Vị trí của Việt Nam trong lịch sử hệ thống thương mại biển Đông

Là một trong số các khu vực hải thương năng động bậc nhất thế giới thời cổ, trung và cận đại sơ kì, Vịnh Bắc Bộ nói riêng và khu vực Biển Đông nói chung là điểm đến của nhiều thương nhân và thương thuyền ngoại quốc.

Vị trí của Việt Nam trong lịch sử hệ thống thương mại biển Đông

Tham luận của TS. Hoàng Anh Tuấn (giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) trình bày tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ III (Hà Nội 12/2008) và đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9-10/2008, tr. 1-16.

Hải sử nói chung và hải thương sử nói riêng không phải là hướng nghiên cứu quá mới mẻ ở nước ta, dù thành tựu trên lĩnh vực này chưa thực sự nổi bật(1). Trong khi đó, nghiên cứu những khía cạnh cụ thể của lịch sử dân tộc nhìn từ phương diện biển lại chưa phải là phương pháp tiếp cận phổ biển. Phương pháp này có những lợi thế nhất định, cho phép chúng ta có cái nhìn đối sánh và định vị lịch sử dân tộc trong bối cảnh rộng của hải sử khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nó đồng thời đòi hỏi sự thận trọng từ người viết khi xác định phạm vi nghiên cứu, đặc biệt là việc phân lập một số khái niệm cụ thể, nhất là những khái niệm liên quan đến dân tộc và tộc người(2).

Trong một số bài viết trước đây, khi điểm qua vị trí của Việt Nam trong hệ thống hải thương khu vực thời cổ trung đại, tôi đã rất cân nhắc khi phân lập và sử dụng một số thuật ngữ như “Việt Nam/Đại Việt”, “người Việt”… nhằm tránh những cách hiểu không sát thực với bối cảnh lịch sử chung của quốc gia Đại Việt và cả khu vực(3). Một cách khái quát, việc phân lập cụ thể nội hàm một số khái niệm sẽ giúp người viết tránh được những cách hiểu thái quá (hoặc quá tích cực, hoặc quá tiêu cực) về vị trí của Việt Nam trong hệ thống hải thương khu vực qua các thời kì lịch sử. Trên quan điểm đó, bài viết này tiếp tục thảo luận về vị trí của Việt Nam trong hệ thống thương mại Biển Đông thời cổ trung đại, đặc biệt là vai trò của một số hải cảng chính yếu của quốc gia Đại Việt dưới thời Lí – Trần – Lê sơ – Mạc, dưới tác động của quá trình biến đổi, chuyển dịch của mạng lưới hải thương khu vực và quốc tế(4).

Giao Chỉ/Giao Châu trong hệ thống hải thương Vịnh Bắc Bộ đến trước thế kỉ X

Trái với các quan điểm sử học truyền thống vốn có xu hướng hạ thấp vị trí của miền bắc nước ta trong hệ thống hải thương khu vực thời kì cổ và trung đại, những nghiên cứu gần đây, nhất là những nghiên cứu của các nhà Việt Nam học nước ngoài, sử dụng tư liệu thành văn của Trung Quốc thời kì sớm cho thấy, trong thực tế, lãnh thổ của người Việt có vị trí quan trọng trong các tuyến hải thương ở Biển Đông hơn những gì chúng ta từng nghĩ.

Những phát hiện khảo cổ học tại các di tích đá mới sau Hoà Bình (Soi Nhụ, Cái Bèo) và hậu kì đá mới (Ngọc Vừng, Hạ Long) trong những thập kỉ qua cho thấy mật độ cư trú khá cao và ổn định của các nhóm cư dân cổ tại các khu vực duyên hải nước ta(5). Không chỉ tiến hành khai thác và canh tác tại chỗ, những cư dân cổ ở đây còn tiến hành giao lưu và trao đổi với các nhóm cư dân khác ở phía nam Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Đông Nam Á…tạo nên một thế ứng xử tương đối mở và một truyền thống giao lưu sớm và mạnh với thế giới bên ngoài(6).

Sau khi nhà Tần (Trung Quốc) bình định xong các tộc người Việt phương Nam vào năm 214 TrCN, miền bắc nước ta trở thành một bộ phận của quận Tượng, một trong bốn quận (Mân Chung, Nam Hải, Quế Lâm và Tượng) do nhà Tần lập ra. Sau một thời gian ngắn thoát khỏi sự cai trị của nhà Tần (208-179 TrCN), năm 179 TrCN người Âu Lạc lại bị Nam Việt của Triệu Đà xâm lược và đến năm 111 TrCN miền bắc nước ta bị sát nhập vào sự quản lí của nhà Hán(7). Những tài liệu sớm của người Trung Quốc cho thấy mục tiêu chính của việc xâm lược phương nam của các triều đại Trung Quốc là nhằm cướp bóc của cải của các tộc người Việt giàu có, nhất là với những sản vật nhiệt đới như sừng tê, ngà voi, lông chim trả, ngọc trai… trao đổi được với các nhóm cư dân phương Nam(8).

