Đôi nét về các bộ sử lớn của thời đại phong kiến Việt Nam

Ngoài những cuốn sử thời cận hiện đại, nước ta có nhiều bộ sử lớn viết bằng chữ Nho. Điều đáng tiếc là một số bộ sử đầu bị thất lạc, không còn trọn vẹn.

Đôi nét về các bộ sử lớn của thời đại phong kiến Việt Nam

Dưới đây là thông tin khái quát về một số bộ sử lớn của các triều đại phong kiến Việt Nam

Đại Việt sử ký toàn thư

Bộ sử này có 3 phần:

Phần 1 do Phạm Công Trứ soạn từ Lê Thái Tông (1434 – 1442) đến đời Lê Cung Hoàng (1522) gọi là Bản kỷ thực lục, tiếp từ đời Lê Trang Tông (1533 – 1548) đến đời Lê Thần Tông (1619 – 1642) gọi là bản kỷ tục biên.

Phần 2 do Lê Hy soạn tiếp từ đời Lê Huyền Tông (1663 – 1671) đến năm Nguyên Đức thứ 2 đời vua Lê Gia Tông (1672 – 1675) cũng gọi là bản kỷ tục biên.

Phần 3 do Ngô Thời Sĩ biên tập từ đời Lê Hy Tông (1676 – 1704) đến đời Lê Ý Tông (1736 – 1739), gọi là Quốc sử tục biên.

Việt sử tiêu án

Tác giả là Ngô Thời Sĩ, chép từ thời Hồng Bàng đến lúc quân Minh rút khỏi nước ta. Tác giả chọn từng việc nêu lên để bàn xét phân tích.

Lê Triều thông sử

Sử thần Lê Quý Đôn chép từ thời Lê Thái Tổ đến đời Lê Cung Hoàng (1248 – 1522). Lại chép tục biên từ đời Lê Trang Tông đến đời Lê Ý Tông (1533 – 1739).

Lịch triều hiến chương loại chí

Tác giả là Phan Huy Chú. Sách chia ra làm từng loại gồm: Bang giao, Hiến chương, Thư tịch, nhân vật chí, quan chức chí… xếp đặt có phương pháp, khảo cứu rất kỹ càng. Đây là một bộ sử ký rất có giá trị. Chính bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng lấy nhiều tài liệu trong bộ sách này.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục

Bộ sử này do Sử quán triều Nguyễn đứng ra biên soạn từ năm Tự Đức thứ 9 (1856) đến năm Kiến Phúc nguyên niên (1884) mới xong. Bộ sách chép từ thời Hồng Bàng đến 12 sứ quân, gọi là tiền biên; từ Đinh Tiên Hoàng đến đời Lê Mẫn Đế gọi là chính biên. Đứng biên tập và duyệt lại có các ông Phan Thanh Giản, Lê Bá Thận, Phạm Thận Duật và Vũ Như…

Việt sử tổng vịnh

Dực Tôn Anh Hoàng đế (vua Tự Đức) soạn. Trong đó chia ra làm 11 loại: Đế vương, hậu phi, tôn thần, hiền thần, trung nghĩa, văn thần, võ tướng, liệt nữ, tiếm nguỵ, gian thần, giai sự, bổ vinh… bắt đầu từ Hùng Vương đến cuối thời Lê Trung Hưng thì hết. Mỗi nhân vật hoặc mỗi đại sự có một tiểu truyện. Tác giả theo quan niệm chép sử của Kinh Xuân Thu, ngụ ý bao biến khuyến trừng bằng vịnh thơ ngợi khen hoặc mỉa mai hoặc rìu búa. Bài tự của tác giả viết ngày 5 tháng 6 năm Tự Đức thứ 27 (1874). Bài biểu của nội các xin đem in bộ Việt sử Tổng vịnh đề ngày 15 tháng giêng năm Tự Đức thứ 30 (1877).

Các bộ sử khác

Triều Nguyễn ngoài hai bộ Khâm định Việt sử Việt sử Tổng vịnh còn có một số cuốn truyện ký cũng thuộc loại lịch sử như: Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyệnĐại Nam liệt truyện tiền biên… Ngoài ra, còn có những cuốn sử bằng chữ Hán của những người về sau như Việt sử Tân ước của tác giả Hoàng Đạo Thành, Việt sử kính của tác giả Hoàng Cao Khải; Trung học Việt sử toát yếu của tác giả Ngô Giáp Đậu… Những cuốn sử này là của những nhà sử học cận đại khi chép về các triều đại trước đều tham khảo tài liệu của các bộ sử trên.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,