⠀
Xây ‘lâu đài’ ở nông thôn: Sự băng hoại giá trị văn hóa truyền thống Việt
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, việc xây dựng lâu đài, biệt phủ còn xa lạ với người Việt Nam và không có giá trị đối với xã hội, không đóng góp gì cho nền kiến trúc nước nhà.
Những ngày qua, thông tin về bữa tiệc “vinh quy bái tổ” của Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16, được tổ chức ở căn biệt thự nguy nga, tráng lệ ở xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) gây xôn xao dư luận. Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà, người đứng tên của căn biệt thự là bà Từ Thị Loan (80 tuổi, thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ). Bà Loan là mẹ Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16.
Việc cụ bà 80 tuổi sở hữu công trình lâu đài quy mô khủng, xây dựng giữa vùng nông thôn gây nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người đặt câu hỏi, những công trình dạng lâu đài, biệt phủ có phù hợp với vùng nông thôn, hay có mang lại giá trị về mặt kiến trúc hay không?. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, nhiều năm qua không chỉ trong thành phố, tại các vùng nông thôn cũng xuất hiện rất nhiều công trình kiến trúc mới với hình thức cầu kỳ, to lớn và đắt tiền mang tên gọi như lâu đài, biệt phủ.
“Đây là lối kiến trúc giả cổ, bắt chước kiến trúc của Châu Âu thế kỷ 17, 18. Là lối kiến trúc xa lạ, không phù hợp với thời đại, thời đại nào phải kiến trúc đó. Ngày hôm nay là thời đại 4.0, đang phát triển, có tính hiện đại. Bản sắc không phải cái đó”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
>> Kiến trúc ‘lâu đài’ ở Việt Nam: Sến súa, kệch cỡm, phản văn hóa |
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, việc xây dựng công trình với lối kiến trúc này chỉ thể hiện sở thích của người có tiền, nhưng đó không phải là xu thế của kiến trúc và đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nó mang lại cảm giác xa lạ, không hài hòa với cảnh quan, và thậm chí xa lạ cả với lối sống người dân khu vực đó.
“Giờ kiến trúc người ta phê phán cái đó. Vùng nông thôn cần những ngôi nhà giản dị nhưng bền vững, chan hòa với thiên nhiên, với cộng đồng. Nó thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt Nam sống tình nghĩa, sống có làng xóm. Chứ không phải là cách biệt”, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết.
Việc xây dựng nông thôn mới không phải là khuyến khích xây dựng những công trình lâu đài, biệt phủ kiểu đó. Nó không thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam, với lối sống của người Việt Nam.
Do đó, KTS Phạm Thanh Tùng không khuyến khích việc người dân xây lâu đài, biệt phủ và đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Theo TIỀN PHONG
Tags: Suy thoái văn hóa, Kiến trúc, Nông thôn