Việt Nam trước vấn đề đối phó, thích ứng với biến đổi khí hậu

Gần ba thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, nhưng biến đổi khí hậu vẫn là mối đe dọa thực sự đối với những thành tựu phát triển của đất nước.

Biến đổi khí hậu và những hệ lụy

Tháng 6-1992, tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (thường gọi là Hội nghị Thượng đỉnh) tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin), 155 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Theo Công ước này, biến đổi khí hậu được định nghĩa là: “những biến đổi trong môi trường vật lý hoặc sinh học gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý hoặc đến hoạt động của các hệ thống kinh tế – xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc lợi của con người”.

Mục tiêu của Công ước được xác định: “ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu”. Nghị định thư Ky-o-to chính là văn bản pháp lý để thực hiện Công ước khung về Biến đổi khí hậu và có hiệu lực từ ngày 16-2-2005 với sự phê chuẩn của Nga (tháng 10-2004). Nghị định này đưa ra chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính có tính ràng buộc pháp lý. Các nước phát triển phải có cơ chế giúp các nước đang phát triển đạt được sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững thông qua thực hiện “Cơ chế phát triển sạch”(CDM).

Biến đổi khí hậu với các biểu hiện chủ yếu như: 1- Sự nóng lên của khí quyển và trái đất ; 2- Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại tới môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất; 3- Mực nước biển dâng cao do băng tan, dẫn tới sự ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển; 4- Sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và con người; 5- Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác; 6- Sự khai thác các yếu tố có lợi của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển, các địa quyển…

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển ven bờ và đất liền, sự khai thác, tàn phá quá mức nguồn tài nguyên và những tác động không mong muốn khác mà con người không kiểm soát được.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với Việt Nam

Việt Nam nằm trong tốp 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng 1m, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội (GDP). Nước biển dâng ở mức 3 – 5m, đồng nghĩa với thảm họa có thể xảy ra. Vì vậy, phải xây dựng kịch bản thích ứng và đối phó chi tiết với vấn đề biến dổi khí hậu và nước biển dâng, để từ đó đưa ra các chính sách, chương trình hành động đúng, phù hợp.

Các tác động ban đầu của biến đổi khí hậu ở nước ta có thể nhận thấy qua những thay đổi về khí hậu theo mùa ở các vùng miền khác nhau; lượng mưa và mùa mưa thay đổi. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ước tính, mực nước biển ở Việt Nam có thể dâng thêm 33,3cm vào năm 2050 và dâng 45cm vào năm 2070. Thách thức và nguy cơ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với chúng ta là:

Thứ nhất, nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn. Việt Nam có hai vùng châu thổ rộng lớn là châu thổ sông Hồng, diện tích 17.000km2 và châu thổ sông Cửu Long (Mê Kông), diện tích gần 35.000km2. Châu thổ sông Cửu Long là vùng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của chế độ thủy triều từ biển truyền vào vùng hạ lưu qua những con sông và kênh rạch chằng chịt như: sông Tiền, sông Hậu hoặc như Gành Hào, Bồ Đề… Thủy triều từ vịnh Thái Lan qua các sông Cái Lớn, Bảy Háp, Đông Cung, Ông Đốc, Cửa Lớn… Sự xâm nhập mặn do triều Biển Tây ít hơn so với triều Biển Đông. Hậu quả của quá trình xâm nhập mặn sâu là gây hạn trên phạm vi ngày càng rộng hơn, nhất là vụ lúa đông xuân bởi không thể lấy nước nhiễm mặn ở kênh rạch để tưới. Nước mặn tràn lên sẽ làm chết hàng loạt cây cối trên những cánh đồng rộng lớn. Ngay cả khi độ mặn thấp hơn 1% cũng làm giảm năng suất cây trồng và thủy sản nước ngọt. Ngoài ra, sự xâm nhập mặn còn gây ra vấn nạn thiếu nước sạch sinh hoạt ở các vùng dân cư.

