ASEAN với những thách thức bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững là vấn đề toàn cầu. Là khu vực có môi trường sinh thái đa dạng, thuận lợi cho phát triển, tuy nhiên hiện tại ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức môi trường mang tính toàn cầu cũng như những thách thức riêng của khu vực.

Khu vực đa dạng sinh học của thế giới

Đông Nam Á là một khu vực của châu Á nằm ở phía nam Trung Quốc, phía đông Ấn Độ và phía bắc của Úc, đa số các nước nằm trên các bàn đào, đảo và quần đảo. Do nằm ở khu vực xích đạo, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đa phần diện tích các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên khu vực này có đa dạng sinh học cao nhất thế giới.

Khu vực này có chiếm tới 5% diện tích rừng thế giới, 20% đa dạng sinh học của thế giới, 34% rạn san hô,và tạo ra 17% tổng lượng cá của thế giới, một con số lớn mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Khu vực này có 52.000 km2 rừng ngập mặn và 25 triệu ha đất than bùn, chiếm tới 60% diện tích đất than bùn nhiệt đới của thế giới. Các cánh rừng ở Đông Nam Á là rừng mưa lâu năm nhất trên trái đất, và có sự đa dạng sinh học phong phú hơn cả rừng mưa ở châu Phi hay Amazon. Ba quốc gia trong khu vực có “sự đa dạng to lớn”: Indonesia (17.157 loài), Malaysia (21.914 loài), và Philippin (18.535 loài). Đồng bằng sông Mêkông, là nơi cư ngụ của khoảng 1.200–1.700 loài cá được đánh giá là nơi sự đa dạng của các loài cá tính trên đơn vị lưu vực cao gấp ba lần so với sông Amazon.Tính đặc hữu của loài cũng rất cao tại khu vực này, với 26.268 loài đặc hữu được ghi nhận trong năm 2008. Trên bình diện toàn cầu, Philippin có số lượng cá thể động vật có vú và chim muông đặc hữu lớn thứ năm. Đông Nam Á có bốn trong số 25 điểm đa dạng sinh học được xác định trên toàn cầu. Các quốc gia có tính đa dạng sinh học và đặc hữu cao nhất cũng thường được nhận thấy có số loài bị đe dọa đông nhất. Hàng trăm loài trong vùng này thuộc nhóm đang bị đe dọa, dẫn tới nguy cơ cho đa dạng sinh học của vùng.

Khu vực này còn là nơi có Tam giác san hô, còn được gọi là“Amazon của đại dương” – vùng tam giác với diện tích gần 6 triệu km2, thuộc vùng biển nhiệt đới của Indonesia, Malaysia, Papua New Ghine, Philippin, quần đảo Xôlômông, và Timor-Leste. đây là vùng biển đa dạng sinh học nhất trên trái đất, chiếm 75% rạn san hô của toàn cầu.

Với nguồn tài nguyên nước phong phú, Đông Nam Á là quê hương của một số hệ sinh thái nước ngọt độc nhất vô nhị, ví dụ biển hồ Tonle Sap tại Campuchia, Hồ Toba tại Sumatra và hệ thống sông Mêkông, chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ vào biển Đông. Các hệ sinh thái nước ngọt là nguồn cung cấp nước thô và lương thực do sự phong phú về sinh học của các loài cá, động vật lưỡng cư, động vật không xương sống và các loài thủy sinh. Campuchia, Indonesia và Việt Nam có số lượng các loài cá nước ngọt lớn đáng kể.

Những thách thức môi trường ảnh hưởng tới phát triển bền vững

Mặc dù thời gian qua thế giới có nhiều biến đổi, kinh tế có xu hướng tăng trưởng chậm lại song Đông Nam Á vẫn được đánh giá là khu vực phát triển năng động, mức sống của người dân trong khu vực được cải thiện đáng kể. Mức tăng bình quân của các nước trong Cộng đồng ASEAN đạt 4.6% năm 2014 và 4,7% năm 2015.

Quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa của các nước ASEAN đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với vấn đề môi trường của khu vực.

Thứ nhất, đó là tăng dân số và đô thị hóa tạo sức ép lớn đối với môi trường sinh thái. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày càng gia tăng để phục vụ nhu cầu đời sống cũng như phát triển kinh tế. Nhu cầu về lương thực thực phẩm, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhu cầu đất ở đô thị ngày càng tăng lên dẫn tới việc xâm hại tự nhiên. Mật độ dân số lớn, tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức cao gây khó khăn cho quá trình bảo vệ môi trường của khu vực. Đồng thời với đó là lượng chất thải ngày càng gia tăng, bao gồm cả khí thải, nước thải, rác thải trong khi khả năng xử lý chất thải của khu vực còn nhiều hạn chế. Do vậy, không chỉ đa dạng sinh học bị suy giảm mà vấn đề ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nghiêm trọng của các nước ASEAN.

