Cuộc chiến của Liên Xô ở Afganistan: 10 năm đau thương

Dòng thời gian soi rọi vào nhiều sự kiện giúp làm sáng tỏ nguyên nhân của việc Liên Xô phải đưa quân vào Afghanistan, và như lời đánh giá của Tổng thống V. Putin, “các mối đe dọa thực tế khi ấy đòi hỏi chúng ta phải hành động”.

Cuộc chiến của Liên Xô ở Afganistan: 10 năm đau thương

Đất nước Afghanistan tuy đất không rộng, người không đông, xã hội nghèo nàn và lạc hậu, nhưng do vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Nam Á mà vào giai đoạn cao trào của cuộc Chiến tranh lạnh luôn nằm trên bàn cờ của nhiều nước lớn.

Khi phên giậu phương Nam suy sụp

Cuộc chiến tranh tại Afghanistan với sự can thiệp của quân đội Liên Xô là cuộc xung đột kéo dài giữa các lực lượng quân sự Liên Xô ủng hộ chính phủ của đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) chống lại lực lượng Mujahideen được sự ủng hộ từ nhiều phía như Hoa Kỳ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo khác. Từ đây, các đối thủ của Liên Xô  ở  phương Tây đã lợi dụng bước đi mạo hiểm của Moskva để kích hoạt một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Dòng thời gian soi rọi vào nhiều sự kiện giúp làm sáng tỏ nguyên nhân của việc Liên Xô phải đưa quân vào Afghanistan, và như lời đánh giá của Tổng thống V. Putin, “các mối đe dọa thực tế khi ấy đòi hỏi chúng ta phải hành động”.

Sự can thiệp quân sự của nước Nga tại Afghanistan đã có từ khá lâu trong lịch sử, bắt đầu bằng những cuộc chinh phạt các bộ tộc của quân đội Nga Sa hoàng trong cái gọi là “Great Game” (Trò chơi lớn) vào thế kỷ XIX. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Bolshevik từ năm 1919 đã cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho Afghanistan bằng hàng triệu rúp vàng, vũ khí cầm tay, đạn dược và một số máy bay để hỗ trợ cuộc kháng chiến của người Afghanistan chống lại quân đội Anh.

Đến năm 1924, ngoài các hình thức viện trợ quân sự truyền thống, chính phủ Liên bang Xô-viết còn tiến hành huấn luyện các sĩ quan tham mưu quân đội Afghanistan tại Tashkent (thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan). Năm 1972, 100 cố vấn và chuyên gia kỹ thuật Liên Xô được gửi tới Afghanistan để huấn luyện các lực lượng vũ trang nước này.

Tháng 5/1978, hai chính phủ ký kết một thỏa thuận gửi 400 cố vấn quân sự Liên Xô. Tháng 12/1978, Moskva và Kabul ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương cho phép quân đội Liên Xô triển khai trong trường hợp có yêu cầu từ phía chính phủ Cộng hòa Dân chủ Afghanistan. Viện trợ quân sự Liên Xô không ngừng gia tăng và chế độ PDPA dần lệ thuộc vào các thiết bị quân sự và cố vấn Liên Xô.

Thiết nghĩ cũng nên điểm qua lịch sử hình thành các thể chế và đảng phái chính trị ở đất nước Hồi giáo đa sắc tộc này. Vua Mohammad Zahir Shah cai trị Afghanistan trong gần 4 thập kỷ; từ năm 1933-1973. Người anh/em họ của Zahir là Mohammad Daoud Khan, làm Thủ tướng từ năm 1953-1963. Đảng PDPA theo đường lối Marxist hình thành và phát triển mạnh mẽ trong quãng thời gian này.

Năm 1967, PDPA chia thành hai phe, phe Khalq (Masses) do Nur Muhammad Taraki và Hafizullah Amin lãnh đạo, còn phe Parcham (Banner) do Babrak Karmal cầm đầu. Thủ tướng Daoud tuy là người có công trong việc chấm dứt chế độ quân chủ nhưng những nỗ lực của ông nhằm cải cách kinh tế xã hội gặp nhiều trở lực và thất bại, đặc biệt khi ông chủ trương tiến hành đàn áp PDPA. Trước tình thế này, hai phe trong PDPA tái hợp nhất và đặt ra mục tiêu lật đổ Daoud.

Ngày 27/4/1978, PDPA lật đổ chính quyền, Daoud bị xử tử. Nur Muhammad Taraki, Tổng thư ký PDPA, trở thành Tổng thống của Hội đồng Cách mạng và Thủ tướng của nhà nước Cộng hòa Dân chủ Afghanistan. Tuy nắm giữ các vị trí tối cao nhưng Taraki vẫn không thể nào hàn gắn những bất đồng cố hữu trong đảng cầm quyền vì thế chính phủ ngày càng bị chia rẽ theo các phe phái trong đảng, với Tổng thống Taraki và Phó thủ tướng Hafizullah Amin thuộc phái Khalq chống lại các lãnh đạo Parcham như Babrak Karmal và Mohammad Najibullah. Những xung đột như thế tất yếu dẫn tới các cuộc thanh trừng khốc liệt.

Trong 18 tháng cầm quyền đầu tiên, PDPA áp dụng các biện pháp cải cách, đưa ra các sắc lệnh thay đổi trong phong tục cưới hỏi và cải cách ruộng đất nhưng lại bị dân chúng phản đối mạnh mẽ vì chúng đi ngược lại các giá trị xã hội truyền thống và Hồi giáo.

Một cuộc nổi dậy bắt đầu vào giữa năm 1978 tại vùng Nuristan phía đông Afghanistan và chẳng bao lâu sau bùng phát thành cuộc nội chiến lan tràn khắp Afghanistan. Tháng 9/1979, Phó thủ tướng Hafizullah Amin tiến hành đảo chính lật đổ Taraki. 2 tháng sau đó, Amin vẫn không thể nào vãn hồi được tình trạng hỗn loạn vì chính ông này, để củng cố quyền lực, đã quay sang chống lại các thành phần cựu thù bên trong PDPA.

Tháng 2/1979, cuộc Cách mạng Hồi giáo đã lật đổ chính quyền Shah (Quốc vương) được Mỹ hỗ trợ tại Iran, nước láng giềng phía nam của Afghanistan. Còn tại nước láng giềng phía bắc của Afghanistan là Liên Xô, trong số hơn 20% dân số là người Hồi giáo tập trung ở các nước cộng hòa trong thành phần Liên bang vùng Trung Á có rất nhiều quan hệ bộ tộc cả tại Iran và Afghanistan.

Bất an trước tình hình bạo loạn trong nội bộ chính phủ Afghanistan bao nhiêu thì giới lãnh đạo Liên bang Xô-viết lại càng cảm thấy bị mối đe dọa chiến tranh giữa Mỹ và Iran lớn dần bấy nhiêu trước thực tế từ tháng 2, Mỹ đã triển khai 20 tàu chiến và 2 tàu sân bay. Tháng 3 năm đó lại diễn ra sự kiện hiệp ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập do Mỹ hậu thuẫn được ký kết. Giới lãnh đạo Liên Xô coi “hiệp ước hòa bình” này là sự mở rộng phạm vi quyền lực của Mỹ trong khu vực. Báo chí Liên Xô bình luận về sự kiện này rằng, Israel và Ai Cập từ khi ấy đã “hình thành một liên minh quân sự” và trở thành “những tên sen đầm của Lầu Năm Góc”.