Các nguồn sử liệu thành văn Trung Quốc giai đoạn sớm đồng thời cho thấy, trong một số thế kỉ nhất định dưới thời kì Bắc thuộc, Giao Chỉ đóng vai trò như một trung tâm điều phối của nền hải thương Trung Quốc ở khu vực Biển Đông; lị sở Long Biên từng là trung tâm của các hoạt động giao lưu thương mại, nơi đón tiếp các phái đoàn thương nhân nước ngoài đến buôn bán với Trung Quốc. Những tài liệu này đồng thời cung cấp những bằng chứng cụ thể về sự tồn tại của một tuyến buôn bán thường xuyên kết nối Quảng Châu với các trung tâm buôn bán nằm trong khu vực tây bắc Vịnh Bắc Bộ(9). Vào khoảng đầu Công nguyên, hai cảng Hợp Phố (Hepu) và Tư Văn (Xuwen) nằm ở sườn bắc Vịnh Bắc Bộ – nơi nghề đánh bắt và buôn bán ngọc trai đã rất phát triển – được ghi nhận là điểm xuất phát của người Trung Quốc đi buôn bán ven bờ xuống phía nam. Không lâu sau đó, hai thương cảng này đánh mất dần vị trí trung tâm điều phối của mình và thương nhân phương nam thường xuyên ghé vào vùng hạ châu thổ sông Hồng(10).

Miền Bắc nước ta đã đóng vai trò quan trọng như cửa ngõ giao thương của Trung Quốc ít nhất trong khoảng ba thế kỉ đầu sau Công nguyên. Từ giữa thế kỉ III sau Công nguyên, các cuộc khởi nghĩa liên tiếp của người Việt chống lại ách cai trị của người Hán liên tiếp nổ ra. Chính sách cai trị khắc nghiệt và sự vơ vét của các thái thú Trung Quốc ở nước ta không chỉ tác động tiêu cực đến tình hình trao đổi buôn bán nội tại mà còn bị coi là một trong số các nguyên nhân dẫn đến các cuộc đánh phá của người Chàm ra phía bắc từ nửa cuối thế kỉ IV do ảnh hưởng đến các luồng trao đổi truyền thống của Chămpa qua Giao Chỉ lên Trung Quốc(11). Sau khi quan hệ với Chămpa ở phía nam được bình ổn, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lại liên tiếp nổ ra ở miền bắc nước ta, tác động xấu đến điều kiện buôn bán. Như một hệ quả, thương nhân nước ngoài chuyển hướng buôn bán, đưa thương thuyền của họ xa hơn về phía bắc đến khu vực Quảng Châu, nơi tình hình chính trị ổn định và điều kiện buôn bán cũng thuận lợi hơn(12). Mặc dù sau đó tình hình miền bắc nước ta trở lại ổn định và thương nhân ngoại quốc đôi khi ghé vào trao đổi, dường như khu vực châu thổ Bắc Bộ đã không thể lấy lại vị trí của mình trong hệ thống hải thương khu vực như ở những thế kỉ trước đó. Cùng thời điểm trên, cảng Quảng Châu tiếp tục hưng thịnh và nhanh chóng trở thành cửa ngõ chính để thương nhân Trung Quốc buôn bán xuống phương nam. Từ triều Tuỳ (589-618), cảng Quảng Châu không chỉ là điểm khởi hành của phần lớn thương thuyền Trung Quốc đi xuống buôn bán với phương nam mà thương nhân ngoại quốc đến Trung Quốc cũng lưu trú và buôn bán tại đây(13). Hệ thống hải thương tích cực của triều Đường thế kỉ VII-X xuống Đông Nam Á cũng như việc thương nhân Tây, Nam, và Đông Nam Á hoạt động năng động tại miền nam Trung Quốc góp phần kiềm toả sự hưng thịnh trở lại của hải thương khu vực duyên hải miền bắc nước ta, mặc dù hoạt động buôn bán vẫn được duy trì nhưng ở cấp độ không thực sự cao(14).

Thế kỉ X – giữa thế kỉ XV

Trong một thời kì tương đối dài các nhà nghiên cứu trong nước có xu hướng duy trì cái nhìn tương đối thiếu tích cực về ngoại thương Đại Việt từ sau khi giành được độc lập vào thế kỉ X. Trái lại, các nhà sử học nước ngoài cho rằng sự thuyên chuyển vai trò điều phối thương mại biển từ Giao Chỉ sang các hải cảng miền nam Trung Quốc từ nửa cuối thời kì Bắc thuộc cũng như việc người Việt giành được độc lập vào thế kỉ X không đồng nghĩa với việc phủ nhận vị trí của miền bắc nước ta trong hệ thống thương mại khu vực, nhất là trong tuyến hải thương nối Trung Quốc với các khu vực buôn bán phía Nam(15). Những quan điểm trên ngày càng được củng cố vững chắc trên cơ sở những nghiên cứu mới, góp phần khẳng định biển và kinh tế biển đã đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của lịch sử Việt Nam cổ trung đại hơn nhiều lần người ta từng nghĩ(16).