Khô hạn kéo dài, mưa ít thì xâm nhập mặn càng sâu hơn. Chẳng hạn, vào năm 2005, trên sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên mức độ xâm nhập mặn đã tiến sâu vào tới 60 – 80 km ; tuyến sông Hậu 60 – 70km. Ở các sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông xâm nhập sâu tới 120 – 140km gây thiệt hại rất lớn. Tỉnh Long An, thiệt hại 16 tỷ đồng; hơn 14.000ha mía giảm năng suất từ 5 – 10%; hơn 1.000ha lúa ở huyện Đức Hòa đã chết trắng, do bị nhiễm mặn. Tỉnh Sóc Trăng thiệt hại 46 tỷ đồng. Tỉnh Hậu Giang 9.000 ha bị xâm nhập mặn, thiệt hại 11,4 tỷ đồng…

Thứ hai, bão và nước dâng do bão. Những năm gần đây do biến đổi khí hậu, thời tiết có những diễn biến thất thường nên thiên tai xảy ra dồn dập với cường độ ngày càng cao hơn. Nhiều trận bão tàn phá nặng nề, gây thương vong người, phá hoại nhà cửa, thuyền bè và cướp trắng mùa màng, phá hủy hàng nghìn ki-lô-mét đê sông, đê biển, đường bờ biển cũng bị hạ thấp nhanh chóng, nước dâng cao và xâm nhập mặn càng sâu hơn. Trong thời gian 30 năm qua, người ta ghi nhận được có một nửa trong tổng số các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam đã làm dâng cao mực nước trên 1m và có 11% số cơn bão làm dâng cao mực nước biển trên 2m.

Thứ ba, nguy cơ xói lở. Hầu hết bờ biển nước ta đang bị xói lở với cường độ từ vài mét tới hàng chục mét mỗi năm và có xu hướng gia tăng mạnh trong một thập niên gần đây. Bờ biển nước ta chỉ có 2.800km đê biển, trong đó có 1.400 km đê trực tiếp với biển và khoảng 1.400km đê cửa sông. Hệ thống đê hầu hết được đắp bằng đất theo phương pháp thủ công để lấn biến, ngăn mặn, phần lớn đã xuống cấp. Nếu vì lý do nào đó mà các con đê bị vỡ thì ruộng đồng sẽ bị nước biển làm cho nhiễm mặn không thể gieo trồng được trong nhiều năm. Trên các tuyến đê biển của miền Bắc trong 5 năm qua đã có tới 165 vị trí sạt lở tổng cộng tới 252km, đe dọa trực tiếp đến an toàn các khu vực thành phố, thị xã và khu tập trung dân cư… Ngập úng ở vùng châu thổ diện rộng vào mùa mưa lũ, các dòng sông gia tăng cường độ xâm thực ngang, gây sạt lở lớn ở các vùng ven bờ trên nhiều khu vực từ Bắc vào Nam. Ở các vùng ven biển đã thấy rõ hiện tượng vùng ngập triều cửa sông mở rộng hình phễu trên diện rộng, nhất là ở hạ du các hệ thống sông nghèo phù sa như các hệ thống sông Thái Bình, Bạch Đằng, ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh và hệ thống sông Đồng Nai ở vùng ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Bờ biển miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận cũng đang bị sóng biển xâm thực khá mạnh, nhiều khu vực tốc độ sạt lở bờ biển từ 15-30m/năm.

Thứ tư, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch suy giảm. Các vùng ven biển Việt Nam có số dân khoảng 18 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số cả nước, trong đó diện tích đất sử dụng chiếm 16% tổng diện tích cả nước. 58% số dân vùng ven biển chủ yếu sống dựa và nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, khoảng 480.000 người trực tiếp làm nghề đánh bắt hải sản, 10.000 người chế biến và 2.140.000 người cung cấp các dịch vụ liên quan đến nghề cá. Biến đổi khí hậu sẽ gây đe dọa ở nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đặc biệt, hầu hết nông dân Việt Nam có rất ít đất canh tác, đặc biệt là nông dân vùng ven biển. Vì vậy, việc mất đi một phần rất lớn quỹ đất trồng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, cùng quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ đặt Việt Nam trước một thách thức rất nghiêm trọng.

Thứ năm là, sự tổn hại về đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đối với các sinh cảnh tự nhiên quan trọng ở Việt Nam dựa trên những kịch bản nước biển dâng, cứ 1m nước biển dâng lên có thể ảnh hưởng tới 27% sinh cảnh tự nhiên, trong đó 33% ở khu bảo tồn, 23% các vùng có đa dạng sinh học chủ chốt. Những tác động tiềm tàng này đang tăng lên từ 1/4 đến 1/3 tất cả các vùng sinh cảnh tự nhiên then chốt ở Việt Nam. Những khu vực này phần lớn là các khu bảo tồn và đề nghị bảo tồn hiện nay của Việt Nam, thường tập trung trên các đảo và khu vực bờ biển. Rõ ràng là đa dạng sinh học Việt nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khi nước biển dâng.

