Vượt qua bối cảnh địa chính trị phức tạp và mơ hồ của khu vực

Thế giới có đang thực sự tiến tới một trật tự đa cực? Không ai có thể tiên đoán được tương lai, nhưng dựa trên những bằng chứng hiện thời, tôi nghi ngờ điều đó.

Tác giả: Bilahari Kausikan, Đại sứ Lưu động, Cố vấn Chính sách và cựu Thư ký Thường trực của Bộ Ngoại giao Singapore. Bài viết là nội dung cuộc thảo luận chuyên đề “Địa Chính trị: Chuẩn bị cho Trật tự Đa cực” diễn ra cùng với hội thảo “Singapore sau 50 Năm: Những gì đang ở trước mắt” do Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore tổ chức.

Nguồn: Bilahari Kausikan, “Navigating complex, ambiguous geopolitics in the region”, Today Online, 10/07/2015.

Biên dịch: Lê Hoàng Giang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Rõ ràng là những ảo tưởng về một thế giới đơn cực xuất hiện trong thời kỳ ngay sau Chiến tranh Lạnh đã không còn. Tuy nhiên, vẫn chỉ duy nhất Hoa Kỳ mới đủ khả năng hành động chiến lược một cách nhất quán trên quy mô toàn cầu. Đồng thời, những sự kiện trong khoảng một thập niên vừa qua, đặc biệt là tại Trung Đông, đã cho thấy rằng quyền lực của Hoa Kỳ không thể tự động chuyển thành ảnh hưởng, nhất là khi được sử dụng đơn phương. Hoa Kỳ không thể tạo được hiệu quả khi hoạt động một mình, mà cần phải lập ra những liên minh như đã làm trong Chiến tranh Lạnh.

Bất chấp những hiểm họa của nó, Chiến tranh Lạnh có một cấu trúc nhất quán. Chính mối nguy hiểm từ Liên Xô đã buộc các nước không thuộc phe Xô Viết chấp nhận vị thế lãnh đạo của Mỹ mặc cho những nghi ngờ mà những nước này có thể đã có đối với các chính sách của Washington – thậm chí cả Trung Quốc sau năm 1972 thực tế cũng đã chấp nhận vai trò lãnh đạo của nước này – và qua đó đã áp đặt một dạng cấu trúc lên trên hệ thống toàn cầu. Nghịch lý của thời đại chúng ta là trong khi vẫn chỉ có Hoa Kỳ mới có khả năng lãnh đạo toàn cầu, song đã không còn nhu cầu chiến lược cấp bách nào để buộc [các nước khác] phải chấp nhận vị thế lãnh đạo của nước này nữa. Và không có nhu cầu chiến lược cấp bách rõ ràng thì cả người Mỹ, hay ít nhất là một phần đông đảo người Mỹ, giờ đây có vẻ miễn cưỡng trước việc gánh vác trọng trách lãnh đạo. Do vậy nên mới có sự rối loạn và rời rạc mà ngày nay đang tạo nên đặc tính của hệ thống quốc tế. Nhưng rời rạc không có nghĩa là đa cực.

Ai mới có khả năng tái xác lập sự gắn kết cho hệ thống toàn cầu bằng cách sử dụng quyền lực lãnh đạo toàn cầu? Châu Âu ư? Có thể trong lĩnh vực kinh tế thì đúng, khi nào họ giải quyết xong vấn đề của mình. Nhưng về mặt chiến lược, Châu Âu chẳng có ý nghĩa gì. Chính sách Đối ngoại và An ninh Chung của Châu Âu cùng lắm thì chỉ là một khát vọng, nếu không muốn nói là một trò đùa. Châu Âu đã không thể tác động lên những sự kiện diễn ra ngay trong chính biên giới của mình: Ở bán đảo Balkan giữa những năm 1990 và, gần đây hơn, tại Ukraine. Trong cả hai trường hợp này và cả những trường hợp khác, chính Hoa Kỳ đã giúp Châu Âu dập tắt ngọn lửa mà Châu Âu đã ngạo mạn châm lên nhưng không thể kiểm soát. Bài học rút ra là không thể có “quyền lực mềm” nếu không có “quyền lực cứng”.

