Trào lưu Hippie và sự tác động đến cuộc chiến tranh Việt Nam

Từ lâu chúng ta hay nghe nói đến từ Hippie, nói nôm na Hippie là dân ăn mặc luộm thuộm, đầu tóc xuề xòa, nghe nhạc rock, rượu chè bê bết. Vậy thực sự Hippie là những ai, từ đâu mà có và đặc biệt những ảnh hưởng của họ ra sao?

Qua nhiều tài liệu và phim ảnh, mình muốn định nghĩa lại một cách cụ thể và rõ ràng hơn để chúng ta có thể hiểu rõ về Hippie, những ảnh hưởng của họ đến xã hội Mỹ. Nhưng thú vị và đặc biệt hơn, điều mà ít ai nói tới, đó là ảnh hưởng to lớn của họ đến chiến tranh Việt Nam vào cuối thập niên 1960, đầu 1970.

Hippie là gì?

Từ ”Hippie” được dùng để chỉ những người (đa phần là giới trẻ) nổi loạn, đi ngược lại những quy tắc xã hội, đặc biệt là đối kháng với chính quyền. Phương châm của họ là đòi hỏi quyền tự do, chống chiến tranh, yêu hòa bình, bình đẳng sắc tộc, giới tính, gần gũi hòa nhập với thiên nhiên. Họ ăn mặc màu mè, luộm thuộm, để tóc dài, tóc tai bù xù, dùng âm nhạc để thể hiện họ là những fan cuồng nhạc Rock, đặc biệt là loại acid Rock hoặc Psychedelic Rock (tạm gọi là Rock ma túy), hút thuốc cùng rượu bia ở cường độ cao, dùng chất kích thích như ecstasy, LSD (một loại chất kích thích rất phổ biến thời bấy giờ) để tìm cảm giác hưng phấn. Họ ủng hộ quan hệ đồng giới, quan hệ tình dục phóng túng, nhưng thú vị hơn là Phật Giáo được rất nhiều người hippie tôn sùng.

Nói tóm lại, để định nghĩa Hippie, bạn chỉ cần nhớ 3 thứ: ”Music – Drogue – Sex / Âm nhạc – Ma Túy – Tình dục”.

Dân hippie bị ảnh hưởng bởi phong cách và truyền thống của thổ dân da đỏ, vì vậy ta có thể tìm thấy sự tương đồng trong cách ăn mặc, xu hướng và tính cách của họ ví dụ như: thích nuôi chó, yêu thiên nhiên, màu sắc quần áo và cách vẽ, trang trí, xâm mình, hoặc bạn có thể thấy dân hippie thường chơi Didgeridoo, một loại nhạc cụ của thổ dân Úc châu. Nhưng có lẽ điều mà ít ai biết tới đó là họ là những người ủng hộ chủ nghĩa Lenin, Mao, Hồ Chí Minh.

Vì sao có Hippie và phong trào những người trẻ nổi loạn?

Sau chiến tranh thế giới thứ hai 1945, người lính trở về nhà, dân số thế giới bùng nổ (baby booming)! Những đứa trẻ sinh ra thời này được thừa hưởng hòa bình và đặc biệt ở Mỹ, đời sống được nâng cao đáng kể do sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Sự ra đời hàng loạt của những chiếc máy phát đĩa, kỹ thuật thu âm…. làm âm nhạc bắt đầu bùng nổ, nhất là thể loại Rock.

Đến thập niên 1960, những đứa trẻ thế hệ ”baby boom” trở thành sinh viên, thanh thiếu niên và muốn thể hiện bản thân (theo thống kê thì giai đoạn này, tuổi đời trung bình của dân Mỹ chỉ là 29). Các tài liệu cho rằng khởi nguồn trào lưu hippie là từ âm nhạc. Nhưng Hippie phát triển mạnh vào giữa cuối thập niên 1960 và lan dần sang đầu thập niên 1970.

Cũng xin nhắc lại, thập niên 1960 là thập niên xã hội Mỹ có nhiều chuyển biến và vấn đề phức tạp, trong lẫn ngoài như: Kennedy bị ám sát 1963, phong trào nổi dậy của sinh viên trong nước đòi tự do chống chiến tranh, phong trào đòi quyền công dân của người Mỹ da đen, cái chết của Martin Luther King 1968 (nhà nhân quyền vĩ đại đa đen người Mỹ), thất nghiệp, nạn ma túy tràn lan, chiến tranh Việt Nam leo thang, khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và liên Xô khiến nhân loại đứng bên bên bờ vực chiến tranh thế giới thứ ba.

Từ nửa cuối thập niên 1960, những vấn đề trên càng trở nên nhức nhối, nhất là khi tổng thống Lyndon Johson tăng cường lính Mỹ ở miền nam Việt Nam (lên đến gần 540.000 quân) do đó, phong trào đòi quyền tự do trong lẫn ngoài nước, đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng lan rộng trong xã hội Mỹ, đặc biệt là ở sinh viên. Cho nên có thể hiểu vì sao Hippie lại phát triển mạnh mẽ vào giữa cuối thập niên 1960.

Tác động, ảnh hưởng

Bên trong cộng đồng hippie

Cuối thập niên 1960, trào lưu hippie phát triển mạnh mẽ đến mức người ta thấy thanh thiếu niên nơi nơi để tóc dài, hút thuốc, uống rượu, cởi trần v..v. Những thần tượng uyên bác như Thomas Edison, Jefferson, Mark Twain… dần được thay thế bởi các ngôi sao nhạc Rock, bởi Elvis Presley, Jimmy Hendrix, Janis Joplin, Bob Dylan… San Francisco trở thành thủ phủ Hippie. Những lễ hội âm nhạc hoành tráng tổ chức ở Monterey 1967 (California), Woodstock 1969 (New York) thu hút sự tham gia của gần nửa triệu dân Hippie từ mọi tiểu bang đổ về.

Tại đó người ta tổ chức các show âm nhạc miễn phí, phân phát ma túy cùng chất có cồn. Nếu bạn là fan nhạc Rock, chắc hẳn bạn sẽ biết đến club 27, để chỉ những ngôi sao ca nhạc huyền thoại chết vào tuổi 27. Kurt Cobain và Amy Winehouse chỉ là thế hệ sau, nhưng trước đó những huyền thoại trẻ như: Jimmy Hendrix (1942 -1970) , Janis Joplin (1943 – 1970), Jimmy Morrison (1943 – 1971), tất cả đều chết vì dùng ma túy quá liều.

Thập niên 1960 trở thành thập niên của lối sống vội với sự phát triển mạnh mẽ của Hippie, và câu châm ngôn được lấy từ hit ‘’My Generation’’ của nhóm The Who đã trở thành xu hướng của giới trẻ bấy giờ: ‘’Hope I die before I get old’’ (Mong rằng tôi sẽ chết trước khi tôi già).

Bên ngoài cộng đồng

Những cuộc nổi dậy và biểu tình của sinh viên xảy ra ở khắp các thành phố lớn, từ Washington đến Chicago đến San Francisco nhằm phản đối chính quyền chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Do số lính Mỹ tử vong ở Việt Nam lên đến vài chục ngàn,  sự tức giận của giới trẻ khi phải chứng kiến những cái chết của bạn bè và người thân khiến phong trào càng bùng lên mạnh mẽ.

Woodstock 1969.

Trong lễ hội âm nhạc tại Woodstock năm 1969, dưới sự chứng kiến của gần 500 ngàn khán giả hippie, Jimmy Hendrix đã trình diễn lại bằng guitar bản “Star spangled banner”, quốc ca Mỹ bằng cách pha vào đó tiếng động cơ máy bay và tiếng bom B-52 do quân đội My ném xuống miền Bắc Việt Nam.

https://www.youtube.com/watch?v=TKAwPA14Ni4

Cộng hưởng với trào lưu Hippie là phong trào đòi dân quyền của người Mỹ da đen nổi lên rầm rộ và phong trào nổi dậy của tổ chức Black Panthers (Báo Đen). Vô số cuộc chạm trán giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra. Có thể nói cuối thập niên 1960 là thời kì hỗn độn nhất của xã hội hiện đại Mỹ.  Chính quyền phải đối mặt với vô số những khó khăn từ ngoài vào trong. Xin nhắc thêm. tất cả họ đều thuộc thành phần “extreme gauche”, nghĩa là cánh cực tả, chủ trương đòi các quyền bình đẳng, quyền công dân, quyền tự do tôn giáo, giới tính, ngôn luận….

Dưới sức ép đó, tổng thống Lyndon Johson đã từ chối không tiếp tục tranh cử nhiệm kì tiếp theo vào năm 1969 và nó cũng ảnh hưởng một phần không nhỏ (bên cạnh chuyện chính quyền Nixon bắt tay với Trung Quốc) đến việc Richard Nixon sau đó phải rút dần quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Nếu như Johson theo đuổi chiến lược Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam thì Nixon ưu tiên “Việt Nam hóa chiến tranh”. Và quân số lính Mỹ giảm dần từ 1969 đến 1973 dẫn đến hiệp định Paris, và kết quả ra sao thì ai cũng biết.

Theo VICKY NGUYEN

Tags: , , ,