⠀
Những chuyện lạ về ăn mày trong lịch sử Việt Nam
Ăn mày là một trong những nghề lâu đời nhất và lịch sử Việt Nam ghi nhận nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến nghề này.
Phạm Ngũ Thư – người ăn mày lỗi lạc của vua Lê Lợi
Phạm Ngũ Thư quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Khi Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, ông từ quan về ở ẩn rồi xuất gia tu hành tại chùa Vân Yên trên dãy núi Yên Tử với pháp danh là Trí Lâm.
Ít lâu sau đó nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược, đất nước rơi vào cảnh lầm than. Tình hình này khiến Phạm Ngũ Thư không thể ngồi yên. Ông quyết định hoàn tục và tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn. Được chủ tướng tin cậy, ông đã tiến hành xây dựng một hệ thống tình báo ngụy trang thường dân để thu thập tin tức trên các địa bàn hoạt động.
Bản thân Phạm Ngũ Thư còn giả trang thành người hành khất và sớm nhận thấy ưu thế của lớp vỏ bọc này trong hoạt động tình báo, vì giới ăn xin có thể “la cà” khắp nơi mà không bị chú ý. Từ đó, ông đã xây dựng một mạng lưới tình báo đắc lực gồm những người ăn xin. Hệ thống này đã góp phần mang lại thành công cho cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi.
Sau khi quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập, Lê Lợi lên ngôi vua và ban thưởng rất hậu cho Phạm Ngũ Thư, đồng thời đề bạt ông làm quan. Nhưng ông đã viện cớ tàn tật để nhận 200 mẫu ruộng và xin về quê sinh sống. Toàn bộ số ruộng nhận được ông đều trao cho dân nghèo cày cấy.
Nghĩ đến cảnh nhiều người còn khổ cực, Phạm Ngũ Thư dặn vợ con làm nhiều hơn nữa việc thiện, phát tâm giúp đỡ kẻ khó, rồi ông ra đi với cây gậy và bộ áo quần rách rưới, nay đây mai đó ăn xin sống qua ngày. Ông an ủi và sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ, truyền bá cho họ Phật pháp để có cuộc sống bình yên và lạc quan, từ bỏ nỗi chán chường và thù oán.
Sau khi mất, trên bia mộ của Phạm Ngũ Thư chỉ khắc dòng chữ: “Phạm khất sĩ chi mộ”, nghĩa là Mộ của người ăn mày họ Phạm.
Phong trào “Ký giả đi ăn mày” chấn động Sài Gòn trước 1975
Năm 1972, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho áp dụng Sắc luật 007 với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký đành đóng cửa. Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như hành động báo chí, khiến nhiều tờ báo bị đóng cửa, phạt tiền, một số nhà báo còn bị tù. Có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp.
Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn kí giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí. Hình thức đấu tranh “ký giả xuống đường đi ăn mày” được thống nhất nhằm tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc trong bộ máy làm báo.
Ngày 10 /10/1974 đã được chọn làm ngày xuống đường biểu tình. Để trở thành “ăn mày”, những người tham gia đã chuẩn bị đồ nghề là nón lá, bị, gậy. Chính quyền Sài Gòn nắm được kế hoạch nên đã bố trí một lực lượng binh lính, mật thám, xe Jeep… dày đặc để ngăn chặn.
Sau khi lệnh xuất phát được ban ra, đoàn người bắt đầu tìm cách phá hàng rào bao vây của cảnh sát, dẫn đến xô xát. Nhưng cuối cùng đoàn “ký giả ăn mày” đã phá vỡ hàng rào cảnh sát, kéo nhau đi trên lộ trình định sẵn với các biểu ngữ như: “10-10-1974, ngày báo chí đi ăn mày”, “Yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức”, “Tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “Đả đảo Luật 007”, “Luật 007 làm báo chí phải đi ăn mày”…
Sau khi đoàn biểu tình đạt được mục đích và giải tán, một cuộc đụng độ với cảnh sát đã xảy ra tại trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt làm dân biểu bác sĩ Đinh Xuân Dũng bị thương nặng. Đoàn biểu tình đã đặt ông Dũng lên băng ca, khiêng đến Tòa án Sài Gòn trên đường Công Lý để “nằm vạ đòi công lý”, nhưng giữa đường bị cảnh sát chặn lại.