Ngoài ra, tình báo Liên Xô còn khám phá việc hơn 5.000 quả tên lửa đóng mác “Made in USA” đã được bán cho Arab Saudi và nước này cũng đang hỗ trợ cho lực lượng kháng chiến Yemen trong cuộc chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang theo đường lối cộng sản. Tương tự, những mối quan hệ vốn tốt đẹp trước kia của Liên Xô với Iraq cũng bắt đầu giảm sút. Tháng 6/1978, Iraq bắt đầu mua các vũ khí của Pháp và Italia mặc cho Liên Xô kịch liệt phản đối…

Cựu giám đốc CIA Robert Gates trong hồi ký của mình mang tựa đề “From the Shadows” (Từ những bóng tối), đã đề cập đến việc CIA bắt đầu hỗ trợ các chiến binh phiến loạn chống lại chính phủ của đảng cầm quyền PDPA từ mấy tháng trước khi các binh đoàn Liên Xô tiến vào Afghanistan.

Năm 1998, khi trả lời các phóng viên tờ báo Pháp “Le Nouvel Observateur” về vấn đề này, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Z. Brzezinski đã thừa nhận: “Tuy theo các thông tin chính thức thì CIA bắt đầu đầu cung cấp vũ khí cho những nhóm thánh chiến tại Afghanistan sau khi Quân đội Liên Xô tiến vào nước này nhưng trên thực tế thì từ ngày 3/7/1979, Tổng thống Jimmy Carter đã ký một sắc lệnh về việc giúp đỡ những kẻ chống đối chế độ thân Xô-viết ở Kabul.

Ngay ngày hôm đó tôi đã gửi Tổng thống ý kiến của mình: “Theo quan điểm của tôi, việc giúp những kẻ chống đối sẽ dẫn tới việc Liên Xô can thiệp quân sự”. Khi trả lời câu hỏi của phóng viên là liệu việc quyết tâm tiến hành một chiến dịch bí mật hỗ trợ lực lượng phiến quân có phải là tính toán của Mỹ nhằm đưa Liên Xô vào “bẫy” Afghanistan hay không, Bzerzinski khôn khéo trả lời: “Chiến dịch này là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng tôi không ép Liên Xô can thiệp, nhưng chúng tôi đã cố tình tăng khả năng để người Nga làm việc đó”.

Một số nguồn thông tin khác cho rằng, chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter đã bắt đầu xem xét khả năng thông qua các kênh bí mật giúp đỡ cho đội quân nổi dậy tại Afghanistan này ngay từ đầu năm 1979. Lúc đó, Brzezinski đã đề nghị áp dụng một loạt biện pháp nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của người Nga ngay tại “sân sau” của mình, thuyết phục Carter cho phép bí mật cung cấp cho các nhóm phiến quân lô vũ khí đầu tiên.

Thực ra, đây chỉ là lô súng trường đã rất cũ của Anh cỡ 7,7 mm. Tuy nhiên, điều quan trọng nằm ở chỗ: những kẻ chống đối chính quyền Kabul hiểu rằng, sau lưng họ là một cường quốc và điều đó làm cho các nhóm này hoạt động tích cực hơn, và còn một điều quan trọng hơn nữa: Các thông tin về việc Mỹ cung cấp vũ khí cho những kẻ muốn lật đổ chính quyền Afghanistan đương nhiệm qua các kênh tình báo đã được chuyển về Moskva; nó sẽ làm tăng “độ tin cậy” của các phân tích về “các âm mưu của Mỹ”.

Trong hồi ký của mình, Robert Gates viết: Ngày 28/3/1979 nhân viên CIA, chuyên gia về Liên Xô A.Horelick đã viết báo cáo gửi giám đốc CIA Terner dự báo các kịch bản phát triển tình hình ở Afghanistan. Kết luận của Horelick là: sự phát triển của phong trào nổi dậy có thể buộc Liên Xô phải can thiệp.

2 ngày sau, cấp phó của Brzezinski là D.Aaron đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban điều phối đặc biệt về Afghanistan và đưa ra kết luận: Mỹ cần phải có các hành động nhằm đưa Liên Xô sa vào vũng lầy tại khu vực này. Ngày 6/4/1979, tại một họp khác của Ủy ban nói trên, nhưng dưới sự chủ trì của đích thân Brzezinski, các thành viên Ủy ban đã đưa ra một loạt các phương án hành động, từ cung cấp vũ khí đến giúp đỡ huấn luyện quân nổi dậy. Nhóm công tác đặc biệt khuyến nghị CIA cung cấp “sự giúp đỡ dân sự” cho những kẻ chống chính quyền.

Ngày 24/4/1979, Horelick lại viết tiếp một bản báo cáo gửi giám đốc CIA liên quan đến việc hỗ trợ quân nổi dậy. “Sự hỗ trợ” đó sẽ dẫn tới sự can thiệp quân sự của Liên Xô và đây chính là mục đích quan trọng nhất chứ hoàn toàn không phải xuất phát từ “hảo ý” muốn hỗ trợ cho lực lượng phiến quân chống chính quyền thân Liên Xô.

Việc Hafizullah Amin lên nắm quyền được xác nhận vào ngày 20/9/1979 với thông cáo chính thức: Hafizullah Amin là một người Hồi giáo mộ đạo. Khi lật đổ Muhammad Taraki, Hafizullah Amin hứa hẹn “từ nay trở đi sẽ không có một chính phủ nằm trong tay một cá nhân”. Nhằm “trấn an lòng dân”, Hafizullah Amin cho công bố việc 18.000 người bị hành quyết đều là do Taraki ra lệnh.

Thực tế, tổng số người bị bắt trong thời kỳ Muhammad Taraki và Hafizullah Amin cùng cầm quyền là từ 17.000 đến 45.000 người. Những vùng nông thôn càng ngày càng bị mất kiểm soát, quân đội Afghanistan bị chia rẽ và “teo tóp” dần vì nạn đào ngũ: số lượng quân nhân trong quân đội Afghanistan từ con số 100.000 ngay sau Cách mạng Saur (đảo chính lật đổ Taraki) giảm xuống gần một nửa- còn khoảng từ 50.000 đến 70.000 quân. Trong chính sách đối ngoại, Hafizullah Amin cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của Afghanistan vào Liên Xô bằng cách tăng cường quan hệ với Pakistan và Iran.

Liên Xô càng thêm lo lắng khi họ nhận được các thông tin: Hafizullah Amin gặp riêng Gulbuddin Hekmatyar- một trong các thủ lĩnh chống cộng tại Afghanistan. Đầu tháng 12/1979, Bộ Ngoại giao Afghanistan đề nghị tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa Hafizullah Amin và Tổng thống Pakistan Muhammad Zia-ul-Haq. Chính phủ Pakistan chấp thuận đề xuất này, cử Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Agha Shahi đến Kabul thảo luận. Trong khi đó, Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) tiếp tục huấn luyện các phần tử phản đối chế độ cộng sản- các chiến binh Mujahideen.

Theo Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev, “các sự kiện đã tiến triển rất nhanh tại Afghanistan đến mức về cơ bản có rất ít cơ hội để can thiệp vào đó bằng cách nào đó. Nhiệm vụ của chúng ta ngay bây giờ là quyết định các hành động của mình để duy trì vị trí của chúng ta tại Afghanistan cũng để bảo vệ ảnh hưởng của Liên bang Xô-viết ở đó”.