Thứ hai là việc sử dụng, khai thác không hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phá rừng và khai thác gỗ trái phép; buôn bán trái phép các loài hoang dã; tàn phá đại dương và đánh bắt cá trái phép và không bền vững là những vấn nạn của khu vực, sau nhiều nỗ lực vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù khu vực có nguồn nước ngọt dồi dào, song việc sử dụng lãng phí, khai thác nước mặt và nước ngầm quá mức, quy hoạch hệ thống thủy điện không hợp lý dẫn tới một số khu vực bị hạn hán, xâm nhập mặn , nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng, nhất là nguồn nhiên liệu hóa thạch, đá quý, kim loại quý song thời gian qua nhiều nước trong khu vực khai thác triệt để phục vụ phát triển kinh tế trong khi công nghệ chế biến tương đối lạc hậu nên giá trị không cao. Mặt khác khai thác khoáng sản tạo nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái.

Thứ ba, đó là biến đổi khí hậu. Hiện tượng trái đất nóng lên, nước biển dâng có ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực ASEAN. Một nghiên cứu của ADB năm 2009 cho thấy trong giai đoạn 1951–2000, cứ 10 năm, nhiệt độ trung bình đã tăng lên 0,1–0,3°C, và mực nước biển tăng 1–3 mm mỗi năm cùng với lượng mưa giảm.Các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, và lốc xoáy nhiệt đới ngày càng khắc nghiệt và thường xuyên hơn, gây thiệt hại nặng nề đối với tài sản, của cải và sinh mạng con người.Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tất cả các vấn đề môi trường hiện tại ở các nước Đông Nam Á là nơi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu do tình trạng tập trung dân cư dọc các bờ biển, sinh kế lệ thuộc vào nông nghiệp, khai thác hải sản và tỷ lệ nghèo cao.Hơn 560 triệu người dân Đông Nam Á sinh sống dọc theo các bờ biển đang đối mặt với vấn đề nướcbiển dâng. Mực nước biển tăng dự kiến 40 cm vào năm 2080 sẽ buộc di dời 21 triệu người dân Đông Nam Á, gồm cả 10% cư dân sống ven bờ sông Mêkông. Nước biển dâng đe dọa nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt,tưới tiêu. 115 triệu ha đất nông nghiệp của khu vực ASEAN đang bị đe dọa bởi hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy nhiệt đới liên quan tới hiện tượng ấm lên toàn cầu. Gia tăng nhiệt độ và sự căng thẳng về nước, các hiện tượng thời tiết cực đoan, các loài gây hại và bệnh dịch liên quan tới khí hậu, tất cả đều góp phần vào sự suy giảm tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại rất nhiều nơi trong khu vực. Ngoài nông nghiệp, ngành ngư nghiệp cũng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, do nhiệt độ tăng dẫn tới giảm sản lượng cá.

Bên cạnh những thách thức chủ yếu đó, vấn đề môi trường của ASEAN còn chịu tác động của việc một số nước xây dựng quy hoạch phát triển chưa phù hợp, thu hút đầu tư ồ ạt, thiếu lựa chọn; luật pháp và chính sách bảo vệ môi trường chưa đồng bộ và chưa được thực hiện nghiêm. Những thách thức trên đã khiến cho môi trường sinh thái của khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc duy trì phát triển bền vững của ASEAN.

Trước mặt, để đối phó với các thách thức về môi trường, Cộng đồng ASEAN cũng như từng quốc gia thành viên phải quan tâm tới giải quyết các vấn đề như quy hoạch lại hệ thống thủy điện và kênh mương dẫn, thoát nước trên bình diện khu vực để hạn chế tình trạng lũ lụt, hạn hán vè xâm nhập mặn nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên. Để bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm cần cải tiến quy định, cấp phép và thực thi pháp luật liên quan tới nước ngầm, định giá nước ngầm, bổ sung tầng nước ngầm, tăng cường các nguồn cấp nước trên bề mặt trái đất, đặc biệt cho mục đích công nghiệp. Đối với vấn đề ô nhiễm, trong đó có ô nhiễm môi trường biển ASEAN cải tiến quy định, cấp phép và thực thi các tiêu chuẩn chất lượng nước thải, khí thải; hỗ trợ các nước nghèo trong khối áp dụng công nghệ xử lý rác thải chi phí thấp, phân loại rác thải. Để bảo vệ rừng, đa dạng sinh học cần kiểm soát khói mù xuyên biên giới do tình trạng cháy rừng, đốt rừng; kiểm soát việc buôn bàn và săn bắn động vật trái phép; chuyển đổi việc làm và sinh kế, tập quán cho người dân sống nhờ tài nguyên rừng. Đồng thời, các quốc gia ven biển cần quan tâm trồng, phục hồi rừng ngập mặn, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình kinh tế để ứng phó tốt với biến đổi khí hậu

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững là vấn đề toàn cầu. Là khu vực có môi trường sinh thái đa dạng, thuận lợi cho phát triển, tuy nhiên hiện tại ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức môi trường mang tính toàn cầu cũng như những thách thức riêng của khu vực. Để giải quyết vấn đề này, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực nội khối cũng như liên kết với các nước trong khu vực để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, những quyết tâm của ASEAN phải được hiện thực hóa tốt hơn bằng những hành động cụ thể của các nước cũng như của Cộng đồng.

Theo YÊU MÔI TRƯỜNG

Tags: , , , , , ,