Hằng số nước, hằng số biển và các hoạt động kinh tế, văn hoá gắn với các hằng số này trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu quan tâm phân tích từ lâu(17). Năm 1986, trên cơ sở phân tích sự hình thành và phát triển của các trung tâm buôn bán ven biển (Vân Đồn và Nghệ – Tĩnh) thời Lí – Trần, nhà sử học người Mĩ John Whitmore đã đề cao “vai trò thương mại năng động của người Việt trong nền thương mại quốc tế rất hưng thịnh thời bấy giờ”, đồng thời kêu gọi các nhà nghiên cứu tập trung làm sáng tỏ các vấn đề như “nền tảng sản xuất xã hội phục vụ thương mại, phương thức tổ chức thương mại và sự năng động xã hội đưa đến sản phẩm dư thừa…”. Ông kết luận “nguồn của cải thu được từ thương mại chắc chắn đã góp phần đáng kể vào việc thiết lập và củng cố quyền lực chính trị, kích thích nền kinh tế bản địa”(18). Quan điểm này của Whitmore sau đó được các nhà sử học kế cận như Momoki Shiro, Li Tana, Charles Wheeler, Nola Cooke… tiếp tục nghiên cứu và đến nay đã có những nhận thức sáng tỏ (xin xem cụ thể ở những phần tiếp theo).

Những thông tin dù sơ lược trong các bộ sử còn lại đến ngày nay cho thấy, sau khi giành được độc lập vào thế kỉ X, nhất là dưới vương triều Lí (thế kỉ XI-XIII), triều đình không hoàn toàn quay lưng lại với thương mại nói chung và ngoại thương nói riêng. Trên cơ sở của nền thủ công nghiệp tương đối phát triển, triều Lí đã có những động thái tương đối tích cực trong buôn bán với nước ngoài. Theo sách Tục tư trị thông giám trường biêncủa Lí Đào, chỉ hai năm sau khi thành lập, năm 1012 triều Lí xin nhà Tống cho mở tuyến buôn bán đến Ung Châu qua đường biển; nhà Tống khước từ và chỉ cho phép thương nhân Đại Việt đến trao đổi tại Quảng Châu và một số địa điểm khác ở khu vực biên giới(19). Năm 1040, trên cơ sở của một nền thủ công nghiệp dệt lụa đã phát triển, vua Lí Thái Tông “dạy cung nữ dệt được gấm vóc [nên] xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan […] để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa”(20). Năm 1149, đáp lại việc thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La đến Hải Đông xin cư trú buôn bán, nhà Lí “cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”(21). Ở khu vực phía nam, các trung tâm trao đổi ở vùng Nghệ – Tĩnh cũng có điều kiện phát triển, thu hút một lượng lớn thương nhân từ Trung Quốc và Đông Nam Á đến buôn bán(22). Vượt ra khỏi ý nghĩa quốc gia về chiến lược phát triển kinh tế, trên phương diện hải thương khu vực và quốc tế, việc nhà Lí lập trang Vân Đồn có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu sự dự nhập của quốc gia Đại Việt vào hệ thống hải thương khu vực và quốc tế qua khu vực Biển Đông, thể hiện ở một số nét chính sau đây.

– Cho đến trước thế kỉ XV, các tuyến hải thương quốc tế nối Trung Quốc với các thị trường phương nam chủ yếu đi qua khu vực vịnh Bắc Bộ; vùng duyên hải Đông Bắc nước ta vì thế có vị trí hết sức quan trọng. Trong ghi chép của các thương nhân và thuỷ thủ ở các thế kỉ X-XV, vùng biển trải dài từ phía nam Trung Quốc qua Vịnh Bắc Bộ xuống vùng bờ biển Chămpa nổi tiếng với tên gọi Giao Chỉ Dương (Biển Giao Chỉ). Trong khu vực buôn bán sôi động này, các thương phẩm chính là nô lệ, muối và ngựa đã được trao đổi thường xuyên và Đại Việt thời Lí đã tham dự một cách tích cực vào các hoạt động buôn bán ở khu vực biển Giao Chỉ(23). Phân lập các tuyến thương mại, học giả Li Tana cho rằng, trong bối cảnh rộng của thương mại khu vực và quốc tế khoảng cuối triều Đường (thế kỉ VII-X), Giao Châu nói chung và miền bắc nước ta nói riêng có ưu thế trong việc trao đổi thương phẩm giữa hai khu vực là biển và các vùng nội địa trong khi Quảng Châu và các cảng nam Trung Quốc giữ vị thế tiên phong trong giao dịch với các thương thuyền đến từ Đông Nam Á, Tây Á và Nam Á(24).