Tình hình trở nên tồi tệ khi Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB có trong tay bản báo cáo việc Hafizullah Amin xuyên tạc vị thế của Liên Xô tại Afghanistan trong Ủy ban Trung ương đảng PDPA và Hội đồng Cách mạng. KGB cũng lưu ý về sự gia tăng các hành động sách nhiễu công dân Liên Xô từ khi Hafizullah Amin lên nắm quyền. Một nhóm các chính trị gia cấp cao báo cáo với Ủy ban Trung ương Liên Xô rằng, cần phải làm “mọi thứ có thể” để ngăn ngừa một sự thay đổi định hướng chính trị tại Afghanistan.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Liên Xô không ủng hộ can thiệp vào thời điểm này, mà thay vào đó kêu gọi gia tăng ảnh hưởng của mình đối với ban lãnh đạo của Hafizullah Amin để vạch trần “mục đích thực sự” của ông ta. Một đánh giá của Bộ Chính trị Liên Xô gọi Hafizullah Amin là “một nhân vật thèm khát quyền lực bị điều khiển bởi tính tàn bạo và hai mặt; là người theo đuổi một chính sách gia đình trị và có khuynh hướng tiến hành một ‘chính sách cân bằng’ hướng về các quốc gia phát triển ở phương Tây.

Chiến dịch “Storm-333”

Những cuộc nổi dậy bên trong lãnh thổ Afghanistan bắt đầu khởi phát từ năm 1978, sau một loạt những sáng kiến cải cách của chính phủ dưới trướng Tổng thống Taraki với mục tiêu “nhổ rễ chế độ phong kiến” trong xã hội Afghanistan.

Những biện pháp cải cách đó tuy mang lại một số thay đổi tích cực, nhưng chúng được thực hiện theo cách thức cưỡng chế tàn bạo. Xã hội nông thôn Afghanistan phần lớn vẫn tuân theo truyền thống, và những cuộc cải cách ruộng đất đang đe dọa những nền móng của nó; tương tự việc cải cách giáo dục và trao thêm một số quyền cho phụ nữ bị coi là hành động tấn công đạo Hồi. Vì thế, những cuộc phản kháng dễ dàng bị dẫn dắt bởi quân nổi dậy.

Cuộc nổi dậy bắt đầu từ tháng 10/1978 bên trong các bộ lạc Nuristani tại thung lũng Kunar rồi nhanh chóng lan tới các bộ nhóm sắc tộc khác, gồm cả cộng đồng đa số người Pashtun. Đến mùa xuân năm 1979, 24 trong số 28 tỉnh đã bùng phát bạo lực, quân nổi dậy bắt đầu chiếm các thành phố.

Tháng 3/1979 trong cuộc binh biến tại Herat, quân lính Afghanistan dưới sự chỉ huy của Ismail Khan đã giết hại gần 100 cố vấn Liên Xô. PDPA dẹp loạn bằng một chiến dịch ném bom nhưng lại làm thiệt mạng 24.000 thường dân.

Để bảo vệ chính quyền cách mạng, lãnh đạo Liên bang Xô-viết đã quyết định cung cấp viện trợ cho Afghanistan từ sau khi nhận được lời cảnh báo từ trụ sở KGB: sau cuộc đảo chính lật đổ và giết hại Taraki, chính Hafizullah Amin là người đã làm mất ổn định tình hình tại Afghanistan và rằng sự lãnh đạo của nhân vật này sẽ dẫn tới “những cuộc đàn áp đẫm máu, vì thế sẽ dẫn tới sự nổi dậy và đoàn kết của lực lượng đối lập”.

Lời cảnh báo này càng được củng cố bằng việc, sau khi nắm quyền, Tổng thống Hafizullah Amin công khai yêu cầu Liên Xô rút ngay các cố vấn quân sự về nước. V.Kriuchkov, lãnh đạo một ban thuộc KGB lúc đó viết: “Mỹ, Anh, Đức và một số nước khác lúc đó rất quan tâm đến Afghanistan, đặc biệt là các khu vực phía bắc (giáp Liên Xô). Họ đã ráo riết tìm mọi cách làm suy yếu ảnh hưởng và vị thế của Liên Xô tại Afghanistan…

Theo kênh của KGB và GRU (Cơ quan tình báo quân đội Liên Xô), ngày càng có nhiều tin tình báo về “các mưu đồ sâu xa của Mỹ sử dụng khu vực lãnh thổ (Afghanistan) giáp phía Nam Liên Xô” và “để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ hướng Nam như vậy, Liên Xô sẽ buộc phải bố trí bổ sung ở các nước cộng hòa Trung Á không ít hơn một tập đoàn quân, thành lập các tuyến phòng thủ bổ sung với cơ sở hạ tầng tốn kém, còn hệ thống phòng không thì hầu như phải thiết lập mới”.

Kriuchkov cũng đề cập đến việc KGB ngày càng mất lòng tin vào Tổng thống Amin: “Chúng tôi có đồng quan điểm là Amin ngày càng trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với số phận cách mạng Afghanistan”.

Một ủy ban đặc biệt về Afghanistan được thành lập gồm Chủ tịch KGB Yuri Vladimirovich Andropov, Ủy viên Trung ương Đảng Ponomaryev và Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitriy Fyodorovich Ustinov. Tướng Kirpichenko nhớ lại là vào tháng 11/1979, ông được V. Kriuchkov gọi đến và thông báo “tên độc tài Amin thể hiện mình như một tên phát xít chính hiệu và là tên đao phủ đối với nhân dân Afghanistan”. Nhưng quan trọng nhất là “đã phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Amin đang chuyển chính sách về phía Mỹ”.

Khi nhận thêm báo cáo về việc Tổng thống Hafizullah Amin đang thanh trừng các đối thủ, trong đó có cả những người có cảm tình Liên Xô; các nhân vật chủ chốt của Ủy ban đặc biệt đưa ra kết luận: sự trung thành của ông ta với Moskva là điều giả dối! Đại tướng N.Leonov (lúc đó là Phó Cục trưởng Cục phân tích thông tin Tổng cục I KGB) nhận xét: Amin bị buộc rất nhiều tội, nhưng quan trọng nhất là nhân vật này đã từng học ở Mỹ và có lẽ đã bị CIA tuyển mộ.

Tổ điệp báo của KGB tại Kabul thường xuyên lưu ý: “Nhân vật này có thể trốn khỏi Afghanistan ngay sau khi đã tiêu diệt xong Đảng (Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan được Liên Xô hậu thuẫn). Còn nhiều thông tin nữa về việc hình như hắn đang chuyển tiền vào các tài khoản nước ngoài và gửi các tài sản quý sang Tokyo. Ngoài ra, các tin tức khác khẳng định việc Amin là đã trở thành một nhân vật chống Xô-viết rõ rệt thì hầu như ngày nào cũng xuất hiện trong các bản báo cáo từ Kabul gửi về.

Đại tá V. Kolesnhik của Bộ Tổng tham mưu (sau là thiếu tướng), người chỉ huy chiến dịch tấn công dinh tổng thống của Amin nhớ lại rằng, ngay trước khi chiến dịch bắt đầu, tướng KGB IU. Deozlov, cấp phó của ông trong chiến dịch này đồng thời chỉ huy các đội đặc nhiệm KGB, khi phát biểu trước những người tham gia chiến dịch đã nói rằng “Amin chính là gián điệp của CIA”.

Còn tướng Drozlov, lúc ấy cũng là lãnh đạo một cơ quan thuộc KGB khẳng định: “Việc Mỹ đứng chân tại Afghanistan tạo điều kiện cho nước này tiến sát đến khu mỏ có giá nhất của thế giới là Tazikistan – nơi có tất cả các nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev – chính vì vậy mà Liên Xô phải bảo vệ các đường biên giới phía Nam của mình, bảo vệ các các nguồn năng lượng trong tương lai và các tài nguyên thiên nhiên khác của dãy Pamir”.

