Cuộc đời tranh đấu của Mohandas Gandhi

Gia tài tinh thần của Mohandas Gandhi với tư tưởng đấu tranh bất bạo động Ahimsa trở thành một tư tưởng quý báu trong kho tàng văn hóa của nhân loại.

Cuộc đời tranh đấu của Mohandas Gandhi

Mohandas Karamchand Gandhi sinh ngày 2-10-1869 tại tiểu bang Porbandar, Ấn Ðộ. Cha của ông giữ chức dewan (thủ tướng) trong chính quyền tiểu bang nhưng gia đình của ông vẫn không khá giả lắm; và có lẽ nhờ vậy cho nên khi còn bé, ông có cơ hội vui đùa với bạn bè cùng tuổi thuộc nhiều thành phần tôn giáo khác nhau. Năm lên sáu tuổi, ông cắp sách đến trường và dần dần tỏ ra là một học sinh xuất sắc. Năm 12 tuổi, ông phải lấy vợ theo sự sắp xếp của cha mẹ. Vợ của Gandhi, Kasturbhai Makanji, là một người đàn bà kiên nhẫn, độ lượng và tận tụy kề vai sát cánh hy sinh với chồng suốt cuộc đời cách mạng của ông.

Vào năm 1888, theo lời khuyên của nhà tôn giáo Mavji Dave và với sự trợ giúp của gia đình, Gandhi xuất cảnh qua Luân Ðôn, Anh quốc, để học luật. Ba năm sau, ông thi đậu bằng hành nghề luật sư và trở về Ấn Ðộ mở văn phòng tư vấn. Nhân việc anh của ông, Laxmidas, bị đại diện Anh Charles Ollivant sa thải một cách thiếu công bằng (vì sự ém nhẹm tài chánh của Hoàng gia Bhavsingh), Gandhi đến văn phòng chính quyền can thiệp cho Laxmidas nhưng bị Ollivant sai người tống cổ ra cửa. Ông đem việc này nói với Ðại Luật Sư Sir Pherozeshah Mehta và được khuyên là nên im hơi lặng tiếng (‘pocket the insult’) bởi vì người Anh đô hộ Ấn Ðộ cho nên họ muốn gì thì được nấy.

Sự kiện vị luật sư trẻ người Ấn dám đụng đến đại diện Anh quốc làm động lòng một thương gia đồng hương tên Abdul Karim – chủ nhân của công ty Dala Adbulla & Co. Karim đề nghị với Laxmidas là nên cho Gandhi qua Nam Phi giúp đỡ cho công ty Dala Adbulla & Co. trong một vụ tranh kiện lớn. Karim đài thọ hoàn toàn chuyến đi Nam Phi và trả lương hậu cho Gandhi. Chuyến đi Nam Phi đánh dấu bước ngoặc mới trong cuộc đời của ông.

Vào tháng tư năm 1893, Gandhi để lại vợ con ở Ấn Ðộ để lên đường đi Nam Phi. Trong khi đáp xe lửa đến Pretoria để nhận nhiệm vụ vào tháng sáu năm đó, Gandhi đang ngồi trong toa hạng nhất thì bị đuổi ra. Khi khẳng khái từ chối rời chỗ ngồi bởi vì ông đã mua vé hạng nhất thì Gandhi bị nhân viên tàu hỏa đẩy ra khỏi toa xe lửa; hành lý của ông bị quăng xuống đất. Ðêm hôm đó ông nghỉ trong phòng đợi của nhà ga Pietermaritzburg và đi đến quyết định là ông không thể tiếp tục chấp nhận bị kỳ thị và sẽ sử dụng phương pháp riêng của ông để chấm dứt tệ nạn kỳ thị chủng tộc – phản kháng tích cực nhưng bất bạo động.

Vào tháng 5-1894, Gandhi tổ chức Nghị Viện Ấn Ðộ Natal (Natal Indian Congress) để chống lại dự luật tước đoạt quyền bầu cử, tức là ảnh hưởng chính trị, của dân Ấn Ðộ tại Nam Phi. Do nỗ lực phản kháng này mà ông bị một số người Âu Châu đánh gần bất tỉnh vào ngày 13-1-1897, nhưng ông không truy tố phạm nhân; theo ông, kẻ có tội là chính quyền Natal vốn có chánh sách khuyến khích người Âu kỳ thị người Ấn, và đây là một vấn đề chính trị phải được ông giải quyết trên chính trường với lãnh tụ chính quyền.

Ðể tạo sự thông cảm với giới lao động nghèo gốc Ấn, Gandhi mở một nhà y tế nhỏ nhằm giúp đỡ họ miễn phí. Song song, ông cho ra tờ báo Indian Opinion để trình bày ý kiến của cộng đồng Ấn đối với các vấn đề quan trọng. Ông cũng bắt đầu chủ trương đơn giản hóa đời sống cá nhân tới mức tối thiểu.

