Đại dịch COVID-19 có phải là dấu hiệu cho sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản?

Chủ nghĩa tư bản thông thường đang chết dần, hoặc ít nhất là biến thành một thứ gần gũi hơn với một phiên bản của chủ nghĩa cộng sản.

Tác giả: Paul Mason, nhà báo, nhà làm phim và nhà văn người Anh. Tác phẩm gần đây của ông là cuốn “Clear Bright Future: A radical defence of the human being” (Tương lai tươi sáng: Một sự bảo vệ triệt để cho con người), xuất bản năm 2019.

Nguồn: Will coronavirus signal the end of capitalism?, Paul Mason, Al Jazeera, 2020/04/03.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.  

Cuộc nổi dậy của nông dân sau trận dịch hạch thế kỷ 14 đã đánh bật chế độ phong kiến. Liệu đại dịch COVID-19 có phải là cột mốc báo hiệu sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản?
.

Đại dịch bắt đầu ở châu Á, xé toạc các thành phố thủ đô của châu Âu và quét sạch ít nhất một phần ba dân số của các quốc gia trên đường đi của nó. Khi dịch bệnh kết thúc, các cuộc nổi dậy bắt đầu, các thể chế tồn tại lâu đời đã sụp đổ và toàn bộ hệ thống kinh tế được cấu hình lại.

Đó là một mô tả ngắn về lịch sử của Cái Chết Đen, một cơn bão dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra, lây lan từ Mông Cổ sang Tây Âu vào những năm 1340.

Bởi vì nền kinh tế thời đó dựa trên nông nghiệp và thủ công nghiệp địa phương, cuộc sống bình thường đã trở lại tương đối nhanh chóng.

Nhưng, bằng cách giảm triệt để số lượng người lao động, nó đã cho những người sống sót gia tăng quyền lực thương lượng, và điều này sớm chuyển thành các khái niệm mới về tự do trong dân cư của các thành phố thời trung cổ.

Điều đó, đến lượt nó, bắt đầu một quá trình thay đổi kinh tế dấn đến chấm dứt hệ thống phong kiến, và có những ý kiến cho rằng nó đã kích hoạt sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Cơn ác mộng dịch bệnh của chủ nghĩa tư bản

Ngày nay, chủ nghĩa tư bản phải đối mặt với cơn ác mộng dịch bệnh của riêng mình. Mặc dù virus SARS-CoV-2 chỉ gây ra tỉ lệ tử vong từ 1% đến 4% ở những nơi có dịch bệnh, nhưng nó đang tác động vào một nền kinh tế phức tạp hơn nhiều so với nền kinh tế tồn tại từ những năm 1340. Nền kinh tế hiện tại dựa trên một trật tự địa chính trị mỏng manh và một xã hội đang bị ám ảnh bởi sự báo trước về những hệ lụy của biến đổi khí hậu.

Chúng ta hãy xem xét những thay đổi lớn mà đại dịch đã gây ra.

Đầu tiên, việc đóng cửa một phần cuộc sống hàng ngày ở phần lớn Trung Quốc, Ấn Độ, hầu hết châu Âu và nhiều tiểu bang ở Mỹ.

Thứ hai, thiệt hại đáng kể cho uy tín của chính phủ và giới tinh hoa chính trị, những người đã phủ nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, hoặc trong giai đoạn đầu đã chứng tỏ họ không có khả năng huy động các hệ thống chăm sóc sức khỏe để ứng phó.

Thứ ba, sự sụt giảm ngay lập tức trong chi tiêu của người tiêu dùng trên tất cả các nền kinh tế lớn, điều chắc chắn sẽ gây ra suy thoái sâu sắc nhất trong ký ức nhiều người. Giá trị cổ phiếu đã sụp đổ và điều này làm tổn thương các gia đình trung lưu có quỹ hưu trí dựa vào đầu tư cổ phiếu. Trong khi đó, khả năng thanh toán của các hãng hàng không, sân bay và chuỗi khách sạn đang bị nghi ngờ.

Đáp lại, các quốc gia đã đưa ra các gói giải cứu kinh tế lớn đến mức hầu hết mọi người vẫn chưa hiểu rõ về hệ lụy của chúng. Chính phủ Mỹ sẽ bơm 2.000 tỷ USD vào nền kinh tế – thông qua sự kết hợp thanh toán trực tiếp cho công dân và các khoản vay cho doanh nghiệp – sẽ là hơn một nửa số tiền mà họ thu được trong năm.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đã chuyển sang một hình thức nới lỏng định lượng mới. Giống như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vừa qua, họ sẽ tạo ra nguồn tiền mới để mua nợ chính phủ – nhưng lần này, nó sẽ không diễn ra từ từ, hoặc tập trung vào trái phiếu chính phủ an toàn nhất. Được giới thiệu như một biện pháp hoảng loạn trong năm 2008, có vẻ như việc nới lỏng định lượng sẽ đồng hành với chúng ta trong nhiều thập kỷ.