Căn cứ vào một số biên bản tốc ký ghi nội dung các cuộc họp kín của một nhóm các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô còn sót lại trong hồ sơ lưu trữ thì ban đầu, quan điểm của các ủy viên này là rất tỉnh táo: Kabul yêu cầu hỗ trợ quân đội và vũ khí nhưng không ai muốn can thiệp, cho dù xuất phát từ động cơ ý thức hệ. “Quân đội của họ đang tan rã, tại sao chúng ta lại phải tiến hành chiến tranh thay họ?” – L.Breznhev; “Giới lãnh đạo (Afghanistan) không nắm được lực lượng nào ủng hộ họ và không biết cách dựa vào lực lượng đó – họ xử bắn các đối thủ chính trị” – Iu. Andropov; Kirilenko thì đưa ra nhận định, “Chúng ta đã cung cấp cho họ mọi thứ, nhưng chúng ta sẽ thu được gì? Hoàn toàn không có một kết quả tích cực nào”.

Chính giới lãnh đạo quân sự cao cấp nhất thời đó là những người kiên quyết phản đối việc đưa quân vào Afghanistan như Tổng tham mưu trưởng-Nguyên soái X. Akhromeev, Chủ nhiệm Tổng cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu – đại tướng V.Varenhikov, Tư lệnh Lục quân đại tướng I.Pavlovski, Cố vấn trưởng Lực lượng vũ trang Afghanistan- Trung tướng L.Gorelov…

Mặc dù vậy, Bộ Chính trị Liên Xô vẫn cho chuẩn bị các biện pháp quân sự. Từ ngày 5 đến 7/7/1979, một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 111 của Sư đoàn cận vệ đổ bộ đường không đã được điều đến Bagram. Cùng thời điểm đó, các nhóm đặc nhiệm của KGB cũng đã có mặt tại Kabul. Đến mùa thu năm 1979, các nhân viên dưới quyền Iu. Andropov đã thổi còi báo động: “Kẻ thù đã ở ngay trước cửa!”. Cùng lúc đó, CIA cũng đưa Hafizullah Amin vào “cuộc chơi”: B. Amstutz, đại diện lâm thời của Mỹ tại Afghanistan thường xuyên đến gặp Tổng thống Afghanistan và tin này cũng được chuyển ngay về Moskva.

Việc lôi kéo Liên Xô vào cuộc chiến tranh Afghanistan đã có chủ định trước từ phía Mỹ trong khi trước đó, cả Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Ủy ban An ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, không ai muốn có bất cứ “một cuộc hành binh nào về phía Nam”. Vì thế học thuyết của Jimy Carter tóm lược toàn bộ các mục tiêu của phương Tây về cuộc chiến Afghanistan-cho rằng, Liên Xô “bứt phá về phía Nam, tới vùng vịnh Persian và Ấn Độ Dương nhiều dầu mỏ”- không hề có bất kỳ sự liên quan nào tới những kế hoạch thực sự của Moskva.

Có thể hiểu được tại sao người Mỹ cáo buộc Liên Xô về việc này vì bản thân họ từ lâu đã xác tín vào “mối đe dọa Liên Xô”, họ cần thiết phải “ma quỷ hóa” Liên Xô tại thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh.

Năm 1979 đã bắt đầu đối với nước Mỹ bằng việc mất đồng minh then chốt trong khu vực này là Iran. Cuộc cách mạng lật đổ nhà vua đã trở thành chống Mỹ – vụ đánh chiếm sứ quán Mỹ tại Tehran đã cho thấy, một đế chế không thể có cách nào trừng phạt kẻ chọc giận mình. Liên Xô, trái lại đã mở rộng được ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới: Lực lượng vũ trang cách mạng Sandino giành được chính quyền tại Nicaragua, lực lượng cánh tả đã chiến thắng tại Grenada, các chính thể marxist đã được củng cố tại Angola và Mozambique với sự giúp đỡ của Cuba và Liên Xô.

Mỹ không biết làm cách nào để chặn đứng “sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô, mặc dù trên thực tế, Liên Xô mạnh lên nhờ đã ủng hộ các lực lượng chống đế quốc, chống phương Tây. Afghanistan đã trở thành cái cớ tốt để có thể tạo ra các khó khăn cho Liên Xô. Các phần tử Hồi giáo và những người Pashtun ở Pakistan, và ở ngay tại Afghanistan đơn giản là không hài lòng với chính quyền mới ở Kabul.

Khi Amin trở thành tổng thống Afghanistan vào tháng 9, Liên Xô đã lo ngại bởi vì ông này đã sát hại Taraki (người đã trở về từ Moskva trước đó không lâu sau các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Brejnev), cũng như vì những điều khó hiểu trong tiểu sử của ông này đã tạo ra lý do để phải suy nghĩ: liệu ông ta có dính dáng tới các cơ quan mật vụ phương Tây hay không. Và chỉ tới khi có thông tin về cuộc gặp gỡ của Amin với các đại diện không chính thức của Mỹ, ban lãnh đạo Liên Xô mới đặc biệt lo ngại.

Amin chưa từng là điệp viên CIA, nhưng ông ta đã làm mọi việc để buộc người ta phải nghi vấn về điều này nhiều hơn. Hơn nữa trong bối cảnh Moskva thấy tình hình tại Afghanistan đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, và ở Pakistan người Mỹ đã trở nên ngày càng tích cực hơn. Các phần tử Hồi giáo đã trở thành công cụ-lúc đầu là trong tay Cơ quan tình báo Pakistan, và sau đó là tình báo Mỹ.

Còn tại Afghanistan trong vòng 1 năm rưỡi đã có tới 2 nhà lãnh đạo bị sát hại, cũng như tại hàng chục tỉnh đã diễn ra các cuộc bạo loạn, Moskva đơn giản là không thể không đánh giá hết sự nghiêm trọng của tình hình Afghanistan. Cuộc nội chiến đã nổ ra không chỉ đe dọa dìm đất nước láng giềng vào hỗn loạn, mà vì cả hậu quả là trong chính quyền sẽ có cả những lực lượng thù địch với Liên Xô: Liệu có phải đó chỉ đơn thuần là các phần tử Hồi giáo, hay Hồi giáo hợp tác với Mỹ?

Đầu tiên, chiến dịch loại bỏ Tổng thống Amin mang mật danh “Storm-333” chính thức được khởi động. Để chuẩn bị cho chiến dịch này, một nhóm điệp viên KGB của Liên Xô đã được điều động đến Thủ đô Kabul của Afghanistan để nghiên cứu tình hình. Họ khoác áo các nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Liên Xô ở Kabul cũng như các cơ quan ngoại giao khác.

Lực lượng triển khai hành động bao gồm 2 đơn vị tinh nhuệ Alpha, Vympel của lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz GRU (mỗi đơn vị khoảng 20 người), 30 người từ một nhóm biệt kích Zenith của KGB, 520 người thuộc đơn vị Spetsnaz 154 trực thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô còn gọi là “Tiểu đoàn Hồi giáo” cùng 87 binh sĩ khác từ Trung đoàn dù 345. Họ được đưa vào Kabul núp bóng dưới các đơn vị Quân đội Afghanistan nên lực lượng an ninh sở tại vẫn không hề hay biết gì.

15 giờ ngày 27/12/1979, Spetsnaz GRU bắt đầu nổ súng tấn công vào cung điện Tajbeg, nơi làm việc của Tổng thống Amin. Dẫn đầu cuộc tấn công là 2 đơn vị đặc biệt tinh nhuệ Alpha và Vympel, trong đó nhóm Alpha có nhiệm vụ tiêu diệt Tổng thống Amin cùng các vệ sĩ của ông ta, nhóm Vympel thu thập tài liệu và bằng chứng về quá trình hợp tác của Amin với Washington.

Thực tế là các đơn vị bảo vệ vòng ngoài cung điện Tajbeg không được trang bị mũ bảo vệ và áo chống đạn chuyên dụng, còn lực lượng bảo vệ Tổng thống Amin được trang bị súng tiểu liên nhưng không có khả năng bắn xuyên áo giáp!

