Kẻ nào mong Nga đánh Ukraina nhất, nếu không phải Mỹ?

Người Mỹ đã thắng lớn khi dùng Ukraina để làm tan rã mối quan hệ đang tiến triển giữa châu Âu và Nga, đồng thời mượn con dao của “nước Nga hung dữ” để biến EU trở thành đứa em bé bỏng cần che chở.

Tác giả: Yang Kai Macro / We Chat. Bài viết được đăng tải cuối năm 2021, dự đoán những xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraina và vị trí của Trung Quốc trong biến động của thế giới.

Biên dịch: Nguyễn Khánh Hoàng.

Quan điểm chủ đạo cho rằng trong nửa sau của thế kỷ 20, đối thủ lớn nhất của Mỹ là Liên Xô. Nhưng không phải vậy, đối thủ lớn nhất của Mỹ là Cộng đồng châu Âu.

Xét về khía cạnh kinh tế, GDP của Cộng đồng châu Âu [tiền thân của Liên minh châu Âu] có thể sánh ngang với Hoa Kỳ, có năm còn cao hơn Hoa Kỳ, trong khi tổng GDP của Liên Xô chỉ bằng 70% của Hoa Kỳ ở thời kỳ đỉnh cao. Về công nghệ, Cộng đồng châu Âu và Hoa Kỳ ngang hàng, ít nhất là cho đến trước cuộc cách mạng Internet, khi xét về các ngành công nghiệp truyền thống như ô tô, máy móc, tàu thủy và hóa chất, thì Cộng đồng châu Âu mạnh hơn Hoa Kỳ. Ngược lại, Liên Xô gần như vô dụng ngoại trừ nền công nghiệp nặng phát triển. Về phương diện văn hóa, Tây Âu là nơi khởi nguồn của văn minh nhân loại hiện đại và là đại diện chính thống của văn minh phương Tây, chiếm vị trí cao nhất trong hệ tư tưởng. Đây là điều không thể so sánh với Hoa Kỳ, quốc gia có lịch sử chỉ vài trăm năm. Có thể nói, trên hầu hết các lĩnh vực, Cộng đồng châu Âu là đối thủ xứng tầm của Hoa Kỳ hơn Liên Xô.

Trên thực tế, trọng tâm của các mối quan hệ quốc tế trong suốt thế kỷ 20 có thể coi là trò chơi giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Cuối cùng Hoa Kỳ đã đánh bại Tây Âu và trở thành nước đứng đầu thế giới.

Ngay từ trước Thế chiến thứ hai, thế giới lúc bấy giờ do Anh và Pháp thống trị, và Hội Quốc liên (tương đương với Liên Hợp Quốc hiện nay) do Anh và Pháp kiểm soát. Mặc dù Hoa Kỳ có sức mạnh kinh tế phát triển, Hoa Kỳ không có quyền phát biểu ngoại giao, và sức mạnh quân sự tương đối yếu. Để phá thế độc quyền của Anh và Pháp, Mỹ đã hỗ trợ phát xít Đức, đã cho Đức vay 32,6 tỷ mác, cứu nền kinh tế Đức đang trên đà phá sản. Trong những năm 1930, các công ty vũ khí của Mỹ đã chuyển giao một số lượng lớn công nghệ cho Đức Quốc xã dưới sự ủy quyền của chính phủ, bao gồm động cơ máy bay, xe tăng, ô tô, dầu nhớt mới nhất, v.v., dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của vũ khí Đức. Không chỉ vậy, Mỹ còn cung cấp cho Đức các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu chiến lược như dầu mỏ, kim loại màu, quặng sắt, thậm chí cả những tờ rơi tuyên truyền về Đảng Quốc xã cũng do người Mỹ cung cấp. Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Đức Quốc xã do Hitler lãnh đạo đã vươn lên nhanh chóng và bắt đầu quá trình bành trướng quân sự. Quân đội Đức đầu tiên thôn tính Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan và các nơi khác, sau đó đánh chiếm Pháp, tiến hành các cuộc không kích vào Anh và phong tỏa vùng biển của Anh bằng tàu ngầm, gây tổn thất lớn cho sản xuất công nghiệp của Anh.

Mục đích của việc Mỹ ủng hộ Đức là tấn công Anh và Pháp chứ không phải giúp họ thống nhất châu Âu. Nhìn thấy Anh và Pháp gần như đã bị quét sạch, Hoa Kỳ đã nhảy vào cuộc chiến của Anh và Pháp, và cung cấp hỗ trợ cho Anh thông qua Đạo luật Lend-Lease, nhưng tiền đề là Vương quốc Anh phải từ bỏ các lợi ích nước ngoài của mình (nhiều đảo có tính chiến lược quan trọng), và cung cấp miễn phí công nghệ tiên tiến hiện đại cho Hoa Kỳ (chẳng hạn như ra-đa và công nghệ máy tính), và viện trợ đó đã phải trả giá, Anh đã nợ Hoa Kỳ một khoản nợ khổng lồ sau chiến tranh. Sau khi chiến tranh Xô-Đức bùng nổ, Hoa Kỳ lại hỗ trợ Liên Xô, cung cấp cho Liên Xô nhiều nguyên liệu thô, xe tải, xe tăng, máy bay, v.v., giúp Liên Xô có thể tồn tại trong giai đoạn khó khăn nhất trong những ngày đầu của cuộc chiến. Cuối cùng, với sự hợp tác của Anh, Mỹ và Liên Xô, Đức Quốc xã đã bị đánh bại, nhưng lúc này châu Âu đã trở thành đống đổ nát; nền kinh tế Tây Âu bị kéo lùi 10 năm, còn kinh tế Đông Âu hậu chiến thì hoàn toàn sụp đổ.

Mỹ trở thành nước thắng lợi lớn nhất sau Thế chiến thứ hai, với một số lượng lớn nhân tài châu Âu đổ về Hoa Kỳ (bao gồm Einstein, v.v.), và hầu hết các nhà khoa học Đức đã bị Hoa Kỳ cướp đoạt. Trước Thế chiến thứ hai, Đức là trung tâm vật lý thế giới, và Pháp là trung tâm toán học thế giới, nhưng sau Thế chiến thứ hai, cả trung tâm vật lý và toán học thế giới đều được chuyển giao cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng thay thế châu Âu trở thành công xưởng và thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, và kể từ đó đã thống trị thế giới.

Mặc dù vậy, giới tinh hoa Mỹ cũng nhận ra rằng sự suy tàn của châu Âu chỉ là tạm thời, vì suy cho cùng, châu Âu có sự tích lũy mạnh mẽ về công nghệ và tài năng. Để ngăn chặn châu Âu trỗi dậy trở lại và đe dọa sự độc quyền của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã nghĩ đến Liên Xô như một người trợ giúp.

Có thể nói, Liên Xô là con át chủ bài được Mỹ sử dụng để đối phó với Tây Âu. Trong Thế chiến thứ hai, Mỹ đã đánh bại hoàn toàn Đức với sự giúp đỡ của Liên Xô; trong thời gian đầu của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô đã làm tan rã hệ thống thuộc địa toàn cầu của Anh và Pháp (ví dụ, Anh và Pháp từng có lần muốn ngăn chặn Ai Cập giành lại kênh đào Suez; nhưng đã vấp phải sự ngăn chặn của liên minh Mỹ-Xô). Ấn Độ, Australia, Châu Phi, Trung Đông và các khu vực khác từng là thuộc địa của Anh và Pháp đã trở thành những nhà cung cấp nguyên liệu thô cho Hoa Kỳ dưới danh nghĩa toàn cầu hóa. Trong giai đoạn giữa và cuối của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã thành công ràng buộc Tây Âu vào cỗ xe của mình bằng cách thiết lập mối đe dọa đến từ Liên Xô, khiến Cộng đồng châu Âu phải làm theo lời mình.

