Chiến dịch Điện Biên Phủ qua góc nhìn điểm hẹn lịch sử

Trong nghiên cứu về giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ có nhiều cách tiếp cận, đánh giá khác nhau nhưng một cách hiểu và đánh giá cần được làm rõ hiện nay là điểm hẹn lịch sử mới có thể thấy hết tầm vóc và giá trị lớn lao của sự kiện này.

Chiến dịch Điện Biên Phủ qua góc nhìn điểm hẹn lịch sử

Bài viết của tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh.

Điểm hẹn lịch sử được hiểu là nơi được lựa chọn để thể hiện sự đối đầu về quân sự và sự thắng, thua sẽ quyết định toàn bộ cuộc chiến tranh mà hai bên theo đuổi. Thông thường, mỗi cuộc chiến tranh sẽ kết thúc bằng một trận đánh quyết chiến chiến lược của cả hai bên. Nhưng đối với Điện Biên Phủ không chỉ là một trận có tính chất quyết chiến chiến lược của hai bên tham chiến, mà còn là điểm hẹn có tính công khai về chiến lược để thách đố về mọi mặt, thực hiện mục đích. Hơn nữa, Điện Biên Phủ không chỉ là thách đố của riêng hai nước, mà còn của hai hệ thống chính trị thực dân, đế quốc phương Tây với các dân tộc thuộc địa bị áp bức. Điểm hẹn lịch sử trong chiến tranh có tính khách quan, bởi nó là sản phẩm của tiến trình phát triển chiến tranh đến đỉnh cao mà cả hai bên đều công khai ý đồ quân sự của mình. Tiến trình phát triển của chiến tranh ở Đông Dương, Việt Nam vào những năm cuối của thập niên 40, đầu thập niên 50 của thế kỷ XX đã xuất hiện điểm hẹn lịch sử và đó là Điện Biên Phủ.

Trận đánh Điện Biên Phủ là phương sách cuối cùng của Pháp nhằm tiêu diệt Việt Minh, khôi phục lại sự thống trị ở Đông Dương và cũng là nơi Việt Nam chấp nhận để thực hiện quyết tâm giành chiến thắng cuối cùng, vì thế, nó là tất yếu của chiến tranh. Trong dự kiến của Việt Nam, nhất định sẽ phải thực hiện một trận quyết chiến chiến lược thì mới có thể giành thắng lợi hoàn toàn và đó là sự gặp nhau ở Điện Biên Phủ. Điểm hẹn lịch sử Điện Biên Phủ đã hội tụ toàn bộ sức mạnh tổng hợp của hai bên Pháp và Việt Nam. Sau gần 9 năm đấu trí, đấu lực và chuyển hóa tương quan giữa thế và lực của hai bên thì Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, thu hẹp phạm vi kiểm soát. Xu thế thất bại ngày càng rõ hơn nhưng với bản chất của mình, Pháp không chấp nhận sự thất bại một cách dễ dàng, ngược lại, sự ngoan cố ngày càng tăng bằng các nỗ lực cao nhất để tiến tới sự áp đặt thống trị trở lại. Đáp lại, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với những thắng lợi quan trọng ở khắp chiến trường cũng thể hiện rõ quyết tâm và những bước chủ động cho chiến thắng trận chiến cuối cùng và giành độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Điểm hẹn lịch sử Điện Biên Phủ là sự thử thách toàn diện cả về chính trị, xã hội, quân sự, không chỉ giữa Pháp và Việt Nam mà cả hai hệ thống chính trị. Cả hai bên cùng có hậu thuẫn, viện trợ. Pháp có sự hỗ trợ của phương Tây mà trực tiếp nhất là Mỹ, còn Việt Nam có sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô. Điểm hẹn lịch sử như một mắt xích quan trọng nhất của toàn bộ dây chuyền, của sự đụng độ hai hệ thống chính trị, quân sự. Việc chặt đứt mắt xích này sẽ làm cho toàn bộ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc rung động và chuyển mình theo hướng tích cực. Ngược lại, sự thất bại của trận quyết chiến chiến lược này sẽ khiến không chỉ Việt Nam mà cả hệ thống thuộc địa tiếp tục chìm đắm trong vòng nô lệ, khó có đường ra. Tính chất của sự đối đầu quân sự này diễn ra rất quyết liệt bởi sự tập trung lớn số lượng, chất lượng binh hỏa lực, trí tuệ, tư duy chiến tranh trong một không gian nhỏ. Thắng lợi hay thất bại của một bên sẽ quyết định mở ra hay khép lại của một xu thế trong thời đại ngày nay.