Ngoài những ảnh hưởng xấu vừa nêu, biến đổi khí hậu – nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm và phá hủy kết cấu hạ tầng và tài nguyên du lịch, từ đó làm giảm lượng khách và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người, trong đó đa phần là người nghèo.

Thứ sáu là, sự phá hủy các công trình giao thông và kết cấu hạ tầng. Theo IPCC (Công ước khung về biến đổi khí hậu), do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, khả năng mực nước biển sẽ dâng cao 1m vào cuối thế kỷ XXI, hệ quả là hằng năm Việt Nam có 40.000km2 vùng ven biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có 90% thuộc Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn, thiệt hại về tài sản có thể lên tới 17 tỷ USD.

Tại 24 tỉnh, thành phố vùng duyên hải nước ta có 266 cảng biển lớn, nhỏ; lại là nước có nhiều tiềm năng về dầu khí trong khu vực. Nước biển dâng cao kèm theo mưa bão lớn sẽ đe dọa tàn phá các kết cấu hạ tầng quan trọng, gây ngập lụt các tuyến đường sắt ở vùng duyên hải, sân bay, phá hủy cầu cống và hệ thống ống dẫn cùng nhiều công trình kết câu hạ tầng giao thông khác.

Thứ bảy là, ô nhiễm nguồn nước sạch và suy thoái môi trường. Mực nước biển dâng còn ảnh hưởng trực tiếp đến đến nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường. Do ngập lụt trong thời gian dài, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải từ các nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, các chất thải khác… bị rửa trôi, xuống hồ ao, sông suối trôi nổi khắp nơi, dịch bệnh dễ xảy ra và khó kiểm soát, sức khỏe của người dân sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Các công trình cấp nước sạch tập trung bị hư hỏng hoặc do nguồn nước cấp bị ô nhiễm gây khó khăn cho việc xử lý nước, cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Giải pháp thích ứng với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam

Thích ứng và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra đã trở thành vấn đề cấp bách của toàn cầu đòi hỏi sự tham gia của tất cả cộng đồng thế giới. Hiệp định Khung Quốc tế về Thay đổi Khí hậu (UNFCCC) đang phải hỗ trợ cho Chương trình hành động Thích ứng của tất cả các quốc gia từ các ưu tiên thích ứng với tình trạng nước biển dâng đến việc quy hoạch phân bố dân cư và kết cấu hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Chính phủ Việt Nam quan tâm sâu sắc đến vấn đề khí hậu và nước biển dâng nên đã ký phê chuẩn Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và trở thành một bên của Công ước từ năm 2005. Tuy không thuộc các nước phải tuân thủ lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, song Việt Nam vẫn chủ động xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy đến nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia. Chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam được lồng ghép vào Luật Bảo vệ môi trường, và các chương trình khác như: Chương trình nghị sự Agenda 21, Chiến lược quốc gia về quản lý môi trường biển và ven biển, Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020…

Chính phủ đã ra Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho chương trình này. Chương trình đã xây dựng chính sách của quốc gia trong giảm nhẹ và thích ứng, lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở từng ngành từng địa phương và các cam kết quốc tế.

Đúc rút kinh nghiệm của các nước và căn cứ vào thực tiễn, Việt Nam đã xây dựng và triển khai tích cực năm nhóm giải pháp chủ yếu:

Một là, nhóm giải pháp về chiến lược, chính sách gồm: xây dựng, bổ sung, sửa đổi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức quản lý, tổ chức thực hiện Công ước về Biến đổi khí hậu, Nghị định thư Ky-o-to và Cơ chế Phát triển sạch (CDM). Biến đổi khí hậu được coi là vấn đề vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phức tạp và liên quan đến tất cả các ngành, trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Vì thế, việc xây dựng các chương trình quốc gia và công tác chỉ đạo thực hiện cần được nghiên cứu ở tất cả các cấp độ: các vùng, các lĩnh vực và trong tất cả các ngành, quan trọng nhất là năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, tài nguyên và môi trường; ở tất cả các địa phương liên quan, nhất là các vùng đồng bằng ven biển. Quản lý tổng hợp vùng ven biển được coi là giải pháp thích ứng phù hợp để đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao.

