, Juhana Vartiainen. The Nordic model. Embracing globalization and sharing risks. Printed in Yliopistopaino, Helsinki, 2007. ISBN 978-951-628-468-5.
(12)  Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.21-22.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,