Bằng chứng chủ quyền không thể chối cãi từ đảo Lý Sơn

Chỉ rộng cỡ xấp xỉ 10 km2 nhưng Lý Sơn đang sở hữu trong mình hàng trăm ngôi mộ gió gắn liền với những hùng binh Hoàng Sa đã hy sinh vì nghĩa lớn vượt biển ra Hoàng Sa, Trường Sa theo lệnh của nhà vua, thân thể của họ đã hoà quyện vào biển cả của quê hương, đất nước.

Bằng chứng chủ quyền không thể chối cãi từ đảo Lý Sơn

Trong một lần được đến thăm Lý Sơn, tôi đã được tận mắt chứng kiến những ngôi mộ gió của các hùng binh Hoàng Sa. Qua tìm hiểu được biết để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa hy sinh vì đất nước, các dòng họ đã lập những ngôi mộ gió. Theo người dân trên đảo, khi làm lễ chiêu hồn xong, linh hồn người chết mất xác sẽ trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ và phù hộ cho những người còn sống.

Cát trắng đến nhức mắt, cát chở che những ngôi mộ chỉ có những hình nhân đất sét được “chiêu hồn nạp táng”. Cát ôm ấp linh hồn những “hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” năm xưa. Cát dịu dàng như đất mẹ, giấu trong lòng hồn phách những hùng binh Hoàng Sa kiên trung một lòng “vươn khơi bám biển” dựng bia khẳng định chủ quyền đất Việt với hai quần đảo thân yêu.

Cả trăm ngôi mộ chiêu hồn trên hòn đảo nhỏ này có một điểm chung hết sức thú vị là phía đầu mộ, bao giờ cũng hướng về phía đất liền, được đánh dấu bằng một tấm bia nhỏ màu đen.

Trong hàng trăm ngôi mộ gió ở đảo Lý Sơn, mộ cai đội Phạm Hữu Nhật – người đã nhiều lần dẫn đoàn dân binh ra trấn giữ Hoàng Sa từ trên 200 năm trước là có quy mô hoành tráng, đàng hoàng nhất. Theo ghi chép của gia phả họ Phạm thì vào mùa xuân năm Bính Thân 1836, vâng mệnh vua Minh Mạng, Phạm Hữu Nhật – Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của triều đình nhà Nguyễn đã đem binh thuyền đi đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa. Trong các bộ chính sử ghi rất rõ về công lao to lớn của ông Phạm Hữu Nhật trong việc xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Liên tiếp trong 18 năm dòng, Phạm Hữu Nhật dẫn các đội binh thuyền ra quần đảo Hoàng Sa để thực thi chủ quyền theo Lệnh của Nhà vua, đến năm 1854 thì ông và nhiều người đã không trở về nữa. Sau đó, gia đình, họ tộc và quê hương đã làm một nấm mộ chiêu hồn (hay còn gọi là mộ gió) không có hài cốt tại thôn Đông, làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh để tưởng nhớ ông.

Nếu như mộ Cai đội Phạm Hữu Nhật là một câu chuyện lịch sử cụ thể thì trường hợp Cai đội Phạm Quang Ảnh vẫn còn là một bí ẩn lịch sử, khi ngôi mộ của ông được coi là một khu mộ tập thể của cả đoàn hải binh Hoàng Sa ra đi không về, hiện nằm trên gò đất lớn của gia tộc Phạm Quang.

Gia phả của họ Phạm ở Lý Sơn ghi rằng 200 năm trước, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính với năm chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình. Rồi một lần, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của ông gặp bão biển và không trở về. Vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Chính sử cũng đã nhắc tên vị cai đội này, trong Ðại Nam thực lục chính biên có ghi: “Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thuỷ trình”.

Các cụ cao niên kể rằng, trước đây, có 25 ngôi mộ riêng biệt, có ghi danh phận từng người. Thời gian và gió mưa đã làm các ngôi mộ bị hư hại nên cư dân trên đảo đã đắp 25 ngôi mộ riêng biệt thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét như hiện nay. Cùng sát cánh bên nhau suốt dọc hải trình, giờ hồn phách họ đã được tụ cùng một nơi. Dân Lý Sơn bảo, đây là ngôi mộ chiêu hồn đầu tiên của hòn đảo này.