– Cũng từ thời Đường, thương nhân và thuỷ thủ Hồi giáo có vai trò quan trọng trong hệ thống hải thương ở khu vực Đông Á. Vượt qua các trung tâm trao đổi Đông Nam Á truyền thống, thương nhân Hồi đã đến định cư và buôn bán tại nhiều thương cảng ở phía nam Trung Quốc, khu vực đảo Hải Nam và được ghi nhận là có vai trò năng động trong các tuyến buôn bán nhỏ ở khu vực Giao Chỉ Dương(25). Ở một số trung tâm buôn bán lớn như Tuyền Châu (Phúc Kiến), các dòng họ Hồi lớn như Pu Kai-zong (Bồ Khai Tông) và Pu Shou-geng (Bồ Thọ Khang) còn được nhà Tống phong làm quan giám thương tại cảng Tuyền Châu(26). Trong khi đó, ở đảo Hải Nam, cộng đồng Hồi giáo đông đến mức nhiều làng của người Hui-hu (Hồi Hồ) đã được lập nên ở các khu vực duyên hải thuộc đảo Hải Nam(27). Không chỉ có vị thế thương mại vững chắc tại các hải cảng miền nam Trung Quốc như các quan điểm truyền thống trước đây thường ghi nhận, Hồi thương còn tích cực tham dự vào các tuyến buôn bán nối liền biển với các khu vực nội địa, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới trao đổi ở Biển Đông thời kì này(28).

– Với Đại Việt từ cuối thời Trần và đầu thời Lê, vai trò của thương cảng Vân Đồn và vùng cảng biển Đông Bắc trong hệ thống hải thương khu vực và quốc tế ở Biển Đông được biết đến nhiều qua chức năng trung chuyển và xuất khẩu gốm sứ. Bên cạnh chức năng trung chuyển gốm sứ Trung Quốc ra thị trường khu vực, Vân Đồn còn được biết đến như cửa ngõ đưa gốm sứ Đại Việt (men nâu thời Trần và men lam thời Lê sơ) ra thị trường quốc tế(29). Trong một cái nhìn phổ quát, sự nổi lên của gốm sứ Đại Việt trên thị trường quốc tế vào thời điểm này đã đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu cao về gốm sứ thương mại của thị trường Tây Á (Ba Tư, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì…) cũng như các thị trường Hồi giáo khu vực như tại Philippines, Sulawesi…(30). Gốm sứ Đại Việt còn được xuất khẩu ra thị trường khu vực đến nửa cuối thế kỉ XVI trước khi bị suy giảm do cả nguyên nhân trong nước (biến động chính trị tác động đến kinh tế) cũng như những tác động từ bên ngoài (việc nhà Minh bãi bỏ chính sách Hải Cấm vào năm 1567 tạo điều kiện cho sản phẩm gốm sứ Trung Quốc trở lại chiếm lĩnh thị trường quốc tế)(31).

– Một trong những nhân tố tác động rất lớn và gần như xuyên suốt “kỉ nguyên sớm của thương mại Đông Nam Á (900-1300)”, như Geoff Wade từng đề xuất, là những chính sách về thương mại và kinh tế hết sức tích cực và chủ động của các vương triều Tống và Nguyên ở Trung Quốc. Nối tiếp chủ trương coi trọng tiền tệ để phát triển thương mại của các chư hầu thời kì Ngũ Đại, dưới thời Tống, những chính sách cụ thể về tiền tệ, trao đổi, thuế khoá… trong giao dịch với người nước ngoài đã được thực thi nhằm kích thích sự mở rộng của ngoại thương(32). Trên cơ sở đối sánh với những biến chuyển của hải thương khu vực, nhất là hải thương Trung Quốc, đã có nhiều quan điểm cho rằng việc nhà Lí lập trang Vân Đồn và biến khu vực Đông Bắc thành cửa ngõ thông thương của Đại Việt là một phản ứng nhanh nhạy và thức thời, kéo Đại Việt dự nhập một cách chủ động và có hệ thống vào quỹ đạo thương mại quốc tế ở khu vực Vịnh Bắc Bộ vốn đã hưng thịnh từ nhiều thế kỉ trước, đặc biệt là sau những chính sách ngoại thương tích cực của triều Tống vào cuối thế kỉ X(33).