Lấy cớ chống Liên Xô, Mỹ đã lợi dụng NATO để trở thành hoàng đế của Tây Âu

Như đã nói ở trên, Cộng đồng châu Âu không kém Hoa Kỳ về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa và các lĩnh vực khác, và có đủ tư cách để làm đối thủ của Hoa Kỳ hơn Liên Xô. Nhưng Cộng đồng châu Âu có một khuyết điểm, đó là vấn đề địa lý và quân sự. Từ góc nhìn địa lý, Tây Âu bằng phẳng, không có chỗ hiểm để phòng thủ; đoàn quân thiết giáp của Liên Xô xuất phát từ Ba Lan và Đông Đức chỉ mất một tháng để quét sạch Tây Âu. Vì vậy, Tây Âu luôn lo lắng về sự xâm lược của Liên Xô, vì sợ sẽ bị quân đội Liên Xô hất xuống biển cho cá ăn.

Từ góc nhìn quân sự, mặc dù GDP của Cộng đồng châu Âu rất cao, nhưng sức mạnh quân sự của nó thật sự không bằng được với Mỹ và Liên Xô. Nguyên nhân cơ bản là trong Cộng đồng châu Âu, quốc gia duy nhất có thể đối đầu với Liên Xô là Đức, quốc gia có dân số 80 triệu người và thế mạnh công nghiệp cực kỳ phát triển. Tuy nhiên, Đức là nước bại trận trong Thế chiến thứ hai, quân đội nước này bị hạn chế phát triển, không thể phát triển mạnh mẽ lực lượng không quân hiện đại, cũng như không thể sở hữu vũ khí hạt nhân, bị giám sát liên tục bởi quân đội Mỹ đóng tại Đức. Vì vậy, nước Đức chỉ có thể là con cừu non bị giết thịt, tuy có nền kinh tế mạnh nhưng không thể phát triển được một quân đội hùng mạnh. Vương quốc Anh và Pháp cũng có những thế mạnh nhất định trong Cộng đồng châu Âu, nhưng Vương quốc Anh lại mong muốn sự hỗn loạn ở lục địa châu Âu. Còn Ý và Ba Lan gia nhập sau, sức chiến đấu có thể bỏ qua. Do đó, Cộng đồng châu Âu tương đối yếu về mặt quân sự, nước Đức hùng mạnh bị hạn chế, và về cơ bản không thể dựa vào các nước như Pháp và Ý để chống lại Liên Xô.

Vì vậy, chỉ cần Liên Xô còn tồn tại, Cộng đồng châu Âu về vấn đề quốc phòng an ninh không còn cách nào khác phải dựa vào Hoa Kỳ, xin làm em của Hoa Kỳ, trên phương diện kinh tế và khoa học kỹ thuật thì Tây Âu cũng chỉ bắt chước theo Hoa Kỳ. Mỹ đóng một số lượng lớn quân ở Tây Âu, trên danh nghĩa là để bảo vệ Tây Âu, nhưng thực chất là để thu phí bảo kê. Mỹ có thể tùy ý phạt hàng chục tỷ USD đối với các công ty Tây Âu, đồng thời có thể bắt Cộng đồng châu Âu chuyển giao công nghệ miễn phí, áp đặt thuế quan đối với Cộng đồng châu Âu mỗi khi thiếu tiền; khi nền kinh tế Mỹ không tốt vẫn có thể yêu cầu Tây Âu nâng tỷ giá hối đoái (bao gồm đồng mác, franc, v.v.). Trường hợp khác cũng bị đối xử như thế này là Nhật Bản (và cả Hàn Quốc), Hoa Kỳ cũng có thể tùy ý áp đặt thuế quan đối với Nhật Bản, yêu cầu nâng tỷ giá đồng yên và yêu cầu Nhật Bản cung cấp công nghệ miễn phí. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Nhật Bản và Tây Âu là Nhật Bản khuất phục trước Hoa Kỳ vì Nhật Bản, với tư cách là một nước bại trận, tương đương với một thuộc địa kinh tế của Hoa Kỳ; Tây Âu chịu thua Hoa Kỳ vì họ cần Hoa Kỳ đảm bảo điều kiện quốc phòng an ninh.

Do vậy, sau Thế chiến thứ hai và trước khi Liên Xô tan rã, Cộng đồng Châu Âu đã bị trói chặt vào cỗ xe của Hoa Kỳ, dù có nền kinh tế phát triển nhưng cũng chỉ có thể đóng vai trò là con bò của Hoa Kỳ. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), tình hình đã đảo ngược. Kế thừa Liên Xô là Nga có sức mạnh quốc gia yếu, và Cộng đồng châu Âu đã có sẵn sức mạnh để đối đầu với Nga về mặt quân sự mà không có Mỹ. Quan trọng hơn: sau khi Liên Xô tan rã, Cộng đồng châu Âu và Nga đã bị chia cắt bởi một số lượng lớn các quốc gia vùng đệm, bao gồm Ukraina, Ba Lan, Belarus và ba nước Bắc Âu. Xét cho cùng thì khoảng một tuần là đủ để quân đội châu Âu chuyển quân ra mặt trận và tổ chức xong hệ thống phòng thủ một cách gọn ghẽ.

Vì vậy, từ những năm 90, Cộng đồng châu Âu đã phát triển ý tưởng tự cường là vua. Chưa đầy một tháng sau khi Liên Xô tan rã, Cộng đồng châu Âu thông qua Hiệp ước về Liên minh châu Âu, Liên minh châu Âu chính thức ra đời, với một chủ tịch hội đồng và nghị viện tương ứng ra đời, quá trình nhất thể hóa của châu Âu tăng nhanh rõ rệt. Từ năm 1995, Liên minh châu Âu bắt đầu mở rộng về phía Đông, dần dần tiếp thu các nước Đông Âu bao gồm Ba Lan và Litva. Quan trọng hơn, Cục Quản lý Tiền tệ châu Âu [European Monetary Institute] được thành lập năm 1994, Ngân hàng Trung ương châu Âu ra đời năm 1998 và đồng euro bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 1999. Liên minh châu Âu bắt đầu khiêu chiến với Hoa Kỳ trên mặt trận tiền tệ.

Với quy mô kinh tế của Liên minh châu Âu, nếu không có những hạn chế, đồng euro có thể thay thế đồng USD; đối với Mỹ đồng euro giống như miếng xương cá mắc trong cổ họng, cần phải hiểu rằng USD chính là công cụ để Mỹ thu hoạch của cải toàn cầu. Nếu không có đồng USD, mức thu nhập bình quân đầu người của Hoa Kỳ sẽ giảm mạnh. Để tấn công đồng euro, Hoa Kỳ đã phát động cuộc chiến tranh Kosovo một mặt để làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào đồng euro; tiếp đó là tiêu diệt Saddam Hussein trước nỗ lực thanh toán xuất khẩu dầu bằng đồng euro, cắt đứt hoàn toàn khả năng xuất hiện đồng euro dầu mỏ. Tuy nhiên, sau khi đồng euro ra đời, EU vẫn xé một phần lớn miếng bánh từ Hoa Kỳ. Trong Chiến tranh Lạnh, chỉ số đồng USD [USD Index] thường cao hơn mức 100, và cao nhất ở khoảng 164,7; nhưng kể từ sự ra đời của đồng euro, chỉ số USD về cơ bản dao động trong khoảng 80-100, và sự suy giảm này phản ánh sự suy giảm và mất giá của USD.

Vì vậy, ở một mức độ nào đó, EU là người được hưởng lợi từ sự sụp đổ của Liên Xô, bởi vì khối này không những không còn phải chịu đựng sự đe dọa của Liên Xô, mà còn không còn phải nhìn vào bộ mặt của Hoa Kỳ như trước. Trung Quốc cũng là nước được hưởng lợi từ việc Liên Xô tan rã; sau khi Liên Xô tan rã, sức ép đối với phòng thủ phía Bắc của Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều, không cần phải triển khai hàng triệu quân ở biên giới như những năm trước, và có thể rảnh tay để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế. Cuối năm 1991, Liên bang Xô Viết tan rã, đầu năm 1992, ông Đặng [Đặng Tiểu Bình] có chuyến thị sát phía Nam đã tuyên bố cải cách toàn diện và mở cửa, dẫn đến một làn sóng khuyến khích người dân phát triển kinh tế.