Vào năm 1906, chính quyền Natal ra dự luật bắt buộc tất cả thường dân gốc A¨ Châu phải đăng ký, mang thẻ kiểm tra, và nếu trên 8 tuổi thì bị lấy dấu tay (như phạm nhân). Gandhi và đa số dân Ấn ở Nam Phi tuyên thệ thà chết chứ không chịu đi ghi danh. Vào tháng 10 năm đó, ông dẫn một phái đoàn qua Luân Ðôn để cầu viện với Quốc Hội Anh về dự luật kỳ thị của chính quyền Natal; với sự vận động của phái đoàn Gandhi, dự luật này không được Quốc Hội Anh chấp thuận cho nên không được Anh Hoàng phê chuẩn. Tuy vậy, tin vui này không kéo dài bởi vì khi chính quyền Nam Phi ở Transvaal trở thành nhà nước tự trị (self-government) vào năm 1907 thì ảnh hưởng của Quốc Hội Anh trở nên vô hiệu.

Tướng Smuts của Transvaal quyết định là tất cả thường dân Ấn phải đăng ký và bị lấy dấu tay trước ngày 1-7-1907. Nhiều người Ấn chống đối lại quyết định này và đã bị bắt giam, trong đó có Gandhi. Khi thấy dân Ấn quá cứng đầu thà đi tù còn hơn bị nhục, Smuts liên lạc và thương lượng với Gandhi. Cuối cùng hai bên đồng ý là thường dân Ấn phải đăng ký một cách tự nguyện, nhưng thành phần trí thức Ấn không bị lấy dấu tay mà chỉ cần ký tên. Sau khi hai bên thỏa thuận xong các điều kiện giải hòa, Gandhi được phóng thích và bắt đầu lên tiếng kêu gọi dân Ấn tự nguyện đi đăng ký. Một thanh niên Ấn, Mir Alam, và bốn người khác chống lại sự kiện chuyển hướng đăng ký tự nguyện cho nên đã đánh Gandhi trọng thương khi ông đi đăng ký vào tháng 2-1908. Sau khi bình phục, ông không truy tố họ về tội trạng này.

Vào tháng 10 năm đó, Gandhi lại khuyến khích dân Ấn đốt các thẻ kiểm tra để chống lại một số dự luật kỳ thị khác (thuế thân, v.v.). Chiến thuật của ông là bắt buộc chính phủ phải tốn tiền để nuôi người Ấn cho đến khi ngân sách nhà nước bị kiệt quệ. Các thành viên Satyagraha, trong đó có Gandhi và con trai ông, hy sinh phạm luật ‘phá rối trật tự’ để được vào tù; luật sư biện hộ cho họ có nhiệm vụ xin cho họ bị án càng nặng càng tốt. Từ năm 1908 đến 1914, Gandhi dẫn đầu nhiều cuộc đình công, biểu tình chống đối chính quyền và phải ra vào tù nhiều lần. Vào tháng 1-1914, Tướng Smuts phải thương lượng với Gandhi và từ từ bãi bỏ hết các bộ luật kỳ thị người Ấn như luật thuế thân.

Người tù Gandhi đã thành công – mặc dầu chỉ tương đối – trong việc bảo vệ nhân phẩm của dân Ấn tại Nam Phi. Giữa tháng 7-1914, ông từ giã Nam Phi đi thăm Anh quốc rồi hồi hương về Ấn Ðộ. Tưởng cũng cần kể lại một câu chuyện đã xảy ra trong gia đình Gandhi vào tháng 10-1901 ở Nam Phi. Tại Natal, bà Kasturbhai muốn giữ lại số vàng ngọc mà thương gia Ấn tặng ông bà để ghi ơn, nhưng Gandhi cực lực phản đối. Ông ra lệnh là phải trả lại tất cả các tặng phẩm cho người Ấn ở địa phương để tổ chức Nghị Viện Ấn Ðộ Natal của họ có quỹ hầu tiến hành những công tác chống lại các dự luật bất công của chính quyền.

Trở về Ấn Ðộ ngày 9-1-1915, Gandhi cảm thấy xa lạ với đất mẹ của mình. Ấn Ðộ nằm dưới ách thống trị của Anh quốc là một đất nước hấp dẫn đối với ông từ xa, nhưng khi đặt chân lên Ấn Ðộ thì ông chưa biết mình phải làm gì. Người dân Ấn đón chào ông một cách hoan hỉ nhưng họ không biết ông có thể giúp đỡ được gì cho họ; một số trí thức và giới vương giả Ấn lại tỏ vẻ dè dặt đối với nhân vật nổi loạn Gandhi. Theo lời đề nghị của Gokhale – một người bạn cũng được xem là vị cố vấn chính trị – Gandhi bỏ nhiều thời giờ đi khắp Ấn Ðộ để tìm hiểu dân tình; ông biết là chỉ khi nào ông thấu hiểu được thực trạng của nhân dân thì ông mới biết là mình có thể giúp được gì cho họ.