Còn ai nữa? Khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) ư? Thuật ngữ này được một giám đốc quản lý quỹ đưa ra để làm công cụ tiếp thị hòng thu thập được tiền từ những người nhẹ dạ. Bản thân thuật ngữ này đã không phải là một khái niệm địa chính trị khả thi. Và bất chấp những cuộc gặp thượng đỉnh hay những buổi họp mà khối này đã tổ chức từ khi ra đời – và bất chấp cả ngân hàng mà họ đã thành lập ra – tôi vẫn chưa tin rằng đó là một khái niệm địa chính trị khả thi. Điều gì gắn kết khối BRICS lại với nhau ngoài một cảm giác bất mãn mơ hồ với trật tự hiện có và một mong muốn có được vị thế toàn cầu hay chí ít là sự công nhận toàn cầu? Nhưng nguyên do của sự bất mãn và của những nguyện vọng của các nước trong khối này không phải là đồng nhất, thậm chí còn không hề giống nhau. Dù gì thì nguyện vọng vẫn phải tương xứng với khả năng. Ngoại trừ một trường hợp – Trung Quốc – thì khối BRICS chủ yếu chỉ có ý nghĩa như các cường quốc khu vực và chỉ có thể hành động trên quy mô toàn cầu một cách ngắt quãng. Thậm chí cả Trung Quốc vẫn còn khá mâu thuẫn về vai trò toàn cầu của mình.

Một Đông Á hai cực

Hiện tại, có lẽ sẽ là hữu ích hơn nếu nghĩ về tương lai trên góc độ các cấu trúc khu vực thay vì các cấu trúc toàn cầu. Hệ thống toàn cầu do Phương Tây định hình và chi phối trong khoảng 200 năm qua – một hệ thống mà vào thế kỷ 18 và 19 còn là đa cực và trong phần lớn thế kỷ 20 thì là hai cực – rõ ràng là đang trong thời kỳ chuyển đổi. Nhưng chuyển đổi thành cái gì thì lại không phải chuyện rõ ràng. Phỏng đoán về một tương lai không thể đoán biết là việc làm vô nghĩa. Nhưng chúng ta đã có thể thoáng trông thấy được dáng vẻ của các khu vực. Chắc chắn là khu vực của chúng ta, khu vực Đông Á, sẽ có một trật tự hai cực, được cơ cấu bởi quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc.

Điều này không có nghĩa là các nước lớn khác trong khu vực Đông Á – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Nga – cũng như quan hệ giữa chúng với nhau và với các nước Đông Á khác là không quan trọng. Chúng có mức độ quan trọng và phức tạp của riêng mình. Nhưng xét theo khía cạnh chiến lược vĩ mô, hiện tại thì chúng chỉ là yếu tố bổ trợ cho Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc. Rõ ràng là tầm quan trọng của chúng không thể sánh ngang với của Hoa Kỳ hay Trung Quốc.

Đông Á thời kỳ hậu Thế Chiến II nhìn chung là một sản phẩm do Hoa Kỳ tạo ra. Nhưng hiện tại đã có sự đồng thuận – giữa cả các nước đồng minh và thân cận với Mỹ và cả Trung Quốc – cho rằng mặc dù sự hiện diện của Hoa Kỳ vẫn là một điều kiện cần, và quả thực là một điều kiện không thể thay thế, để đảm bảo sự ổn định cho tăng trưởng ở Đông Á, thì nó đã không còn là điều kiện đủ để đảm bảo ổn định và cẩn phải được bổ trợ – không phải thay thế – bởi một kết cấu mới nào đó. Đã có rất nhiều thử nghiệm xây dựng nên những kết cấu bổ trợ quy mô lớn và chúng đã định hình phần lớn ngoại giao đa phương Đông Á đang diễn ra hàng ngày. Nhưng chúng vẫn chỉ là những thử nghiệm mà không ai biết sẽ dẫn đến kết quả như thế nào. Nhưng dù kết quả cuối cùng là gì thì quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc chắc chắn sẽ là trụ cột của bất kỳ hệ thống Đông Á nào sẽ xuất hiện trong tương lai.

Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang tìm cách tạo dựng một khuôn khổ vận hành tạm thời (modus vivendi) mới với nhau và với các nước khác trong khu vực Đông Á. Nhưng sẽ phải mất nhiều thập niên thì hai nước này mới đạt được một thế cân bằng mới.

Sự phụ thuộc lẫn nhau và nghi kỵ chiến lược sâu sắc

Còn trong lúc này, Singapore, cũng giống như tất cả các nước khác trong khu vực Đông Á, sẽ phải trải qua nhiều thử thách và rắc rối không thể nào tránh khỏi khi mà sự điều chỉnh chiến lược trên quy mô như thế này đang diễn ra. Thách thức cho chúng ta là phải tự đặt mình sao cho có thể giữ được tối đa quyền tự chủ và tránh bị buộc phải đưa ra những lựa chọn khó dễ.

Như vậy không có nghĩa là tránh đưa ra lập trường về các vấn đề có ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta. Tránh đưa ra lập trường đồng nghĩa với từ bỏ quyền tự chủ và chúng ta phải sẵn sàng nêu rõ và bảo vệ lợi ích của chúng ta trong những vấn đề như Biển Đông, vốn đang ngày càng trở thành một dạng biểu hiện của những điều chỉnh quyền lực lớn đang diễn ra. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc để ngỏ rất nhiều lựa chọn và duy trì quan hệ một cách tốt đẹp nhất có thể với các cường quốc, trong khi chúng ta đưa ra lập trường sao cho phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.

Chúng ta có thể thích ứng được không? Cho đến nay thì chúng ta đã thích ứng khá tốt và hiện đang có quan hệ khá tốt đẹp với tất cả các cường quốc lớn. Nếu chúng ta làm hỏng [những quan hệ này] thì đó sẽ hoàn toàn là do lỗi của chính chúng ta. Chẳng có lý do gì để chúng ta không thể tiếp tục thích ứng, chừng nào còn đáp ứng được ba điều kiện sau.

Điều kiện thứ nhất là phải hiểu được chính xác những quá trình đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự hiểu nhầm có thể rất nguy hại. Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc rất phức tạp, và khó có thể tóm gọn bằng một cụm từ hay câu văn duy nhất. Tính chất của quan hệ giữa hai nước này có cả sự phụ thuộc lẫn nhau sâu rộng lẫn sự nghi kỵ chiến lược sâu sắc. Sự phụ thuộc lẫn nhau không loại bỏ khả năng xảy ra xung đột, nhưng hạn chế được nó, và cho cả hai bên động lực mạnh mẽ để tránh xung đột. Hiểm họa chủ yếu là xung đột ngoài dự kiến chứ không phải chiến tranh có chủ đích. Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không muốn có rắc rối. Cả hai nước đều cần và muốn có quan hệ ổn định. Nhưng đồng thời, cả hai nước sẽ không dễ dàng nhượng bộ nhau, và cạnh tranh là một phần không thể thiếu và không thể tránh khỏi trong bất kỳ mối quan hệ nào giữa các cường quốc lớn. Do vậy khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cố gắng đi đến một modus vivendi mới thì sự cạnh tranh giữa hai bên là tất yếu.