Sự xuất hiện Điện Biên Phủ là sự chuyển hướng chiến lược căn bản của Tướng Na-va, bởi nó không nằm trong kế hoạch mùa khô 1953, 1954 của ông ta. Với tư duy quân sự bậc thầy của vị tướng giàu kinh nghiệm và tài ba, Na-va đã thuyết phục được giới quân sự phương Tây về những diễn biến mới của thực tiễn chiến tranh ở Đông Dương, Việt Nam và cứ điểm Điện Biên Phủ lúc bấy giờ. Một chương trình xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tiến hành và được mệnh danh là một “pháo đài” kiên cố, vững chắc có thể thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, Việt Nam, mà phần thắng thuộc về Pháp. Ngay sau đó, các yêu cầu về tài chính, vũ khí, phương tiện chiến tranh, lực lượng các loại được Pháp và Mỹ cùng dốc sức phục vụ cho xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ. Với sự viện trợ của mình, Mỹ đã đưa cố vấn vào tất cả các cấp bộ quân sự của Pháp. Có thể thấy, Điện Biên Phủ là trung tâm của vấn đề chính trị, quân sự phương Tây lúc bấy giờ.

Theo lý thuyết quân sự, Điện Biên Phủ cho phép phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh vũ khí, phương tiện chiến tranh của Pháp là tính cơ động, vũ khí hiện đại và hạn chế tối đa thế mạnh của Việt Nam. Tướng Cogny đánh giá: “Điện Biên Phủ là căn cứ bộ binh-không quân lý tưởng, là chiếc chìa khóa của Thượng Lào và chúng ta đến đây là buộc Việt Minh phải giao chiến, không nên làm gì thêm để họ phải sợ mà lảng đi”. Thế nhưng đấy mới là lý thuyết, còn thực tiễn thế nào chỉ được trả lời khi kết thúc chiến dịch. Đáp lại, Việt Minh cũng cho rằng Điện Biên Phủ là điểm tiến công cuối cùng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Quyết tâm này được triển khai trên thực tế và sức người, sức của… của Việt Minh cũng được tập trung cơ bản vào Điện Biên Phủ. Khi các tiền đề vật chất phục vụ cho diễn ra trận chiến khá đầy đủ theo khả năng tối đa của mỗi bên thì vấn đề cuối cùng của sự thách đố là tư duy về nghệ thuật quân sự, cách đánh, các thủ đoạn cũng như bản lĩnh chiến tranh,v.v… của các tướng lĩnh hai bên và trạng thái tinh thần của binh lính.

Sự đối đầu về nghệ thuật quân sự ở Điện Biên Phủ là tư duy quân sự giữa một bên gồm các vị tướng nhà nghề, thiện chiến ở nhiều nơi trên thế giới, đứng đầu là Tướng Navarre với một bên là các vị tướng phần lớn không được đào tạo cơ bản, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự hơn, kém về tư duy quân sự trong chiến tranh nói chung và ở điểm hẹn lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng chỉ có thể được trả lời bằng thắng lợi hay thất bại. Trong tư duy quân sự của Navarre, Việt Minh chỉ làm đường và đưa lương thực, thực phẩm, hậu cần, kỹ thuật từ miền xuôi lên Điện Biên Phủ cũng khó thực hiện, chưa bàn đến đánh. Khi phải tiến công thì uy lực của pháo binh, không quân Pháp cũng đủ để tiêu diệt những người lính với vũ khí thô sơ, vận động qua bãi trống của lòng chảo Điện Biên Phủ, chưa bàn đến sự kiên cố của hầm hào và hỏa lực mạnh của bộ binh cũng như thế trận được bày sẵn. Theo dự kiến của Pháp thì quân chủ lực Việt Minh sẽ bị nghiền nát ở đó.