Các chính trị gia đang bận rộn trấn an cử tri rằng đó sẽ là một “cuộc suy thoái hình chữ V” – một sự sụt giảm mạnh sau đó là sự phục hồi, nhờ cái gọi là “nền kinh tế thực sự” mà họ tuyên bố.

Sụp đổ nền móng

Để hiểu tại sao điều đó quá lạc quan, chúng ta hãy sử dụng phép ẩn dụ của một tòa nhà.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hệ thống tài chính – giống như “mái nhà” – đã sụp đổ vào cấu trúc chính. Mặc dù bị hư hại, tòa nhà vẫn đứng vững và cuối cùng chúng ta đã xây dựng lại mái nhà.

Lần này, ngược lại, đó là nền tảng đang sụp đổ, bởi vì tất cả đời sống kinh tế trong một hệ thống tư bản dựa trên việc bắt buộc mọi người đi làm và tiêu tiền của họ. Bây giờ chúng ta buộc phải tránh xa công việc, ngừng chi tiêu những đồng lương kiếm được một cách khó khăn ở mọi nơi, bất kể tòa nhà – hệ thống tài chính – vững chắc đến mức nào.

Trên thực tế, tòa nhà không vững đến thế. Phần lớn sự tăng trưởng mà chúng ta đã trải qua trong suốt 12 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua được thúc đẩy bởi việc các ngân hàng trung ương in tiền, các chính phủ bảo lãnh cho hệ thống ngân hàng và nợ.

Thay vì trả nợ, chúng ta đã tích lũy thêm khoảng 72.000 tỷ USD nợ.

Không giống như thời kỳ của bệnh dịch hạch, hệ thống thương mại và tài chính thế kỷ 21 rất phức tạp – như chúng ta đã rút ra bài học năm 2008, có nghĩa là chúng rất dễ vỡ.

Nhiều tài sản lưu hành trong hệ thống tài chính – giống như trong cuộc khủng hoảng năm 2008 – là các gói IOU (giấy nhận nợ) phức tạp do các ngân hàng, tập đoàn bảo hiểm và các công ty tài chính khác phát hành. Giá trị của chúng nằm ở chỗ chúng đặt ra cho người sở hữu một yêu cầu về thu nhập trong tương lai.

Ví dụ, tư cách thành viên phòng gym, khoản vay nợ sinh viên, tiền thuê nhà, chi phí sửa xe của chúng ta trong năm nay, năm tới và hơn thế nữa đã được tính là “đã trả”, với những người trong hệ thống tài chính đặt cược liều lĩnh vào giá trị của chúng.

Nhưng điều gì xảy ra khi chúng ta không đến phòng tập thể dục, không mua một chiếc xe mới? Khi đó một số IOU trở nên vô giá trị và hệ thống tài chính phải được nhà nước bảo lãnh.

Điều không tưởng

Mặc dù hầu hết những người bình thường không hiểu điều này nguy hiểm như thế nào, những người nắm quyền lực vẫn làm. Đó là lý do tại sao họ đã thuyết phục các ngân hàng trung ương quốc hữu hóa thị trường trái phiếu.

Điều này có nghĩa là các quốc gia đang phát hành các khoản nợ để bảo lãnh cho người dân và các công ty – như với thỏa thuận 2.000 tỷ USD của Trump – và những khoản nợ đó đang bị nuốt chửng bởi một bộ phận khác của chính nhà nước – ngân hàng trung ương.

Các nhà kinh tế cánh tả, bao gồm cả tôi, đã cảnh báo rằng, về lâu dài, tăng trưởng trì trệ và nợ cao có thể dẫn đến ba chính sách này:

– Các quốc gia trả cho công dân một khoản thu nhập chung vì tự động hóa khiến công việc được trả lương trở nên bấp bênh và khan hiếm.
– Các ngân hàng trung ương cho nhà nước vay tiền trực tiếp để giữ cho nó hoạt động.
– Sở hữu công cộng quy mô lớn các tập đoàn lớn để duy trì các dịch vụ quan trọng không thể chạy theo lợi nhuận.

Trong những dịp hiếm hoi mà những lời đề nghị như vậy từng được đưa ra cho các nhà đầu tư trong quá khứ, câu trả lời thường là một cái lắc đầu lịch sự hoặc phẫn nộ. Nó sẽ giết chủ nghĩa tư bản, họ nói.

Nhưng bây giờ, điều không thể tưởng tượng là ở đây, tất cả là: Các khoản thanh toán toàn cầu, giải cứu nhà nước và cứu trợ nợ của các ngân hàng trung ương đều đã được áp dụng với tốc độ gây sốc ngay cả với những người vốn ủng hộ các biện pháp này.

