⠀
Ba bản Chiếu thoái vị của vua Bảo Ðại
Chỉ trong trung tuần tháng 8/1945, vua Bảo Đại đã ban bố ba bản Chiếu thoái vị với ba nội dung khác nhau, nhấn mạnh tình hình thế giới khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng lực lượng đồng minh; nhà vua sẵn sàng thoái vị, bàn giao chính quyền cho lực lượng Việt Minh và mời Việt Minh về Huế để thành lập nội các, nhà vua cam đoan sẽ làm theo nguyện vọng của nhân dân; đồng thời giãi bày sự chấm dứt ngai vàng thống trị gần bốn thế kỷ của dòng họ Nguyễn cho toàn thể bà con hoàng tộc hiểu và ủng hộ.
Bản chiếu thứ nhất: Việt Nam Hoàng đế ban chiếu (ngày 10 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20, tức ngày 17/8/1945), toàn văn chiếu viết:
“Cuộc chiến tranh thế giới đã kết liễu. Lịch sử Việt Nam hiện tới một thời kỳ nghiêm trọng vô cùng.
Đối với dân tộc Nhật Bản, Trẫm có nhiệm vụ tuyên bố rằng: Dân tộc ta có đủ tư cách tự trị và nhất quyết huy động tất cả lực lượng, tinh thần và vật chất của toàn quốc để giữ vững nền độc lập cho nước nhà.
Trước tình hình quốc tế hiện thời, Trẫm muốn mau có nội các mới.
Trẫm thiết tha hiệu triệu những nhà ái quốc hữu danh và ẩn danh đã nỗ lực chiến đấu cho quyền lợi của dân chúng và nền độc lập nước nhà mau mau ra giúp Trẫm để đối phó với thời cuộc. Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện.
Trẫm để hạnh phúc của nhân dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân của một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm.
Trong sự chiến đấu mà ta cần phải đương đầu với một cuộc tái hồi ngoại thuộc, toàn thể dân tộc Việt Nam chắc chắn ở sự đắc thắng của công lý và nhân đạo và tin rằng chỉ một nước Việt Nam độc lập mới có thể cộng tác một cách có hiệu quả với tất cả các nước để gây dựng một nền hòa bình vững chắc ở hoàn cầu”.
Bản chiếu thứ hai: Việt Nam Hoàng đế ban chiếu (ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20, tức ngày 25/8/1945), toàn văn chiếu viết:
“- Hạnh phúc của nhân dân Việt Nam
– Độc lập của nước Việt Nam
Muốn đạt được mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hy sinh hết cả mọi phương diện, và cũng vì phương diện ấy nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.
Xét thấy điều bổ ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, nên Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng: Trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam – Bắc phân tranh đã thống khổ cho quốc dân, lại thuận tiện cho người lợi dụng.
Cho nên, mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao của liệt thánh vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hóa tới Hà Tiên.
Mặc dù Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.
Trong khi trao quyền cho Chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều này:
1. Đối với tông miếu và lăng tẩm của liệt thánh, Chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.
2. Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong Chính phủ mới lấy sự ôn hòa xử trí để các phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng Chính phủ Dân chủ Cộng hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
3. Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến người hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và hoàng gia mà sinh chia rẽ.
Còn về phần Trẫm, sau 20 năm ngai vàng, bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng, nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa.
Việt Nam độc lập muôn năm
Dân chủ Cộng hòa muôn năm”.
Bản chiếu thứ Ba: Việt Nam Hoàng đế ban chiếu cho bà con hoàng tộc (ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20, tức ngày 25/8/1945), toàn văn chiếu viết:
“Kể từ ngày đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế vào trấn ở Thuận Hóa đến nay đã 388 năm.
Trong non bốn thế kỷ, liệt thánh chúng ta trước đã trải qua biết bao nhiêu sự gian lao nguy hiểm vì nước, vì dân mới truyền ngôi lại cho Trẫm được đến ngày nay.
Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, nay trong giây phút Trẫm bỏ hết cả. Bà con trong hoàng tộc ai mới nghe cũng phải đau đớn ngậm ngùi.
Song Trẫm biết rằng, đó chỉ là một cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi, chứ bà con ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét gần, thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định lấy ba chữ “Dân vi quý” làm một khẩu hiệu của chính thể mới, sau khi đã tuyên bố “Để hạnh phúc nhân dân lên trên ngai vàng, làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ” nay Trẫm nhất định thoái vị để giao vận mệnh quốc gia lại cho một Chính phủ có đủ điều kiện huy động hết thảy lực lượng của toàn quốc mà giữ vững nền độc lập của nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Độc lập của nước, hạnh phúc của dân, vì tám chữ đó mà trong suốt 80 năm qua biết mấy mươi ngàn vạn đồng bào đã rơi đầu, bỏ xác nơi nước thẳm non xa, trong lao đen, ngục tối.
Đối với sự hy sinh của những kẻ anh hùng, liệt sĩ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho sự thoái vị của Trẫm là thường.
Vậy Trẫm chắc rằng bà con trong hoàng tộc sau khi nghe lời Chiếu thoái vị ai ai cũng vui lòng để nợ nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ Chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Thế mới là một cách chân chính cao thượng, giữ chữ trung với Trẫm và chữ hiếu với liệt thánh.
Việt Nam độc lập muôn năm
Dân chủ cộng hòa muôn năm”.
Trong 3 bản chiếu của vua Bảo Đại ban bố trong thời khắc lịch sử quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc, trong đó bản chiếu thứ hai được vua Bảo Đại trịnh trọng tuyên bố tại Lễ thoái vị, bàn giao quyền lực cho đại diện Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại sân Lầu Ngọ Môn vào chiều ngày 30/8/1945.
Theo NGUYỄN ĐÌNH DŨNG / BÁO ĐẮK LẮK
Tags: Bảo Đại, Cách mạng Tháng Tám, Nhà Nguyễn, Sự kiện lịch sử Việt Nam