Đừng cãi: Chủ nghĩa tư bản là vật trung gian chính truyền bệnh COVID-19

Không thể nghi ngờ gì nữa, mâu thuẫn của hệ thống tích lũy chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những rạn nứt dẫn đến một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn diện.

Phỏng vấn ông John Bellamy Foster, GS xã hội học tại Đại học Oregon, biên tập viên của Monthly Review, một tạp xuất bản hàng tháng tại thành phố New York, Mỹ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về các vấn đề chính trị, kinh tế, sinh thái, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa tư bản.

Nguồn: Catastrophe capitalism: climate change, COVID-19, and economic crisis – An interview of John Bellamy Foster / Mr Online / 01/04/2020.

Lược dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

– Từ lâu, ông đã phân tích và giải thích kỹ lưỡng quan điểm của Karl Marx về đứt gãy trong tương tác giữa con người và thiên nhiên. Ngày nay, trước đại dịch COVID-19, theo phân tích của ông, ông thấy tình hình như thế nào?

John Bellamy Foster: Rõ ràng, sự xuất hiện đột ngột của virus SARS-CoV-2 và đại dịch COVID-19 là điều tồi tệ đối với toàn thế giới. Cả nguyên nhân và hậu quả đều liên quan mật thiết đến các quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa. Lý thuyết của Marx về sự đứt gãy tương tác là một cách xem xét các mối quan hệ trao đổi qua lại, đặc biệt là các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau phức tạp của tự nhiên và xã hội, từ một cách tiếp cận hệ thống đã có từ rất lâu trước đó.

Marx xây dựng lý thuyết của mình dựa trên công trình của nhà hóa học người Đức Justus von Liebig, tập trung vào sự rạn nứt trong mối liên hệ của con người với đất đai. Dòng chảy của nông sản từ nông thôn vào thành thị đã đi cùng sự thoái hóa của đất cùng sự ô nhiễm của các thành phố. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa với sự tích lũy tuyến tính của nó đã tạo ra những rạn nứt hoặc đứt gãy trong cái mà Marx gọi là “sự chuyển hóa phổ quát của tự nhiên”.

Quan điểm về sự đứt gãy thực sự là quan điểm sinh thái cấp tiến vì nó áp dụng cho các quan hệ xã hội, và đặc biệt là xã hội tư bản. Đây là điều rất quan trọng để hiểu được đại dịch COVID-19 hiện nay. Rob Wallace – nhà sinh vật học tiến hóa, nhà dịch tễ học và nhà nghiên cứu thực vật học – cùng với nhóm các đồng nghiệp khoa học của mình đã lập luận rằng nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19 có liên quan đến các chu kỳ tư bản. Bản thân chủ nghĩa tư bản chính là vật trung gian truyền bệnh chính.

Wallace đã giải thích rằng nguồn gốc của SARS-CoV-2 và các loại virus mới khác gần đây là do hoạt động kinh doanh nông nghiệp theo mô hình tư bản thâm nhập sâu hơn vào các hệ thống tự nhiên, tạo ra những rạn nứt trong hệ sinh thái, cũng như giữa các loài, cho phép sự xuất hiện các đại dịch toàn cầu tiềm tàng.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng phê bình sinh thái / dịch tễ học này không phải là mới. Friedrich Engels thời trẻ đã đề cập sâu rộng đến các căn bệnh và các điều kiện dịch tễ học phổ biến vào thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, đặc biệt là các khía cạnh giai cấp của chúng, trong cuốn “Tình cảnh của giai cấp công nhân Anh” xuất bản năm 1845. Quan điểm này cũng đã được nêu ra trong các đoạn của bộ Tư bản của Marx.