Vào tháng 6-1916, Gandhi được mời nói chuyện tại lễ khai trương Ðại Học Ấn Giáo Benares (Benares Hindu University). Trước mặt đại diện chính quyền đế quốc và các nhân vật vương giả Ấn đầy quyền hành, Gandhi khuyên sinh viên nên học hỏi tiếng Ấn thay vì Anh văn: ‘Ngôn ngữ của chúng ta phản ảnh bản thân chúng ta, và nếu các bạn bảo tôi là ngôn ngữ của chúng ta quá nghèo nàn không thể trình bày những tư tưởng cao cả nhất, thì tôi nói là chúng ta nên tự diệt càng nhanh chừng nào càng tốt chừng đó!’ (Our language is the reflection of ourselves, and if you tell me our languages are too poor to express the best thoughts, then I say that the sooner we are wiped out of existence the better of us!). Sau đó ông tấn công thành phần vương giả giàu có và kết án là ngọc ngà châu báu của họ đến từ hành động cướp của dân nghèo; ông kêu gọi họ nên mở kho ra để phân phát cho bần dân.

Ðại diện chính quyền đế quốc và quan khách vương giả bỏ ra về trước khi Gandhi kết thúc bài nói chuyện của ông. Sau bài diễn văn đó, chính quyền đô hộ và thành phần vương giả Ấn khinh bỉ Gandhi, nhưng nhiều tổ chức và đại học lại muốn ông đến chia xẻ quan điểm của ông với họ; giấy mời từ khắp nơi gởi đến ông tới tấp. Gandhi bắt đầu mang trên vai nhiệm vụ đánh thức dân tộc Ấn để họ nhận thức được là họ phải thay đổi từ cách sống đến tinh thần hầu có thể nắm lấy quyền lực chính trị trong tay, nếu không thì họ luôn luôn là những nạn nhân tự nguyện của sự đàn áp (willing victims of oppression).

Vào tháng 12 năm đó, Gandhi dự hội nghị của Nghị Viện Quốc Gia Ấn (Indian National Congress). Vai trò của ông đối với tổ chức Nghị Viện trong giai đoạn này không có gì đáng kể, nếu không nói là những nhân vật có ảnh hưởng trong tổ chức như Tilak, Jinnah, và Besant (một phụ nữ cách mạng gốc Anh) lúc đó xem thường ông. Tại hội nghị này, Gandhi gặp Rajkumar Shukla, một đại diện của nông dân Champaran. Shukla tham dự hội nghị với trọng trách trình bày thực trạng bất công ở Champaran và yêu cầu tổ chức Congress giúp đỡ. Rất tiếc là Shukla không có ảnh hưởng chính trị cho nên không ai thực sự chịu lắng nghe kiến nghị của ông – ngoại trừ Gandhi vốn không có việc gì để làm lúc đó.

Tại vùng Champaran, giới địa chủ Anh với sự giúp đỡ của chính quyền đô hộ cướp đoạt ruộng đất và bắt dân địa phương trồng tỉa cho họ với đồng lương chết đói. Song song, dân địa phương còn phải đóng cho bọn địa chủ một loại thuế lạ đời gọi là abwabs mỗi lần có giỗ chạp, cưới gả, hay tậu ghe, ngựa, v.v. Nông dân Champaran sống rất cực khổ và thỉnh thoảng họ biểu tình đòi cải cách nhưng không thành công. Vào tháng 12-1916, nông dân vô danh Rajkumar Shukla lặn lội đi xin tổ chức Nghị Viện giúp đỡ; nhưng không ai chịu lắng tai nghe lời kể lể của ông. Gandhi ban đầu cũng không tin Shukla và chỉ hứa suông là ông sẽ giúp sau khi được nhìn thấy tận mắt sự bất công – sự trợ giúp này có thể sẽ không bao giờ xảy ra bởi vì Gandhi chưa từng nghe đến địa danh Champaran và ông cũng còn nhiều việc quan trọng hơn để làm. Nhưng sự van nài kiên nhẫn của Shukla khiến Gandhi không thể từ chối.

