Giai thoại về kỹ sư đầu tiên của Đông Dương khiến người Pháp kính nể

Kỹ sư Lưu Văn Lang (1880-1969) là một bậc kỳ tài trong phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, ông nổi danh với những phát minh độc đáo khiến kỹ sư Pháp phải kính nể.

Giai thoại về kỹ sư đầu tiên của Đông Dương khiến người Pháp kính nể

Một trí thức uyên bác

Bác vật Lang tên thật là Lưu Văn Lang, sinh ra tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình nghèo làm nghề rèn có truyền thống hiếu học.

Cha ông vốn là một người xuất thân Nho học nên ngay từ nhỏ, ông đã được học chữ Nho, học tiếng Pháp và cả chữ Quốc ngữ. Vốn có tư chất thông minh lại chăm chỉ, ông học xuất sắc và giành được học bổng đặc cách vào học trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn.

Năm 17 tuổi, ông thi đậu tú tài của Pháp với số điểm xuất sắc, nhận được học bổng sang Pháp du học tại trường École Centrale de Paris, còn gọi là trường Bá Nghệ trung ương Pháp quốc – nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ.

Năm 1904, ông tốt nghiệp loại ưu bằng Kỹ sư Bá nghệ với thứ hạng 8/250 sinh viên, trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ. Trong ngày lễ vinh quy bái tổ của ông, đích thân Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer về tận làng đọc diễn văn khai mạc. Tại buổi lễ, ông được bổ nhiệm chức vụ “giám lý công chánh lục lộ” sở Công chánh Đông Dương.

Sau đó, ông được cử ngay sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết kế, xây dựng tuyến đường sắt nối liền Hải Phòng (Việt Nam) và Côn Minh (Vân Nam). Tuyến đường sắt này dài 885km, được đánh giá là kỳ công nhất thế giới lúc bấy giờ vì nó xuyên qua rất nhiều địa hình đồi núi hiểm trở, khiến hơn 12.000 nhân công thiệt mạng vì tai nạn và bệnh tật trong 10 năm thi công.

Năm 1909, sau khi tuyến đường sắt hoàn thành, ông trở về Sài Gòn và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Sở Công chánh Đông Dương. Bác vật Lang rất giỏi về chuyên môn, có trình độ học thức sâu rộng nhiều lĩnh vực, lại là người đức độ nên không chỉ được người dân Nam Bộ đương thời kính trọng gọi là “quan Bác vật Lang”, mà người Pháp cũng kính nể.

Ngoài thực hiện giám sát nhiều công trình cầu đường ở khu vực Tây Nam Bộ, ông còn đi khắp các nước Đông Dương để giám sát việc thi công các công trình giao thông. Những công trình nổi tiếng ông từng tham gia có thể kể đến như cầu Monivong, tuyến đường xe lửa Phnom Penh – Battambang (Campuchia); cầu Long Biên…

Năm 1929, Bác vật Lang tham gia sáng lập Việt Nam Ngân hàng tại Sài Gòn – ngân hàng mang tên Việt Nam đầu tiên kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập Hội Khai Trí Việt Đức ở Hà Nội và Hội SAMIPIC ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được đi du học và trở thành nhà trí thức quan trọng. Từ năm 1943-1944,ông tích cực truyền bá chữ quốc ngữ tại Nam Bộ.

Tài tiên đoán chuyện cầu sập, đất lở

Bác vật Lang giỏi nghề đến mức khiến người Pháp bái phục, như khả năng có một không hai là chỉ với vài thao tác đơn giản có thể biết trước vùng đất nào sẽ sạt lở, chiếc cầu sắt nào sẽ hư và núi nào sẽ nứt… Chính vì khả năng này mà đương thời, người Nam Bộ thường đồn đại nhiều giai thoại về ông, như hiểu thấu “thiên cơ”, biết chuyện tương lai.

Có giai thoại kể rằng, trong một lần kiểm tra cây cầu Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), ông lấy búa (có tài liệu cho là ông dùng gậy) gõ vào thành cầu và thông báo với viên tỉnh trưởng Bạc Liêu là 1 tháng nữa cây cầu sẽ sập. Viên tỉnh trưởng hết sức bất ngờ bởi cây cầu này do kỹ sư Pháp thiết kế thi công và mới hoàn thành chỉ hơn 1 năm.

Viên tỉnh trưởng thắc mắc vì sao Bác vật Lang dám khẳng định như vậy. Đáp lại, Bác vật Lang giơ ra chiếc búa đồng thời khẳng định lại một lần nữa thời hạn để thực hiện được sửa chữa, khắc phục cây cầu. Viên tỉnh trưởng không khỏi bật cười, cho là chuyện nhảm nhí. Thế nhưng không ngờ chỉ 3 tuần sau cây cầu bỗng dưng sập. Bây giờ người dân địa phương vẫn còn gọi cầu Long Thạnh là cầu Sập.