Hơn một thế kỷ trước, nhà động vật học Ray Lankester – người bạn thân của Marx – trong cuốn “Vương quốc của con người” (1911) đã cảnh báo rằng tất cả các dịch bệnh hiện đại đều có thể bắt nguồn từ sự biến đổi sinh thái của con người. Ông nêu rõ, việc duy trì những đàn gia súc “phi tự nhiên” trên cánh đồng và trang trại với quy mô khổng lồ đã dẫn đến sự phát triển của các bệnh mới liên quan đến ký sinh trùng, vi rút và vi khuẩn. Ông cho rằng vấn đề cuối cùng nằm ở “thị trường” và “các nhà kinh doanh tài chính tầm cỡ quốc tế”.

Tuy nhiên, những cảnh báo của Lankester về sự trả thù của tự nhiên hầu như bị bỏ qua. Do đó, khi viết trên tạp chí Monthly Review vào tháng 9/2000, trong bài viết “Chủ nghĩa tư bản có phải là một dịch bệnh?”, nhà sinh thái học Richard Levins lập luận rằng việc không hiểu được mối đe dọa ngày càng tăng của các đại dịch bệnh là do con người đã không nhìn vào lịch sử thế giới tự nhiên để xem xét sự tiến hóa và sinh thái học của các loài.

Trong cuốn “Big Farms Make Big Flu” (2016), Robert G. Wallace giải thích rằng toàn bộ cấu trúc kinh doanh nông sản của chủ nghĩa đế quốc cần phải được đảo ngược nếu muốn ngăn chặn những dịch bệnh mới nổi như vậy.

Ngày nay, không thể nghi ngờ gì về thời đại Anthropocene (thế Nhân Sinh, thuật ngữ miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử Trái đất, với sự biến đổi địa chất do hoạt động của con người – Người dịch), rằng mâu thuẫn của hệ thống tích lũy chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những rạn nứt dẫn đến một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn diện.

Sự phân hóa xã hội mà chế độ tư bản tạo ra khiến cho những nguy cơ môi trường tồi tệ nhất sẽ giáng xuống những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, trong khi những người giàu sẽ tương đối an toàn. Điều này mang lại ý nghĩa mới cho lời buộc tội dành cho chủ nghĩa tư bản của Marx và Engels.

– Cuốn sách của ông – “Hành tinh dễ bị tổn thương” – kể về cách nền kinh tế tư bản phá hủy môi trường và hệ sinh thái của hành tinh chúng ta và đe dọa tất cả sự sống trên hành tinh này. Hệ thống đó đã hy sinh khoa học trên bàn thờ lợi nhuận. Nó đã chi phối vào khoa học y tế, khoa học tự nhiên để phục vụ cho sự tích lũy tư bản. Môi trường sống của con người đã được tổ chức theo những cách phi lý, vô nhân đạo. Làm cách nào ông đã thấy trước thực tế ngày nay – sự tổn thất sinh mạng rất lớn ở các quốc gia do đại dịch?

– Khi tôi viết cuốn “Hành tinh dễ bị tổn thương” hơn một phần tư thế kỷ trước, động lực để viết nằm ở mối quan tâm về biến đổi khí hậu, sự tuyệt chủng của các loài trên toàn cầu, nạn phá rừng trên thế giới và sự hủy hoại tầng ôzôn. Rõ ràng là chúng ta chỉ có thể giải quyết được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sinh thái toàn hành tinh nếu chúng ta hiểu được nền kinh tế – chính trị của chủ nghĩa tư bản nằm đằng sau nó. Một lập luận trung tâm trong cuốn sách là “khi nền kinh tế thế giới tiếp tục phát triển, quy mô của các quá trình kinh tế của con người bắt đầu cạnh tranh với các chu kỳ sinh thái của hành tinh, thảm họa sinh thái trên toàn hành tinh trở thành nguy cơ chưa từng có”.

Hơn nữa, điều này còn trở nên tồi tệ hơn bởi một hệ thống sản xuất tạo ra nhiều nhiều thải chất độc hại. Logic tuyến tính thiển cận, chỉ liên quan đến tích lũy tạo nên thực tế cấu trúc của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Do đó, sự va chạm giữa chủ nghĩa tư bản và môi trường không gì khác ngoài thảm họa trong thế kỷ 21, trừ khi nhân loại có thể đột ngột thay đổi hướng đi.