Ngoài phần mộ của Phạm Quang Ảnh và binh lính, còn có mộ gió của ông Võ Văn Khiết, cũng là một cai đội Hoàng Sa xưa, được người dân thôn Tây, Lý Sơn xem như Thành hoàng và tương truyền đã được phong Thượng đẳng thần. Tộc họ của ông đã xây dựng nhà thờ cúng tôn nghiêm đến tận ngày nay.

Hiện, trên huyện đảo Lý Sơn có hàng trăm nấm mộ chiêu hồn đã được tạo lập rải rác khắp huyện đảo kể từ thời tổ tiên họ giong thuyền ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khai thác sản vật thực thi chủ quyền từ thế kỷ 17 – 18. Đó không chỉ là là nơi yên nghỉ của thủy quân chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật, của cai đội Phạm Quang Ảnh hay Võ Văn Khiết mà còn là nơi yên nghỉ của nhiều người thuộc các dòng họ khác như Nguyễn Quang Tám, Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng, Phạm Văn Nguyên, Ðặng Văn Siểm, Phạm Văn Sênh, Phạm Văn Biện… Những nấm mộ gió của họ được người dân huyện đảo Lý Sơn gìn giữ bảo tồn, đến nay vẫn còn nguyên vẹn và được người dân Lý Sơn nhắc mãi với lòng đầy tự hào. Tên của hai vị hùng binh Quang Ảnh và Hữu Nhật cũng đã được đặt cho hai hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi họ đã chọn “vong thân vị quốc”.

Vậy nên, những ngôi mộ gió được xem như là bằng chứng xác thực chứng minh về hoạt động dưới danh nghĩa Nhà nước của các Đội Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải ra Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước. Những ngôi mộ này còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục cho các thế hệ con cháu lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Ngoài những nấm mộ gió của những hùng binh Hoàng Sa, để con cháu muôn đời luôn ghi nhớ về những người đã quên mình vì nghĩa lớn bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, những người dân Lý Sơn đã dựng tượng đài họ và tổ chức Lễ hội khao lề thế lính hàng năm. Tên tuổi của họ còn được hoá vào những câu thơ bài ca để lưu truyền từ đời này qua đời khác. Bởi chính những bậc tiền hiền ấy đã đặt những cột mốc đầu tiên, khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ 300 – 400 năm trước. Họ đã hóa thân thành bài ca và những cột mốc biên cương từ thuở nào rồi.

Dưới bóng Âm Linh tự, nơi thờ tự vong hồn những người lính Hoàng Sa xưa, dòng chữ “Chiến sĩ trận vong” đứng hiên ngang như sự khẳng định hùng hồn về tinh thần quả cảm, quyết hiến dâng cả sinh mạng vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dưới bầu trời xanh thăm thẳm của Lý Sơn, tiếng sóng trập trùng như lời những người con nơi đáy bể gọi về Đất Mẹ. Nơi phương trời mịt mù, những hồn thiêng đó vẫn mong có ngày “trở về”…

Đến Lý Sơn, gặp bất cứ ai, bạn cũng sẽ được nghe những câu chuyện về họ, những người “hùng binh Hoàng Sa” với giọng đầy tự hào. Có lẽ những ngôi mộ gió là những dấu tích xác thực nhất chứng minh về sự hy sinh to lớn của những bậc tiền nhân trên huyện đảo Lý Sơn trong việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời đây chính là những biểu tượng thể hiện lòng tôn kính của người dân huyện đảo Lý Sơn về những cống hiến to lớn của họ.

Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, Trung Quốc một lần nữa dùng vũ lực đánh chiếm một số bãi ở quần đảo Hoàng Sa. Tháng 6 năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đang cố tình bóp méo sự thật lịch sử. Những việc làm này của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Cho dù Trung Quốc có mưu mô đến mấy nhưng họ không thể xoá đi được linh hồn của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đang nằm trong những ngôi mộ gió ở Lý Sơn. Tinh thần bất diệt của những hùng binh Hoàng Sa sẽ tồn tại mãi mãi để tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo BIENDONG.NET

Tags: , , , ,