Câu hỏi là, liệu chúng ta sẽ làm điều này một cách nhiệt tình, và với một tầm nhìn rõ ràng về một xã hội mới, hay miễn cưỡng, với ý định hồi sinh hệ thống vừa bị phá vỡ?

Chúng ta cần hiểu lý do tại sao các nhà kinh tế đã rất thù địch với các biện pháp thời khủng hoảng này cho đến nay.

Với các khoản thanh toán thu nhập toàn cầu, chính trị gia bảo thủ người Anh Iain Duncan Smith đã chỉ ra, vấn đề là họ có thể “không khuyến khích mọi người đi làm”.

Khi nói đến quyền sở hữu nhà nước và cố gắng lên kế hoạch sản xuất (ví dụ, cuộc tranh giành máy thở hiện nay), các nhà kinh tế thị trường tự do tin rằng những nỗ kiểm soát sẽ cản trở sự vận hành của thị trường – thứ mà theo quan điểm của họ hoạt động như một cỗ máy thông minh, mang lại trật tự cho thế giới theo cách mà không một cơ quan kế hoạch hay chính phủ nào có thể làm được.

Đối với việc cứu trợ các khoản nợ nhà nước của các ngân hàng trung ương, đây được coi là sự thừa nhận thất bại trên phương diện đạo đức của chủ nghĩa tư bản: Đó là tinh thần kinh doanh và cạnh tranh được cho là thúc đẩy tăng trưởng, chứ không phải Ngân hàng Anh Quốc hay Fed in tiền và cho họ vay tiền của kho bạc. Do đó, một chủ nghĩa tư bản phụ thuộc vĩnh viễn vào các cơ chế này là điều không tưởng đối với hầu hết các nhà kinh tế truyền thống.

Trong ngắn hạn

Đối với tôi, những biện pháp khẩn cấp này luôn luôn là điều có thể nghĩ tới. Từ năm 2015, tôi đã lập luận rằng chúng ta sẽ buộc phải áp dụng một mô hình chủ nghĩa tư bản mới và rất khác biệt, nếu không phải do chi phí kinh tế của việc hỗ trợ dân số già, thì do mối đe dọa của sự bất ổn khí hậu.

Nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 đưa mọi thứ vào ngắn hạn.

Chủ nghĩa tư bản từ giữa những năm 2020 sẽ trả được hàng chục tỷ USD trong các khoản thanh toán thu nhập cơ bản, nó sẽ thấy các hãng hàng không và chuỗi khách sạn bị quốc hữu hóa, và các khoản nợ từ chính phủ của các nền kinh tế tiên tiến, hiện chiếm trung bình 103% tổng sản phẩm quốc nội của họ, sẽ cao hơn mức đó. Chúng ta không biết cao hơn bao nhiêu, vì chúng ta chưa biết GDP sẽ giảm bao nhiêu.

Nếu chúng ta thực sự thiếu may mắn, một loạt các khoản nợ sẽ vỡ, sự gắn kết chính phủ ở một số quốc gia mong manh sẽ tan vỡ và có thể làm tổn hại nghiêm trọng trật tự toàn cầu. Các nhà hoạch định an ninh lo ngại rằng nếu các quốc gia như Venezuela, Triều Tiên hay Ukraina rơi vào hỗn loạn, sự cám dỗ của giải pháp quân sự từ các láng giềng lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga để giải cứu họ sẽ rất mạnh.

Chúng ta đã thấy sự mất cân bằng nhanh chóng trước đó, vào đầu những năm 1930. Nó bắt đầu với một cuộc khủng hoảng ngân hàng, dẫn đến sự phá vỡ các thỏa thuận tiền tệ quốc tế và kết thúc bằng sự từ chối các điều ước quốc tế và các phụ lục ràng buộc.

Mặc dù cuộc khủng hoảng ngày nay bắt đầu với các tổ chức mạnh hơn nhiều – Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới, Liên hiệp quốc – chúng ta phải đối mặt với cùng một vấn đề cơ bản như trong những năm 1930: Sự vắng mặt của một quốc gia hùng mạnh nắm vai trò dẫn dắt, đặt ra các tiêu chuẩn hành vi và hành động như một người cho vay cuối cùng.

Nếu chúng ta tuân theo các cuốn sách kinh tế chính thống hiện tại, thì cũng như sau năm 2008, khi khủng hoảng kết thúc, giới tinh hoa chính trị sẽ kêu gọi thắt lưng buộc bụng hơn – cắt giảm y tế, cắt giảm lương và tăng thuế đánh vào người dân bình thường để giảm chi tiêu của chính phủ và làm xói mòn đống nợ.