Vào đầu thế kỷ 21, với sự nổi lên nhanh chóng của đồng euro, vị thế của đồng USD đã giảm mạnh, từ khoảng 120 năm 2002 xuống còn khoảng 70 năm 2008, mức thấp kỷ lục. Rất nhiều quốc gia nóng lòng lên kế hoạch chuyển đổi đơn vị tiền tệ thanh toán xuất nhập khẩu từ đồng USD sang đồng euro. Tuy nhiên, lúc này Mỹ đã nghĩ ra cách đối phó với EU, đó là tái lập mối đe dọa từ Nga, và con đường cụ thể là mở rộng NATO về phía Đông.

Thông qua việc mở rộng NATO về phía Đông, Hoa Kỳ đã buộc Nga trở thành kẻ thù của Liên minh châu Âu

Sau khi Liên Xô tan rã, các nước Đông Âu bao gồm Ba Lan, Romania, Litva, Belarus và Ukraina đã trở thành vùng đệm tự nhiên giữa Nga và EU. Với vùng đệm này, Nga và EU có thể cùng hợp tác để phát triển, và Nga có những gì EU cần. Đối với tài nguyên khoáng sản, EU có vốn và công nghệ mà Nga cần. Nếu châu Âu và Nga hợp tác, EU có thể trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Nhưng làm thế nào Hoa Kỳ có thể sẵn sàng hợp tác với châu Âu và Nga? Nhằm phá hoại mối quan hệ giữa châu Âu và Nga, Hoa Kỳ đã dẫn đầu quá trình mở rộng về phía Đông của NATO, hấp thu Ba Lan, Lithuania và các quốc gia chống Nga khác, và tiếp tục dồn nén không gian chiến lược của Nga. Vào những năm 1990, chính phủ Yeltsin của Nga từng ảo tưởng về phương Tây, tin rằng họ có thể hợp tác với phương Tây để đôi bên cùng có lợi. Do đó, sự mở rộng về phía Đông của NATO đã từng được Nga “bấm bụng chịu nhục”. Tuy nhiên, Nga nhận ra rằng sự nhượng bộ mù quáng của họ chỉ đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ, do đó, những người theo chủ nghĩa tự do ở Nga đã mất đi quyền lực của họ, và những người theo đường lối cứng rắn mà đại diện là Putin trở thành xu hướng chủ đạo, Nga bắt đầu chống trả mạnh mẽ lại phương Tây. Ví dụ, năm 2008, Putin nhân dịp Thế vận hội đã phát động cuộc chiến chống lại Gruzia, phá vỡ kế hoạch can thiệp vào Kavkaz của Mỹ. Hơn nữa, sau khi ông Putin lên nắm quyền, Nga bắt đầu phát triển mạnh mẽ quân đội, đặc biệt là khả năng tấn công hạt nhân (chủ yếu là vũ khí hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân chiến lược), nhằm gây sức ép với phương Tây. Do đó, mối quan hệ giữa Nga và EU cũng tan vỡ, và dư địa cho hợp tác EU-Nga cũng bị nén lại rất nhiều.

Sau khi Obama nhậm chức, chiến lược xa lánh châu Âu và Nga của Mỹ đã khá lỗi thời. Cốt lõi của việc này là sử dụng Ukraina như một miếng mồi để dụ Nga và EU cắn câu, và cuối cùng là chia cắt Ukraina, để không còn vùng đệm chiến lược giữa châu Âu và Nga.

Bản đồ mật độ dân số của Liên Xô, với các khu vực đông dân cư nhất ở Ukraina.

Bản đồ phân bố đất canh tác ở Liên Xô (Ukraina đất đai phì nhiêu nhất).

Nhìn vào bản đồ phân bố dân số Liên Xô, khu vực Ukraina là vùng có dân cư dày đặc nhất; trong bản đồ phân bố đất canh tác ở Liên Xô, Ukraina là vùng màu mỡ nhất.

Đối với toàn Liên Xô, khu vực có giá trị kinh tế cao nhất không đâu khác chính là Ukraina. Ukraina có đất đai màu mỡ nhất trên Trái Đất và là một trong ba khu vực phân bố đất đen lớn nhất trên thế giới (hai khu vực còn lại là Đông Bắc Trung Quốc và sông Mississippi ở Hoa Kỳ). Mặc dù Ukraina chỉ chiếm 3% diện tích của Liên Xô, nhưng sản lượng ngũ cốc của nước này lại chiếm hơn một phần ba của Liên Xô, và trong một số trường hợp, thậm chí là 40%. Liên Xô với Ukraina có thể nuôi sống 300 triệu người, và Nga không có Ukraina chỉ có thể nuôi 150 triệu người.

Ukraina cũng có một số đường bờ biển và cửa sông tốt nhất ở Liên Xô. Liên Xô có bốn vùng biển lớn: Bắc Băng Dương, Biển Baltic, Bắc Thái Bình Dương và Biển Đen, tương ứng với bốn hạm đội: Hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Biển Baltic, Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Biển Đen. Liên Xô có đường bờ biển rất dài nhưng hầu hết các vùng biển đều ở vĩ độ cao và bị đóng băng quanh năm, chỉ có Biển Đen là có một hải cảng không đóng băng thực sự. Phần lớn đường bờ biển của Liên Xô ở khu vực Biển Đen đều tập trung ở Ukraina, đây có thể nói là khu vực duy nhất thích hợp cho sự phát triển của nền văn minh thương mại hiện đại ở Liên Xô. Chính vì điều này mà Liên Xô đã đặt cơ sở công nghiệp quan trọng nhất ở Ukraina, trong đó có công nghiệp quân sự, đặc biệt là xưởng đóng tàu sân bay. Chỉ khi Liên Xô có Ukraina thì nước này mới được coi là có lối thoát ra biển Địa Trung Hải và có cơ hội hội nhập vào chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Và Ukraina cũng là một trong những cái nôi của nền văn minh Nga. Công quốc Kievan Rus’ ở Ukraina là quốc gia đầu tiên do người Nga sáng lập.

Do đó, Ukraina đối với Nga tương đương với 3 tỉnh Đông Bắc (nền tảng lương thực) + Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải (trung tâm kinh tế) + Trường An Lạc Dương (cội nguồn của nền văn minh) đối với Trung Quốc. Nước Nga mất đi Ukraina, sẽ không có cơ hội trở thành siêu cường thế giới. Thật khó tưởng tượng một Hoa Kỳ mất đi Thung lũng sông Mississippi hoặc Trung Quốc mất đi Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải, sức mạnh quốc gia sẽ suy giảm đến mức độ nào.

Sự tan rã của Liên Xô gây thiệt hại lớn nhất cho Nga không phải ở việc mất đi 5 nước Trung Á và Caucasus. Dù trên thực tế, trong thời kỳ Nga còn hùng mạnh, việc kiểm soát Trung Á và Caucasus đã giúp Nga kiểm soát Nam Á và Trung Đông, và sau đó thống trị toàn bộ lục địa Á-Âu; nhưng đối với Nga trong thời kỳ suy thoái, những khu vực này lại trở thành gánh nặng. Do tỷ lệ nghèo đói cao ở Trung Á và Caucasus, hàng năm Nga phải chi một lượng lớn các khoản thanh toán chuyển khoản tài chính, thực chất tương đương với việc hút máu Nga; và hầu hết cư dân ở những khu vực này là người Hồi giáo, tỷ lệ sinh cao hơn nhiều so với người Nga. Nếu Liên Xô không tan rã thì sớm muộn gì Liên Xô cũng trở thành một quốc gia Hồi giáo.

Vì vậy, người Nga rất sẵn sàng chủ động cắt đứt với 5 nước Trung Á và Caucasus, nhưng người Nga lại rất ngại Ukraina, Belarus, và các nước Bắc Âu. Những nơi này vừa có giá trị kinh tế mạnh, vừa có vị trí chiến lược cao. Vậy tại sao Nga không lấy lại những khu vực này sau khi Liên Xô tan rã?

Lý do cơ bản là các nước nhỏ ở Đông Âu này là vùng đệm cho Nga và EU. Trước khi Liên Xô tan rã, Anh và Mỹ đã hứa với Gorbachev và Yeltsin: “NATO sẽ không bao giờ mở rộng về phía Đông, và sẽ để lại đủ không gian cho sự tồn tại chiến lược của Nga.” Sau khi Liên Xô tan rã, Nga cũng xua tan ý tưởng xâm lược Ukraina, Belarus và ba nước Bắc Âu như một cách thể hiện thiện chí với phương Tây, mong muốn tái hòa nhập vào gia đình phương Tây và nhận được sự hỗ trợ kinh tế từ Liên minh châu Âu.