Ngày 10-4-1917, Gandhi đi thẳng đến Muzaffarpur – nơi nông dân đang nổi loạn chống lại bọn địa chủ. Sau khi trực diện với thực trạng cực khổ của giới bần nông, Gandhi họp tất cả luật sư và thành phần trí thức địa phương lại để giúp ông trong việc thâu thập các bằng chứng hầu kiến nghị (petition) lên chính quyền. Có người phàn nàn là chiến lược của Gandhi khó thực hiện được bởi vì các luật sư giàu có không thể kiên nhẫn vào tù phỏng vấn nông dân đang bị bắt một cách miễn phí, một số người khác lại thấy là công việc này kéo dài quá lâu mà lại không có hiệu quả ngay lập tức. Gandhi cứ tiếp tục công việc đã được vạch ra; theo ông, nếu cần cũng có thể tốn hai năm trời để thâu thập bằng chứng.

Gandhi biết là việc ông làm sẽ khiến bọn địa chủ tức tối và họ sẽ tìm mọi cách để bắt ông hoặc tống xuất ông ra khỏi Muzaffarpur cho nên ông đã chuẩn bị trước cho nguy cơ bị câu lưu. Ông sắp xếp người thay thế để tiếp tục thâu nhận và cất giấu chứng cớ sau khi ông bị bắt. Ông cũng gởi thư kêu gọi sự giúp đỡ của những người có thế lực cũng như chính quyền đô hộ trung ương. Ông thẳng thắn trao trả lại huy chương vàng Kaisar I Hin về công tác nhân đạo của ông bởi vì thấy là ông đang làm việc nhân đạo cho nông dân Muzaffarpur mà bị cấm đoán.

Cuối cùng thì Gandhi bị bắt nhưng được cho tại ngoại hầu tra với điều kiện là phải đóng 100 rupees để thế chân. Ông than là không có tiền thì lại được Chánh A¨n đổi ý cho ký tên thay tiền, nhưng ông cũng không chịu ký. Rốt cuộc ông cũng được thả ra chờ ngày hầu tòa mà không phải ký tên hay đóng tiền thế chân. Khi được thả ra, ông vẫn tiếp tục làm việc như cũ mà không tỏ vẻ sợ hãi.

Có một người Anh tên Charlie Andrews đến giúp đỡ nhóm của ông và ai cũng muốn Andrews ở lại lâu với họ để làm một tấm chắn hộ mạng cho họ chống lại chính quyền địa phương. Gandhi bảo Andrews phải lập tức rời khỏi Muzaffarpur bởi vì sự hiện diện của Andrews có hại cho tinh thần của nhóm; họ phải tự rèn luyện lòng can đảm để có thể làm việc một mình mà không sợ hãi bạo lực đàn áp của chính quyền địa phương.

Sau một thời gian làm việc tận tụy, các luật sư dưới sự điều động của Gandhi thâu thập được khoảng 25000 hồ sơ và tường trình lên chính quyền đô hộ để đòi hỏi họ giải quyết. Ðại diện chính quyền, thành phần địa chủ, và Gandhi sau nhiều ngày thảo luận đã đi đến quyết định là giới địa chủ phải trả lại cho nông dân 25% số tiền thuế mà họ đã lạm thâu. Chiến thắng này của Gandhi – được chính thức hóa vào ngày 3-10-1917 – sau sáu tháng làm việc ngày đêm đưa ông vào vị trí lãnh đạo nông dân chống lại sự đàn áp của giới địa chủ. Một nhân viên thuộc địa Anh tên W.A. Lewis đã viết về tư cách của ‘vị Thánh’ sau cuộc gặp gỡ Gandhi vào ngày 29-4 để bàn về tình trạng của nông dân Muzaffarpur như sau:

‘Chúng ta có thể xem Gandhi như một nhân vật quá lý tưởng, cực đoan, hay một nhà cách mạng theo ý kiến riêng của chúng ta. Nhưng đối với dân raiyats ông là người giải phóng họ, và họ xem ông như người có nhiều quyền phép ngoại hạn. Ông đi qua lại các làng để kêu gọi họ ta thán cho ông nghe, và ông chuyển hóa óc tưởng tượng của đại đa số ngu dân với viễn ảnh của nghìn năm về trước.’

Cuối năm 1917, Gandhi được bà Gangabehn Majmundar tặng một khung dệt cũ kỹ. Ông bắt đầu tự dệt lấy vải để may áo quần cá nhân, và phong trào khadi (dệt tại gia) bùng nổ. Các vụ tự nguyện đốt vải vóc ngoại quốc đã xảy ra ở nhiều nơi để tô điểm thêm cho tinh thần kiên quyết chống lại chế độ cai trị của thực dân Anh tại Ấn.