Trước sự kiện này, các hãng thông tấn quốc tế lớn, gồm cả đài Tiếng nói Hoa Kỳ và BBC đều nhìn nhận đây là “cuộc biểu tình lớn nhất kể từ 3 năm qua”, khiến uy tín của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu càng bị suy giảm nặng nề.
Sự thật về “làng ăn mày” Đồn Điền
Bấy lây nay làng Đồn Điền ở xã Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hoá nổi tiếng về câu chuyện “”ông tổ nghề cái bang” ở làng này.
Theo đó, vào một ngày rất xa xưa, khi người dân Đồn Điền bốc mộ thành hoàng đã bốc nhầm phải mộ một người ăn mày xấu số. Cả làng chưa biết làm sao thì có mấy phụ lão bảo phải mời thầy phù thuỷ nổi tiếng trong vùng đến xem lại long mạch và phán: “Để linh hồn người ăn mày được bình yên, từ nay trở đi, cứ sáng mùng một Tết Nguyên đán hàng năm, từ hào lý, điền chủ cho đến dân đen trong làng phải đóng cửa đi ăn mày xứ người!”.
Kể từ đó cứ đến giáp Tết là dân làng lại rục rịch kéo nhau đi ăn mày, đến tháng 2 Âm lịch mới tổ chức ăn Tết.
Còn có lời kể rằng dân làng Đồn Điền sau mỗi chuyến đi ăn xin về phải mang các đồ xin được ra đền Đồn Điền làm lễ tế. Tương truyền, đền Đồn Điền ngoài thờ linh hồn “ông tổ nghề cái bang” còn thờ cả một chiếc gậy và chiếc bị, đồ nghề truyền thống của nghề ăn mày.
Tuy vậy, theo những người dân làng Đồn Điền, trên thực tế chuyện ăn Tết muộn và chuyện nhiều người làng đi ăn mày là hai chuyện có thật 100%, nhưng hai chuyện này không liên quan gì đến nhau. Còn chuyện về “ông tổ nghề cái bang” là hoàn toàn không có thật.
Tục ăn Tết muộn đã được lý giải khá rõ ràng trong sắc phong của làng. Theo đó, địa danh làng Đồn Điền xưa kia là một bãi đất hoang vu. Đến thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông cho lập sở đồn điền tại mảnh đất duyên hải này với mục đích đưa binh lính về vừa trấn giữ bờ biển vừa làm nông nghiệp lấy lương thực. Đóng tại đây là quân của chánh sứ Tô Chính Đạo. Binh lính nhà Lê sinh sống và lập nghiệp, tạo thành làng Đồn Điền.
Vào một dịp giáp Tết, Chánh sứ Tô Chính Đạo được cử dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Chiến thắng trở về, ông đã tổ chức khao quân và cho nhân dân Đồn Điền ăn Tết lại vào tháng 2. Từ đó làng Đồn Điền có tục ăn Tết muộn nhằm nhớ ơn những người đã khẩn hoang và giữ nước.
Còn chuyện ăn mày của làng Đồn Điền mới chỉ có từ cách đây chừng 20 năm. Số là vào trước năm 1990, sinh kế của người dân làng phụ thuộc rất nhiều vào việc dệt cói xuất sang Đông Âu. Nhưng kể từ khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã, thị trường này bị xóa sổ hoàn toàn, khiến người dân phải tìm kế sinh nhai mới. Cùng lúc, thiên tai, mất mùa xảy ra gây nên cảnh đói kém khiến người làng rủ nhau lang thang làm “”cái bang”” kiếm sống…
Theo KIẾN THỨC
Tags: Giai thoại lịch sử, Tổng quan sử Việt