Với sức mạnh áp đảo và kinh nghiệm chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ, 150 vệ sĩ của Tổng thống Amin nhanh chóng bị vô hiệu hóa, Tổng thống Amin bị bắn chết trong cuộc tấn công, người con trai bị trọng thương và chết sau đó, người con gái cũng bị thương nhưng may mắn thoát chết. Sau cuộc tấn công, dinh tổng thống, tòa nhà của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Nội Vụ Afghanistan đều bị lực lượng Liên Xô nắm giữ. Không lâu sau đó, Babrak Karmal được đưa lên làm Tổng thống Afghanistan.

Con số thiệt hại của Liên Xô trong chiến dịch Storm-333 không thực sự rõ ràng. Trong “hồ sơ Mitrokhin”, tác giả Vasili Mitrokhin (một cựu điệp viên của KGB) cho rằng, có khoảng 100 binh sĩ của KGB đã thiệt mạng trước khi tiến vào được bên trong cung điện Tajbeg và bắn chết Tổng thống Amin. Trong khi đó nhà sử học Christopher Andrew thuộc Đại học Cambridge, Anh không đồng tình và cho rằng, con số thiệt hại của Liên Xô còn nhiều hơn thê,ë bao gồm cả những người bị thương và có thể chết sau đó.

Nước cờ mạo hiểm và sai lầm

Ngày 25/12/1979, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitry Ustinov chính thức ban bố sắc lệnh “Quân đoàn số 40 và Không quân sẽ vượt qua biên giới của Cộng hòa Dân chủ Afghanistan trên bộ và trên không vào lúc 15 giờ ngày 25/12”. Đây được xem là bước khởi đầu chính thức cuộc can thiệp của Liên Xô tại Afghanistan.

Ngày 27/12, cả thế giới gần như bị chấn động trước thông tin Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin đã bị ám sát trong một chiến dịch đột kích của lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz GRU của Liên Xô. Toàn bộ lực lượng bảo vệ cung điện Tajbeg từ 100-150 lính đều bị tiêu diệt. Cung điện Tajbeg từng là đại bản doanh Quân đoàn Trung ương của quân đội quốc gia Afghanistan, có kết cấu phòng thủ vững chắc, tường có thể chịu được hỏa lực của pháo binh.

Khi Hafizullah Amin chuyển đến đây từ Phủ Chủ tịch tọa lạc ở trung tâm Kabul, người ta đã phá gần hết các tuyến đường dẫn đến cung điện, ngoại trừ một tuyến được phòng thủ bằng súng máy hạng nặng và pháo binh, 7 đồn bốt, mỗi đồn có bốn lính gác được trang bị súng máy, súng cối và súng trường tự động. Từng có nhiều tường thuật về hoàn cảnh Hafizullah Amin thiệt mạng, song các chi tiết chính xác đến nay vẫn chưa bao giờ được chứng thực.

Cùng khoảng thời gian trên, các phân đội lính đổ bộ đường không Liên Xô đã bao vây các đơn vị của quân đội Afghanistan tại Kabul, chiếm các mục tiêu chủ chốt của thủ đô như Bộ Tổng tham mưu, trụ sở Bộ An ninh và Bộ Nội vụ Afghanistan, các đầu mối thông tin liên lạc như Trung tâm phát thanh và truyền hình.

Nếu xét từ góc độ kỹ thuật thì những kết quả ban đầu của các đội đặc nhiệm là hoàn hảo, thậm chí là xuất sắc: rất ít đổ máu và kiểm soát được thủ đô Afghanistan, các đơn vị quân đội Afghanistan bị khóa chặt trong các doanh trại và hầu như không kháng cự, chính quyền được thay đổi bằng “người của Liên Xô tại Kabul” đi cùng các đơn vị Xô-viết từ Moskva lên nắm quyền một cách êm thấm.

Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô tại Termez, nước cộng hòa Uzbekistan, đã thông báo trên Đài truyền thanh Kabul rằng, Afghanistan đã được “giải phóng” khỏi ách thống trị của Amin. Theo Bộ Chính trị Liên Xô, họ đã hành động phù hợp với “Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Láng giềng thân thiện”  hai nước ký kết năm 1978 và rằng, Amin “đã đền tội bởi một tòa án vì các tội ác của ông ta”.

Một bản tin phát đi từ Đài phát Kabul nhưng sau đó được xác định là từ một cơ sở Liên Xô tại Uzbekistan đã thông báo việc hành quyết Hafizullah Amin được tiến hành bởi Ủy ban Trung ương Cách mạng Afghanistan. Ủy ban này sau đó đã chọn cựu Phó thủ tướng trong chính phủ Babrak Karmal, người từng bị hạ cấp xuống làm đại sứ tại Tiệp Khắc sau khi Khalq lên nắm quyền lực, lên làm chủ tịch và ủy ban này đã yêu cầu sự trợ giúp quân sự từ phía Liên Xô.

Tuy nhiên, các sự kiện tiếp theo diễn ra sau đấy không còn trơn tru như trước nữa và tất yếu đưa đến một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài, tàn phá không chỉ Afghanistan mà còn làm Liên Xô dần kiệt quệ. Tại sao tất cả lại thay đổi đột ngột như vậy? Tại sao thay vì hỗ trợ quân sự cho một chế độ đang sụp đổ thì ban lãnh đạo tối cao Liên Xô lại sử dụng sức mạnh của các đơn vị đặc nhiệm và đưa quân ồ ạt vào Afghanistan để lật đổ chế độ đó? Động cơ thực sự là gì, dựa trên những tin tức nào để họ ra quyết định và cơ chế nào ra quyết định này? Loạt câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có được các câu trả lời rõ ràng mặc dù 37 năm đã trôi qua, nhiều lần thay đổi chế độ và xuất hiện hàng loạt hồi ký của các nhân vật tham gia.

Điều đáng lưu ý: những người viết hồi ký về cuộc chiến tại Afghanistan chủ yếu là các sĩ quan KGB. Các tướng lĩnh Xô-viết nhận thức được rằng một chiến dịch như vậy không đem lại chút lợi ích nào về mặt quân sự – chiến lược và “tại sao chúng ta lại phải đưa quân vào cái bẫy đá khổng lồ đó – nơi không có đường sắt, đường thủy để vận chuyển vũ khí đạn dược, đảm bảo vật chất- kỹ thuật… và con cháu chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho những sai lầm này”.

Nhưng khi Tổng tham mưu trưởng Ogarkov tìm cách thuyết phục Bộ trưởng Quốc phòng D.Ustinov rằng, việc đưa quân vào Afghanistan là thiếu cân nhắc, ông đã nổi nóng và nói ngắn gọn: “Nhiệm vụ duy nhất của đồng chí là chấp hành mệnh lệnh”.

Cựu phó Tổng cục trưởng thứ nhất Tổng cục I KGB V. Kirpichenko viết trong hồi ký: “Sau khi thay đổi chế độ ở Kabul ngày 27/12/1979, tất cả những người tham gia chiến dịch được lệnh quên tất cả mọi chuyện và tiêu hủy toàn bộ các hồ sơ tài liệu có liên quan. Tôi cũng đã hủy toàn bộ các ghi chép, trong đó ghi tỉ mỉ đến từng phút các sự kiện xảy ra ở Afghanistan tháng 12/1979”.