Vào tháng 2-1918, Gandhi hướng dẫn cuộc đình công của giới thợ thuyền tại Ahmedabad. Sau một thời gian không có kết quả, nhiều công nhân bắt đầu có ý muốn trở lại làm việc. Họ không còn tiếp tục tin tưởng vào Gandhi vốn không có gì để mất mà họ thì có thể bị chết đói. Biết được ý nghĩ này, Gandhi đã lấy mạng sống của mình ra để bảo vệ sự đoàn kết của công nhân; ông bắt đầu tuyệt thực cho đến chết, nếu cần thiết, để chứng minh cho giới công nhân thấy sự hy sinh tuyệt đối của ông cũng như chứng tỏ với thành phần chủ nhân tinh thần kiên quyết đình công của giới thợ thuyền. Sau hai ngày tuyệt thực của Gandhi, giới chủ nhân đồng ý tăng lương 35% cho công nhân; và con người ốm o gầy mòn Gandhi lại chiến thắng thêm một lần nữa cho giai cấp bần cùng trong xã hội Ấn.

Vào tháng 3-1919, dự luật ngăn cấm các hành động chống đối chính quyền thuộc địa được thông qua. Sau khi nghiên cứu hậu quả tác hại của bộ luật mới, Gandhi – lúc này đã ở trong vị thế lãnh đạo nhân dân – đi đến quyết định phải chống lại ảnh hưởng bất lợi của bộ luật mới. Ông kêu gọi tổng đình công cả nước (hartal) trong vòng 48 tiếng đồng hồ bắt đầu từ ngày 6-4. Cuộc đình công bất bạo động đem đến nhiều cảnh đổ máu giữa thường dân và lực lượng an ninh thuộc địa. Ở Amritsar, vào ngày 13-4, sĩ quan Anh tên Reginald Dyer ra lệnh cho lính bắn vào đám đông đang tham dự một buổi lễ của đạo Sikh. Vốn không hiểu được giáo lệ Sikh quy định là nam giới phải mang dao trong người, Dyer thấy dân mang dao lại tưởng tượng là họ đang biểu tình cho nên ra tay đàn áp; sự tưởng tượng ngu dốt của Dyer đã làm thiệt mạng 379 nam nữ và trẻ em vô tội cũng như khiến trên một ngàn người bị trọng thương. Vụ thảm sát Amritsar đánh dấu sự rạn nứt đầu tiên trong guồng máy thuộc địa Anh tại Ấn Ðộ.

Lúc đầu khi nghe tin về vụ bắn giết thường dân vô tội ở Amritsar, Gandhi nghĩ là giới bần dân có lẽ phải bạo động để cho Dyer hạ lệnh nổ súng. Nhưng khi ông biết rõ vụ thảm sát là kết quả đến từ đầu óc ngông cuồng của tên sĩ quan thuộc địa, Gandhi kiên quyết phải đấu tranh trực diện với chính quyền thuộc địa cho sự tự do của dân tộc Ấn. Ông hoạch định chương trình hành động gồm 4 bước: (1) người Ấn trả lại tất cả những huy chương, chức tước do chính quyền thuộc địa ban cho; (2) tất cả luật sư đóng cửa văn phòng, nhân viên chính quyền từ chức, và cha mẹ không cho con tiếp tục theo học những trường có sự tài trợ của chính quyền thuộc địa; (3) tất cả binh lính Ấn trong quân đội thuộc địa giã từ vũ khí; và (4) toàn thể nhân dân từ chối không đóng thuế cho chính quyền thuộc địa.

Gandhi bắt đầu được dân Ấn gọi là Thánh. Ông đi đâu cũng được họ tung hô ‘Vạn tuế Thánh Gandhi’ (Mahatma Gandhi ki jai); nhưng ông lại muốn họ tung hô ‘Vạn tuế Ấn giáo-Hồi giáo’ (Hindu-Mussulman ki jai) nhằm tu bổ thêm cho tình đoàn kết giữa người Ấn theo Ấn giáo và người Ấn theo đạo Hồi. [Sự chia rẽ giữa hai nhóm Ấn và Hồi đã đưa đến cảnh chia ba quốc gia Ấn Ðộ sau này thành Pakistan, Bangladesh và Ấn Ðộ].

Ðối diện với phong trào cách mạng bất bạo động bùng nổ ở nhiều nơi (có chỗ thành viên phong trào bất-bạo-động đã có nhiều hành động bạo động sát nhân như ở làng Chahuri Chaura), chính quyền thuộc địa quyết định bắt giữ Gandhi vào ngày 10-3-1922. Ông bị đưa ra xét xử và bị kết án 6 năm tù. Ngày 4-2-1924, ông được thả ra vì tình trạng sức khỏe yếu kém (ông bị bệnh phải mổ trước đó một tháng cho nên thành phần lãnh đạo chính quyền thuộc địa không muốn ông chết trong lao tù của họ).