Không thể tối giản hóa động lực cạnh tranh Hoa Kỳ – Trung Quốc xuống thành một sự đối đầu giữa một “cường quốc đang trỗi dậy” và một “cường quốc đang suy tàn” hay giữa một “cường quốc nguyên trạng” và một “cường quốc xét lại”. Chắc chắn là Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng Hoa Kỳ chưa rõ ràng là đang suy thoái. Và giống như mọi nước lớn, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn duy trì và thay đổi hiện trạng cùng một lúc và có chọn lọc, duy trì khi thấy thuận tiện và thay đổi khi thấy có lợi cho mình. Việc tối giản hóa một hiện thực phức tạp như vậy có thể dẫn đến tính toán sai lầm trong một môi trường mà sẽ ngày càng trở nên phức tạp và khó đoán. Xin nhắc lại rằng sự rõ ràng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã không còn và sẽ chẳng bao giờ có thể tái xuất hiện. Trong Chiến tranh Lạnh, việc ai là bạn và ai là thù không có gì để bàn cãi, bất kể việc chúng ta ở phe nào hay kể cả nếu chúng ta giả vờ không theo phe nào. Giờ đây vấn đề đã mơ hồ hơn nhiều. Trung Quốc làm dấy lên nhiều lo ngại từ các nước lân cận. Nhưng không nước nào ở khu vực Đông Á – thậm chí cả Nhật Bản hay Việt Nam, hai nước có quan hệ rất phức tạp với Trung Quốc – coi Trung Quốc là kẻ thù. Và mặc dù Hoa Kỳ là một nước bạn bè, nhưng đó thường là một người bạn đòi hỏi rất nhiều và thường sốt sắng can dự vào chuyện người khác. Một vấn đề căn bản hơn – và rắc rối hơn đối với những ai buộc phải điều chỉnh mình cho hợp với những điều chỉnh của Hoa Kỳ và Trung Quốc – là cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều chưa biết họ thực sự muốn gì.

Trong khi cố gắng củng cố hệ thống liên minh truyền thống của mình cũng như tạo dựng những đồng minh mới, Hoa Kỳ biết rằng họ buộc phải tiến tới được một hình thức dàn xếp nào đó với Trung Quốc và tranh thủ sự giúp đỡ của nước này để duy trì được trật tự. Nhưng trật tự như thế nào? Trung Quốc muốn giành lại phần nào vai trò lịch sử của mình tại Đông Á. Nhưng phần nào đó là bao nhiêu và giành lại bằng cách nào? Trung Quốc là một điểm nút quan trọng trong nền kinh tế thế giới đến mức nếu Hoa Kỳ muốn bao vây kiềm chế Trung Quốc thì cũng chẳng khác nào tự bao vây kiềm chế chính mình. Hoa Kỳ là một thành phần chặt chẽ của khu vực Đông Á đến mức nếu Trung Quốc muốn gạt bỏ Hoa Kỳ ra khỏi khu vực này thì cũng chẳng khác nào tự gạt bỏ chính mình. Và nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ, Trung Quốc rất có thể sẽ phải đối mặt với một Nhật Bản có vũ khí hạt nhân. Vậy là Hoa Kỳ chưa biết cần phải yêu cầu giúp đỡ đến mức nào và phải trả giá bao nhiêu cho sự giúp đỡ đó, còn Trung Quốc chưa biết cần phải đề nghị giúp đỡ đến mức nào và đòi hỏi cái giá bao nhiêu cho sự giúp đỡ đó.

Chúng ta phải giải quyết những vấn đề phức tạp này mà không để chúng làm cho ta chán nản hay e sợ. Không phải lúc nào cũng dễ dàng để đứng giữa cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng chính do sự cạnh tranh đó mà vẫn còn có khả năng để chúng ta lèo lái và giữ lại quyền tự chủ. Nếu có sự thông đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

Khả năng Hoa Kỳ và Trung Quốc thông đồng với nhau không phải là hoang tưởng viển vông. Năm 1981, tại một Hội nghị Quốc tế được tổ chức tại Liên Hợp Quốc để thảo luận về việc Việt Nam đưa quân vào và chiếm đóng Campuchia, một vấn đề giữa Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã nổi lên. Vấn đề đặt ra là điều gì sẽ xảy ra ở Campuchia sau khi Việt Nam rút quân. Trung Quốc muốn Khmer Đỏ trở lại nắm quyền. ASEAN muốn có các cuộc bầu cử để cho phép người dân Campuchia tự chọn người lãnh đạo đất nước mình. Singapore đã đặc biệt kiên quyết trong vấn đề này. Hoa Kỳ, lo ngại cho quan hệ của mình với Trung Quốc, đã gây áp lực đặc biệt lên riêng Singapore. Một vị Trợ lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã đe dọa Bộ trưởng Ngoại giao của chúng ta rằng “sẽ có đổ máu” nếu chúng ta không chịu nhượng bộ. Chúng ta đã kiên quyết lập trường và Hoa Kỳ cuối cùng cũng đã đổi ý. Nhưng bài học đã rất rõ ràng: Khi các cường quốc lớn thỏa thuận với nhau, họ thường sẽ bắt ai đó khác phải trả giá. Những gì đã diễn ra trong quá khứ hoàn toàn có thể tái diễn, thậm chí là trong những vấn đề căng thẳng như Biển Đông, nơi mà xét về dài hạn thì chắc chắn sẽ dẫn tới một thế cân bằng đối xứng hơn về hải quân giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và buộc phải có sự hiệu chỉnh lại cách thức mà Hoa Kỳ tính toán lợi ích của mình.

