Tư tưởng cải cách qua tờ sớ của một viên quan năm 1841

Suốt thời kỳ phong kiến, đã có biết bao trí thức tiến bộ, gồm các quan lại, văn thân, sĩ phu giàu lòng yêu nước, thương dân, có tinh thần trách nhiệm cao với dân, với nước, luôn trăn trở về tình trạng quan liêu của bộ máy công quyền các cấp – một trong những tác nhân quan trọng làm giảm nhịp độ phát triển của đất nước, nên đã chủ động đóng góp các ý kiến thông qua các tờ khải, tờ sớ, lời tâu…với các nhà cầm quyền, để cải cách nền hành chính nước nhà đưa đất nước tiến lên. Một trong những tờ sớ mang nội dung cải cách đó là Tiến sĩ Lưu Quỹ vào năm Tân Sửu đời Vua Thiệu Trị ( năm 1841).

Bài viết của PGS.TS. Bùi Xuân Đính

Lưu Quỹ (1811-?), tự là Nguyệt Giang, sinh ra và lớn lên trong một dòng họ, một làng nghề có truyền thống học hành thành đạt (làng Nguyệt Ánh, xã Đại Ánh, nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi đời vua Minh Mạng (năm 1835). Làm Tri phủ Nam Sách (Hải Dương) một thời gian ông được điều về kinh đô Huế, làm giám sát Ngự Sử. Sử cũ nghi lại, ông là người thẳng thắn, nhiều lần dâng sớ hoặc trực tiếp tâu xin vua đình việc công dịch cho nông dân vào thời kỳ công việc nhà nông bận rộn, hoãn thuế khi dân bị mất mùa; đình việc hình ngục khi bị hạn hán, khuyên vua hạn chế du chơi mua những vật quý đẹp… Ông làm quan giữ phong tiết, rất thanh khổ, người thương không thể kham nổi, được giới sĩ phu khen ngợi.

Trong nhiều tờ sớ mà Lưu Quỹ dâng lên, nổi bật nhất là sớ gửi Vua Thiệu Trị vào tháng Hai năm Tân Sửu ( Tháng 3 năm 1841). Khi đó, Thiệu Trị vừa lên ngôi. Là vị quan còn rất trẻ, mới tròn 30 tuổi lẽ ra Lưu Quỹ phải có bài ca ngợi vua để được vua “để ý” đến, sẽ thuận lợi hơn trên con đường công danh. Nhưng, trước những bất cập cũng những tiêu cực trong mọi mặt đời sống của đất nước, Lưu Quỹ đã cùng với Khoa đạo Nguyễn Bỉnh Đức dâng sớ gồm 10 điều, liên quan trực tiếp đến đường lối chính trị và đến đời sống nhân dân. Đó là:

1. Biết rõ trị thể, tức thể thức của chính trị, chú trọng kết hợp khoan và nghiêm trọng cai trị dân là cái giỏi của bậc trị nước: Nếu khoan cả thì không thể trị hết được những kẻ bạo nghịch, mà cần phải có nghiêm không đến nỗi thái quá; khoan dung và nghiêm khắc trong việc dạy bảo các quan và cai trị muôn dân thì mới giữ được hòa hợp.

2. Mở rộng lòng thành tích: Dẫn lời của Kinh Dịch “Thánh nhân xưa cảm hóa được lòng người mà thiên hạ được hòa bình”, Lưu Quỹ chỉ ra rằng, dân dù có “tri ngu” cũng biết được sự phải trái, ưa ghét của người trên; nếu cai trị dân bằng mưu thì dễ, phải lấy lòng thành tín mà cảm hóa mới có thể thông suốt được chí hướng của thiên hạ. Vì thế, vua cần chân thực trong dùng chính lệnh, và chính sách ban ra phải chắc như vàng đá, phải thi hành đúng như quy luật của bốn mùa thì mới không có người sai trái mà hòa thuận cũng theo ngay.

3. Rộng đường ngôn luận: Dẫn lời của kinh thi và Kinh Thư “Bậc quân tử hỏi cả người cắt cỏ kiếm củi, bàn việc nước với cả thường dân”, Lưu Quỹ cho rằng, hay hỏi thì biết rộng, nghe nhiều thì sáng thêm, một khi lòng người dưới được thông đạt lên người trên thì thánh nhan lại càng thêm thánh. Từ đó, ông đề nghị vua mở rộng đường cho những người muốn can ngăn được nói điều sự thực, vua cần bày tỏ lòng thành, tiếp thu lời can, lấy trí lực của thiên hạ làm trí lực của mình, lấy tai mắt của bốn phương làm tai mắt mình thì đức thịnh càng sáng rõ, đạo trị nước càng rộng thêm.

4. Cẩn trọng trong dùng người, bởi theo Khổng Tử “Làm chính sự cốt ở người tốt, các đời xưa được thịnh hay bị suy là do biết cho những kẻ tiểu quân tử, tiểu nhân tiến hay lui đúng lúc”. Vì thế, vua cần xem người nào trung hậu, cẩn tín thì thân cận; kẻ nào hay sinh sự, gian tà thì tránh xa. Có như vậy thì những người hiền tài sẽ kéo nhau ra giúp nước, chính sự sẽ được tốt.