Giữa thế kỉ XV – cuối thế kỉ XVI

Diện mạo ngoại thương Đại Việt nói chung cũng như thương cảng Vân Đồn và khu vực duyên hải Đông Bắc nói riêng từ khoảng ba thập niên cuối của thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XVI đã và đang là chủ đề thu hút nhiều tranh luận giữa các nhà nghiên cứu trong những năm gần đây. Sự thiếu vắng thông tin về vùng hải cảng Đông Bắc từ sau năm 1467 trong các bộ chính sử Việt Nam khiến cho việc nghiên cứu gặp không ít trở ngại, đồng thời dẫn đến những nhận định về sự suy thoái của ngoại thương và sự suy giảm chức năng của thương cảng Vân Đồn(34). Trong khi đó, thông tin từ những đợt khảo sát, điền dã, khai quật khảo cổ học, kết quả nghiên cứu gốm sứ thương mại kết hợp với phương pháp sử học so sánh lại cho phép suy luận về thương cảng Vân Đồn nói riêng và vùng duyên hải Đông Bắc nói chung trong mạng lưới hải thương khu vực dưới một quan điểm có phần tích cực hơn. Học giả John Whitmore đã bày tỏ sự băn khoăn của mình về “Sự biến mất của Vân Đồn từ cuối thế kỉ XV” khi Ông cho rằng, trên phương diện chính sách quan phương của triều đình Lê sơ, nhất là từ triều Lê Thánh Tông (1460-1497), rõ ràng nhà nước thể hiện những động thái khá tiêu cực đối với ngoại thương và sự tồn tại của thương cảng Vân Đồn(35). “Nếu chúng ta đánh đồng dòng chảy gốm sứ Đông Nam Á với hệ thống Giao Chỉ Dương và tin chắc rằng Vân Đồn là mấu chốt quan trọng của hệ thống này trong vài thập kỉ đó [cuối thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XVI], vậy thì điều gì đã diễn ra? R. Brown từng gợi ý về “khoảng trống Mạc” của sản phẩm gốm sứ Việt Nam (và của các quốc gia khác) trong thế kỉ XVI. Dường như “khoảng trống Mạc” này đánh dấu sự chấm dứt của hệ thống Giao Chỉ Dương, sự biến mất của Vân Đồn, và sự quá độ sang một hệ thống mới dạng như Hội An. Làm sao để chúng ta có thể lí giải được điều này?”(36)

Trong thực tế, nếu như chính sử Đại Việt hàm ý về sự suy giảm chức năng và xa hơn là sự suy tàn của Vân Đồn, gốm sứ thương mại của Đại Việt xuất khẩu ra thị trường quốc tế giai đoạn cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI khiến người ta không khỏi hoài nghi về giả thuyết này. Bản thân Whitmore, mặc dù đưa ra quan điểm về sự suy tàn của Vân Đồn cũng như khả năng Đại Việt đánh mất vai trò của mình trong hệ thống thương mại khu vực và quốc tế ở Biển Đông từ cuối thế kỉ XV, vẫn thể hiện sự do dự nhất định khi so sánh với những thông tin từ kết quả nghiên cứu gốm sứ thương mại khai quật các con tàu đắm trong những năm gần đây. Ông băn khoăn: “Đứng trên vấn đề này [chính sách phát triển kinh tế dưới triều Lê Thánh Tông], chúng ta có thể suy luận rằng nền hành chính ổn định và phát triển của Đại Việt trong thế kỉ XV chắc chắn đã kích thích và hậu thuẫn cho sản xuất thủ công nghiệp và hệ thống thương mại [tồn tại] như một bộ phận của mạng lưới Giao Chỉ Dương. Trong thực tế, Vân Đồn nhiều khả năng đã trở thành điểm then chốt trong mạng lưới này trong một phần tư cuối của thế kỉ XV cũng như trong thế kỉ XVI và thay thế cho Thị Nại. Tôi tin rằng chừng nào cấu trúc quan liêu [triều Lê] còn tiếp tục hoạt động tốt, chừng đó nội thương và ngoại thương còn diễn ra êm đẹp”(37).

Có thể nói, việc xác định vị trí của thương mại Đại Việt trong hệ thống hải thương khu vực Biển Đông từ sau năm 1460 đến cuối thế kỉ XVI đã và đang thực sự thử thách các nhà nghiên cứu. Việc triều Lê sơ, đặc biệt là từ thời Hồng Đức (1460-1497) có những chính sách thiếu tính tích cực đối với vấn đề ngoại thương và khu vực hải cảng Vân Đồn cũng như toàn bộ vùng Đông Bắc là điều có thật, thể hiện rõ nét trong bộ Quốc triều hình luậtđược biên soạn vào thời kì này(38). Tuy nhiên, ở một khu vực biên viễn như khu vực Vân Đồn, sự tồn tại của các hoạt động thương mại phi quan phương là điều khó có thể phủ nhận; thương nhân Đại Việt và thương nhân nước ngoài chắc chắn vẫn duy trì hoạt động trao đổi ở một cấp độ nhất định. Dù sao mặc lòng, chính sách không mấy cởi mở của triều đình Lê sơ chắc chắn đã có những tác động tiêu cực đến sự phát triển của Vân Đồn nói riêng và toàn khu vực hải cảng Đông Bắc nói chung từ sau thập niên 1460.