Nhanh nhạy và tỉnh táo

Điều kiện thứ hai là chúng ta phải giữ được khả năng phân tích môi trường và tính toán lợi ích một cách tỉnh táo, và theo đuổi lợi ích và phản ứng trước những tiến triển một cách nhanh nhạy và sắc bén. Những yếu tố chủ chốt có thể làm suy yếu khả năng này – vốn là đặc trưng quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của chúng ta cho đến nay – đều là yếu tố nội địa.

Chính trị giữa các đảng phái đang làm rối chính sách đối ngoại. Những dấu hiệu đầu tiên – mờ nhạt nhưng không lẫn vào đâu được – đã hiện hữu rõ ràng. Một đảng đối lập đã từng cố sử dụng chính sách về Trung Đông và quan hệ với các nước láng giềng của chúng ta để thu lợi chính trị. Một số “nhà hoạt động” chống chính phủ (anti-establishment) đã cố sử dụng cách tiếp cận của chúng ta đối với quá trình hội nhập ASEAN để thổi phồng lên những lo ngại của dư luận về lao động nước ngoài.

Những nỗ lực đó đã không thành công vì chúng được thực hiện một cách vụng về và dư luận nhìn chung vẫn còn chưa quá quan tâm đến lĩnh vực chính sách đối ngoại. Nhưng chúng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn và có lẽ sẽ còn mạnh mẽ hơn trước. Không quốc gia nào có thể cách ly hoàn toàn chính sách đối ngoại ra khỏi chính trị đối nội, và khi nền chính trị của chúng ta ngày càng trở nên “bình thường” hơn, tôi không thấy lý do nào để coi chúng ta là trường hợp ngoại lệ.

Trong khi chính trường Singapore càng trở nên đông đúc hơn, với các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm vận động cũng như các đảng phái chính trị truyền thống tranh nhau định hình ý kiến dư luận và chính sách của chính phủ, thì những cơ hội để nước ngoài can thiệp vào cũng tăng lên gấp bội. Bất chấp họ có thể khẩn khoản thề thốt đến mức nào đi nữa, các cường quốc lớn sẽ luôn luôn cố gắng đưa cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng của họ vào trong những vấn đề quốc nội của chúng ta – bằng cách hợp pháp là thông qua ngoại giao, nhưng cũng có thể bằng những biện pháp lén lút khác. Họ đã từng làm vậy trong quá khứ, họ vẫn đang làm vậy ở hiện tại – thử hỏi vì sao các thế lực nước ngoài lại tìm cách can dự vào chuyện Roy Ngerng và Amos Yee?[1] Tôi không cho là họ làm thế chỉ vì lòng trắc ẩn. Và họ sẽ không bao giờ ngừng làm thế vì những hành vi như vậy đã ăn sâu vào trong hệ thống quốc tế giữa các quốc gia có chủ quyền rồi. Không may là, các thế lực ngoại quốc sẽ luôn tìm ra những người sẵn lòng cộng tác từ trong số đồng bào của chúng ta.

