Chuyện tự do yêu đương trong thời nhà Trần

Nhà Trần là triều đại khoan dung và tự do nhất trong lịch sử dân tộc. Tự do yêu đương chỉ là một trong những biểu hiện.

Chuyện tự do yêu đương trong thời nhà Trần

Đọc lịch sử ít ai để ý vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có một “vết xấu” mà các sử gia Lê – Nguyễn chê bai. Đó là chuyện ông yêu công chúa Thiên Thành, nhưng Thiên Thành lại bị vua đem gả cho Trung Thành Vương. Trần Quốc Tuấn không chịu, “đương đêm lẻn vào tư thông với công chúa” (ĐVSKTT). Chuyện “hủ hóa” này không những không bị vua Trần Thái Tông trị tội mà còn đem Thiên Thành gả luôn cho ông. Vua Trần Thái Tông tôn trọng tự do yêu đương, nhưng Ngô Sĩ Liên cho đây là cuộc “hôn nhân bất chính”, còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán nhà Nguyễn thì bình luận: “Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu, duy phải một vết xấu này, nên không được là người hoàn toàn. Có lẽ thói chung chạ của nhà Trần đã ăn sâu vào đầu óc người ta, đến nỗi họ cho việc ấy là tự nhiên, không có gì là quái lạ”.

Chuyện bắt đầu từ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, người mà giáo sư Trần Quốc Vượng bảo là đã để cho dòng họ mình “bám váy” vào triều đình, từ đó khai sinh ra nhà Trần. Bà Trần Thị Dung có nhiều mối tình lãng mạn trước khi trở thành hoàng hậu của nhà Lý và sau khi nhà Trần thay nhà Lý bà lại tái giá với thái sư Trần Thủ Độ. Hai người con gái của bà với vua Lý Huệ Tông là công chúa Chiêu Thánh (tức nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh, sau đó nhường ngôi cho Trần Cảnh, và công chúa Thuận Thiên lấy anh của Trần Cảnh là Trần Liễu. Vì lo lắng cho tương lai của triều Trần khi Chiêu Thánh chậm sinh con, Trần Thủ Độ và bà đã bàn với nhau ép Trần Liễu nhường công chúa Thuận Thiên khi ấy đã mang thai về làm vợ Trần Cảnh, rồi ép Trần Cảnh phế hoàng hậu Chiêu Thánh, đem Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần. Kết quả của cuộc cưỡng ép hôn nhân trái khoáy nhất trong lịch sử này là công chúa Thuận Thiên trở thành mẹ của vua Trần Thánh Tông và là bà nội của vua Trần Nhân Tông. Bà Trần Thị Dung chính là bà ngoại và bà cố ngoại của hai ông vua anh minh này. Bà không những có công khai mở triều Trần mà còn có công lớn đối với đất nước, là người trực tiếp tổ chức hậu cần cho cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông.

Các sử gia nho sĩ thời Lê – Nguyễn đã lên án kịch liệt “thói chung chạ” này, gọi đó là “đầu têu dâm loạn”. Chuyện Trần Thủ Độ vì quốc gia đại sự mà ép Trần Cảnh lấy chị dâu của mình ngày nay có thể còn nhiều tranh cãi, bản thân Trần Cảnh lúc ấy cũng phản đối cuộc hôn nhân trái khoáy này, nhưng việc bà Trần Thị Dung và công chúa Chiêu Thánh tái giá thì rõ ràng là thể hiện sự tôn trọng khát vọng làm vợ làm mẹ chính đáng của người phụ nữ.

Phải thừa nhận vua quan nhà Trần rất “thông thoáng” trong chuyện trai gái, điển hình là chuyện của Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy. Trần Khánh Dư là một vị tướng quân tài giỏi, vua Trần Thánh Tông vì mến tài nên nhận làm con nuôi (Thiên tử nghĩa nam), được phong làm Nhân Huệ Vương. Công chúa Thiên Thụy là vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, là con dâu của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thế mà Trần Khánh Dư lại ngang nhiên “thông dâm” với công chúa Thiên Thụy. Tội lớn đó không thể tha, vua lại sợ làm phật lòng Trần Quốc Tuấn, nên “sai đánh chết” Khánh Dư, nhưng lại dặn đánh nhẹ tay không để chết, sau đó tước hết quan chức đuổi làm dân thường, về làm nghề đốt than và buôn bán ở Chí Linh. Sau này Khánh Dư được vua Trần Nhân Tông phục chức, ông đã lập công lớn bằng việc đánh chìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, bẻ gãy xương sống của quân xâm lược, tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông. Trong chuyện “thông dâm” này rõ ràng không thể là chuyện đơn phương của Trần Khánh Dư mà chắc chắn là phải có sự chủ động của công chúa, điều này cho thấy những người con gái thời Trần “thông thoáng” như thế nào trong chuyện yêu đương, chẳng khác mấy so với con gái bây giờ.

Dù “thông thoáng” trong chuyện yêu đương trai gái nhưng nhà Trần lại hết sức chú trọng bảo vệ sự bền chặt của gia đình. Bản thân các vua Trần là tấm gương về lòng hiếu thảo, về tình anh em. Không những vậy, vào tháng 5-1315, vua Trần Minh Tông ngay sau khi lên ngôi đã ban chiếu “cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau”. Lần đầu tiên trong lịch sử đã có một chiếu lệnh nhân văn như vậy. Đến thời Lê, vua Lê Thánh Tông đã kế thừa truyền thống đó và đưa vào bộ luật Hồng Đức. Tiếc rằng, truyền thống nhân văn này một thời gian dài đã bị bãi bỏ gây ra biết bao nhiêu bi kịch, điển hình là việc con tố cha vợ tố chồng thời cải cách ruộng đất, mãi cho đến năm 1999, Quốc Hội nước ta mới đưa tinh thần “người thân không tố cáo nhau không có tội” vào Bộ luật hình sự năm 2000 để kế thừa truyền thống nhân văn của tổ tiên.

Cần biết, thời nhà Trần, nho giáo chưa thống trị xã hội, tự do cá nhân chưa bị câu thúc, những người khai sinh triều Trần lại xuất thân là những người đánh cá có cuộc sống phóng khoáng. Bản thân vua Trần Thái Tông không muốn làm vua, ông coi ngai vàng như “chiếc giày rách”, ông từng rời bỏ nó lên Yên Tử, do Trần Thủ Độ và quần thần đến cầu khẩn, lại được thiền sư Viên Chiếu khuyên “phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” (*), ông đành miễn cưỡng lên ngôi vua trở lại, nhưng ông cũng chỉ ở ngôi đến 40 tuổi thì thoái vị. Theo gương ông, các vua Trần không ai tham quyền cố vị, không ai ở ngôi quá tuổi 40, trừ trường hợp đặc biệt là Trần Nghệ Tông 49 tuổi mới làm vua nhưng chỉ ở ngôi 2 năm thì nhường lại cho con.

Và người coi ngai vàng như “chiếc giày rách” đó đã mở ra một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc với ba lần đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là quân Nguyên – Mông. Nhà Trần còn là triều đại khoan dung và tự do nhất trong lịch sử dân tộc mà tự do yêu đương chỉ là một trong những biểu hiện.

———————–

Chú thích:

(*) Dẫn từ Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, NXB tổng hợp TP.HCM, 1999.

Theo HOÀNG HẢI VÂN / MỘT THẾ GIỚI

Tags: , ,