Từ xa xưa, nếu hai cường quốc muốn duy trì mối quan hệ hài hòa, họ phải có một vùng đệm chiến lược. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô kiểm soát Mông Cổ, và quân đội Liên Xô có thể tới Bắc Kinh trong vòng một tuần, vì vậy, việc quan hệ Trung-Xô tan vỡ chỉ là vấn đề thời gian. Sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Liên Xô rút khỏi Mông Cổ, và Mông Cổ trở thành quốc gia đệm giữa Trung Quốc và Nga, để Trung Quốc và Nga có thể phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược trong mọi thời tiết. Nếu Mông Cổ bị Nga tái chiếm, thì Nga sẽ lại trở thành mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc, và quan hệ Trung-Nga có thể nhanh chóng tan vỡ. Tương tự, Nga cũng lo lắng rằng nếu Trung Quốc giành lại được Mông Cổ, nước này sẽ có khả năng cắt đứt Đường sắt xuyên Siberia và sau đó là thôn tính vùng Viễn Đông của Nga. Vì vậy, đối với Trung Quốc và Nga, một nước Mông Cổ độc lập, không ngả về bên nào là điều kiện cần thiết để hai nước duy trì quan hệ hữu nghị.

Mông Cổ là vùng đệm chiến lược giữa Trung Quốc và Nga. Tương tự, Nepal là vùng đệm chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Việc gửi quân từ Cao nguyên Thanh Tạng có thể trực tiếp gây ra mối đe dọa cho Đồng bằng sông Hằng của Ấn Độ, và pháo tên lửa tầm xa từ Cao nguyên Thanh Tạng có thể tấn công New Delhi. Do phần lớn dân số của Ấn Độ tập trung ở Đồng bằng sông Hằng ở phía Bắc đất nước, nên Ấn Độ luôn hy vọng sẽ chiếm được phần đất của Cao nguyên Thanh Tạng để chống lại lợi thế địa lý của Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ Trung-Ấn mặt ngoài vẫn có thể miễn cưỡng duy trì trạng thái hòa bình, vì lý do quan trọng chính là nhờ có các quốc gia vùng đệm chiến lược như Nepal và Bhutan. Sự tồn tại của Nepal đã làm giảm đáng kể số vùng giáp biên giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và các khu vực chạm trán giữa hai nước đã bị rút lại chỉ trong các vùng Aksai Chin, Doklam và miền Nam Tây Tạng. Hãy thử tưởng tượng, nếu một ngày Nepal bỏ phiếu gia nhập Trung Quốc, Ấn Độ sẽ nhanh chóng từ bỏ chính sách không liên kết và hợp lực với Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc (mặc dù xu hướng này đã và đang diễn ra ở thời điểm hiện tại).

Việc thiếu các nước đệm là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến xung đột Trung-Mỹ khó tránh khỏi. Nhìn bề ngoài thì Trung Quốc và Mỹ cách nhau bởi Thái Bình Dương, nhưng trên thực tế, Mỹ có quân đóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, bất cứ lúc nào cũng có thể lấy đây làm căn cứ để phát động chiến tranh chống lại đất nước chúng ta. Trước đây, Mỹ còn đóng quân ở Đài Loan, tức là máy bay Mỹ có thể tùy ý ném bom vào bờ biển Đông Nam nước ta. Vì vậy, tiền đề thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ là Mỹ rút quân khỏi Đài Loan. Trong tương lai, Trung Quốc và Mỹ sẽ khó chung sống hòa bình cho đến khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Đông Á (ít nhất là rút quân Mỹ đóng ở Nhật và quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc).

Là hai thực thể mạnh nhất lục địa Á-Âu, Nga và Liên minh châu Âu cần có một không gian đệm chiến lược nhất định, không gian đệm này là các nước Đông Âu gồm Ukraina, Belarus, Estonia, Latvia và Lithuania. Chỉ khi có các nước đệm thì châu Âu và Nga mới có cơ hội chung sống hòa bình và cùng phát triển kinh tế.

Ukraina, Belarus và các nước Bắc Âu là các nước đệm giữa Nga và EU.

Trong EU, Đức muốn hợp tác nhất với Nga, một mặt Đức có vốn và công nghệ mà Nga cần, Nga có tài nguyên khoáng sản mà Đức cần. Hai bên bổ sung cho nhau về kinh tế. Mặt khác, Đức là một nước bại trận trong Thế chiến thứ hai, bị hạn chế về mặt chính trị và quân sự, và thuộc về một nước có nền kinh tế mạnh và nền chính trị yếu, ngược lại Nga là một trong năm nước thành viên thường trực của Liên Hợp Quốc, và có một sức mạnh quân sự mạnh mẽ, thuộc một quốc gia có nền chính trị mạnh và nền kinh tế yếu. Vì vậy, dư địa cho sự hợp tác Đức-Nga còn rất nhiều, nếu Đức và Nga hợp sức một ngày nào đó sẽ có một liên minh với nền kinh tế và quân sự phát triển, sẽ không có áp lực nào cho việc bá chủ thế giới, giới hạn trên cao hơn rất nhiều so với một EU do Đức-Pháp hợp tác chi phối. Trong lịch sử, Phổ/Đức thường liên quân với Nga. Ví dụ, vào cuối Chiến tranh Bảy Năm, Phổ và Nga hợp lực chống lại Áo; trong Chiến tranh Napoleon, Phổ và Nga đã hợp sức chống lại Pháp và trước Thế chiến thứ hai, Đức và Liên Xô hợp lực để chia cắt Ba Lan. Nói chung, chỉ cần Đức và Nga hợp lực, về cơ bản là có thể quét sạch Châu Âu.

Thái độ của Pháp đối với Nga ngày càng dao động hơn. Một mặt, Pháp là nước có nền công nghiệp nhẹ và ngành tài chính dịch vụ phát triển. Đây chính là thứ mà Nga cần, nên Pháp và Nga có nền tảng hợp tác kinh tế vững chắc, Pháp cũng hy vọng có thể dựa vào Nga để chế ngự Đức (cuối những năm 1980, Pháp đã từng cố gắng đoàn kết với Liên Xô để ngăn cản Đức thống nhất). Một nước Nga hùng mạnh vừa phải có thể ngăn chặn sự xâm nhập của Đức vào Đông Âu. Mặt khác, Pháp không muốn Đức và Nga tiếp cận chứ đừng nói đến việc Nga gia nhập EU. Xét cho cùng, sức mạnh kinh tế của Pháp yếu hơn nhiều so với Đức, và ảnh hưởng của Pháp trong EU được hỗ trợ nhiều hơn bởi vũ khí hạt nhân và vị thế của 5 siêu cường Liên Hợp Quốc. Đức sẽ không còn cần đến sự bảo vệ quân sự của Pháp sau khi Nga gia nhập EU, điều này sẽ dẫn đến việc trục Đức-Nga thay thế cho trục Đức-Pháp.

Nhưng nhìn chung, EU do Đức và Pháp đứng đầu vẫn hy vọng duy trì hợp tác kinh tế chặt chẽ với Nga. Nga. Nếu NATO không mở rộng về phía Đông, châu Âu và Nga ít nhất có thể duy trì trao đổi kinh tế và thương mại chặt chẽ, và hội nhập kinh tế châu Âu một ngày nào đó có thể đưa Nga đi cùng.

Tất nhiên, Mỹ không muốn chứng kiến sự việc như vậy xảy ra nên buộc phải thúc đẩy sự mở rộng về phía Đông của NATO bất chấp sự phản đối của Liên minh châu Âu. Đặc biệt là sau khi NATO tiếp thu ba nước Bắc Âu vào năm 2004, mối quan hệ giữa châu Âu và Nga rơi vào ngưỡng đóng băng, nhưng Putin và Merkel đều là những chiến lược gia có tầm nhìn xa. Sau một chuỗi các cuộc thảo luận, chính quyền Đức và Nga đã đi đến một sự đồng thuận: EU sẽ không triển khai quân ở ba nước Bắc Âu, còn Nga cũng đã giảm quân số đóng ở Kaliningrad. Để cùng nhau thoát khỏi gông cùm của Mỹ, cả Đức và Pháp đều tăng cường hợp tác với Nga, đồng thời tiếp tục trấn áp những quan điểm chống Nga trong EU (chủ yếu nhằm vào Ba Lan, Anh, v.v.).