Sự phát triển của thủ công nghiệp cũng như thái độ cởi mở của nhà Mạc (1527-1592) đối với thương nghiệp có tác động đáng kể đến tình hình trao đổi trong nước thời kì này. Tuy nhiên, bản thân vấn đề ngoại thương Đại Việt dưới triều Mạc lại tồn tại những tranh luận. Nếu như trước đây người ta vẫn tin vào một sự song hành mang tính tất yếu giữa sự mở rộng của thủ công nghiệp (và nội thương) với sự hưng thịnh của ngoại thương Đại Việt thời Mạc, một số nhà nghiên cứu gần đây lại bày tỏ những băn khoăn, cho rằng cấu trúc hải thương quốc tế khu vực Biển Đông đã thay đổi mạnh vào đầu thế kỉ XVI, khiến cho vị trí của Đại Việt trên các tuyến hải thương truyền thống của khu vực bị ảnh hưởng rất lớn. Trong rất nhiều những nhân tố tác động đến hải thương khu vực, tôi cho rằng có ít nhất ba vấn đề cơ bản sau đây cần được lưu ý khi nghiên cứu ngoại thương Đại Việt thế kỉ XVI, đặc biệt là khu vực duyên hải Đông Bắc. Thứ nhất, sự thâm nhập của người Bồ Đào Nha vào phương Đông và quá trình xác lập mạng lưới thương mại liên Đông Á của Công ti Hoàng gia Bồ Đào Nha (Estado da India)(39)đã từng bước phá vỡ cấu trúc thương mại Bắc – Nam ở khu vực Biển Đông và Nam Hải(40). Đặc biệt, với sự thâm nhập của người Bồ vào miền nam Trung Quốc và xác lập vị trí thương mại của họ tại Macao trong nửa đầu thế kỉ XVI, hoạt động buôn bán tại các khu vực duyên hải nam Trung Quốc và Đông Bắc Việt Nam đã bị tác động đáng kể, nếu không muốn nói là bị suy giảm bởi sức hút mạnh từ người Bồ định cư buôn bán ở Macao(41).

Thứ hai, việc thương nhân Trung Quốc, đặc biệt là thương nhân Phúc Kiến, khai mở và phát triển ngày càng mạnh mẽ tuyến hải thương nam Trung Quốc – Philippines – Đông Nam Á từ cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV(42) đã tác động không nhỏ đến vị trí của các hải cảng ven biển nước ta. Sau khi người Tây Ban Nha đến định cư và buôn bán tại Philippines, mang đến đây hàng năm một lượng bạc lớn từ Tân Thế giới, số lượng Hoa thương đổ về đây buôn bán ngày càng tăng. Như một hệ quả, trong khi tuyến đường biển phía đông (Dongyang hanglu) của người Trung Quốc xuông Đông Nam Á ngày càng phát triển, tuyến đường truyền thống phía tây dọc duyên hải Việt Nam (Xiyang hanglu) ngày càng mất đi vị thế(43). Trong bối cảnh đó, việc vùng Đông Bắc nói riêng và phần lớn duyên hải Đại Việt mất đi vị thế ưu việt của mình trong hệ thống buôn bán chung của khu vực là điều có thể lí giải được.

Thứ ba, mạng lưới mậu dịch gốm sứ quốc tế đã có những thay đổi mạnh từ giữa thế kỉ XVI và tác động không nhỏ đến Đại Việt. Nếu như chính sách Hải Cấm của nhà Minh trong các thế kỉ XIV và XV đã tạo điều kiện rất lớn cho gốm sứ Đông Nam Á (gốm hoa nâu và Chu Đậu của Đại Việt, gốm Gò Sành của Chămpa, gốm Sawankhalok của Xiêm…) phát triển và chi phối luồng gốm sứ thương mại khu vực và quốc tế, việc bãi bỏ chính sách đóng cửa của nhà Minh vào năm 1567 đồng thời đặt dấu chấm hết cho kỉ nguyên gốm sứ thương mại Đông Nam Á sau khi gốm sứ Trung Quốc trở lại chiếm lĩnh thị trường(44). Trong bối cảnh đó, việc gốm sứ Đại Việt ở giai đoạn cuối của triều Mạc, dù vẫn phát triển, không còn chiếm lĩnh được thị trường bên ngoài, tạo nên một “khoảng trống Mạc” (Mac gap) trong thương mại gốm sứ quốc tế như Roxanna M. Brown(45) từng băn khoăn là điều có thể lí giải được từ bình diện thương mại gốm sứ khu vực và quốc tế.

Bên cạnh ba nhân tố mang tính ngoại cảnh trình bày trên đây, sự thay đổi triều chính liên tục ở Đại Việt từ những thập kỉ đầu của thế kỉ XVI có thể được coi là nhân tố nội tại và tác động trực tiếp đến vị trí của Đại Việt, nhất là các hải cảng khu vực Đông Bắc, trong hệ thống thương mại Biển Đông thời kì này. Sau khi lên ngôi năm 1527, Mạc Đăng Dung (và các vua tiếp theo của triều Mạc) luôn chủ trương phát triển quê hương Dương Kinh (Hải Phòng) thành trung tâm chính trị thứ hai sau Thăng Long, đồng thời biến nơi đây thành cửa ngõ thông thương của Đại Việt ra bên ngoài(46). Chiến lược này của họ Mạc rõ ràng đã lấy đi một phần rất lớn ưu thế thương mại của Vân Đồn và vùng duyên hải Đông Bắc, mặc cho nhà Mạc duy trì một tầm nhìn khá cởi mở về thương mại. Từ cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, với sự chuyển giao quyền lực từ triều Mạc sang triều đình Lê-Trịnh, cửa ngõ thông thương của Đại Việt lại tiếp tục có những hoán đổi: từ Dương Kinh chuyển dịch xuống vùng cửa sông Thái Bình. Như vậy là, chỉ trong vòng khoảng một trăm năm dưới triều Mạc và triều Lê-Trịnh, cửa ngõ thương mại chính yếu của quốc gia Đại Việt đã liên tục chuyển dịch xuống phía nam: từ Vân Đồn (thế kỉ XII – XVI) qua Dương Kinh (thế kỉ XVI) xuống vùng cửa sông Thái Bình (thế kỉ XVII – khoảng thế kỉ XIX).

