Tình thế hiểm nghèo của dân tộc và ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945

Sau khi giành được độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ phải cùng lúc đối mặt với hàng chục phe phái chống phá ở trong nước và hơn 300.000 quân nước ngoài chiếm đóng từ Bắc tới Nam. Tại hội nghị toàn quốc tháng 8/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã vạch rõ: quân Đồng Minh sắp vào nước ta và thực dân Pháp đang âm mưu khôi phục lại địa vị thống trị của mình ở Đông Dương.

Tình thế hiểm nghèo của dân tộc và ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945

Cuộc bắt tay của 3 nước lớn

Khi nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng và phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, chính phủ lâm thời do tướng Ch. de Gaulle đứng đầu phải lưu vong ở châu Phi, nhưng vẫn không từ bỏ tham vọng tái chiếm Đông Dương. Ngay khi nghe tin Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, tướng Ch. de Gaulle đã chỉ thị cho Cao ủy Pháp tại Đông Dương là đô đốc Thierry d’ Argenlieu thực hiện sứ mệnh “Lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương”(1) nhằm hiện thực hóa tham vọng của mình.

Để tái chiếm Đông Dương, Pháp phải cần đến sự giúp đỡ của Mỹ. Còn Chính phủ Mỹ cho rằng “Một chính phủ ở Đông Dương bị Việt Minh thống trị có thể có hại cho quyền lợi của Mỹ”(2) và chủ trương “Loại trừ càng xa càng tốt ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương”(3). Mặt khác, Mỹ muốn lôi kéo Pháp về phe mình để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô nói riêng và phe XHCN ở châu Âu. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ đã chấp nhận “Trong mọi trường hợp, đối với Đông Dương, chính phủ của tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quay trở lại xứ ấy”(4) và đồng ý cho Pháp vay dài hạn 650 triệu đôla, ngoài ra Mỹ còn viện trợ vũ khí và cho tàu chở quân Pháp sang Đông Dương.

Trong khi đó, nước Anh – một nước có nhiều thuộc địa ở châu Á cũng chủ trương “giữ nguyên trạng”, thuộc địa của đế quốc nào trả lại cho đế quốc đó. Do đó, ngày 24/8/1945, Anh ký với Pháp hiệp ước công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Ngày 6/9/1945, những người lính Anh đầu tiên đến Sài Gòn theo quy định của Hội nghị Potsdam. Việc đầu tiên là muốn chuyển giao Nam bộ Phủ (tức trụ sở Ủy ban) cho họ, tuy nhiên Ủy ban Nhân dân Nam bộ đã phản đối và yêu cầu Phái bộ Anh đóng ở Dinh Toàn quyền cũ.

Ngày 11/9, tướng Anh là Gracey đến Sài Gòn. Tuy Hội nghị Postdam chỉ giao cho Phái bộ quân sự Anh nhiệm vụ giải giới và hồi hương quân Nhật, nhưng tướng Gracey lại đưa ra một loạt biện pháp nhằm giúp Pháp tái chiếm Nam bộ như: yêu cầu phía ta giải tán các đội tự vệ; ngăn cấm người dân tham gia các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng… Phái bộ quân sự Anh còn trang bị vũ khí cho trên 1.400 lính Pháp bị quân Nhật bắt giữ trước đó.

28 ngày chuẩn bị kháng chiến

Nhận thấy dã tâm của Pháp và sự câu kết của Anh – Mỹ, Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam bộ một mặt, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm tỏ rõ thiện chí hòa bình để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng về mọi mặt, đồng thời tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến sắp tới. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và Ủy ban Kháng chiến Sài Sòn được thành lập và hoạt động bí mật. So sánh thế và lực giữa ta và địch, các ủy ban kháng chiến quyết định dùng chiến thuật “trong đánh ngoài vây”, bên trong có nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt, phá hủy các cơ sở, phương tiện vật chất của địch. Đơn vị mặt trận ngoại thành chia nhau trấn giữ vị trí các cầu, bao vây cô lập địch trong nội thành, không cho chúng ra ngoài ngoại thành và các tỉnh lân cận. Đồng thời di tản người già, trẻ em về nông thôn, các cơ quan bí mật chuyển hồ sơ, máy móc ra ngoại thành.

Cuộc kháng chiến bắt đầu

Chiều 22/9/1945, lợi dụng lệnh giới nghiêm, quân Pháp gồm tù binh và số mới đến được trang bị vũ khí đã nổ súng vào trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam bộ, bưu điện, đài phát thanh…. Các đơn vị vũ trang ở Nam bộ đã anh dũng đánh trả trong cuộc đụng đầu với quân xâm lược. Giữa lúc tiếng súng đang nổ ran tại nhiều nơi trong thành phố, sáng ngày 23/9/1945, Xứ uỷ, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp tại nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP Hồ Chí Minh), thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ” do ông Trần Văn Giàu soạn trong đêm. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ xác định: “Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giăc Pháp và tay sai của chúng”(5). Ủy ban Nhân dân Nam bộ cũng ra lời kêu gọi “Toàn dân hãy đoàn kết bảo vệ quốc gia”. Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam DCCH ra huấn lệnh “Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”(6).

Giữ vững lời thề “độc lập hay là chết”, Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2 chỉ sau 28 ngày đêm chuẩn bị. Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử là ngày Nam bộ kháng chiến, mở đầu cho 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xứng đáng với danh hiệu “thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng.

————————————-

Nguồn:

(1), (2), (3), (4), (5), (6): Lịch sử Nam bộ kháng chiến tập 1 (1945 – 1954), Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2012.
Biên niên sự kiện Lịch sử Nam bộ kháng chiến 1945 – 1954, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2012.
Đại cương Lịch sử Việt Nam tập 3, Nxb Giáo dục.

Theo BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

Tags: , ,