5. Thận trọng và cân bằng trong hình phạt: Hình phạt để giúp đỡ giáo hóa, ngăn chặn dân làm bậy, người làm chính trị không thể bỏ được, nhưng phải thận trọng, bởi hình phạt liên quan đến tính mạng người dân, quan hệ đến nguyên khí của đất nước. Hình phạt không đúng thì dân không thể xoay sở vào đâu được. Vì thế, vua cần mở rộng đức hiếu sinh của trời đất, định thêm điều luật bắt kẻ buộc tội nặng quá, nghiêm cấm những việc xử ra ngoài pháp luật, tội nào còn ngờ thì nhẹ, kẻ lầm lỗi thì tha cho. Xét tội phải đúng trong luật. Các ty xét tội không được gia nặng thêm trên bản tội của người có tội, làm thế nào cho không ai nhẹ quá hay bị nặng quá thì việc hình được công minh mà dân đều phục.

6. Tỏ rõ giáo hóa: Giáo hóa là việc rất cần của Nhà Nước. Giáo hóa có tốt thì phong tục mới đổi ra hay được . Nha vua cần nghiêm cấm và cự tuyệt hết những dị đoan tà thuyết làm mê hoặc dân; cất dụng con cháu người hiếu trung nghĩa trinh để nêu gương; xét hỏi kỹ càng người làm quan trong sạch ngay thẳng để ken thưởng, việc giáo dục phải chấn chỉnh được phong tục; chức trách của quan phủ huyện không chỉ coi xử kiện mà còn phải hiểu dụ, mở bảo nghĩa lý. Làm được như vậy thì đạo học ngày càng sáng tỏ, tân thuyết được sửa lại, sẽ thu hút được người hiền nhiều và gây thành phong tục lương thiện.

Gần với sáu điều về chính lệnh trên đây còn có bốn điều liên quan đến chính sách với dân. Đó là:

Chăm sóc đời sống của dân, “Đức cốt ở chính sự hay mà chính sự hay cốt ở chăm sóc cho dân” (Kinh Thư) và “Giữ được dân thì được thịnh trị “ (Mạnh Tử), Lưu Quỹ xin vua lưu ý dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên, đời nào giữ được dân thì hưng thịnh, không giữ được thì suy vong. Bởi thế, vua phải ra chính lệnh, ban nhân ân, chăm sóc đến sự đau khổ ngầm ngầm của dân, chăm nuôi dân; phàn việc nào không cần gấp thì không làm vội, việc gì có quan hệ đến sức dân và của cải của dân đều phải thận trọng, không vội vã làm để dân được yên nghiệp mà nhân ân được ban khắp cả bốn biển rộng.

Cẩn thận về tài lợi: Việc thu của dân lo tích của cải cho triều đình là việc thường của các chính thể, nhưng phải có đường lối và pháp chế, làm tổn đến sức dân để có nhiều của cải thì không thể gọi là nước giàu. Vì thế, vua cần lấy đức làm gốc, túi lợi làm ngọn, làm theo chính sách cho dân giàu. Ông cũng đề nghị vua, phàm các khoản thuế của dân từ năm này (1841) và từ năm Minh Mạng 20 (1839) trở về trước ai có thiếu thì tha cho cả.

Gắn với cẩn thận về tài lợi còn đồng nghĩa với không dùng vật lạ, bởi tiền của triều đình là do dân khó nhọc đóng thuế, nếu đem ra tiêu phí thì khổ dân. Vì thế, vua không được lấy vật hữu dụng, lấy thứ vô ích làm hại hữu ích. Vua cần thận trọng sự ham chuộng, bởi sự hám chuộng của vua có ảnh hưởng lớn đến triều thần và trăm dân. Nếu vua và các bậc bề trên ham thích cái gì thì người dưới hết thẩy làm theo. Vua ham thích điều nhân, điều nghĩa thì ai ai cũng theo điều nhân nghĩa. Vua thích an nhàn hưởng lạc thì mọi thứ thanh sắc đều đến. Khắp trong thiên hạ đều xem sở thích của trên mà làm cho thỏa mãn cái sở thích ấy. Bắt đầu từ lòng nghĩ nho nhỏ rồi lộ ra rệt mà việc chính sự hay hoặc dở can hệ vào đấy.

Vua Thiên Trị xem kỹ những điều trong tờ sớ, thấy tâm đắc, nhất là với hai điều: Thận trọng với sự ham chuộng và Cẩn thận trong dùng người, liền thưởng cho Lưu Quỹ và Nguyễn Bỉnh Đức mỗi người một tấm lụa.

Thực chất của 10 điều trong tờ sớ trên đây của Lưu Quỹ là những cải cách toàn diện các mặt của đời sống đất nước mà người gánh trách nhiệm trước hết là nhà vua. Đó là, thực hành tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí, ban hành các chủ trương chính sách cho phù hợp với tình hình đất nước và với lòng đân, tuyển dụng và sử dụng quan lại có tài năng, trách nhiệm, tăng cường hiệu lực của pháp luật, chăn lo cải thiện đời sống của nhân dân, thực hành tiết kiệm… Tinh thần của những đề nghị cải cách này của Lưu Quỹ vẫn còn mang ý nghĩa thời sự đối với công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước của chúng ta hôm nay, nhất là đối với việc ban hành chính sách, cải cách bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, thực hành tiết kiệm, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.

Theo BÁO PHÁP LUẬT

Tags: ,