‘Shiprider’: Công cụ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ

Trong những năm gần đây, Mỹ có xu hướng thúc đẩy hiện diện cảnh sát biển (CSB) tại Thái Bình Dương thông qua nhiều biện pháp. Bên cạnh việc tăng cường chuyển giao tàu, tuần tra hay huấn luyện chung với các đối tác , Mỹ đang thúc đẩy đàm phán để ký kết các thỏa thuận “shiprider” và “shiprider nâng cao” với các nước trong khu vực .

Mạng lưới “shiprider” của Mỹ

“Shiprider” là thỏa thuận hợp tác an ninh biển giữa hai quốc gia, cho phép tàu thuyền của một bên tiến hành các hoạt động chấp pháp ở vùng biển nước khác với sự hiện diện của nhân viên thực thi pháp luật nước đó[1]. Các hoạt động có thể gồm chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU), chống buôn lậu hay vận chuyển ma túy.

Bên cạnh đó, “shiprider nâng cao” là thỏa thuận cho phép một bên đơn phương xác minh, kiểm tra và tạm giữ trong trường hợp cần thiết một tàu bị tình nghi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong vùng biển của bên còn lại mà không cần sự có mặt của lực lượng nước “chủ nhà” (host-nation)[2].

Mỹ đã ký kết tổng cộng 12 thỏa thuận “shiprider” với các quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm Quần đảo Cook, Micronesia, Fiji, Kiribati, Nauru, Palau, Quần đảo Marshall, Samoa, Tonga, Tuvalu, Vanuatu[3] và Papua New Guinea. Đặc biệt, trong hơn một năm trở lại đây, Mỹ đã thúc đẩy các thỏa thuận “shiprider nâng cao” với ba quốc gia: Micronesia (2022)[4], Papua New Guinea (2023)[5] và Palau (2023)[6].

Đáng chú ý, Papua New Guinea là quốc gia đầu tiên tại Thái Bình Dương có thỏa thuận shiprider với Mỹ mà Mỹ không có trách nhiệm phòng thủ[7] như đối với Micronesia và Quần đảo Marshall – hai quốc gia được Mỹ cam kết bảo vệ theo quy định Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) giữa Mỹ và các nước này.

Công cụ triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Các thỏa thuận xây dựng khuôn khổ pháp lý để CSB Mỹ mở rộng hoạt động trong khu vực. Theo UNCLOS, lực lượng một nước không có thẩm quyền khám xét tàu thuyền di chuyển trong vùng biển của nước khác, trừ trường hợp được quốc gia đó cho phép. Trong các thỏa thuận này, thẩm quyền xét xử đối với các tàu bị bắt giữ được áp dụng linh hoạt. Đối với vụ việc tại lãnh hải, luật pháp của nước ven biển sẽ được áp dụng, trừ khi quốc gia đó muốn chuyển thẩm quyền cho nước kia[8]. Đối với các vụ bắt giữ tại vùng tiếp giáp lãnh hải, luật của bên thực hiện việc khám xét tàu sẽ được ưu tiên áp dụng[9]. Ngoải ra, việc sử dụng vũ lực để khám xét tàu phải được thực hiện theo đúng luật pháp của các bên kí kết và trong trường hợp cần thiết[10].

Đồng thời, các thỏa thuận này cũng là cơ sở để Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực nói chung. Hoạt động của CSB Mỹ tại vùng biển nước ngoài đôi lúc bị các chuyên gia Trung Quốc chỉ trích[11] là không nhất quán, thậm chí là bất hợp pháp, do sự không rõ ràng về cơ sở pháp lý. Cụ thể, theo luật về thực thi pháp luật của Mỹ, CSB chỉ được thực thi pháp luật tại các vùng biển thuộc chủ quyền Mỹ và vùng biển quốc tế[12]. Việc kí kết các thỏa thuận shiprider và shiprider nâng cao sẽ tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng đối với Mỹ trong việc thực thi pháp luật nói riêng và tăng cường sự hiện diện nói chung tại Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hoạt động của lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển nhằm thực hiện chiến thuật “vùng xám” trong khu vực[13].

Hàm ý với các quốc đảo Thái Bình Dương

Nhìn chung, việc các quốc đảo Thái Bình Dương cho phép CSB Mỹ khám xét và bắt giữ tàu mang đến cả lợi ích lẫn thách thức.

Các nước này không có lực lượng đủ năng lực tuần tra vùng biển rộng lớn của mình. Ví dụ, lực lượng an ninh của quần đảo Marshall hay Micronesia chỉ có một số tàu tuần tra cỡ nhỏ. Do đó, sự giúp đỡ của Mỹ sẽ làm giảm gánh nặng cho lực lượng nội địa, đồng thời giúp tăng cường và đảm bảo an ninh trên vùng biển của mình trước các mối đe dọa từ các hành vi vi phạm pháp luật. Một trong số các mối đe dọa này đến từ hoạt động IUU – vấn đề đang ngày càng trầm trọng tại Thái Bình Dương – ví dụ, theo số liệu năm 2021, chỉ số IUU của Fiji là 2,08 – xếp thứ 107/152 quốc gia và đang có chiều hướng đi xuống, khi đã giảm 16 bậc so với năm 2019[14].