Do đó, Mỹ đã lên ý tưởng về Ukraina và sử dụng nó để tạo đòn bẩy cho mối quan hệ giữa châu Âu và Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraina trở thành nước đệm giữa EU và Nga, chính vì vậy Ukraina không thể hòa nhập vào hệ thống kinh tế của EU, cũng như không thể tham gia đầy đủ vào chu kỳ kinh tế của Liên Xô như trước đây. Nền kinh tế Ukraina tiếp tục sụt giảm và thu nhập quốc dân giảm mạnh, tích tụ nhiều bất bình trong xã hội. Mỹ đã tận dụng cơ hội này để khơi dậy quan điểm trong dư luận Ukraina: Ukraina suy tàn là do Nga, và chỉ cần Ukraina rời bỏ Nga và gia nhập Liên minh châu Âu, nước này có thể trở thành một nước phát triển. Do đó, ngày càng nhiều người Ukraina kêu gọi gia nhập Liên minh châu Âu và cắt đứt quan hệ với Nga.

Miền Đông Ukraina (màu xanh lam) chủ yếu là người Nga và miền Tây Ukraina (màu cam) chủ yếu là người Ukraina.

Đặc biệt vào cuối năm 2013, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra ở Ukraina, nguồn thu của chính phủ giảm mạnh, thậm chí không trả nổi lương của công chức. Phương Tây đã nhân cơ hội này để sử dụng 16 tỷ USD viện trợ kinh tế như một con bài mặc cả để yêu cầu Ukraina vạch ra một đường lối rõ ràng với Nga, và các cuộc biểu tình chống Nga đã nổ ra ở Kiev. Vào đầu năm 2014, tổng thống thân Nga Yanukovych của Ukraina đã bị quốc hội lật đổ, và Poroshenko thuộc phe thân phương Tây được bầu làm tổng thống mới.

Theo quan điểm của Nga, có ba chiến lược: thượng, trung và hạ đẳng về vấn đề Ukraina:

1. Hỗ trợ một chính phủ Ukraina thân Nga, để Ukraina thực sự hoạt động như một quốc gia vùng đệm giữa châu Âu và Nga, đồng thời cung cấp thực phẩm và hải cảng cho Nga. Bằng cách này, Nga không chỉ có thể khai thác các lợi ích kinh tế từ Ukraina mà còn có thể hợp tác với EU để đôi bên cùng có lợi.

2. Xâm lược Ukraina, sáp nhập Krym và cả miền đông Ukraina, tiếp cận Biển Đen và các khu vực đất canh tác chất lượng cao, cho phép Nga tái hiện vinh quang của Liên Xô. Tất nhiên, cái giá phải trả là Nga và EU chắc chắn sẽ quay lưng lại với nhau, vì không có nước đệm.

3. Để Ukraina gia nhập NATO. Bằng cách này, Nga và EU vẫn sẽ quay lưng lại với nhau vì không có trạng thái đệm, và sức ép lên tuyến phòng thủ của Nga sẽ gia tăng. Trước đây chỉ cần bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng bây giờ biên giới phía Nam cũng cần triển khai binh lực hạng nặng.

Theo đó, Nga rất hy vọng Ukraina có thể duy trì hiện trạng. Nhưng vấn đề là Ukraina đầu năm 2014 đã quyết tâm đầu quân cho phương Tây. Nếu Nga không động thủ thì chắc chắn NATO sẽ có đợt bành trướng về phía Đông lần thứ ba. Từ đó, các mỏ dầu ở Moskva và Caucasus của Nga đã lâm vào trạng thái đứng trước lưỡi lê của quân đội NATO. Mặt khác, nếu để mất Ukraina, Belarus có thể bị NATO chiếm đoạt không sớm thì muộn, và không gian sống chiến lược của Nga sẽ bị nén lại rất nhiều. Vì vậy, Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cưỡng chiếm lại Krym.

Các bên thất bại lớn nhất trong cuộc khủng hoảng Krym khả năng là Ukraina và Liên minh châu Âu, và việc lãnh thổ Ukraina bị chia cắt là không cần phải bàn. EU mất đi vùng đệm với Nga, buộc phải đối đầu với Nga, và cuối cùng bị trói tay vào cỗ xe của Mỹ. Điều này giống như nếu một ngày nào đó Mỹ xúi giục Mông Cổ gia nhập Nga thì đối với Nga điều này chẳng đem lại lợi ích gì, vì nó sẽ dẫn đến rạn nứt quan hệ Trung-Nga và khiến Nga mất đi một người trợ giúp đắc lực. Hoặc nếu một ngày nào đó Hoa Kỳ xúi giục Nepal gia nhập Trung Quốc, đây có thể là một cái bẫy, bởi vì nó sẽ dẫn đến không còn chỗ cho sự thư giãn giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và lựa chọn duy nhất của Ấn Độ là hợp lực với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.

Trên thực tế, Nga chỉ là một con bài được Hoa Kỳ dùng để trấn áp Liên minh Châu Âu, mâu thuẫn giữa Châu Âu và Hoa Kỳ không kém gì mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Nga. Trò chơi chiến lược giữa Châu Âu và Hoa Kỳ cũng có thể được phản ánh trong những thay đổi trong tỷ giá hối đoái của đồng Euro. Tỷ giá hối đoái của đồng Euro có quan hệ rất lớn với địa chính trị. Trong 20 năm qua, xu hướng tỷ giá hối đoái của đồng euro so với đồng USD chủ yếu có ba giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên là từ năm 2001 đến giữa năm 2008. Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ lần lượt phát động cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, khiến chi tiêu quân sự tăng lên đáng kể và nợ nần chồng chất. Liên minh châu Âu đã nhân cơ hội này để đẩy nhanh tiến độ hợp tác với Nga, và Nga cũng đang chuẩn bị chuyển sang đồng euro để giải quyết vấn đề dầu mỏ. Cả hai nền kinh tế châu Âu và Nga đều duy trì tăng trưởng mạnh. Do đó, đồng euro tăng giá mạnh trong thời gian này, và tỷ giá hối đoái của đồng euro so với đồng USD đã tăng lên 1,6.

Giai đoạn thứ hai là từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2014. Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, nền kinh tế châu Âu bị kéo đi xuống, và sau đó nổ ra cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Vì vậy tỷ giá đồng euro đã giảm nhẹ xuống mức 1,4, nhưng các nền tảng kinh tế cơ bản vẫn mạnh hơn của Hoa Kỳ.

Giai đoạn thứ ba là từ giữa năm 2014 đến nay, sau khi khủng hoảng Krym bùng nổ, mối quan hệ giữa châu Âu và Nga đã suy thoái mạnh, hầu hết hợp tác kinh tế và thương mại bị đình chỉ, EU phải gia tăng sự phụ thuộc quân sự vào Hoa Kỳ. Các nhượng bộ chính trị chồng chất lên các gói QE [nới lỏng định lượng] của ngân hàng trung ương châu Âu. Tỷ giá hối đoái đồng euro giảm mạnh, từ 1,4 xuống còn khoảng 1,0.

Vì vậy, trong cuộc khủng hoảng Krym, Mỹ là bên thắng lợi lớn nhất, đã phá bỏ thành công mối quan hệ hợp tác giữa châu Âu và Nga, buộc EU phải gia tăng sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ, đồng thời làm suy yếu hai đối thủ lớn là EU và Nga. Nga chịu một tổn thất không hề nhỏ, tuy lấy lại được Krym nhưng đã mất hoàn toàn Ukraina và dư địa hợp tác với EU. Bên thiệt hại thực sự là EU, không thu được lợi ích đáng kể nào và buộc phải đình chỉ các hoạt động trao đổi kinh tế và thương mại với Nga. Không chỉ vậy, EU sẽ một lần nữa trở thành tuyến đầu của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga, đổ máu của chính mình để cho người khác kiếm tiền. Đây là lý do tại sao bà Merkel sau đó đã tàn nhẫn mắng Hoa Kỳ là “đầy dối trá và không trung thực.”