Ngày 26-1-1930, Gandhi kêu gọi dân Ấn treo lá cờ độc lập do Nghị Viện Quốc Gia Ấn thông qua. Ngày 12-3-1930, Gandhi bắt đầu cuộc hành trình lấy muối biển để chống lại chính sách độc quyền kiểm soát sự sản xuất muối của chính quyền thuộc địa. Khởi hành từ Sabarmati, Gandhi lúc đó đã 61 tuổi mang trên mình mảnh vải che thân theo kiểu người ‘hạ nhân’ Ấn và cầm khúc gậy đi bộ 380 cây số đến bờ biển Dandi để lấy muối. Ông xuất hành với dự tính chỉ đi một mình, nhưng dọc đường hàng ngàn người đã đi theo tạo thành một cuộc trường chinh lấy muối (the Salt March). Trên đường đi, Gandhi ghé qua các làng xã để nói chuyện với dân chúng. Ở Bhatgam, ông phát biểu: ‘Chúng tôi tiến bước trong danh nghĩa Thượng Ðế. Chúng tôi hành động thay cho người đói khổ, không manh áo và không việc làm.’ (We are marching in the name of God. We profess to act on behalf of the hungry, the naked and the unemployment.’)

Sau khi Gandhi lọc được nắm muối đầu tiên tại bờ biển Dandi, cả nước Ấn rơi vào cơn sốt lấy muối; đâu đâu cũng thấy người dân thi nhau lọc lấy muối biển để dùng thay muối của nhà nước thuộc địa. Chính quyền thuộc địa chưa biết phải phản ứng như thế nào đối với hành động phản kháng mới này thì hai sự kiện xảy ra: (i) một số thành viên của tổ chức cách mạng bạo động Hội Cộng Hòa Ấn giáo (Hindustan Republican Association) cướp kho vũ khí ở Chittagong và trốn vào rừng sau khi giết 6 người; và (ii) đội quân thuộc địa gốc Ấn giáo đã từ chối không bắn vào đoàn người Ấn gốc Hồi giáo biểu tình chống chính quyền ở Peshawar. Những biến chuyển mới này bắt buộc guồng máy thuộc địa phải phản ứng mạnh bắt đầu với lệnh ngăn cấm báo chí Ấn không được tường thuật về phong trào chống đối chính quyền thuộc địa.

Gandhi bị bắt vào ngày 4-5-1930. Hai tuần sau, 2500 thành viên tổ chức Nghị Viện quyết định chiếm lấy cơ sở sản xuất muối Dharasana một cách bất bạo động. Trong tay không vũ khí, họ sắp hàng đi bộ vào sở muối và chỉ giơ tay đỡ bá súng của lính. Hai người chết và khoảng 320 bị lính thuộc địa đánh trọng thương phải đưa vào trạm y tế dã chiến, nhưng họ vẫn tiếp tục nối bước một cách bất bạo động với mục đích chiếm lấy sở muối. Cuối cùng vì không thể tiếp tục đánh đập mãi người tay không, lính thuộc địa xông vào bắt hai người đang chỉ đạo nỗ lực chiếm sở muối bất bạo động, Sarojini Naidu và Manilal Gandhi (con của Gandhi). Ấn Ðộ bùng nổ với nhiều cuộc biểu tình ở khắp nơi. Chính quyền thuộc địa thẳng tay đàn áp và bắt giam khoảng 100000 người.

Ngày 26-1-1931, Gandhi và những lãnh tụ của tổ chức Nghị Viện được phóng thích vô điều kiện. Vào tháng 9 năm ấy, ông đi Luân Ðôn để tham dự Hội Nghị Bàn Tròn về vấn đề độc lập của Ấn Ðộ. Mặc dầu hội nghị không giải quyết được việc gì quan trọng, sự hiện diện của Gandhi là một hiện tượng vĩ đại ở Âu Châu. Dân chúng tuôn ra đường chào đón ông, và ngay cả những công nhân thất nghiệp cũng ủng hộ ông mặc dầu chính Gandhi kêu gọi tẩy chay hàng hóa Tây phương; họ nói ‘nếu tôi ở trong hoàn cảnh của Gandhi tôi cũng kêu gọi như vậy’. Ông viếng thăm Vatican và bị một cây thánh giá cao hút hồn vì ông ‘thấy hình ảnh của Jêsus’ (I saw a figure of Chirst there); rất tiếc là Giáo Hoàng Gia Tô lúc đó từ chối tiếp kiến ông.

Ngày 28-12-1931, Gandhi trở về Ấn và bị bắt một tuần sau đó ở Bombay. Ông tiếp tục chủ trương chống đối chính quyền một cách bất bạo động. Theo ông, ‘sự bất tuân luật pháp không những là quyền tự nhiên của một dân tộc, đặc biệt là khi họ không có tiếng nói hiệu lực trong chính quyền của họ, mà còn thay thế cho bạo lực hay phản kháng vũ trang.’ (I believe that civil disobedience is not only the natural right of a people, especially when they have no effective voice in their own Government, but that it is also a substitute for violence or armed rebellion).