Đó là logic của thị trường tự do, nhưng nhiều người sẽ coi đó là sự điên rồ.

Vào thế kỷ 14, một khi giai đoạn chết chóc hàng loạt của bệnh dịch hạch đã kết thúc, đó chính xác là điều mà giới tinh hoa phong kiến đã cố gắng thực hiện: Tái hiện các đặc quyền và truyền thống về logic kinh tế cũ của họ – trên một cộng đồng dân cư vừa trải qua sự kiện đau thương nhất có thể tưởng tượng.

Điều đó đã dẫn đến các cuộc nổi dậy ngay lập tức và đẫm máu – cuộc nổi dậy của nông dân ở Anh, và ở Pháp – được gọi là Jacquerie. Tại Pháp, các thành phố như Ghent, Paris và Florence đã được tiếp quản và lãnh đạo bởi một nhóm công dân được gọi là “tư sản” (bourgeois).

Mặc dù các cuộc nổi dậy sau bệnh dịch hạch đã thất bại, nhà sử học Samuel Kline Cohn viết trong cuốn sách của mình, Ham muốn tự do (Lust for Liberty) rằng chúng đã dẫn đến một sự thay đổi tư duy vĩnh viễn trong quần chúng. Ông viết: “từ sự tuyệt vọng và sợ hãi đến một sự tự tin mới… rằng họ cũng vậy, có thể thay đổi thế giới, làm biến đổi căn bản các điều kiện xã hội và chính trị trong cuộc sống của họ“.

Và điều đó, đến lượt nó, mở đường cho các cuộc cách mạng tư sản giải phóng chủ nghĩa tư bản.

Hành tinh tư bản

Để hiểu những gì chúng ta phải làm ngày hôm nay, chúng ta cần một tầm nhìn rộng lớn hơn là những thứ đang tồn tại trong tâm trí của hầu hết các chính trị gia đương thời.

Đối với họ, cả đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu chỉ là cú sốc đến từ bên ngoài, không khác gì cuộc tấn công của các tiểu hành tinh nhằm vào Trái đất, đòi hỏi con người phải có phản ứng tạm thời và có thể đảo ngược.

Nhưng thực tế không phải vậy. Chúng là những cú sốc được tạo ra bởi chính “chủ nghĩa tư bản hành tinh”, hoặc ít nhất là dưới hình thức chúng ta đã áp dụng nó.

Chúng ta không biết một chủ nghĩa tư bản công nghiệp không có carbon sẽ như thế nào vì các thể chế, thực tiễn và văn hóa của chúng ta đều dựa trên việc khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Tương tự như vậy, chúng ta không biết toàn cầu hóa sẽ như thế nào nếu không có một tỷ người sống trong các khu ổ chuột, nạn phá rừng, buôn bán động vật hoang dã và tình trạng nghèo đói lan rộng trong thế giới phát triển. Những căn bệnh đó đã trở thành những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa tư bản trong sự tồn tại thực sự của nó.

Đó là lý do tại sao tôi đã lập luận rằng chủ nghĩa tư bản khó có thể tồn tại, về lâu dài. Và trong ngắn hạn, nó chỉ có thể tồn tại bằng cách áp dụng các tính năng của “chủ nghĩa hậu tư bản” – nói theo cách khác là chủ nghĩa xã hội.

Cho đến trước khi virus Corona tấn công, chủ nghĩa xã hội dường như là một tiếng kêu hoang dại. Ngay cả các chương trình can thiệp nhà nước tương đối nhẹ nhàng được ủng hộ bởi các chính trị gia cánh tả như lãnh đạo đáng Lao động của Anh, Jeremy Corbyn, hay ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders, đã bị các cử tri từ chối.

Vì vậy, tôi đã choáng váng khi thấy các nhà phân tích từ tập đoàn đầu tư Australia, Macquarie Wealth, một trong những công ty tư bản nhất thế giới, nói với các nhà đầu tư: “Chủ nghĩa tư bản thông thường đang chết dần, hoặc ít nhất là biến thành một thứ gần gũi hơn với một phiên bản của chủ nghĩa cộng sản“.

Các nhà phân tích của Macquarie hiểu rằng điều này không chỉ vì chúng ta đột nhiên cần sự can thiệp của nhà nước, mà còn bởi vì các ưu tiên của người dân bình thường đã chuyển các lựa chọn thị trường sang các khái niệm về sự công bằng và phúc lợi.

Nếu trận bệnh dịch lớn của thế kỷ 14 kích hoạt trí tưởng tượng hậu phong kiến, thì có thể, và mong rằng, COVID-19 sẽ sớm kích hoạt một viễn kiến về xã hội “hậu tư bản” – chủ nghĩa xã hội.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: ,