Trong thời Tam Quốc, Tào Ngụy đã tận dụng thành công miếng mỡ Kinh Châu để phá vỡ liên minh Tôn-Lưu, khiến hai phe đấu nhau, mượn tay Tôn Quyền diệt kình địch Quan Vũ, và giành được khoảng nghỉ xả hơi chiến lược cho bản thân. Giờ đây, Mỹ đã chiến thắng bản chất của vấn đề này khi sử dụng Ukraina để làm tan rã thành công mối quan hệ giữa châu Âu và Nga, đồng thời mượn con dao của Nga để biến EU trở thành đứa em nhỏ của mình. Loại mưu kế phân chia ly gián, mượn dao giết người này có thể nói là đỉnh cao.

Sau khi cuộc khủng hoảng Krym nổ ra, Nga đã thiếu may mắn một chút. Nga hoàn toàn có khả năng thôn tính Ukraina, nếu xảy ra thì Mỹ rất có thể sẽ không can thiệp quân sự. Quá lắm là làm như Anh Pháp khi đã ngồi không trước việc Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan. Lý do Anh và Pháp ngồi không như vậy trong Thế chiến thứ hai là để nhử cho Đức gây chiến với Liên Xô. Do đó, việc Đức xâm lược Ba Lan là phù hợp với ý đồ thực sự của Anh và Pháp. Đối với Mỹ hiện nay cũng vậy, nếu Nga thực sự sáp nhập Ukraina thì tình trạng đệm giữa châu Âu và Nga sẽ hoàn toàn không còn, quan hệ giữa châu Âu và Nga sẽ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và hai bên sẽ hoàn toàn chống lại nhau, sức mạnh quân sự yếu ớt của châu Âu sẽ buộc họ lại một lần nữa xin làm em của Mỹ. Kết quả là sự sụp đổ của hệ thống đồng euro, và thậm chí là sự tan rã của Liên minh châu Âu, với toàn bộ Tây Âu trở lại làm một con bò kinh tế của Hoa Kỳ. Do đó, từ quan điểm này, Mỹ đang mong muốn Nga thực sự thôn tính Ukraina, nhưng người Ukraina vẫn ngây thơ chờ đợi sự giải cứu của Mỹ.

Nhưng dù sao thì Putin vẫn là một nhà lãnh đạo lý trí và điềm tĩnh. Sau khi đánh giá chính xác tình hình, Putin cho rằng việc sáp nhập Ukraina không nằm trong lợi ích hiện tại của Nga. Vì vậy, thái độ của Nga đối với Ukraina là hai từ – Tàm thực! [Tằm ăn dâu, hay Tàm thực là một sách lược chính trị thường được dán nhãn chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc liên quan đến các biện pháp và hành động xâm lấn dài hạn đối với lãnh thổ và lãnh hải các nước láng giềng.]

Khu vực phía đông của Ukraina đã bị Nga cai trị trong một thời gian dài trong lịch sử nên hầu hết cư dân đều nói tiếng Nga và tin theo Chính thống giáo; khu vực phía Tây chịu ảnh hưởng của Ba Lan trong một thời gian dài trong lịch sử, vì vậy hầu hết các cư dân nói tiếng Ukraina và tin vào Công giáo. Sự chia rẽ văn hóa này dẫn đến phe thân Nga ở phía Đông và phe thân châu Âu ở phía Tây. Đối với Nga, chiến lược tốt nhất sau cuộc khủng hoảng Krym là dần dần lấn chiếm miền Đông Ukraina, trước tiên là xúi giục độc lập cho miền Đông Ukraina, sau đó khiến nước này nhập vào với Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý, để Nga có được đường bờ biển thuộc sở hữu của Ukraina; phần còn lại thuộc Tây Ukraina sẽ có giá trị chiến lược bị sụt giảm đáng kể, thậm chí nếu nước này có gia nhập NATO cũng khó có thể gây sóng gió quá lớn cho Nga.

Do đó, kể từ năm 2014, Nga đã cung cấp vũ khí và huấn luyện cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraina, giúp họ có khả năng chiến đấu chống lại lực lượng chính phủ Ukraina và khiến họ gần như độc lập.

Và Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên để cho các âm mưu của Nga thành công. Do vậy Hoa Kỳ cũng đã tài trợ rất nhiều cho các phe phái thân châu Âu của Ukraina và tiếp tục thúc đẩy Ukraina gia nhập NATO. Chỉ là kế hoạch của Hoa Kỳ diễn ra chưa đầy hai năm trước khi Trump lên nắm quyền. Sau khi Trump nhậm chức, ông đã bãi bỏ hầu hết các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, cắt các quỹ viện trợ cho Ukraina và khiến quá trình gia nhập NATO của Ukraina bị đình trệ trong 4 năm.

Nhưng sau khi Biden nhậm chức, Mỹ lại tiếp tục chiến lược ngoại giao truyền thống, các nhà ngoại giao Mỹ đã đem tới rất nhiều USD để vận động hành lang các chính trị gia Ukraina và các nước EU thúc đẩy Ukraina gia nhập NATO. Mỹ cũng đã tăng cường cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho quân đội Ukraina. Trong nửa cuối năm nay [2021], các điều kiện để Ukraina gia nhập NATO ngày càng trở nên chín muồi.

Tất nhiên, EU sẽ không ngồi yên. Trên thực tế, sau cuộc khủng hoảng Krym, bà Merkel đã chống lại mọi sự phản đối để cùng Nga xây dựng Dòng chảy phương Bắc II [Nord Stream II], cố gắng qua mặt Ukraina đối thoại với Nga. Tuy nhiên, nội bộ EU đã chia năm xẻ bảy. Ba Lan và Lithuania liên tục gây cản trở cho Đức, nhiều lần bỏ phiếu phản đối hợp tác EU-Nga; Pháp và Ý cũng mưu đồ mượn tay Nga để đánh Đức. Một mình Đức không thể giải quyết vấn đề Ukraina.

Trên thực tế, Merkel có thể được coi là một chính trị gia của toàn EU. Bà ấy có thể vượt lên trên các mối hận thù trong lịch sử và các xung đột địa chính trị để cân nhắc về vấn đề theo hướng có lợi cho toàn bộ châu Âu, thay vì nguyện làm chư hầu của Mỹ và bị kiểm soát bởi các thế lực khác trong các chính sách đối ngoại và kinh tế. Nhưng thật không may, bà Merkel đã kết thúc nhiệm kỳ 16 năm của mình vào cuối năm nay, và tân Thủ tướng Scholz dường như không kế thừa đầy đủ thái độ lý trí và thực dụng cũng như tác phong làm việc của bà Merkel, ngay sau khi lên chức đã hoãn phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2, thà để người dân Đức đóng băng còn hơn dùng hệ thống sưởi của Nga. Cũng không biết liệu tân thủ tướng có thực sự tin vào lý thuyết ý thức hệ và đặt lợi ích quốc gia lên trên sở thích cá nhân của mình hay không.

Trong bối cảnh Ukraina nhất quyết gia nhập NATO, Nga hoàn toàn không thể ngồi yên. Theo tính cách của Putin, nếu không thể tránh khỏi chiến tranh thì cách duy nhất là tấn công trước. Kết quả là, biên giới Ukraina-Nga đã trở nên hỗn loạn trong nửa cuối năm nay, với số lượng lớn binh lính được triển khai ở cả hai bên. Nhưng Nga cũng đang kiềm chế, vì họ không muốn bắn phát súng đầu tiên và bị buộc tội gây chiến sau lưng. Việc Nga triển khai quân nhiều hơn là một lời cảnh báo đối với NATO. Một khi Ukraina gia nhập NATO đồng nghĩa với chiến tranh, nhằm ngăn NATO rút lui. Nhưng vấn đề là Mỹ không sợ hành động của Nga, thực tế một khi Ukraina và Nga gây chiến, châu Âu sẽ bị thiệt hại, Mỹ sẽ không chịu một quả đạn nào, và một lượng lớn tư bản sẽ chảy ngược trở lại vào túi Hoa Kỳ, vì vậy Hoa Kỳ có thể tận dụng cơ hội để thu hoạch của cải châu Âu. Do đó, đứng trên quan điểm của Mỹ, Mỹ mong Nga động thủ, và mình là ngư ông đắc lợi. Do đó, về lâu dài, giải pháp cuối cùng cho vấn đề Ukraina có thể là chia cắt đất nước, Đông Ukraina gia nhập Nga, Tây Ukraina gia nhập NATO, và châu Âu quay trở lại cuộc đối đầu giữa châu Âu và Nga trong Chiến tranh Lạnh.