Điều đáng nói là, nếu như giai đoạn Dương Kinh vẫn nằm trong giai đoạn quá độ của hải thương khu vực (thế kỉ XVI, người phương Tây bắt đầu thâm nhập), sự nổi lên của vùng cửa sông Thái Bình gắn với một kỉ nguyên mới của hải thương khu vực Đông Á. Từ thế kỉ XVII, các tuyến hải thương truyền thống ở khu vực Biển Đông và Nam Hải vốn được điều hành bởi thương nhân châu Á (Trung Quốc, Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á) trước đây đã dần dần bị người phương Tây (Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha…) chiếm lĩnh. Không chỉ cấu trúc hải thương khu vực mà ngay cả nội dung (hay bản chất) của các luồng hải thương cũng bị biến đổi để phù hợp với bối cảnh mới(47). Trong kỉ nguyên mới của thương mại khu vực Đông Á, quốc gia Đại Việt (cả Đàng Trong và Đàng Ngoài) đều có vị trí quan trọng và trong những thời kì nhất định trở thành những mắt xích không thể thay thế(48). Riêng tại Đàng Ngoài, một thực tế không thể phủ nhận là trong thế kỉ XVII và một phần của thế kỉ XVIII, đại đa số các thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán với Đàng Ngoài đều vào cửa sông Thái Bình và lưu trú tại Domea (Tiên Lãng) trong khi hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra chủ yếu tại kinh đô Thăng Long(49). Việc đại đa số thương nhân và thương thuyền ngoại quốc tập trung về Tiên Lãng thế kỉ XVII-XVIII cũng như trường hợp nổi lên của Dương Kinh thế kỉ XVI, như một hệ quả, đã làm suy giảm đáng kể, trên phương diện quan phương, vị trí và vai trò của Vân Đồn nói riêng và khu vực cảng biển vùng Đông Bắc nói chung.

Mặc dù vậy, cũng cần nói thêm rằng, sự chuyển dịch cửa ngõ buôn bán xuống vùng Dương Kinh (thế kỉ XVI) và cửa sông Thái Bình (thế kỉ XVII – XVIII) không đồng nghĩa với sự “biến mất” hay “suy tàn hoàn toàn” của Vân Đồn và vùng duyên hải Đông Bắc như một số nhà nghiên cứu từng quan niệm. Với vị trí tiếp giáp với khu vực thương mại sôi động ở đông nam Trung Quốc, Vân Đồn và khu vực duyên hải Đông Bắc – dù không còn là cửa ngõ thương mại chính của Đại Việt như ở giai đoạn Lí, Trần – vẫn có vai trò thương mại đáng kể. Những nỗ lực của người Hà Lan và người Anh trong chiến lược xây dựng trung tâm buôn bán ở vùng biên giới Đông Bắc trong nửa cuối thế kỉ XVII cho thấy khu vực này vẫn có vị trí quan trọng trong trao đổi với Trung Quốc qua các trung tâm trao đổi lớn (bạc dịch trường) ở dọc biên giới(50). Tuy nhiên, trở lực lớn nhất cho sự phát triển của vùng Đông Bắc từ nửa cuối thế kỉ XVII là vấn đề hải tặc và sự bất ổn chính trị ở vùng nam và đông nam Trung Quốc sau sự biến Minh – Thanh năm 1644. Sau khi nhà Minh sụp đổ, nhiều nhóm hải tặc cũng như các thế lực “phản Thanh phục Minh” thường chọn vùng nam Trung Quốc, một phần giáp với biên giới Việt – Trung, để trú chân và tiến hành cướp bóc các thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán với Đàng Ngoài qua khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ và bán đảo Lôi Châu(51). Triều đình Lê-Trịnh vì thế thắt chặt quản lí vùng Đông Bắc trong phần lớn thế kỉ XVII, khiến cho vị trí thương mại của khu vực này không có điều kiện phát huy như ở các thế kỉ trước.

