⠀
Lenin – người mơ mộng vĩ đại của lịch sử
Nhà văn Mỹ Herbet Wells đã gọi đùa Lenin là người mơ mộng vĩ đại, nhưng sau đó 10 năm đến Liên Xô ông đã phải trầm trồ: từ một miền đất đổ nát và đau thương, đất nước Xô viết đã trở thành một quốc gia hùng cường…
Dù đứng ở bất cứ góc độ nào cũng không thể phủ nhận, Lenin chính là một trong những vĩ nhân đã không những không bỏ lỡ thiên thời mà còn biết kết hợp thiên thời với địa lợi và nhân hòa để làm nên lịch sử, góp phần cải thiện đời sống quốc gia và dân tộc mình, thậm chí không chỉ riêng dân tộc mình và tổ quốc mình.
Vì tổ quốc, vì nhân dân
Ngay từ khi còn trẻ, Lenin đã xác định một cách đầy ý thức về con đường mà nước Nga cần đi để thoát khỏi những bất công và lạc hậu, để người dân trong đế chế giàu tài nguyên và tiềm năng này có thể ngẩng mặt nhìn thế giới xung quanh. Alexandra Kolontai (1872-1952), nhà ngoại giao Xô viết lừng danh, đã nhận xét:
“Có những cá nhân – hiếm thấy trong lịch sử loài người – là sản phẩm của một chuyển biến lớn lao đã chín muồi, đã tô đẹp cho cả một thời đại. Trong số những người vĩ đại về tinh thần và ý chí đó là Vladimir Illyich Lenin… Như ở một tiêu điểm, Người đã tập hợp vào trong mình tất cả những cái gì của Cách mạng là nghị lực, là hùng mạnh, không ủy mị trong phá bỏ cái cũ và rất kiên quyết trong xây dựng cái mới”.
Chủ nghĩa Marx luôn coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhưng không bao giờ quên vai trò cực kỳ quan trọng của các cá nhân vĩ đại. Con thuyền nào cũng cần có người cầm lái, một cuộc cách mạng muốn thành công luôn cần tới những nhà lãnh đạo thích ứng.
Cách mạng vô sản Nga những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã có một nhà lãnh đạo tương xứng với sứ mệnh của mình là Lenin. Và chính Lenin cũng tự ý thức được vai trò của mình trong phong trào cách mạng Nga và thế giới. Và ông đã sống và làm việc theo một phong độ đúng như một vị thủ lĩnh cách mạng cần phải có.
Nhà văn vô sản lớn Maxim Gorky đã nhận xét, tràn ngập trong đời sống và công việc của Lenin là “tinh thần hy sinh khắc khổ, thường thấy ở người cách mạng trí thức Nga trung thực, tin tưởng sắt đá vào khả năng thiết lập sự công bằng trên trái đất, tinh thần anh hùng của con người đã từ bỏ mọi niềm sung sướng trên đời để hiến mình cho hoạt động gian khổ vì hạnh phúc của mọi người”.
Lenin là người có tính nguyên tắc rất cao. Tư tưởng của ông, cũng theo nhận xét của M. Gorky, “giống như cái kim địa bàn, bao giờ cũng chỉ về lợi ích giai cấp của nhân dân lao động… Điều đặc biệt vĩ đại ở Lenin chính là lòng căm thù quyết liệt, không bao giờ tắt trước sự bất hạnh của mọi người, niềm tin sắt son rằng sự bất hạnh không phải là nền tảng không thể tiêu diệt được của cuộc đời, trái lại nó là điều xấu xa, nhơ nhuốc mà mọi người có thể và cần phải quét sạch đi”.
Những nhà cách mạng đích thực trưởng thành trong ngọn lửa đấu tranh giai cấp thực sự quyết liệt nên bản năng gốc của họ luôn là trung thực và dũng cảm. Họ biết mình không có quyền nuôi dưỡng những ảo tưởng, bởi làm thế là tự sát. Hơn bất kỳ ai, Lenin lúc nào cũng nhìn và kêu gọi mọi người cùng nhìn vào sự thật, dù khắc nghiệt đến mấy, của cuộc đấu tranh một mất một còn với những kẻ thù tư tưởng và giai cấp. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, ông vẫn không bao giờ tỏ ra núng chí trước những thử thách mới xuất hiện, dù chúng có to lớn đến mấy.
Nhà văn Boris Polevoi, tác giả “Người Xô viết chúng tôi” từng được phổ biến rộng cả ở Việt Nam, viết về V.I.Lenin như sau: “Là người gan dạ và chính trực, đồng chí bao giờ cũng nhìn thẳng vào sự thật. Dù sự thật đôi khi cay đắng và thậm chí khủng khiếp đến thế nào đi nữa, đồng chí cũng không bao giờ giấu giếm mọi người xung quanh, không bao giờ giấu giếm đông đảo đám đông”.
Đọc lại những bài tranh luận cũng như những hồi ký về cách ứng xử của ông trong những tình huống đầy khó khăn và phức tạp của cách mạng Nga, mới thấy khâm phục tính bộc trực (nhưng luôn luôn sâu sắc) của người chiến sĩ bẩm sinh này.
Lenin luôn gọi sự vật bằng đúng tên của nó và ông không bao giờ tỏ ra nhụt chí khi phải đưa ra những quyết định vào những thời điểm nước sôi lửa bỏng nhất. Mọi hành động của ông đều xuất phát được từ ý thức sâu sắc về trọng trách của mình trước sự nghiệp chung.