Ngay cả khi Ukraina và Nga không xảy ra chiến tranh vào năm tới, vấn đề Ukraina sẽ khó có thể được giải quyết một cách hòa bình, và tốt nhất là để vấn đề đó cho tương lai. Dưới đây là một cái nhìn về những gì sẽ xảy ra nếu Ukraina và Nga xảy ra chiến tranh.

Quân đội Nga có thể băng qua Belarus và tiến thẳng vào miền Tây Ukraina.

Trước tình hình hiện nay, phần lớn quân đội Ukraina được triển khai ở khu vực phía Đông và đã xây dựng một mặt trận phòng ngự sâu, nếu quân đội Nga muốn tấn công từ phía Đông chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tăng nguy cơ bị NATO can thiệp. Do đó, trước mắt Nga có ba lựa chọn:

1. Tấn công từ phía đông và đối đầu trực diện với quân đội Ukraina, sẽ mất khoảng 1-2 tuần để đánh bại hoàn toàn Ukraina và chiếm đóng Kiev. Vấn đề của việc này là quân đội Nga phải chiến đấu trong một trận chiến khó khăn, có thể phải mất rất nhiều sức mạnh quân sự mới có thể đánh bại quân phòng thủ Ukraina, và NATO có thể sẽ can thiệp theo thời gian.

2. Tấn công từ phía Đông Bắc, thẳng vào Kiev, thủ đô Ukraina, sau khi chiếm được Kiev thì đi đường vòng sang miền Đông Ukraina, bao vây quân chủ lực Ukraina. Trong Thế chiến thứ hai, quân Đức tấn công bất ngờ từ rừng Ardennes, và đi vòng ra phía sau Phòng tuyến Maginot của Pháp. Cách đánh này gọn gàng, nhưng một cuộc tấn công trực tiếp vào Kiev sẽ dễ dàng khiến NATO có cớ gây hấn.

3. Bởi vì Belarus và Nga hiện đang ở cùng một mặt trận chống lại Ukraina và NATO, do đó quân đội Nga có thể đi vòng qua Belarus, tấn công từ phía Tây Ukraina, trực tiếp cắt đứt biên giới giữa Ukraina và NATO, đồng thời tạo thành một rào cản giữa Ukraina và NATO. Nếu NATO muốn giải cứu Ukraina, họ phải tiên phong tấn công quân đội Nga. Sau khi chặn đường giải cứu của NATO, việc quân đội Nga “Tàm thực” dần các khu vực còn lại của Ukraina chỉ còn là vấn đề thời gian.

Phương pháp thứ ba tương tự như cuộc Bắc phạt lần thứ nhất của Gia Cát Lượng. Phương pháp của ông chính là giương Đông kích Tây, Triệu Vân, Đặng Chi dẫn quân đi chiếm Cơ Cốc để thu hút chủ lực của quân Ngụy. Sau đó sai Mã Tốc và Vương Bình cùng ra giữ Nhai Đình, lợi dụng địa thế để chặn đường tiếp viện của Ngụy. Ông đã tự mình đến Lũng Tây, sau khi chiếm Lũng Tây đã Đông tiến đối đầu với quân nước Ngụy. Ý tưởng chiến lược của nó là lợi dụng chênh lệch thời gian và sự khác biệt địa hình để đạt được chiến thắng của kẻ yếu trước kẻ mạnh. Đáng tiếc là Mã Tốc đã không đánh giá hết được bản chất trong tài thao lược của Gia Cát Lượng, dẫn đến việc Nhai Đình bị thất thủ đã phá hủy đại kế hoạch Bắc phạt.

Theo quan điểm của Nga, trước năm 2014, chiến lược tốt nhất của Nga là biến Ukraina thành nước chư hầu của riêng mình, biến Ukraina thành vùng đệm giữa châu Âu và Nga. Trong năm 2014-2021, chiến lược tốt nhất của Nga là Tàm thực Ukraina và thôn tính những phần tốt nhất của Ukraina. Nhưng nếu quá trình gia nhập NATO của Ukraina là không thể tránh khỏi vào năm tới, thì chiến lược tốt nhất của Nga không còn là Tàm thực mà là thôn tính trực tiếp để diệt bỏ khả năng lập chính phủ chống Nga ở Tây Ukraina. Nga có thể chiếm cứ hoàn toàn Ukraina, và nếu sau này có thể nhân cơ hội sáp nhập Belarus, thì Nga có thể khôi phục 70% sức mạnh của Liên Xô. Putin cũng có thể ghi tên mình vào lịch sử Nga và trở thành nhà cầm quyền quyền lực nhất chỉ sau Pyotr Đại đế và Nữ hoàng Ekaterina Đệ Nhị.

Cho dù Nga có lựa chọn nào đi chăng nữa, thì một khi cuộc chiến bắt đầu, Ukraina sẽ bị sáp nhập hoặc bị chia cắt, và một vùng đệm chiến lược quan trọng sẽ bị mất giữa EU và Nga. Nếu một ngày Mỹ lại sử dụng thủ pháp tương tự để loại bỏ Belarus (sau sụp đổ của Ukraina, độc lập của Belarus trở nên vô nghĩa, Belarus sẽ hoặc bị phương Tây lật đổ, hoặc bị sáp nhập vào Nga), khi đó sẽ có một đường biên giới cực kỳ dài giữa Tây Âu và Nga, và mâu thuẫn địa lý giữa hai bên sẽ trở nên vô cùng gay gắt.

Nếu không có Đông Âu làm vùng đệm chiến lược, Liên Xô có thể đã không thể ngăn chặn được cuộc tấn công chớp nhoáng của Đức vào đầu Thế chiến thứ hai.

Nếu EU dẫn đầu, quân đội EU có thể tiến thẳng vào, nhanh nhất trong 5 ngày có thể giết chết Moskva, trực tiếp đe dọa đến trái tim nước Nga. Đối chiếu trong lịch sử, nếu Liên Xô không có Đông Âu làm vùng đệm trong Thế chiến thứ hai, thì đã không thể ngăn chặn quân đội Đức vào thời gian đầu cuộc chiến.

Đồng bằng Bắc Đức và Đồng bằng Tây Âu không có vùng hiểm để trấn thủ.

Tương tự, nếu Nga dẫn trước, quân đội Nga có thể di chuyển về phía Tây dọc theo Đồng bằng Bắc Đức và Đồng bằng Tây Âu. Đồng bằng Bắc Đức nằm ở phía Bắc Ba Lan và Đức, và Đồng bằng Tây Âu nằm ở phía Bắc của Pháp và Hà Lan. Vũ khí trang bị của quân đội Nga tuy không tối tân nhưng lợi thế của nó lại nằm ở quy mô khổng lồ, nếu bất ngờ phát động tấn công EU, quân đội Nga hoàn toàn có thể bao vây và quét sạch chủ lực của quân đội EU trước khi EU có thể phản ứng mà không cần Mỹ can thiệp. Nếu Nga sẵn sàng mạo hiểm chiến tranh hạt nhân với Pháp, nước này hoàn toàn có khả năng chiếm toàn bộ lục địa châu Âu. Xét cho cùng, Nga có nhiều đầu đạn hạt nhân hơn Pháp, chiến lược sâu và rộng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân nước này có cơ hội chiến thắng rất lớn.

Vì vậy, một khi Ukraina bị chia cắt/sáp nhập, một phản ứng dây chuyền sẽ bắt đầu. EU chỉ còn hai lựa chọn: 1) Cho phép Đức tái vũ trang, vì chỉ có Đức trong EU mới đủ sức mạnh để chống lại Nga; 2) Tăng cường sự phụ thuộc quân sự vào Hoa Kỳ với cái giá là mất độc lập chính trị và kinh tế. Nếu hầu hết các quốc gia thành viên EU lựa chọn, họ có thể chọn dựa vào Mỹ, vì nguy cơ trong việc Đức tái vũ trang là quá lớn, ví như đối với Ba Lan, Áo, Hungary,… Nếu Đức tái khuếch đại sức mạnh quân sự, thì các nước này cũng sẽ đồng thời đối mặt với mối đe dọa của Đức và Nga, luôn luôn đối mặt với khả năng bị chia cắt.