Các quy hoạch về phát triển vùng ven biển, các kế hoạch di dời, tái định cư phải được tính toán cẩn thận khi đối chiếu với mực nước biển dâng. Trong các quy hoạch chiến lược đê biển ứng phó với nước biển dâng, các quy hoạch nuôi trồng thuỷ hải sản cần phải xây dựng các mô hình thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tuỳ theo từng khu vực. Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước, điều hòa, chia sẻ và cân đối nguồn nước giữa các lưu vực, có kế hoạch phù hợp trong quản lý hoạt động của các hồ chứa nước ở thượng lưu nhằm điều tiết dòng chảy cho vùng hạ lưu, hạn chế xâm nhập mặn. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với người nghèo.

Hai là, nhóm giải pháp về khoa học và công nghệ nhằm đạt được các kết luận khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định các quy hoạch, chiến lược và chính sách cho sự phát triển bền vững. Thành lập các nhóm chuyên gia, các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu liên quan để thực hiện các nghiên cứu, dự án về biến đổi khí hậu; xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam; xây dựng, đánh giá các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đề xuất các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư cho các chương trình nghiên cứu và đánh giá tính tổn thương của các hệ sinh thái các vùng ven biển; xây dựng các kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam cho giai đoạn 2010 – 2020 kết nối với các chương trình quốc tế và tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế. Hợp tác về chuyển giao công nghệ… Khai thác và ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Quy hoạch lại đất đai, tài nguyên nước, xây dựng kết cấu hạ tầng tại các vùng nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng. Nghiên cứu và tìm ra các giống cây trồng trong nông nghiệp thích ứng với môi trường.

Ba là, nhóm giải pháp về tài chính nhằm tạo quỹ phục vụ cho các biện pháp làm sạch môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Có cơ chế để tăng nguồn lực tài chính trong nước và mở rộng khả năng tiếp cận những nguồn tài chính khác, hỗ trợ cho việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường như: Chương trình Tín dụng Xanh do các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Quỹ Tín dụng Xanh do Chính phủ Thuỵ Sĩ tài trợ, Quỹ DANIDA của Chính phủ Đan Mạch, Chính phủ Hà Lan, Quỹ Môi trường toàn cầu Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, còn các chương trình, dự án hợp tác quốc tế huy động từ nguồn phi chính phủ và tư nhân. Cần đa dạng hóa các hình thức cho vay, hỗ trợ vốn, cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ hoặc cho vay có hoàn trả; thế chấp tài sản để thực hiện các chương trình, đề án, dự án thử nghiệm, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, xóa đói giảm nghèo…

Bốn là, nhóm giải pháp nâng cao năng lực thông tin và truyền thông. Đây được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu ở Việt Nam để có cách thích ứng. Cần đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức được biến đổi khí hậu là vấn đề hiện hữu, là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Qua đó, góp phần thay đổi hành vi của họ với môi trường như tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên nước, bảo vệ rừng ngập mặn, trồng và bảo vệ các loại rừng phòng hộ ven biển…

Cùng với đó là hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định ở các cấp, địa phương. Củng cố năng lực để xây dựng và thực hiện các chiến lược thích ứng cho cộng đồng thông qua phòng chống thiên tai, lồng ghép với phòng và giảm thiểu rủi ro, thiệt hại vào các kế hoạch phát triển ở địa phương.

Coi trọng việc tạo ra những thay đổi trong lối sống và hành vi. Xây dựng một kênh truyền thông riêng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ nhất về các vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Năm là, nhóm giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và cơ chế phát triển sạch để đạt được các thỏa thuận hợp tác. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực trong thời kỳ hậu Ky-o-to, tích cực tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị và đàm phán quốc tế về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Qua đó yêu cầu các nước phát triển hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ mới, thân thiện với môi trường nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đồng thời sẵn sàng phối hợp với các nước phát triển trong việc xây dựng và thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam phục vụ phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng các danh mục dự án để kêu gọi tài trợ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực thông qua đầu tư trực tiếp, tư vấn và xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm. Đẩy mạnh hợp tác xây dựng Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam./.

Theo LỆ MAI / TẠP CHÍ CỘNG SẢN

Tags: ,