Ngày 17-8-1932, Thủ Tướng Anh Ramsay MacDonald quyết định công nhận thành phần ‘hạ nhân’ Ấn như một cộng đồng riêng biệt có quyền bầu cử và ứng cử riêng rẽ nhằm đào sâu hố ngăn cách xã hội trong âm mưu ‘chia để trị.’ Tại Ấn Ðộ, truyền thống Ấn giáo lâu đời chia nhân loại ra làm 4 thành phần: giáo sĩ (Brahman), vua chúa quý tộc (Ksatriya), điền chủ thương gia (Vaisya), và nô lệ (Sudra); những người không nằm trong thành phần này là loại ‘hạ nhân’ (Paria) không ai muốn giao thiệp hay đụng đến (the untouchables). Trong quan niệm cách mạng của Gandhi, ba kẻ thù chánh là sự nghèo khổ của đại đa số dân Ấn, tệ nạn khinh khi thành phần ‘hạ nhân’, và guồng máy đô hộ thực dân. Theo ông, ‘sự thống khổ tinh thần chỉ chấm dứt khi mọi dấu vết của tình trạng hạ nhân biến mất’ và ‘.. thà Ấn giáo chết còn hơn là tình trạng hạ nhân tồn tại.’ (‘The agony of soul is not going to end until every trace of untouchability is gone.’ ‘I would far rather that Hinduism died than that untouchability lived.’) Vì vậy cho nên ông cực lực đả kích quyết định ‘chia để trị’ của MacDonald và bắt đầu cuộc tuyệt thực mới để phản đối.

Chính sự tuyệt thực của ông đã đánh thức dân Ấn theo Ấn giáo. Các nhà thờ mở rộng cửa đón nhận thành phần hạ nhân vào làm lễ mà không đặt bất cứ điều kiện nào. Chính quyền thuộc địa bắt đầu tham khảo ý kiến của đại diện giới hạ nhân để sửa đổi quyết định của MacDonald. Sau khi họ đi đến thỏa thuận cải cách quyết định chia để trị thì sức khỏe của Gandhi rất yếu; họ vội vã đưa bản thảo đến cho ông xem. Gandhi phủi tay bảo là họ phải đem đến cho Ambedkar – đại diện giới hạ nhân – cho vị này tham khảo và chấp thuận trước.

Ngày 8-5-1933, Gandhi được thả ra và rồi bị bắt lại ba tháng sau đó. Ông bắt đầu tuyệt thực bởi vì cai tù theo lệnh chính quyền cấm không cho ông tiếp tục làm việc trong tù cho thành phần hạ nhân. Sức khỏe của ông quá kém cho nên ông được đưa vào bệnh viện cứu dưỡng; sau đó chính quyền phải phóng thích ông bởi vì nếu ông bị chết trong tù thì họ sợ bị cả thế giới lên án.

Ngày 8-8-1942, tổ chức Nghị Viện với ý kiến ‘cố vấn’ của Gandhi thông qua nghị định ‘Quit India’ [Rời Ấn Ðộ] nhằm kêu gọi chính quyền Anh rút lui. Gandhi ở tuổi 73 lãnh đạo cuộc tổng phản kháng bất bạo động toàn quốc với khẩu hiệu ‘Do or Die’ [Hành Ðộng hay Hy Sinh] (We shall either free India or die in the attempt). Chính quyền thuộc địa vội vã bắt giữ Gandhi để khống chế phong trào chống đối; nhưng lần này ông được đối xử rất tử tế hơn những lần đi tù trước. Vợ của ông qua đời vào ngày 22-2-1944, và ông được thả ra vào tháng 5 cùng năm.

Là người muốn thấy một quốc gia Ấn Ðộ độc lập không chia rẽ cho nên Gandhi phản đối tất cả những ai chủ trương chia hai Ấn Ðộ. Rất tiếc cho ông là đại diện Hồi giáo Ấn Ali Jinnah chỉ muốn làm lãnh tụ của một quốc gia riêng biệt cho nên không có ý định thương lượng để bảo tồn biên thùy Ấn Ðộ. Gandhi – một người theo Ấn giáo – rất rộng lượng cho nên đề nghị là Ấn Ðộ có thể được lãnh đạo bởi một chính quyền Hồi giáo hầu Ấn Ðộ không bị chia đôi; nhưng ý kiến của ông bị thành viên tổ chức Nghị Viện theo Ấn giáo phủ quyết.

Tổ chức Nghị Viện đồng ý với kế hoạch của Luân Ðôn phân chia Ấn Ðộ ra thành ba quốc gia: Ấn Ðộ, Tây Pakistan, Ðông Pakistan (đã đổi tên thành Bangladesh từ năm 1971). Khi Nghị Viện đồng ý chia ba Ấn Ðộ, Gandhi rất đau lòng nhưng vẫn kêu gọi dân Ấn phải ủng hộ quyết định của Nghị Viện. [Gandhi ước mơ sau này ông sẽ có dịp tiến hành một cuộc trường chinh khác vào hai vùng Pakistan để kêu gọi dân ở đây trở lại với Ấn Ðộ, nhưng rất tiếc là ông bị ám sát trước khi có thể hoàn thành nguyện vọng này.]