Đối với tư duy quân sự của Bộ chỉ huy Việt Nam thì dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc được tư duy của Na-va. Toàn bộ những dự kiến và kế hoạch của Pháp cho thấy, người Pháp chưa hiểu hết được sự vận dụng tài tình nghệ thuật chiến tranh nhân dân vào từng lĩnh vực cụ thể trong chiến dịch. Pháp tập trung quân chủ lực và phát huy lợi thế cơ động nhanh thì bị chiến tranh nhân dân rộng khắp căng kéo ra khắp nơi và làm hạn chế những tiềm năng thế mạnh đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, ta buộc địch phải phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn”. Pháp chưa tính đến nghệ thuật sử dụng lực lượng nhân dân làm công tác hậu cần tại chỗ và những đoàn dân công dùng ngay những chiếc xe đạp của phương Tây vận tải và ùn ùn ra trận. Vào thời điểm cận kề của kế hoạch tiến công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo về “chắc thắng”. Tư tưởng đó được lĩnh hội và mặc dù đã phổ biến, triển khai phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Đánh theo kiểu “bóc vỏ” Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nếu như tư duy quân sự của Tướng Na-va quyết định chọn Điện Biên Phủ làm thay đổi lớn trong chiến lược của Pháp, thì quyết định thay đổi phương án tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thay đổi từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Diễn biến và thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ chứng minh quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là duy nhất và hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo. Thế mới biết, sự đấu trí ở điểm hẹn Điện Biên Phủ là toàn diện, ở trình độ cao nhất của lịch sử chiến tranh Đông Dương trong thời hiện đại. Chỉ cần một sai sót nhỏ, thiếu tính khách quan là dẫn đến thất bại ở cục diện lớn toàn bộ chiến tranh Đông Dương, Việt Nam và liên quan đến cục diện toàn thế giới.

Phần thắng ở Điện Biên Phủ đã thuộc về nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, về Bộ chỉ huy chiến dịch, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ là điểm hẹn lịch sử đúng với tính chất, ý nghĩa và quy mô của nó. Nó đã đánh bại một quân đội nhà nghề, thiện chiến khắp nơi trên thế giới; nó chứng minh một chân lý mới của thời đại rằng, người ta có thể đánh thắng một đội quân nhưng không đánh thắng được một dân tộc có ý chí quyết tâm cao, biết đoàn kết dưới sự chỉ đạo của một Bộ chỉ huy có bản lĩnh, có tư duy sáng tạo. Chân lý đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay, một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa. Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta và của nhân dân các dân tộc trên thế giới”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với nghĩa là chiến thắng ở điểm hẹn lịch sử như nhà thơ Tố Hữu viết: “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra kỷ nguyên mới cho các dân tộc thuộc địa tin tưởng vào khả năng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sự cổ vũ từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cục diện thế giới với những làn sóng đấu tranh mạnh mẽ và vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX, nhiều nước ở châu Phi đã buộc Pháp trả lại quyền độc lập dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn; cả về lịch sử và thời đại. Những giá trị đó vẫn có thể khai thác, đánh giá, phân tích sâu sắc hơn trong nghiên cứu hiện nay. Thời đại ngày nay có nhiều đặc điểm mới, nhưng chúng ta vẫn có thể khai thác được những giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ ở những mặt khác nhau, đặc biệt là sự đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tập trung vào những lĩnh vực cụ thể. Chúng ta không muốn tái diễn một điểm hẹn lịch sử quân sự kiểu Điện Biên Phủ, bởi mục tiêu vươn tới của dân tộc Việt Nam là hòa bình. Nhưng chúng ta có thể tạo nên những điểm nhấn, điểm sáng có ý nghĩa bước ngoặt lớn ở từng lĩnh vực như: Kinh tế, chính trị, văn hóa mang tầm vóc thế giới. Những điểm nhấn, điểm sáng đó có giá trị như một điểm hẹn, một kiểu mẫu cho các dân tộc lấy đó soi rọi vào mình trên con đường phát triển.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: ,