Lý do cơ bản khiến Tây Âu đầu hàng Hoa Kỳ từ lâu trong Chiến tranh Lạnh là Tây Âu cần sự bảo vệ quân sự từ Hoa Kỳ, cũng giống như lý do tại sao Hàn Quốc tuân theo Hoa Kỳ là vì một khi Hoa Kỳ rút quân, Hàn Quốc sẽ đứng trước nguy cơ diệt quốc bất cứ lúc nào. Chiến tranh Lạnh về bản chất là việc Hoa Kỳ bắt cóc Tây Âu để chống lại Liên Xô. Nếu Ukraina và thậm chí cả Belarus bị chia cắt trong tương lai, Liên minh châu Âu sẽ phải trở thành em của Mỹ và cho phép nhiều quân đội Mỹ hơn tiến vào. Sự phụ thuộc quân sự chắc chắn sẽ dẫn đến sự tàn sát về kinh tế và chính trị EU gây nên bởi Hoa Kỳ. Đồng euro, hiện thân của ý chí độc lập của châu Âu, có thể sụp đổ một cách chủ động hoặc thụ động. Ngay cả bản thân EU cũng có thể bị giải thể, những nước cốt lõi có tư tưởng chống Mỹ như Đức có thể bị đuổi ra khỏi nhà, và những nước yếu còn lại như Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp có thể trở thành thuộc địa kinh tế của Hoa Kỳ.

Sau khi đồng euro tan rã, chỉ số USD có thể đạt đỉnh một lần nữa và nó sẽ trở thành thông lệ việc chỉ số USD vượt qua mức 100. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Hoa Kỳ đã cung cấp một lượng lớn thanh khoản thông qua chính sách QE, và lượng USD thặng dư sau khi Eurozone sụp đổ sẽ có chỗ đứng. Nhiều công ty chất lượng cao của châu Âu có thể bị mua lại bởi công ty Mỹ với giá thấp.

Đối với Trung Quốc, nếu Nga và Ukraina nổ ra chiến tranh, sẽ có một cơ hội để khôi phục Đài Loan, đây có thể là cơ hội chỉ có một lần trong một thập kỷ

Hải quân Hoa Kỳ có sức mạnh vô song trên thế giới và sức mạnh của lực lượng này còn mạnh hơn cả hải quân của các quốc gia khác trên thế giới cộng lại . Tuy nhiên, với tư cách là một đế quốc toàn cầu, Hoa Kỳ cần phải phân chia lực lượng để canh giữ các huyết mạch chiến lược lớn của thế giới, trong khi Trung Quốc chỉ cần duy trì trật tự Đông Á là được, sức ép quốc phòng của hai bên không cùng mức. Mỹ cần đồng thời đối phó với Trung Quốc, Nga và Hồi giáo. Vì lý do này, Mỹ đã triển khai Hạm đội 7 ở Đông Á để đặc biệt đối phó với Trung Quốc, Hạm đội 6 ở Tây Âu để đặc biệt đối phó với Nga, và Hạm đội 5 ở Biển Ả Rập để quản Trung Đông. Ngoài ra, Mỹ đã lần lượt triển khai Hạm đội 2 và Hạm đội 3 trên Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ. Hai hạm đội này hội tụ tinh hoa của Hải quân Mỹ và có thể dùng để hỗ trợ các chiến trường khác trong thời chiến.

Trong những điều kiện bình thường, một khi Trung Quốc bắt đầu quá trình khôi phục Đài Loan, điều đầu tiên họ phải đối phó là Hạm đội 7 của Mỹ và quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản. Vào những năm 90, do sức mạnh trang bị yếu kém của quân đội ta lúc bấy giờ, một mình Hoa Kỳ đã có thể giành được lợi thế ở Tây Thái Bình Dương bằng cách dựa vào Hạm đội 7. Tuy nhiên, với sự phát triển về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Trung Quốc hiện có lợi thế rõ ràng ở chuỗi đảo thứ nhất, và Hạm đội 7 chỉ có một lực lượng tác chiến hàng không mẫu hạm, điều này không có gì đáng ngại. Nếu Mỹ muốn tiến hành một trận đánh quyết định quy mô lớn với nước ta ở Đông Á, thì nước này cần điều chuyển phần lớn lực lượng tác chiến tàu sân bay sang Đông Á thì mới có cơ hội chiến thắng.

Nếu Mỹ và Nga xảy ra đối đầu quân sự hoặc thậm chí là trao đổi hỏa lực vì vấn đề Ukraina, điều đó có nghĩa là một phần lớn lực lượng hải quân và không quân Mỹ sẽ tập trung trên chiến trường châu Âu. Khi đó đất nước chúng ta sẽ mở ra cơ hội lớn để giành lại Đài Loan với cơ hội chỉ một lần trong 10 năm hoặc thậm chí một lần trong 20 năm. Trong thời gian quân đội Mỹ bị kiềm chế phần lớn trên chiến trường châu Âu, sức phản kháng của Đài Loan trước việc thu phục của quân đội ta sẽ bị suy giảm rất nhiều. Vì nếu Mỹ muốn can thiệp đồng nghĩa với việc phải chiến đấu trên hai mặt trận, quân đội Mỹ khó có thể cùng lúc đánh bại Trung Quốc ở Đông Á và Nga ở Châu Âu.

Nếu Hoa Kỳ quyết tâm can thiệp vào vấn đề Đài Loan, chỉ riêng Hạm đội 7 và quân đội Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản sẽ không đủ sức cạnh tranh với quân đội của chúng ta. Hạm đội 3 đóng tại Mỹ sẽ phải mất 10 ngày để gấp rút đưa quân ra chiến trường, nếu quân ta thu phục được Đài Loan trong vòng 10 ngày thì sẽ có thể chiếm được một chỗ đứng vững chắc ở Đài Loan và sử dụng các sân bay, bến cảng sẵn có của Đài Loan để phản kích, thủ sức đợi quân địch mệt mỏi rồi tấn công, gom diệt viện binh hải quân Mỹ ở cửa khẩu.

Nhưng trong mọi trường hợp, nếu Nga sáp nhập/giải trừ Ukraina, dù nước ta có nhân cơ hội này để giành lại Đài Loan hay không, thì kết quả sẽ dẫn đến sự đối đầu giữa châu Âu và Nga, và EU sẽ hoàn toàn ngả về phía Mỹ. Trên thực tế, trong 20 năm qua, EU đã không muốn tuân theo bước chân của Hoa Kỳ trong chính sách Trung Quốc của mình, đặc biệt là dưới thời chính quyền của bà Merkel. và thậm chí giữa Trung Quốc và châu Âu vẫn ổn định. Đặc biệt trong năm 2018, EU đã từ chối cùng Mỹ tăng thuế quan đối với Trung Quốc, thậm chí còn tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc. Do đó, mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm mạnh từ năm 2018 đến năm 2019, nhưng xuất khẩu của nước này sang châu Âu vẫn ổn định, tạo cơ sở cho tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu không có quốc gia đệm giữa EU và Nga trong tương lai, EU chắc chắn sẽ phụ thuộc vào Mỹ về mặt quân sự, và do đó sẽ theo chân Mỹ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao và các lĩnh vực khác. Lần tới khi Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc, nhiều khả năng EU sẽ làm theo.

Điều này có nghĩa là trong tương lai, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với sự bao vây và đàn áp của Hoa Kỳ, mà là sự bao vây và đàn áp của toàn bộ phương Tây. Sau khi EU đầu hàng, Mỹ có điều kiện phát động một đợt Chiến tranh Lạnh mới, chia thế giới thành hai phe: Trung Quốc, Nga, Iran và Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ. Sức ép địa chính trị của nước ta sẽ là nghiêm trọng và phức tạp hơn hiện tại. Phương Tây cũng có thể sẽ chơi cứng cắt đứt quan hệ kinh tế với nước ta, cần phải chuẩn bị trước.

Theo NGUYỄN KHÁNH HOÀNG

Tags: , , , , , ,