Còn L.Shebarshin, người lãnh đạo Cơ quan tình báo KGB những năm 1989-1991 cũng có quan điểm tương tự: “KGB hiện không còn lưu trữ một tài liệu mật nào liên quan về tiến trình ra quyết định lật đổ Tổng thống Amin, thành lập chính phủ mới do Karmal đứng đầu và đưa quân vào Afghanistan”. V.Kriuchkov, lãnh đạo một ban thuộc KGB lúc đó viết: “Mỹ, Anh, Đức và một số nước khác lúc đó rất quan tâm đến Afghanistan, đặc biệt là các khu vực phía bắc (giáp Liên Xô). Họ đã ráo riết tìm mọi cách làm suy yếu ảnh hưởng và vị thế của Liên Xô tại Afghanistan…

Theo kênh của KGB và GRU (Cơ quan tình báo quân đội Liên Xô), ngày càng có nhiều tin tình báo về các mưu đồ sâu xa của Mỹ sử dụng khu vực lãnh thổ (Afghanistan) giáp phía Nam Liên Xô” và “để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ hướng Nam như vậy, Liên Xô sẽ buộc phải bố trí bổ sung ở các nước cộng hòa Trung Á không ít hơn một tập đoàn quân, thành lập các tuyến phòng thủ bổ sung với cơ sở hạ tầng tốn kém, hầu như thành lập mới hệ thống phòng không”. Khó có thể không tin vào nhận xét này của Trưởng ngành tình báo KGB; nhưng từ đó xuất hiện câu hỏi: có lẽ đây chính là những kế hoạch có chủ ý của Mỹ mà trực tiếp là CIA nhằm để Liên Xô tin vào điều này.

V. Kolesnhik, sĩ quan cao cấp GRU của Bộ Tổng tham mưu (lúc đó là đại tá, sau là thiếu tướng), người chỉ huy chiến dịch tấn công dinh tổng thống Amin nhớ lại rằng, ngay trước khi chiến dịch bắt đầu, tướng KGB Iu. Deozlov, cấp phó của ông trong chiến dịch này đồng thời chỉ huy các đội đặc nhiệm KGB, khi phát biểu trước những người tham gia chiến dịch đã nói rằng “Amin chính là gián điệp của CIA”.  Còn tướng Drozlov, lúc ấy cũng là lãnh đạo một cơ quan thuộc KGB vài lần đã khẳng định với tổ điệp báo (CIA) tại Afghanistan của mình “Mỹ không thể dễ dàng để mất Afghanistan vào tay người Nga như vậy được”.

Ông này cũng khẳng định: “Việc Mỹ đứng chân tại Afghanistan sẽ tạo điều kiện cho nước này tiến sát đến khu quặng mỏ giá trị nhất của thế giới là Tadzikistan – nơi có tất cả các nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev – chính vì vậy mà Liên Xô phải bảo vệ các đường biên giới phía Nam của mình, bảo vệ các các nguồn năng lượng trong tương lai và các tài nguyên thiên nhiên khác của dãy Pamir”.

Năm 1998, khi trả lời các phóng viên tờ báo Pháp “Le Nouvel Observateur” về nước đi đầy toan tính trên bàn cờ quanh chiến địa Afghanistan, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Z. Brzezinski đã thừa nhận: “Theo các thông tin chính thức thì CIA bắt đầu cung cấp vũ khí cho những kẻ thánh chiến tại Afghanistan sau khi Quân đội Liên Xô tiến vào nước này nhưng trên thực tế thì từ đầu tháng 7/1979, Tổng thống Jimmy Carter đã ký một sắc lệnh về việc giúp đỡ những kẻ chống đối chế độ thân Xô-viết ở Kabul. Ngay ngày hôm đó tôi đã gửi Tổng thống ý kiến của mình ‘Theo quan điểm của tôi, việc giúp những kẻ chống đối sẽ dẫn tới việc Liên Xô can thiệp quân sự”.

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên là liệu việc quyết tâm tiến hành chiến dịch mật (hỗ trợ phiến quân) có phải là tính toán của Mỹ nhằm đẩy Liên Xô đưa quân vào Afghanistan hay không, Brzezinski trả lời là không hoàn toàn như vây – “Chúng tôi không ép Liên Xô can thiệp, nhưng chúng tôi đã cố tình tăng khả năng để người Nga làm việc đó. Hiệu quả của kế hoạch này là Liên Xô đã rơi vào cái bẫy Afghanistan”. Chỉ có những ai ngây thơ mới nghĩ rằng, trò chơi này qua được mắt tình báo KGB, chưa kể việc CIA còn “tạo điều kiện thuận lợi” để các điệp viên của KGB tiếp cận các thông tin này (những thông tin mà CIA muốn cung cấp) dĩ nhiên, đây là nhiệm vụ hàng đầu của CIA trong chiến dịch này.

Chỉ có thể nói rằng, năm 1979, các nhà lãnh đạo Liên Xô dù nhận thức được nguy cơ cao độ đối với uy tín quốc tế của nhà nước đầu tàu trong khối xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn cố gắng ngăn nội chiến ở đất nước láng giềng. Nhưng kế hoạch can thiệp quân sự này là một bước sai lầm. Các đối thủ của Liên Xô ở phương Tây đã tận dụng bước đi mạo hiểm của Moskva, và chiến tranh đã bùng nổ. Không chỉ các lực lượng cánh tả ở Afghanistan mà còn đội quân Liên Xô đã hứng chịu đòn tấn công của các thế lực đó. Kết quả là, sự hiện diện quân sự của Liên Xô đã kéo dài gần 10 năm.

Tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” Igor Korotchenko cho biết: “Chiến dịch Afghanistan là không thể tránh khỏi từ quan điểm bảo vệ lợi ích quốc gia của Liên Xô. Và nhiều người Afghanistan cho đến nay vẫn hoài niệm về ‘Shuravi’, cách người Afghanistan gọi lính Liên Xô thời đó, bởi vì Liên Xô chủ trương rất chân thành giúp đỡ những người Afghanistan xây dựng một tương lai tốt hơn. Chúng tôi đã xây dựng các đường hầm, bảo đảm hoạt động của các hệ thống cung cấp nước, xây dựng trường học và bệnh viện, thành lập ngành công nghiệp.

Khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, thì ở nước này đã có chế độ Najibullah với quân đội mạnh mẽ. Đến cuối năm 1991, Najibullah đã kiểm soát tình hình trong nước. Chỉ sau những sự kiện hỗn loạn tại Moskva khi Liên Xô chấm dứt đột ngột cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Afghanistan, thì chế độ Najibullah bị lật đổ. Nhưng phải chăng những người chiếm chính quyền ở Kabul đã làm cho cuộc sống của cư dân Afghanistan trở nên tốt hơn?”.

Mỹ đã xem cuộc xung đột tại Afghanistan là một phần trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Lạnh. Tới giữa thập niên 1980, phong trào kháng chiến Afghanistan, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ,  Anh, Trung Quốc, Arab Saudi, Pakistan và nhiều nước khác đã khiến Liên Xô phải chịu nhiều tổn thất quân sự cũng như buộc nước này rơi vào tình trạng căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Du kích quân Afghanistan được huấn luyện chủ yếu bởi Hoa Kỳ và Pakistan. CIA đã viện trợ cho các lực lượng chống Liên Xô thông qua Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI), trong một kế hoạch mang tên “Chiến dịch gió lốc”.

Một phong trào tương tự cũng xuất hiện trong thế giới Hồi giáo, với những đạo quân của cái gọi là Những người Arab Afghanistan (được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi với cái tên “những chiến binh tự do”), được tuyển mộ từ Thế giới Hồi giáo để tiến hành cuộc thánh chiến (jihad) chống lại những người cộng sản.

Nổi tiếng trong số họ là một người Arab Saudi tên Osama bin Laden, nhánh Arab của ông ta sau này đã dính dáng tới Al-Qaeda. Sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ cho nhóm Mujahideed Afghanistan bản xứ không nhiều, và sự tham dự của Osama bin Laden vào cuộc xung đột không liên quan tới các chương trình của CIA. Dù vậy, chương trình của họ đã thúc đẩy những hệ thống gây quỹ tương tự trong toàn thế giới Arab.