Vào tháng 8-1946, Nehru – một thành viên tổ chức Nghị Viện rất tận tụy với Gandhi – được Thống Ðốc Anh mời đứng ra thành lập chính quyền lâm thời để Anh quốc có thể sắp xếp việc rút lui. Ước mơ một Ấn Ðộ độc lập của Gandhi được thành tựu, nhưng ông lại phải đối đầu với các vấn đề khó khăn khác. Lúc này hai vùng Pakistan chưa được công nhận cho nên lãnh tụ Hồi giáo Ấn Ali Jinnah đưa ra chương trình ‘Direct Action’ [Hành Ðộng Trực Tiếp] để khoanh vùng tự trị bằng cách giết hại các gia đình theo Ấn giáo ở Pakistan. Cuộc tàn sát tập thể bắt đầu, và dân Ấn giáo lẫn dân Hồi giáo vô tội bị giết hại mà không ai có khả năng chấm dứt cuộc săn người rùng rợn (riêng chỉ ở thành phố Calcutta đã có 5000 người chết trong vòng 4 ngày). Quân đội trở nên bất lực trước sự khát máu của con người bị điên loạn trong danh nghĩa tôn giáo. Cả Ấn Ðộ chỉ có một người nắm giữ lương tâm của cả dân tộc và có thể chấm dứt cuộc tàn sát tập thể này. Người đó là Gandhi và vũ khí của ông là tình thương yêu tất cả mọi người bất kể tôn giáo hay đẳng cấp xã hội.

Ngày 1-9-1947, Gandhi bắt đầu tuyệt thực ở Calcutta để tái lập hòa bình. Tin tức về Gandhi đang tuyệt thực để chịu chết cho sự điên loạn của dân Ấn khiến họ bắt đầu suy nghĩ về các hành động dã man của họ. Người theo đạo Hồi bắt đầu tự hỏi là nếu Gandhi qua đời thì không còn ai thực sự bảo vệ họ, và chắc chắn là họ sẽ bị đại đa số dân theo Ấn giáo nghiền nát. Người theo Ấn giáo lại sợ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Gandhi – người đã tận tụy hy sinh cả cuộc đời để giành lại độc lập cho quốc gia. Cuối cùng hai bên Ấn Hồi quyết định từ bỏ vũ khí và chấm giứt giết hại lẫn nhau.

Mặc dầu tình trạng tàn sát tập thể không còn xảy ra nhưng bầu không khí thù nghịch giữa dân Hồi giáo và Ấn giáo vẫn còn tồn tại. Gandhi quyết định tuyệt thực ở Delhi vào ngày 13-1-1948 cho đến chết để yêu cầu dân Ấn bất kể tôn giáo phải bắt tay đoàn kết. Sức khỏe của ông rất yếu kém vào lúc này; ông đã bắt đầu nói sảng trong giấc ngủ. Thành viên của tất cả các tổ chức tôn giáo ở Delhi đã vì mạng sống của Gandhi mà gạt bỏ qua mọi sự khác biệt và cùng ký vào tuyên cáo là họ sẽ chung sống trong hòa bình cũng như hứa bảo vệ thiểu số dân theo Hồi giáo. Tuyên cáo này ra đúng lúc mà tình trạng sức khỏe của Gandhi đã đi tới mức nguy hiểm (năm ngày sau khi ông bắt đầu tuyệt thực); may mắn là ông đã hồi phục tương đối không khó khăn lắm.

Ngày 20-1-1948, một quả bom ám sát Gandhi nổ tung gần tòa nhà ông ở nhưng ông vẫn bình tĩnh không tỏ vẻ lo ngại. Ngày 30-1-1948 trong khi Gandhi đang đi đến nơi cầu nguyện thì bị Nathuram Godse bắn chết. Godse là người theo Ấn giáo cực đoan và quyết định ám sát Gandhi vì nghĩ là ông thương dân Hồi giáo quá mức. Khi Gandhi qua đời, gia tài vật chất của ông không có gì; nhưng hình ảnh cụ già ở chung với giới nghèo khổ, che mảnh vải thô kiểu ‘hạ nhân’, cầm cây gậy đuổi thực dân Anh luôn luôn in rõ trong óc người dân Ấn, và gia tài tinh thần của ông với tư tưởng bất bạo động Ahimsa trở thành một tư tưởng quý báu trong kho tàng văn hóa của nhân loại.

S.T

Tags:
, , ,