Đối với tôi, logic của điều này dường như khá rõ ràng vào thời điểm viết cuốn sách và được hỗ trợ bởi một sự đồng thuận khoa học lớn từ giới sinh thái học cánh tả, dù cũng có sự những quan điểm chống lại, cho rằng nó phóng đại mối nguy hiểm sinh thái đang đe dọa nếu xã hội.

Nhìn lại “Hành tinh dễ bị tổn thương” sau ngần ấy năm, ngược lại với những sự phản đối, tôi cho rằng cuốn sách vẫn chưa bao hàm được toàn bộ tầm mức của sự rạn nứt xảy ra trên hành tinh này. Từ năm 1999, tôi mới tiếp cận với một phương phá phê bình duy vật-lịch sử phát triển hơn dựa trên sự tái khám phá và xây dựng phân tích sinh thái của Marx, mở đầu cho cách để hiểu thấu đáo hơn về sự va chạm giữa chủ nghĩa tư bản và hành tinh.

Trên thực tế, điều quan trọng nhất của phân tích về sự đứt gãy tương tác là cho phép chúng ta hiểu đầy đủ hơn về quan hệ biện chứng tiêu cực của chủ nghĩa tư bản và môi trường. Điều này dẫn đến một cuộc khảo sát có hệ thống, được thực hiện bởi nhiều nhà sinh thái học Marxist, bao gồm các tác giả như Ian Angus, Paul Burkett, Brett Clark, Rebecca Clausen, Ryan Gunderson, Hannah Holleman, Stefano Longo, Fred Magdoff, Andreas Malm, Kohei Saito, Eamonn Slater, Del Weston và Richard York.

Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chỉ thay thế một lý thuyết về những mâu thuẫn sinh thái của chủ nghĩa tư bản bằng một lý thuyết tập trung vào những mâu thuẫn kinh tế của hệ thống. Thay vào đó, điều quan trọng là phải hiểu rằng cuộc khủng hoảng sinh thái hành tinh và sự suy thoái của nền kinh tế tư bản toàn cầu là những yếu tố có mối liên hệ biện chứng với nhau của cuộc khủng hoảng cấu trúc vốn xác định thời đại của chúng ta.

– Nhân loại thế giới chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống như vậy. Lối thoát là gì?

– Câu trả lời duy nhất, như Bertolt Brecht đã tuyên bố từ lâu, là “thoát ra khỏi ngôi nhà đang cháy”. Do hậu quả của biến đổi khí hậu, COVID-19, và cuộc khủng hoảng tài chính đang bùng phát của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, điều này cuối cùng đã được đảo ngược, người ta đột nhiên dễ dàng hình dung về sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản.

Hệ thống tư bản đã thất bại. Giờ đây, nhân loại sẽ phải chuyển sang cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới mới bền vững hơn, bình đẳng hơn, dựa vào các phương tiện vật chất đã có trong tay cũng như những gì mới sáng tạo ra.

Nhưng điều này sẽ không tự động xảy ra. Nó sẽ đòi hỏi cái mà Samir Amin, trong cuốn “Sự bùng nổ của chủ nghĩa tư bản đương đại”, gọi là “táo bạo, táo bạo nữa, táo bạo mãi”. Nó sẽ đòi hỏi một cuộc cách mạng phá vỡ toàn bộ cấu trúc của chủ nghĩa tư bản. Xã hội sẽ phải được tái thiết trên một cơ sở hoàn toàn mới. Sự lựa chọn trước mắt chúng ta thật rõ ràng: Bị hủy diệt hay tiến hành cách mạng.

– Xin cảm ơn ông vì đã làm sáng tỏ những vấn đề nhức nhối của ngày hôm nay.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , , , ,