Tình bạn vĩ đại và cảm động giữa Engels và Marx

Tình bạn chí thân giữa Karl Marx và Friedrich Engels là tượng trưng cho tình bạn chiến đấu của những người cùng đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân thế giới.

Friedrich Engels (28-11-1820 – 05-08-1895) là nhà lý luận chính trị, nhà triết học người Đức ở Thế kỷ 19, người cùng với Karl Marx sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới và Quốc tế I.

Engels còn là nhà kinh tế học, nhà sử học, nhà chuyên môn về khoa học tự nhiên và khoa học quân sự. Cùng với Marx, Engels biên soạn bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848) nổi tiếng và thành lập Quốc tế I.

Ngoài những công trình chung với Marx, Engels còn viết nhiều tác phẩm khoa học có giá trị như: “Nguồn gốc của gia đình, sở hữu tư nhân và nhà nước”, “Về lịch sử người German cổ đại”, “Chống Duhring”, “Biện chứng của tự nhiên”… Ngoài ra, cuốn “Tác dụng của lao động chuyển hóa vượn thành người” cũng là một công trình khoa học tuyệt vời góp phần giải thích nguồn gốc hình thành và phát triển của loài người.

Trong một bài viết về thân thế và sự nghiệp của Engels, Lenin đã viết: “Cùng với bạn ông là Karl Marx, Friedrich Engels là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong thế giới văn minh”.

Trong nghiên cứu khoa học cũng như trong đấu tranh thực tiễn, Marx đã tìm thấy ở Engels một người bạn chiến đấu trung thành, một trợ thủ không thể thay thế được, một người mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của bản thân Marx.

Lần đầu tiên, Engels gặp Marx vào cuối tháng 11-1842 trong lúc Engels ghé thăm Bộ Biên tập báo “Neue Rheinische Zeitung”, khi trên đường qua nước Anh. Tiếp đó, trong cuộc gặp gỡ lịch sử tháng 08-1844 ở Paris, hai người nhất trí hoàn toàn về tư tưởng, quan điểm trong mọi vấn đề lý luận và thực tiễn. Từ đó bắt đầu một tình bạn thắm thiết và sự cộng tác keo sơn có một không hai trong lịch sử.

Sau khi Marx sang nước Anh, Engels tự đặt cho mình nghĩa vụ phải giúp đỡ về mặt vật chất cho gia đình Marx để có thể theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu lý luận và hoạt động chính trị của mình. Vì thế, tháng 11-1850, Engels buộc phải đến Manchester làm việc tại hãng buôn “Ermen và Engels”, trở lại nghề buôn bán mà ông thường nguyền rủa. Ngót 20 năm sau, sau khi tập I bộ “Tư bản” được xuất bản, Engels mới thoát khỏi “cái nghề chó má” ấy và được “trả lại tự do”. Trong những năm Engels ở Manchester, ông và Marx đã gửi cho nhau trên 1.500 bức thư thảo luận rộng rãi những vấn đề về triết học, kinh tế chính trị, chiến lược, sách lược của giai cấp vô sản và nhiều lĩnh vực khác.

Sau khi Marx mất, Engels tiếp tục hoàn thành và xuất bản các công trình lý luận của Marx; tổ chức, lãnh đạo Quốc tế II và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới vào những năm cuối Thế kỷ 19. Engels đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại trong các đảng công nhân; phê phán những sai lầm, khuyết điểm và giúp các đảng có một phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn. Engels đã làm việc với ý thức trách nhiệm và lòng tận tâm hiếm có.

Tình bạn chí thân giữa Karl Marx và Friedrich Engels là tượng trưng cho tình bạn chiến đấu của những người cùng đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân thế giới.

Theo VIETSTAMP 

Tags: , , ,