Để giái quyết hai yếu tố này, chúng ta cần phải giáo dục công chúng tốt hơn. Trông chờ rằng dư luận sẽ tiếp tục thờ ơ với lĩnh vực chính sách đối ngoại là việc làm không bền vững và không nên có, về lâu dài có thể khiến chúng ta dễ bị tổn hại trước những kẻ ba hoa và lừa gạt trong chính trường. Tranh luận về chính sách đối ngoại chưa hẳn đã là điều xấu nếu diễn ra trong phạm vi những hiểu biết chung và phi đảng phái về những gì là khả thi và bất khả thi đối với một quốc gia nhỏ bé tại Đông Nam Á thay vì tại một khu vực lành mạnh khác. Giáo dục tốt công chúng cũng là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất để chống lại những nỗ lực của nước ngoài nhằm can thiệp vào công chuyện nội bộ, mặc dù không có biện pháp nào tốt hơn là việc Cục An ninh Nội địa (ISD) phải luôn cảnh giác và hoạt động hiệu quả.

Trong những xã hội có chung lịch sử lâu dài, hiểu biết chung [của cộng đồng] thường tiến hóa một cách hữu cơ. Nhưng chúng ta mới chỉ tồn tại 50 năm; những thách thức là rất cấp bách và thời gian là thứ xa xỉ mà chúng ta không có. Chúng ta cần phải bồi dưỡng và phát triển những hiểu biết chung ấy. Nhưng không may chúng ta không làm được công việc giáo dục quốc gia một cách hiệu quả. Hệ thống giáo dục quốc gia của chúng ta phát triển tinh vi nhưng lại đầy tính nghi thức và ở tình hình hiện giờ thì có thể là bồi dưỡng được bao nhiêu tri thức thì cũng làm dấy lên bấy nhiêu hoài nghi. Chúng ta đang phải trả giá vì đã coi nhẹ việc dạy và học lịch sử của chính chúng ta trong trường học. Tôi hiểu là đang có những biện pháp được thực hiện để sửa chữa tình hình. Sẽ phải mất nhiều năm thì chúng ta mới thấy được kết quả của chúng; tuy nhiên, chúng ta đã nhận thức được vấn đề.

Nhưng điểm yếu tế nhị, nhạy cảm và có lẽ là nghiêm trọng nhất nằm trong các cơ quan công vụ của chúng ta và vấn đề này khó giải quyết hơn rất nhiều. Cách chúng ta chống trọi lại những cơn xoáy lốc của chính trị giữa các cường quốc lớn – dù một cách khôn ngoan hay thảm hại – sẽ không chỉ là hệ quả của những quyết định lớn do các cá nhân hay tổ chức nổi bật đưa ra có chủ ý tại những thời điểm và địa điểm cụ thể. Quan trọng không kém, thậm chí quan trọng hơn thế là sự tích tụ từng bước, gần như không thể nhận thấy, của nhiều hành động nhỏ trên nhiều lĩnh vực chính sách được thực hiện mà không tính đến ảnh hưởng lớn hơn được tích lũy dần của những quyết định nhỏ nhặt và có vẻ như chỉ là việc thường ngày.

Trong thế kỷ 21, chính sách đối ngoại không thể chỉ là trách nhiệm đơn nhất của Bộ Ngoại giao hay giới lãnh đạo cấp cao của bất kỳ nước nào. Nghị trình thế giới ngày nay quá rộng lớn và những ranh giới giữa chính sách đối nội và đối ngoại đang mỏng manh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ngoài ở Bộ Ngoại giao và một số ít các bộ ngành khác thì trong các cơ quan công vụ của chúng ta lại không có đủ những bộ óc và bản năng cần có để đương đầu với một môi trường ngoại quốc khó đoán và phức tạp hơn bao giờ hết. Những bản năng và cách tư duy như thế không thể có được nhờ dạy học; chỉ có thể có được nhờ kinh nghiệm mà thôi. Nhưng cách thức mà những cơ quan chính phủ của chúng ta (nhất là với cách tiếp cận hạn hẹp của họ) hiện đang được khái niệm hóa và cơ cấu lại – đã làm giảm giá trị của những cách tư duy đó và tạo ra những rào cản đối với việc tích lũy kinh nghiệm cần thiết. Mặc dù đã có một số biện pháp ngập ngừng được thực hiện để cải thiện tình hình, nhưng liệu chúng đã đủ chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai hay chưa vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, và hiện vẫn còn có sự kháng cự trong nước mạnh đến mức tôi nghi ngờ là vấn đề này còn chưa được nhận thức đúng mức.