Một số nhận xét

Là một trong số các khu vực hải thương năng động bậc nhất thế giới thời cổ, trung và cận đại sơ kì, Vịnh Bắc Bộ nói riêng và khu vực Biển Đông nói chung là điểm đến của nhiều thương nhân và thương thuyền ngoại quốc. Vào thời cổ trung đại, thương nhân châu Á (Trung Quốc, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á) đã hội tụ về đây buôn bán, biến nơi đây thành một khu vực hải thương sôi động. Các hải cảng thuộc duyên hải nước ta (Vân Đồn ở Đông Bắc; Thanh-Nghệ-Tĩnh ở bắc Trung Bộ; Vijaya của người Chăm ở nam Trung Bộ…) cũng nhờ đó mà phát triển theo. Với sự thâm nhập của người châu Âu vào Đông Á đầu thế kỉ XVI, cấu trúc hải thương truyền thống ở khu vực Biển Đông dần dần bị phá vỡ, thay thế bởi một cấu trúc mới mang đậm dấu ấn của các thế lực thương mại và hàng hải phương Tây.

Tương ứng với các giai đoạn phát triển chính của thương mại khu vực và quốc tế qua Biển Đông, Đại Việt, thông qua các hải cảng và trung tâm buôn bán duyên hải, đã thể hiện các cấp độ dự nhập và đóng những vai trò khác nhau. Trong cái nhìn lịch sử và hệ thống, sự dự nhập và điều chỉnh của Đại Việt trong hệ thống thương mại Biển Đông được thể hiện rõ qua quá trình tự điều chỉnh cửa ngõ thông thương: quá trình chuyển dịch dần dần xuống phía nam để hội nhập với những biến chuyển của hải thương khu vực. Nếu như dưới thời kì Lí, Trần và đầu Lê sơ (thế kỉ XI – cuối thế kỉ XV), Vân Đồn và vùng duyên hải Đông Bắc là cửa ngõ chính của quốc gia Đại Việt, trong thế kỉ XVI Dương Kinh (Hải Phòng) trở thành đầu mối giao thương trọng yếu của triều Mạc. Sự thiên dịch còn tiếp diễn trong thế kỉ XVII với sự nổi lên của vùng cửa sông Thái Bình (Tiên Lãng, Hải Phòng) như cửa ngõ giao thương chính của Đại Việt thời Lê – Trịnh.

Nếu như tự thân sự thiên dịch trên chỉ mới phản ánh thực tế lịch sử, luận giải về nội dung của những biến thiên lịch sử, nhất là phân tích các vấn đề nội và ngoại cảnh tác động đến sự thiên dịch, sẽ cung cấp những kiến giải sâu sắc về sự thay đổi bản chất và cấu trúc của các hiện tượng lịch sử trên. Như đã phân tích, đến nửa đầu thế kỉ XVI gốm sứ được coi là thương phẩm chính của Đại Việt xuất khẩu ra bên ngoài nên Vân Đồn và vùng Đông Bắc – khá gần trung tâm gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) – có vị trí thuận lợi cho hoạt động chuyên chở và xuất khẩu. Bên cạnh đó là việc Vân Đồn án ngữ vùng cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ – trung tâm của các hoạt động trao đổi nô lệ, muối, ngựa…của thế giới hải thương Giao Chỉ Dương, nơi có sự tham gia của đông đảo thương nhân đến từ Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á… Từ thế kỉ XVI, không chỉ thương nhân châu Á mất dần vị trí ở Biển Đông vào tay người phương Tây mà cơ cấu thương phẩm cũng thay đổi từ gốm sứ sang tơ lụa – sản phẩm phổ biến của vùng châu thổ sông Hồng, nhất là các làng lụa nổi tiếng dọc sông Hồng, khu vực kinh thành và các vùng phụ cận Thăng Long… Ngay cả khi gốm sứ Đàng Ngoài được người nước ngoài xuất khẩu ra Đông Nam Á với số lượng lớn vào cuối thế kỉ XVII, thương phẩm này cũng không còn mang nguồn gốc Chu Đậu nữa mà được sản xuất chủ yếu tại Bát Tràng, một trung tâm gốm sứ gần kinh thành Thăng Long và nằm ngay trên tuyến đường thuỷ nối kinh đô ra biển(52). Những thay đổi trên cho thấy, trên phương diện bản chất, vị trí của Đàng Ngoài trong hệ thống thương mại Biển Đông đã có những thay đổi lớn trong thế kỉ XVII.

Ngoài ra, việc triều Mạc và Lê-Trịnh từng bước nới lỏng chính sách đối với ngoại thương, đồng thời cho phép thương nhân nước ngoài lưu trú và buôn bán tại các khu vực nội địa (Phố Hiến, Thăng Long…) đồng nghĩa với sự suy giảm vai trò của một số trung tâm buôn bán ven biển. Trong bối cảnh đó, hệ thống sông từ cửa Thái Bình (Tiên Lãng) qua sông Luộc lên Hưng Yên để theo sông Hồng lên Hà Nội (hay tuyến sông “Đàng Ngoài” trong các ghi chép của người phương Tây) trở thành tuyến đường ngắn nhất và thuận lợi nhất. Vùng cửa sông Thái Bình còn giữ vai trò là cửa ngõ giao thương chính của Đàng Ngoài đến khi thực dân Pháp cho khảo sát và xây dựng đô thị cảng Hải Phòng vào cuối thế kỉ XIX.

>> Chú thích

Theo BẢO TÀNG NHÂN HỌC

Tags: , , ,