Các chỉ huy Mujahideen rất chú trọng tới các chiến dịch phá hoại. Hành động thường thấy nhất là tấn công các đường dẫn năng lượng, ống dẫn dầu, các đài phát thanh, các trụ sở cơ quan chính phủ, sân bay, khách sạn, rạp chiếu phim… Từ năm 1985-1987, hơn 1.800 hành động khủng bố đã được ghi nhận. Tại vùng biên giới với Pakistan, quân Mujahideen thường phóng 800 quả rocket mỗi ngày.

Từ tháng 4/1985 đến tháng 1/1987, họ đã tiến hành hơn 23.500 lần bắn pháo vào các mục tiêu của chính phủ. Quân Mujahideen thường nghiên cứu kỹ các mục tiêu tấn công bởi họ luôn lởn vởn trong các ngôi làng bên trong tầm bắn của pháo binh Liên Xô và như vậy, chúng chủ ý đặt người dân vào mối nguy hiểm từ cuộc bắn pháo trả đũa của Liên Xô.

Quân Mujahideen cũng thường xuyên tập trung vào việc phá hoại cầu cống, đường sá, phục kích các đoàn xe, phá huỷ hệ thống dẫn điện và sản xuất công nghiệp, tấn công các đồn cảnh sát, các đồn lính và căn cứ không quân Liên Xô và thường xuyên nhất là ám sát các quan chức chính phủ và các thành viên PDPA…

10 năm binh lửa không có người chiến thắng

Các chiến binh Mujahideen coi việc người Cơ đốc giáo hay “người Xô-viết vô thần” kiểm soát Afghanistan là một điều báng bổ Hồi giáo cũng như văn hóa truyền thống của họ, vì thế khi tuyên cáo một cuộc “jihad” (thánh chiến), nghiễm nhiên họ đã giành được sự ủng hộ của thế giới Hồi giáo.

Chống lại quân đội Liên Xô, các Mujahideen sử dụng chiến thuật du kích: Họ tổ chức tấn công hoặc đột kích chớp nhoáng, sau đó rút vào trong các ngọn núi, thung lũng… gây tổn thất lớn cho đối phương mà không cần phải đối đầu trực tiếp. Các nhóm Mujahideen thường chỉ từ 3-5 người.

Sau khi nhận nhiệm vụ tiêu diệt một ai đó trong chính phủ, họ bỏ nhiều thời gian nghiên cứu thói quen và các chi tiết về đời sống của người đó để tìm ra phương pháp hoàn thành nhiệm vụ thích hợp nhất. Họ ám sát từ trên ôtô, bắn vào ôtô, đặt mìn tại các cơ sở hay tòa nhà chính phủ, thậm chí dùng tới phương cách cổ xưa là thuốc độc. Quân du kích sử dụng mọi khí tài họ giành được từ phía Liên Xô hay được Hoa Kỳ viện trợ.

Tháng 3/1982, một quả bom phát nổ tại Bộ Giáo dục, làm hư hại nhiều tòa nhà. Cùng trong tháng đó, tình trạng thiếu điện lan rộng tại Kabul khi một cột điện cao thế dẫn từ nhà máy điện Naghlu bị đặt mìn phá hủy. Tháng 6/1982, một đội khoảng 1.000 đảng viên trẻ được gửi tới làm việc tại thung lũng Panjshir đã bị phục kích ở vị trí 20 dặm ngoài Kabul, với thiệt hại nhân mạng to lớn. Ngày 4/9/1985, quân nổi dậy bắn hạ một máy bay nội địa thuộc Bakhtar Airlines khi nó cất cánh từ sân bay Kandahar, 52 người thiệt mạng…

Mùa đông năm 1980, đã có các đơn vị tương đối lớn hoạt động chống quân đội Xô-viết (100-150 phiến quân hoặc nhiều hơn nữa). Ví dụ, ngày 12/1/1980, các phân đội Xô-viết đã bị một đội kỵ binh quân số đến 1.000 người tấn công. Ngày 21/1 đội 500 kỵ binh. Tại thời điểm đó, những kẻ nổi loạn hiếm khi né tránh đối đầu trực tiếp với quân đội Liên Xô. Chỉ huy một  trung đoàn Xô-viết ghi nhận: “Trong trận đánh, kẻ thù thể hiện sự đặc biệt ngoan cường, tuy có thể phân tán thành những nhóm nhỏ, nhưng các phiến quân đã không sử dụng điều này, mà chiến đấu cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn”.

Tháng 5/1985, bảy tổ chức nổi dậy chính đã thành lập Liên minh bảy đảng Mujahideen để phối hợp các chiến dịch chống quân đội Liên Xô. Cuối năm 1985, các nhóm hoạt động mạnh cả trong và ngoài Kabul. Tình thế cuộc chiến được nâng lên một tầm với sự ra đời của các loại tên lửa phòng không vác vai của Mỹ năm 1987. Thế hệ tên lửa Stinger đã cho phép các Mujahideen thường xuyên bắn hạ máy bay và trực thăng Liên Xô.

Tháng 11/1987, Tập đoàn quân số 40 của Quân đội Liên Xô dưới quyền tướng Boris Vsevolodovich Gromov bắt đầu Chiến dịch Magistral để mở đường từ thành phố Gardez (thủ phủ tỉnh Paktia) tới thành phố Khost (thủ phủ tỉnh Khost) gần biên giới Pakistan. Thành phố Khost đã bị cô lập trong nhiều tháng bởi lực lượng Mujahideen do Jalaluddin Haqqani chỉ huy, các chuyến hàng tiếp tế lương thực và thuốc men muốn đến được thành phố này chỉ có thể thực hiện bằng đường hàng không.

Các cuộc đàm phán đã được thực hiện với bộ lạc Jadran ở địa phương cũng như với Haqqani, tuy nhiên không thu được bất kỳ kết quả nào do Haqqani muốn kiểm soát thành phố và biến nó thành lãnh địa của một bang độc lập cũng như làm cơ sở cho việc thâm nhập sâu hơn vào các vùng khác trong tương lai. Trước khi chiến dịch Magistral bắt đầu, đã có một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, với một đài phát thanh đặc biệt được thành lập, để kêu gọi người dân Jadran ngừng hỗ trợ quân Mujahideen và rời khỏi khu vực chiến sự.

Ngay cả trong lúc tiến hành đàm phán, một kế hoạch tác chiến chi tiết đã hình thành. Sau khi cuộc đàm phán cuối cùng thất bại, cuộc tiến công bắt đầu được khởi động. Chiến dịch đã huy động các sư đoàn bộ binh cơ giới 108 và 201 cùng 2 lữ đoàn bộ binh không vận: Lữ đoàn 345 và Lữ đoàn 56. Họ còn được hỗ trợ bởi năm sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp của chính phủ Afghanistan.

Ngày 28/10/1987, một cuộc đổ bộ đường không giả được thực hiện trong khu vực quân Mujahideen kiểm soát, các hình nộm mặc quân phục được thả dù xuống; nhờ đó, một máy bay trinh sát đã phát hiện và truyền về tọa độ các vị trí của phiến quân cho không quân Liên Xô.

Một trong những vị trí quan trọng nhất là ngọn đồi không tên được xác định trên bản đồ: Cao điểm 3234, được giao cho Đại đội 9 của Lữ đoàn Không vận Độc lập 345. Đại đội 9 chỉ có 39 binh sĩ đã đổ bộ lên đỉnh đồi trên vào ngày 7/1/1988, với trách nhiệm thiết lập và chốt giữ một tiểu cứ điểm trên đỉnh đồi để từ đó quan sát và kiểm soát một đoạn dài của con đường bên dưới, đảm bảo an toàn cho các đoàn xe tiếp vận của quân đội Liên Xô. Vừa ngay sau khi hoàn thành tuyến công sự phòng thủ, quân Mujahideen bắt đầu cuộc tấn công lúc 15 giờ 30 phút chiều cùng ngày.

