Lịch sử đảo Cồn Cỏ – từ huyền thoại đến thực tại

Theo như huyền thoại thì đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) có từ thời khai thiên lập địa. Thuở hồng hoang mịt mùng ấy, ở vùng này có Ông Thồ Lồ đã cất công đi làm cái việc vô cùng vĩ đại là đắp núi đào sông.

Ông Thồ Lồ to lớn khác thường, da đen trũi, gánh hai sọt đất xăm xăm bước giữa một vùng bãi hoang vu bạt ngàn lau lách. Hai sọt đất nặng quá làm cho chiếc đòn gánh của ông khổng lồ không chịu nổi gãy mất. Một sọt văng lên phía mặt trời lặn thành Lòi Reng, tức là cao điểm 74 thuộc xã Vĩnh Thuỷ ( huyện Vinh Linh) bây giờ. Sọt đất khác vằng về hướng mặt trời mọc thành đảo Cồn Cỏ giữa trập trùng biển khơi. Còn chiếc đòn gành thì văng lên trời biến thành cầu vồng bảy sắc lung linh giờ vẫn còn hiện lên lộng lẫy sau những cơn mưa mùa hạ.

Sọt đất của Ông Thồ Lồ khi bị văng xuống biển bị kéo dài ra một vệt như hình con cá sấu đầu hướng về phương nam. Con cá sấu Cồn Cỏ chính là rặng đảo xanh màu lá cây bập bềnh trên sóng nước mênh mang ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc, 107,7 độ kinh đông cách địa đạo nổi tiếng Vịnh Mốc ( thuộc huyện Vĩnh Linh) chừng 25 cây số về phía đông. Điểm cao nhất của đảo so với mặt nước biển là 63,4 mét. Tổng diện tích của Cồn Cỏ chỉ 227 hecta, dân số trên 450 người. Nói như ông Abelardo Prez Ayllón, chuyên viên cao cấp của Viện Quy hoạch Cu Ba khi đến Cồn Cỏ thì đây có thể là huyện đảo bé nhất thế giới.

Những ngày trời quang mây tạnh, đứng ở bãi tắm Cửa Tùng nhìn ra ta thấy con cá sấu Cồn Cỏ hiện lên rõ mồn một. Vài giờ thuyền máy là ta có thể đến được với hòn đảo xinh tươi, anh hùng này. Vén bức màn huyền thoại, lần theo những dẫn cứ khoa học thì Cồn Cỏ được hình thành từ quá trình vận động phun trào của núi lửa nên cấu tạo khá đa dạng. Trên đảo, vừa có đất đỏ bazan, vừa có đá san hô và cát. Vẻ đẹp của Cồn Cỏ là vẻ đẹp nguyên sơ đầy lãng mạn.

Đến với hòn đảo hàng triệu năm tuổi mà vẫn được gọi là đảo Thanh niên này chúng ta không thể không thích thú với những bãi cát trắng mịn màng xinh xắn nằm khuất sau những rặng đá nhấp nhô. Lặng lẽ bước đi và thầm thỉ chuyện trò với những cánh rừng nhiệt đới xưa cổ cũng là một điều hấp dẫn. Và, dưới làn nước biển xanh trong là những rạn san hô nhiều màu sắc lung linh ấn chứa biết bao điều bí ẩn. Tương lai không xa của Cồn Cỏ chính là các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh và văn hoá lịch sử.

Nhắc đến đảo Cồn Cỏ người ta không thể quên được quá khứ anh dũng trong những năm chống Mỹ xâm lược. Bao nhiêu bom đạn, chất độc hoá học của máy bay, tàu chiến Mỹ đã ném xuống hòn đảo nhỏ bé này. Dấu tích những năm tháng gian nan và oai hùng của Cồn Cỏ vẫn còn đây. Đó là hệ thống hào giao thông dài 28 cây số, trận địa pháo, địa đạo Bến Nghè, giếng nước của bộ đội ta và hai trạm xá dã chiến ở trong lòng đất.

Những di tích chiến tranh có thể nhìn thấy ấy cùng với các giá trị tinh thần khác như thơ Bác Hồ gửi đảo anh hùng: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận / Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ” cùng bài hát nổi tiếng một thời: “Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá . Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe, nó có tám cái que và hai cái càng…Lính ta chiến đấu suốt ngày đêm, có canh là canh cua đá, càng bền là bền sức trai…” của Ngọc Cừ, chính trị viên phó đảo thời ấy.

Không nghi ngờ gì nữa, Cồn Cỏ chính là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.

Theo NGUYỄN HỮU QUÝ

Tags: ,