Lenin, nói theo lời của nhà văn hóa A. Lunacharsky (1875-1933), biết rất rõ về việc cách mạng là một sự nghiệp không thể “nhân tạo”, mà thường là phải dựa vào “thiên thời”, nhưng lại rất quán triệt quan điểm rằng, cuộc cách mạng nào cũng có nguy cơ trở nên “hỗn quân hỗn quan” nếu không được sự dẫn dắt một cách có tổ chức của một lực lượng giác ngộ nhất, đủ tầm và tài trở thành đội quân tiền phong.
Và Lenin cùng với chính đảng của giai cấp vô sản Nga đã làm hết sức mình để tiến hành thành công một cuộc cách mạng vĩ đại, tạo bước ngoặt to lớn cho lịch sử không chỉ riêng nước Nga và châu Âu mà còn của cả thế giới.
Việc sau hơn 70 năm tồn tại Liên bang Xô viết bị tan rã vì vô số những lý do chủ quan và khách quan không hề làm giảm ý nghĩa của những bậc tiền bối của cách mạng Nga, đã góp tay xây dựng nước Nga từ chỗ chỉ là mắt xích yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới trở thành một siêu cường quy mô toàn cầu, mà chỉ làm nổi bật lên tầm cỡ và vai trò của những vĩ nhân cách mạng như V.I.Lenin.
Luôn luôn thời sự
Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga Gennady Ziuganov trên tuần san “Luận chứng và sự kiện” đã đưa ra nhận định chính thức của những người cộng sản Nga về vị lãnh tụ kính yêu của mình:
“Nhà triết học Berdyaev từng viết: “Lenin – đó là một người Nga điển hình”. Còn Einstein vĩ đại cũng nói: “Những nhân vật như Lenin làm mới lại lương tâm của nhân loại”.
Trong lịch sử nói chung ít những nhân vật ở tầm cỡ như Lenin. Có những danh tướng kiệt xuất, thí dụ như Dmitri Donskoy hay Suvorov. Có những nhà văn và những nhà khoa học thiên tài. Tuy nhiên, Lenin là một trong số ít vĩ nhân đã đưa ra được một con đường mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Và không chỉ đưa ra mà còn biến nó thành hiện thực, dựa trên ba ý tưởng chính: công bằng, lao động và quyền lực của nhân dân. Tôi cho rằng, ông đã rất đúng khi khẳng định là, ngay cả một bà nội trợ, thông minh và lương thiện, cũng có thể điều hành quốc gia đại sự tốt hơn những kẻ gạt lường và nát rượu…
Lenin đã là nhà quản lý quốc gia hùng hậu nhất trong lịch sử nước Nga. Lenin đã nhận lấy một đất nước bao la, bị hãm hại gần như kiệt quệ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, với một nền công nghiệp yếu ớt, và đã để lại một đất nước tràn đầy khí thế đi lên.
Chỉ trong vòng 5 năm, ông đã thử nghiệm tới 4 phương án chính sách quốc gia: từ chủ nghĩa cộng sản thời chiến, chế độ trưng thu lương thực thừa và đóng thuế bằng lương thực thực phẩm tới Tân kinh tế và kế hoạch điện khí hoá toàn Nga. Theo kích cỡ của thời bấy giờ, điều đó còn mạnh mẽ hơn cả “chiến tranh giữa các vì sao”, Internet hay kỹ nghệ nano… Nhà văn Mỹ Herbet Wells đã gọi đùa Lenin là người mơ mộng vĩ đại, nhưng sau đó 10 năm đến Liên Xô ông đã phải trầm trồ: từ một miền đất đổ nát và đau thương, đất nước Xô viết đã trở thành một quốc gia hùng cường, nơi người dân không ngừng phấn đấu cho một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Hơn thế nữa, Lenin còn là một nhà cầm quân thiên tài. Tình hình năm 1918 đã gần như là tuyệt vọng: nước cộng hòa Xô viết chỉ là một khu vực con con quanh Moskva, 15 quốc gia thù địch đã đưa quân vào tất cả các cảng. Nhưng có lẽ cả vận trời và vận nước khi đó đã ở về phía của Lenin và Hồng quân nên đã đánh đuổi được tất cả những kẻ can thiệp. Lenin đã xây dựng quân đội mới từ con số 0 – quân đội cũ khi đó đã tan tác không còn dấu vết.
Tới cuối cuộc nội chiến, Hồng quân đã có một lực lượng cơ giới 5 triệu người, đánh bại Bạch vệ, trong đó có cả viên tướng Kolchak mà hiện nay một số thế lực ở Nga đang muốn tô son trát phấn lại… Về bản chất, Lenin đã cứu nhân loại khỏi thảm họa Phát-xít. Nếu như trong tháng 10/1917 không đặt được nền móng của chế độ Xô viết hùng hậu thì chắc gì sau này chúng ta có thể bẻ gẫy xương sống của Hitler.
Hôm nay Lenin có còn mang tính thời sự hay không? Trong các tác phẩm của mình, ông đã đưa ra nhận định chuẩn xác về chủ nghĩa tư bản, tiên liệu trước tương lai của nó.
Không ngẫu nhiên mà trong thời gian khủng hoảng hiện nay có người lại đọc “Tư bản luận” của Marx, có người lại tìm đọc các tác phẩm của Lenin. Cá nhân tôi rất khâm phục những nét tính cách cá nhân của Lenin: niềm tin vào lẽ phải của công việc mà mình đang làm, khả năng làm việc lớn vô cùng tận, linh cảm và lòng dũng cảm tuyệt vời đến mức có thể phải ghen tị…”.
Theo CÔNG AN NHÂN DÂN
Tags: Vladimir Ilyich Lenin, Liên Xô, Nga, Danh nhân thế giới