Phía sau cái chết của những khu chợ nổi miền Tây Nam Bộ

Nguồn nước ngọt trên hai con sông Tiền và sông Hậu ngày một thiếu hụt lại thêm ô nhiễm nữa thì làm sao phục dựng chợ nổi hay phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long?

Phía sau những cái chết của chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ

Tác giả: Nguyễn Trọng Bình, giảng viên tại Đại học Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long.

Bạn bè ở xa, mỗi khi đi du lịch hay công tác về miền Tây, thường nhờ tôi kết nối để họ tham quan trải nghiệm Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.

Mỗi lần như vậy, tôi lại gọi cho Tâm – đứa em có nhà gần khu chợ nổi – hỗ trợ. Mấy hôm trước, tôi gọi Tâm để đặt lịch đưa đón gia đình người bạn ở TP HCM đến tham quan dịp nghỉ lễ 30/4. Tâm nói em đã đổi nghề. Chiếc ghe chở khách trước đây em đã bán cho người khác. Ngoài chuyện thu nhập không đủ sống, Tâm nản vì nhiều lần bị khách “mắng vốn”: “Có mỗi vài chiếc ghe buôn bán trái cây”, “rác rưởi ô nhiễm quá”, “phí tiền”…

Chợ nổi là hình thức giao thông, giao thương bằng ghe, xuồng của người miền Tây trước đây, khi mà việc đi lại trên bộ còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh và điều kiện như vậy, người dân chọn nơi những nhánh sông giao nhau (ngã ba, ngã năm, ngã bảy…) để họp chợ, mua bán, trao đổi hàng hóa. Đến nay, khi hạ tầng đường bộ ngày một phát triển, việc đi lại, giao thương của người dân cũng theo đó mà thay đổi dần.

Vì vậy, câu hỏi nên “phục dựng” hay để chợ nổi “chết chìm”, theo tôi là cách đặt vấn đề vừa thừa vừa thiếu. Thừa vì “phục dựng” hay “bảo tồn” chợ nổi ở miền Tây tự thân nó là một câu chuyện cũ. Những giá trị văn hóa của chợ nổi đã được chuyên gia, các nhà văn hóa thừa nhận từ lâu. Tất cả được trình bày trong các công trình khoa học hay hồ sơ minh chứng cho các đề án bảo tồn và phát triển kinh tế du lịch ở một số địa phương. Đó cũng là lý do chợ nổi Cái Răng được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Còn thiếu là vấn đề “phục dựng” như thế nào, làm sao để bảo tồn chợ nổi trong điều kiện khô hạn kéo dài ở miền Tây hiện nay lại chưa được đề cập một cách chi tiết và khả thi. Bởi nói cho cùng, tái hiện và duy trì hoạt động của chợ nổi không thể duy ý chí bằng mệnh lệnh hành chính mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, nhất là về điều kiện tự nhiên và tốc độ đô thị hóa ở mỗi địa phương. Trong đó, điều kiện tự nhiên đang có những biến đổi chóng mặt, tác động sống còn đến số phận của chợ nổi miền Tây.

Điều quan trọng nhất để chợ nổi tồn tại là phải đảm bảo trữ lượng và chất lượng nước trên những con sông.

Lượng nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua ngày một giảm. Theo lý giải của các nhà khoa trong và ngoài nước thì tác động của biến đổi khí hậu cùng với việc dựng những đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong dọc theo lãnh thổ các quốc gia láng giềng là hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên. Vấn đề được dự báo càng nghiêm trọng hơn nếu dự án kênh đào Funan Techo ở Campuchia đưa vào khai thác trong tương lai gần. Khi ấy, theo tính toán của các chuyên gia, lượng nước ngọt đổ về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm thêm từ 30 đến 50%, gây đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên nơi đây.

Các nhà khoa học rõ ràng có lý do chính đáng để lo lắng về sự thiếu hụt nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Tuy nhiên, theo tôi, sự ô nhiễm và việc sử dụng hoang phí nguồn tài nguyên này ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cũng là vấn đề đáng lo không kém. Thử nghĩ xem, nguồn nước ngọt trên hai con sông Tiền và sông Hậu ngày một thiếu hụt lại thêm ô nhiễm nữa thì làm sao phục dựng chợ nổi hay phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long?

Đồng bằng sông Cửu Long là món quà quý giá mà tạo hóa đã ban cho người Việt. Hiếm nơi đâu trên thế giới có một vùng đất vừa được bồi đắp bởi phù sa với vô số sông ngòi chằng chịt vừa có núi non bao quanh che chắn (như vùng Bảy Núi, Châu Đốc, An Giang), lại kề bên biển cả quanh năm vỗ về (Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…). Đây chính là điều kiện tự nhiên góp phần làm nên đa dạng sinh học cũng như thế mạnh về kinh tế nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay. Nhưng vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ trái cây”, “vựa lương thực” của cả nước đang đứng trước nguy cơ tan rã nếu không có những giải pháp căn cơ, đồng bộ và kịp thời.

Thay đổi nhận thức và tư duy về mọi vấn đề liên quan đến việc xây dựng và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long là yêu cầu quan trọng trước tiên. Trong tương lai, Đồng bằng sông Cửu Long cần được tiếp cận theo hướng “bảo tồn để phát triển” thay vì khai thác (những tiềm năng tự nhiên) để “phát triển” như hiện nay.

Khi xuất phát từ tâm thế “bảo tồn”, chúng ta sẽ tránh được việc lạm dụng những giải pháp tuy mang lại hiệu quả kinh tế nhất thời nhưng lại vô tình xâm hại và phá vỡ toàn bộ cấu trúc và hệ sinh thái rất đặc trưng, đặc thù của vùng đất này – thứ đang khiến cho nguy cơ “tan rã” Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra nhanh hơn.

Phục dựng hay bảo tồn chợ nổi miền Tây là việc không thể không làm. Tuy nhiên, muốn làm được nhất định phải giữ gìn và bảo hệ sinh thái tự nhiên của cả vùng. Trong đó một chiến lược quốc gia liên quan đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngọt phải được xem là giải pháp quan trọng, ưu tiên hàng đầu.

Theo VNEXPRESS

Tags: , , ,