Nhu cầu cấp thiết của việc vẽ đường cho… AI chạy

Trí tuệ nhân tạo (AI) làm phát sinh nhiều vấn đề mới mẻ mà khung pháp lý hiện hành khó có thể điều chỉnh bao hàm, bao quát hết được…

Nhu cầu cấp thiết của việc vẽ đường cho… AI chạy

Tác giả: GS-TS Đỗ Văn Đại, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ của TAND Tối cao Việt Nam.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được hiểu là một nhánh của khoa học máy tính liên quan đến việc xây dựng các máy móc thông minh có khả năng thực hiện các tác vụ mang trí tuệ con người. AI ngày càng chi phối hoạt động của con người, mang lại rất nhiều hệ quả tích cực nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy, đòi hỏi chúng ta phải có hành lang pháp lý tương thích để sử dụng và quản lý hiệu quả.

AI làm phát sinh nhiều vấn đề mới và chúng ta có thể khai thác khung pháp lý hiện có để xử lý. Chẳng hạn, đã có trường hợp xe tự lái với việc sử dụng AI gây thiệt hại cho con người và việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân được đặt ra.

Ở đây, để xác định người bồi thường thiệt hại, chúng ta có thể khai thác các quy định hiện có như quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 601 BLDS năm 2015) hay quy định về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra (Điều 584 BLDS năm 2015) để xác định trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu hay của người được giao sử dụng xe.

Tương tự, việc sử dụng AI để thu thập và xử lý thông tin đã xâm phạm tới các quyền cơ bản của cá nhân, nhất là quyền về đời sống riêng tư. Khi đó, chúng ta có thể áp dụng các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để xử lý, đặc biệt là Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Có thể thấy với các vấn đề mới phát sinh từ AI, chúng ta có thể khai thác các quy định hiện có để xử lý.

AI có nhiều yếu tố giống trí tuệ con người nhưng bản thân nó không phải là con người nên không thể đánh đồng AI và con người. Vì vậy, AI khó có thể được coi là một chủ thể độc lập của pháp luật.

Đối với nhiều vấn đề mới do AI làm phát sinh, việc khai thác khung pháp lý hiện có có thể vẫn chưa đủ, chưa phù hợp nên chúng ta cần hướng tới xây dựng, bổ sung thêm cơ chế mới tương thích, phù hợp hơn. Đó đang là hướng của nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới khi phải đối mặt với sự phát triển của AI.

Liên quan đến AI, hiện đang có một phần mềm trí tuệ nhân tạo rất nổi tiếng – ChatGPT. Phần mềm này giúp tra cứu thông tin, tìm kiếm dữ liệu, giải đáp những câu hỏi và thắc mắc về mọi chủ đề. ChatGPT có nhiều hiệu ứng tích cực nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, nhất là trong việc kiểm tra chất lượng đào tạo.

Chẳng hạn, đối với việc xe tự lái sử dụng AI gây thiệt hại, các quy định nêu trên của chúng ta chưa cho biết hướng xử lý đối với người thiết kế, nhà sản xuất hệ thống AI được sử dụng trong xe tự lái gây thiệt hại. Vì vậy, để quy trách nhiệm cho những người vừa nêu, chúng ta cần hướng tới bổ sung quy định. Đây là hướng đang được triển khai ở châu Âu. Thực tế, ủy ban của Liên minh châu Âu đã đưa ra hướng xử lý như sau: Trong trường hợp hệ thống AI có khiếm khuyết gây thiệt hại, nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người thiết kế, nhà sản xuất đã đưa AI vào sản phẩm.

Xin dẫn một vấn đề pháp lý nữa cho thấy khung pháp lý hiện hành đôi khi chưa phù hợp và cần có hướng bổ sung quy định mới. Đó là trường hợp bản thân AI tạo ra tác phẩm giống như các tác phẩm được con người tạo ra. Đối với tác phẩm như vậy, ai là tác giả của tác phẩm do AI tạo ra? AI không thể được xác định là tác giả của tác phẩm vì AI không được coi là chủ thể/cá nhân nên không thể là tác giả theo quy định hiện hành.

Để giải quyết vấn đề này, gần đây một số nghị sĩ Pháp đã trình dự thảo luật về điều chỉnh AI bằng pháp luật về quyền tác giả. Cụ thể, theo đề xuất của các nghị sĩ, “khi một tác phẩm được tạo ra bởi AI mà không có sự can thiệp trực tiếp của con người, chỉ những tác giả hay người có quyền đối với tác phẩm đã cho phép tạo lập ra tác phẩm nhân tạo là những người có quyền”.

Thực tế, AI có nhiều ưu điểm và khung pháp lý hiện hành có thể cản trở sự phát triển của AI. Vì vậy, bên cạnh việc khai thác hay hình thành hành lang pháp lý mới, chúng ta cũng cần xem xét thêm khung pháp lý hiện hành có cản trở AI phát triển ra sao để từ đó điều chỉnh khung pháp lý phù hợp nhằm tối ưu hóa lợi ích của AI cho cuộc sống của chúng ta.

Theo PHÁP LUẬT TPHCM

Tags: ,