Mặt khác, trao quyền thực thi pháp luật cho một lực lượng nước ngoài có thể gây ra quan ngại về chủ quyền và tự chủ chính sách, thậm chí phản đối từ trong nội bộ (nước trao quyền hay nước được trao quyền). Tại vùng biển Ca-ri-bê, CSB Mỹ có thỏa thuận “shiprider” với Jamaica từ năm 1997 (chủ yếu nhằm mục đích chống ma túy). Tuy nhiên, nhiều hoạt động chấp pháp của Mỹ như bắt giữ thuyền viên và phá hủy các tàu của Jamaica sau đó gây tranh cãi. Mỹ cũng từng bị cáo buộc đối xử không tốt với ngư dân Jamaica[15], làm dấy lên làn sóng phản đối trong nội bộ Jamaica và Mỹ, buộc Mỹ phải xin lỗi. Sau đó, Mỹ và Jamaica đã phải chỉnh sửa quy trình thực thi thỏa thuận[16].

Ngoài ra, khi Mỹ và Trung Quốc cùng gia tăng hiện diện tại khu vực Thái Bình Dương, việc CSB Mỹ thực thi việc khám xét và bắt giữ các tàu bị nghi là vi phạm pháp luật, kể cả tàu mang cờ Trung Quốc[17], có khả năng làm gia tăng căng thẳng tại khu vực. Đây là điều các đảo quốc không mong muốn. Tổng thống Micronesia David Panuelo từng cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ ở Thái Bình Dương và kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực thận trọng trong các cuộc tiếp xúc với Mỹ và Trung Quốc nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các đảo quốc Thái Bình Dương và hai siêu cường[18]. Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka tháng 8/2023 tuyên bố các quốc đảo nên trở thành “khu vực không liên kết” giữa lúc các cường quốc ngoài khu vực muốn “phân cực hóa” Thái Bình Dương[19].

Nhìn chung, thúc đẩy các thỏa thuận “shiprider” và “shiprider nâng cao” là xu hướng Mỹ đang theo đuổi tại Thái Bình Dương. Nhiều khả năng Mỹ sẽ thúc đẩy các thỏa thuận tương tự với các nước cùng khu vực trong thời gian tới. Xu hướng này giúp Mỹ củng cố cơ sở pháp lý để thúc đẩy hiện diện chấp pháp trong khu vực, có thể hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương củng cố năng lực biển nhưng cũng có thể đem lại quan ngại về chủ quyền – quyền tự chủ và gia tăng cạnh tranh nước lớn tại đây.

——————-

Chú thích:

[1] https://ipdefenseforum.com/2020/01/shiprider-program/
[2] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/us-coast-guard-search-board-png-stepped-up-pacific-role-2023-07-31
[3]https://china.usembassy-china.org.cn/pacific-islands-forum-u-s-engagement-in-the-pacific-islands/
[4] https://www.dvidshub.net/news/431172/us-federated-states-micronesia-sign-expanded-shiprider-agreement
[5] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/us-coast-guard-search-board-png-stepped-up-pacific-role-2023-07-31/
[6]https://www.news.uscg.mil/Press-Releases/Article/3507950/us-and-republic-of-palau-sign-agreement-to-strengthen-ties-with-new-chapter-in/
[7] Xem chú thích 4.
[8] Khoản 1, điều 8, Thỏa thuận Shiprider giữa Mỹ và Vanuatu, https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/05/39-Signed-Shiprider-Agreement-with-Vanuatu-.pdf.
[9]Khoản 2, điều 8, Thỏa thuận Shiprider giữa Mỹ và Vanuatu, https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/05/39-Signed-Shiprider-Agreement-with-Vanuatu-.pdf.
[10] Khoản 1, điều 14, Thỏa thuận Shiprider giữa Mỹ và Vanuatu, https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/05/39-Signed-Shiprider-Agreement-with-Vanuatu-.pdf.
[11] http://www.scspi.org/en/dtfx/legal-boundaries-us-coast-guard-operations-south-china-sea
[12] Khoản a, điều 522, tiểu chương II, chương V, tiểu tiên đề I, tiên đề 14, Bộ luật USC 522. https://uscode.house.gov/view.xhtml?req=granuleid:USC-prelim-title14-section522&num=0&edition=prelim
[13] https://www.aspistrategist.org.au/how-chinas-maritime-militia-takes-advantage-of-the-grey-zone/
[14] https://iuufishingindex.net/profile/fiji
[15] https://our.today/lawsuit-against-us-coast-guard-moves-forward-as-senate-gets-into-choppy-shiprider-exchange/
[16] https://www.jamaicaobserver.com/news/jamaica-us-implement-changes-to-shiprider-agreement/
[17] Xem chú thích 4.
[18] https://www.rnz.co.nz/international/pacific-news/467955/fsm-president-warns-pacific-leaders-over-china-documents
[19] https://www.theguardian.com/world/2023/aug/25/fiji-prime-minister-warns-against-us-and-china-attempts-to-polarise-pacific

Theo TRIỆU KHÁNH / NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,