Tầm quan trọng của sự hội nhập và vai trò trung tâm của ASEAN

Điều kiện thứ ba mà chúng ta phải đạt được nếu muốn xác định được hướng đi cho môi trường quốc tế ngày càng thách thức đang nằm trước mắt là điều kiện khu vực. ASEAN đã là một công cụ vô cùng hữu ích – và quả thực là không thể thiếu được – cho Singapore, cũng như cho toàn bộ các thành viên của nó. Bên cạnh những việc khác, ASEAN đã đảm bảo được một mức độ gắn kết ít ỏi trong một khu vực mà sự gắn kết là rất khó đạt được, đã hoạt động như một công cụ gia tăng ảnh hưởng, và đã có chức năng như một vùng đệm trước những sự thăng trầm biến động của chính trị giữa các cường quốc lớn. ASEAN không phải là một tổ chức hoàn hảo. Nhưng những hạn chế của nó xuất phát từ thực trạng của khu vực Đông Nam Á mà chúng ta không thể né tránh và buộc phải chấp nhận thực trạng này trong khi cố gắng thay đổi nó. Chỉ trích ASEAN quá mức sẽ giống như là quát mắng một con dê vì nó không phải là ngựa hoặc như trông chờ loài lợn biết bay – đều là hết sức lãng phí thời gian.

Lợi ích của Hoa Kỳ, Trung Quốc và các cường quốc lớn khác đều giao nhau ở Đông Nam Á. ASEAN đã lấy cảm hứng từ đây để đưa ra khái niệm “vai trò trung tâm” (“centrality”). Các cường quốc lớn đã rất tử tế để không tỏ ra ngần ngại công khai và đôi lúc đã coi những nền tảng do ASEAN lập nên là những phương tiện thứ cấp hữu ích để sắp đặt quan hệ với nhau hoặc với các nước khác trong khu vực. Khả năng tiếp tục đóng vai trò dù là nhỏ bé như vậy của ASEAN phụ thuộc vào khả năng hội nhập của chúng ta. Đông Nam Á là vùng đất nằm giữa hai người khổng lồ: Ấn Độ và Trung Quốc. Khi hai nền kinh tế khổng lồ này tăng trưởng, nếu ASEAN không hội nhập thì vùng đất nhỏ bé ở giữa đó hoặc là sẽ bị xâu xé bởi lực hấp dẫn từ hai người khổng lồ hoặc là sẽ bị nghiền nát thành hư vô khi hai người khổng lồ đó tiếp tục mở rộng và chiếm hữu toàn bộ không gian chính trị và kinh tế.

Trọng tâm của sự hội nhập phải là kinh tế. Đến cuối năm nay, chúng ta sẽ hoàn thành được một giai đoạn của quá trình hội nhập kinh tế. Những mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn này là vừa phải và mặc dù chúng ta sẽ không hoàn thành được tất cả các mục tiêu đó, song chúng ta sẽ hoàn thành được đủ mục tiêu để tuyên bố một cách thỏa đáng là đã thành công trong giai đoạn này. Nhưng chúng ta không thể dừng lại, bởi vì tình thế địa chính trị của chúng ta sẽ không thay đổi. Sau đó, chúng ta sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn hơn trong bối cảnh môi trường khu vực phức tạp hơn và quan trọng hơn là tại một thời điểm mà ở một số nước thành viên chủ chốt của ASEAN đang diễn ra quá trình chuyển đổi chính trị nội bộ mà trong một số trường hợp có bản chất hệ thống. Liệu chúng ta có đạt được đồng thuận về một nghị trình hội nhập hậu 2015 thỏa đáng hay không vẫn là điều cần phải có thời gian mới thấy được rõ.

——————————-

Chú thích:

[1] Roy Ngerng là một blogger bị Thủ tướng Lý Hiển Long kiện ra tòa vì đã “bôi nhọ” uy tín của ông, trong khi Amos Yee đã bị bắt và tuyên án vì đăng một video clip xúc phạm cố thủ tướng Lý Quang Diệu và có những bình luận chống lại các tín đồ Thiên chúa giáo Singapore (NBT).

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ 

Tags: , , , ,