Đây là đợt tấn công đầu tiên khởi đầu cho một chuỗi 12 đợt tấn công đẫm máu, có những lúc cả hai bên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê, dao găm và mọi thứ có thể, liên tiếp cho đến ngay trước bình minh ngày hôm sau (3 giờ ngày 8/1), khi quân Mujahideen rút lui, điểm cao 3234 vẫn trong tay lính dù Liên Xô. 39 lính dù Liên Xô phải chống lại từ 300-500 chiến binh Mujahideen có kinh nghiệm chiến đấu và được trang bị tốt.

Các đợt tấn công được chia thành hai hướng rất bài bản, điều này chỉ ra rằng đối phương có thể đã được hỗ trợ bởi phiến quân được huấn luyện ở Pakistan. Đại đội 9 có 34 người thương vong, trong đó có 6 người hy sinh và 28 người bị thương, đạn dược gần cạn sau cuộc tấn công cuối cùng. Còn phía Mujahideen, theo ước tính của phía Liên Xô, thương vong hơn 200 người.

Ngày nay trên khắp đất nước Afghanistan, có khá nhiều vũ khí Quân đội Liên Xô còn nằm lại dù hơn 37 năm đã trôi qua kể từ sau khi Liên Xô rút quân vào tháng 2 -1989. Một trong những nơi ghi dấu đậm nét nhất chính là thung lũng Panjshir, vùng đất màu mỡ tuyệt đẹp cách thủ đô Kabul 100 dặm.

Nơi đây cung cấp chỗ trú đóng và nguồn thực phẩm dồi dào cho lực lượng chiến binh Mujaheddin được phương Tây hậu thuẫn chống lại chính phủ Afghanistan “thân Liên Xô”. Chính vì thế, Quân đội Liên Xô trong suốt 10 năm đã tiến hành 16 chiến dịch lớn nhắm vào đây. Tuy nhiên, các chiến dịch thường kết thúc trong thất bại, hàng trăm cỗ pháo, xe tăng và những phương tiện khí tài khác còn phơi mình ở thung lũng này đến ngày hôm nay như những chứng tích đau buồn của 10 năm lao vào binh lửa nơi xứ người.

Trong khi quân đội Liên Xô ngày càng bị cuốn sâu hơn vào các chiến dịch phòng thủ, đối đầu… thì các khoản viện trợ nước ngoài dành cho các lực lượng thánh chiến ngày càng được khuếch trương. Trên thực tế đã hình thành cả một liên minh mà trong đó có vũ khí, cơ quan tình báo và bộ máy tuyên truyền của Mỹ, tiền bạc của Arabia Saudi và các “tình nguyện viên” của cả thế giới Hồi giáo tham gia cuộc “thánh chiến” chống lại chính quyền Kabul và quân đội Liên Xô.

Những người thuộc các bộ tộc Tadjik, Pashtun, Uzbek và Khazares của Afghanistan đã từng bắn giết lẫn nhau trước khi quân đội Liên Xô hiện diện ở đất nước này và người Mỹ đã làm tất cả để cuộc chiến tranh Afghanistan kéo dài càng lâu, càng tốn kém, càng tổn thất nhiều sinh mạng của Liên Xô càng tốt. Hơn 600.000 người lính phục vụ thông qua “đội quân Xô-viết hạn chế”, 15.000 người đã hy sinh, người Mỹ đã bỏ ra một vài triệu USD viện trợ cho lực lượng thánh chiến – nhưng đã không một ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh này.

Khi Mikhail Gorbachev nắm được vị trí quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Xô-viết, ông ta muốn quân đội Liên Xô triệt thoái khỏi Afghanistan theo cách nào đó để nó trông giống như là một thỏa thuận dàn xếp chứ không phải là một thất bại. Tại hội nghị Bộ Chính trị diễn ra vào ngày 17/10/1985, Gorbachev tuyên bố rằng, ông ta đã “đạt được sự đồng nhất” với Babrak Karmal và nhà cầm quyền Afghanistan, và rằng tới mùa hè năm 1986, người Afghanistan sẽ phải học cách “làm thế nào để tự bảo vệ cuộc cách mạng của chính họ”.

Anatoliy Chernyaev, Phó trưởng Ban Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và là người, từ tháng 2/1986, chuẩn bị trở thành trợ lý chính về chính sách đối ngoại cho Gorbachev, cũng có mặt tại hội nghị Bộ Chính trị đó kể lại:

Gorbachev đọc to “một số bức thư thống thiết” từ những người mẹ của các binh sĩ Liên Xô đã phục vụ, và một số đã hy sinh, ở Afghanistan. Gorbachev dùng yếu tố tình cảm trong nỗ lực thuyết phục Bộ Chính trị rằng, sự hiện diện của Liên Xô tại Afghanistan là một sai lầm rất lớn.

Ông kết thúc bài tham luận với câu nói: “Có hay không có Karrmal, chúng ta sẽ vững chắc theo đuổi con đường này, tức phải dẫn đến sự rút lui của chúng ta khỏi Afghanistan trong một khoảng thời gian ngắn tối thiểu”.

Vào cuối năm 1979, khi quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan, Ban lãnh đạo tối cao Liên Xô tin rằng, chuyện can thiệp quân sự sẽ không phải kéo dài. Khi đó, nhiệm vụ chính là giúp quân đội Afghanistan duy trì sự ổn định trong nước vào những tháng đầu tiên sau khi lật đổ chế độ cầm quyền bằng bạo lực của Hafizullah Amin.

Thế nhưng sự can thiệp ấy đã kéo dài 10 năm khiến đất nước Afghnistan chưa bao giờ biết đến phồn vinh, mà càng thêm kiệt quệ, đất nước Liên Xô sa vào bãi lầy tồi tệ nhất của cuộc Chiến tranh lạnh và chỉ có thể chứng kiến người lính Xô-viết cuối cùng rời khỏi vùng chiến địa khốc liệt Afghanistan vào ngày 15/2/1989.

Năm 2011, xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của hãng CNN, Tổng thống Nga Putin khi trả lời câu hỏi của “ông hoàng phỏng vấn” Larry King: “Afghanistan đối với Liên Xô có gì khác Việt Nam với nước Mỹ?”, dù phủ nhận sự so sánh (bằng lời nhắc nhở rằng, quân đội Liên Xô đã triệt thoái một cách có tổ chức và an toàn, chế độ tại Kabul còn duy trì được 3 năm – khác hẳn với người Mỹ, đã tháo chạy khỏi Sài Gòn cùng với chính quyền Việt Nam Cộng hòa), vẫn nói rằng: “Liên Xô đã mắc nhiều sai lầm tại đó, và sai lầm chủ yếu nhất là, quân đội Xô viết đã có mặt tại đó. Lẽ ra chúng tôi đã không nên làm điều này. Đây là một sự thật rõ ràng”.

Tháng 5/2015, Lần đầu tiên chính quyền Liên bang Nga công khai thừa nhận những điều lẽ ra cần phải được nói một cách công khai và trung thực từ lâu: Cuộc chiến tại Afghanistan không phải là một sự phiêu lưu và hành động thiếu lý trí. Tại cuộc gặp các cựu chiến binh Afghanistan, Tổng thống Putin dùng những lời đầy trọng thị: “Chúng ta cần phải và luôn nhớ tới những người đã bảo vệ các lợi ích của Tổ quốc chúng ta trong lịch sử hiện đại. Những binh đoàn cùng những người lính đã hành động vì yêu cầu thực hiện mệnh lệnh quân sự – và họ đã làm điều này vì danh dự”.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,