Viên tỉnh trưởng vội vã thỉnh Bác vật Lang đến dinh để xin lỗi, mong bỏ qua việc tắc trách và thái độ khinh khi lúc trước. Vị Bác vật khi đó đã yêu cầu tỉnh trưởng xây dựng lại cây cầu mới đồng thời cho kiểm tra tất cả những cây cầu trong tỉnh. Sau đó, viên tỉnh trưởng mới biết rằng, Bác vật Lang chỉ cần dùng búa gõ vào một số điểm trên công trình rồi lắng nghe là có thể biết cầu đang bị lỗi gì, hỏng nứt chỗ nào.

Nể phục tài năng, đức độ của Bác vật Lang, viên tỉnh trưởng đối đãi với ông hậu hĩ. Đáp lại những ân tình và cũng là cách nhắc nhở ông quan đầu tỉnh việc giờ giấc công vụ, Bác vật Lang xây tặng viên quan này đồng hồ Thái Dương, đặt trước sân dinh tỉnh trưởng (nay tọa lạc tại đường 30/4, TP. Bạc Liêu).

Đồng hồ này xây bằng gạch tàu và xi măng nên dân gian thường gọi đồng hồ đá. Đồng hồ cao khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về hướng Bắc, gồm 3 phần. Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ từ 1-6 và từ 7-12. Khi ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối, con số nào nằm giữa hai vệt này là số giờ lúc ấy.

Mặt chiếc đồng hồ Thái Dương hướng ra đường nên lúc bấy giờ, viên chức, người dân muốn đi làm đúng giờ thì tạt ngang nhìn giờ trước khi đến nơi làm việc. Chiếc đồng hồ độc nhất vô nhị Đông Dương này đến nay đã hơn trăm tuổi nhưng vẫn hoạt động tốt, sai số chỉ tầm 5 phút. Năm 2006, đồng hồ Thái Dương được xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Người nắm giữ bí ẩn hang sâu nhất vùng Thất Sơn

Bác vật Lang gắn liền với giai thoại ly kỳ liên quan đến núi Cấm (An Giang), ngọn núi cao nhất vùng Bảy Núi (Thất Sơn), nơi núi non trùng điệp với bao điều huyền bí, linh thiêng. Một trong những bí ẩn của vùng núi này là những hang động sâu hun hút, nhiều khe ngang lối dọc như mê cung.

Chuyện kể rằng, một lần nọ đoàn người Pháp tổ chức thám sát các hang trên núi Cấm và Bác vật Lang đi cùng. Đến một hang sâu gần đỉnh núi, mọi người cột dây thừng vào con khỉ rồi thả xuống. Một lúc sau, khi dây đã được thả rất dài thì nhẹ hẳn. Mọi người kéo dây lên thì con khỉ biến mất, dấu vết để lại giống như có ai đó đã cởi dây trói.

Đoàn thám sát tiếp tục cột con chó vào đầu dây thả xuống hang sâu. Được một lúc sợi dây cũng nhẹ tênh, kéo lên con chó biến mất và dấu vết để lại cũng giống như lần trước. Mọi người hoang mang lo lắng không biết dưới hang sâu có ác thú hay điều gì kỳ bí nhưng không ai dám xuống.

Bác vật Lang khi đó tự nguyện cho mọi người cột dây vào người mình để thả xuống hang. Bác vật xuống được một lúc, mọi người cũng giật thót người khi sợi dây bị tháo bỏ mà người không thấy trở lại. Cả đêm hôm ấy, mọi người hồi hộp chờ đợi nhưng không thấy nhà khoa học trở lên, hi vọng mỗi lúc một mong manh.

Trời gần sáng, bất ngờ Bác vật Lang từ dưới hang sâu bò lên, người lành lặn nhưng ai hỏi gì cũng chỉ ú ớ, lắc đầu, không nói lời nào. Ông được đưa về Sài Gòn chữa trị, sức khỏe có phần bình phục nhưng cũng chẳng nói năng. Có một lần, trả lời câu hỏi đã thấy gì trong hang? ông nói rằng: “Ở dưới núi là một mâm cơm dọn sẵn. Trên núi là một cái lồng bàn, giở ra là ăn…”. Đó là những câu nói cuối cùng trong đời của ông. Về sau người ta lấy tên ông đặt cho hang.

Bác vật Lang mất năm 1969, mang theo những bí ẩn dưới hang sâu mà bao nhiêu năm qua người ta tìm kiếm nhưng vô vọng. Nhiều tài liệu cho rằng, hang Bác vật Lang sâu đến nỗi đi cả ngày không giáp, cũng là hang sâu và bí ẩn nhất trên núi Cấm. Nhiều người gan dạ đã từng xuống khám phá hang nhưng vẫn chưa có ai đi hết được hang để biết nó sâu bao nhiêu, có những gì.

Bác vật Lang cũng nổi tiếng là người nhiều năm làm việc cho Pháp nhưng giàu tinh thần kháng Pháp. Ông có câu nói để đời: “Je suis trop vieux pour servir de valet!” (Tôi đã quá già để làm đầy tớ!). Đây là câu trả lời của ông khi người Pháp tái chiếm Nam Bộ và mời ông tham gia Hội đồng tư vấn Nam Kỳ. Tên ông được dùng đặt tên đường ở quận 1, TP HCM. Ở quê hương Sa Đéc, cũng có một ngôi trường, một con đường mang tên ông.

Theo BÁO PHÁP LUẬT

Tags: , ,