Những tác động của ô nhiễm không khí bên ngoài đối với sức khỏe

Ô nhiễm không khí bên ngoài đô thị là một thuật ngữ cụ thể hơn đề cập đến ô nhiễm không khí bên ngoài mà dân cư sinh sống trong các khu vực đô thị, đặc biệt là trong và xung quanh các thành phố phải chịu đựng.

Những tác động của ô nhiểm không khí bên ngoài đối với sức khỏe

Nguồn: Các câu hỏi thường gặp về Ô nhiễm không khí bên ngoài và trong nhà đối với Sức khỏe, WHO.

Ô nhiễm không khí bên ngoài và ô nhiễm không khí bên ngoài đô thị là gì?

Ô nhiễm không khí bên ngoài là một thuật ngữ rộng hơn được sử dụng để mô tả ô nhiễm không khí trong môi trường ngoài trời. Chất lượng không khí bên ngoài thấp xảy ra khi các chất ô nhiễm đạt đến nồng độ đủ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và/hoặc môi trường.

Ô nhiễm không khí bên ngoài đô thị là một thuật ngữ cụ thể hơn đề cập đến ô nhiễm không khí bên ngoài mà dân cư sinh sống trong các khu vực đô thị, đặc biệt là trong và xung quanh các thành phố phải chịu đựng.

Những hậu quả đối với sức khỏe của ô nhiễm không khí bên ngoài là gì?

Phơi nhiễm với mức độ ô nhiễm không khí cao có thể gây ra nhiều hậu quả bất lợi về sức khỏe khác nhau. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Cả phơi nhiễm ngắn hạn và dài hạn với các chất ô nhiễm không khí đều gây tác động về sức khỏe. Những người đang mang bệnh sẽ bị tác động nghiêm trọng hơn. Trẻ em, người già và người nghèo dễ bị tổn thương hơn. Chất ô nhiễm có hại nhất cho sức khỏe – liên quan chặt chẽ với tử vong quá sớm – là hạt mịn PM2.5 thâm nhập sâu vào đường phổi.

Mặc dù chất lượng không khí ở các nước có thu nhập cao nói chung đã được cải thiện trong những thập kỷ qua, những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của ô nhiễm không khí dạng hạt, kể cả ở mức tương đối thấp, vẫn là mối quan ngại về sức khỏe công cộng trên toàn cầu.

Chất dạng hạt – PM2.5 và PM10 là gì?

Chất dạng hạt hay viết tắt là PM là thuật ngữ chỉ các hạt được tìm thấy trong không khí, bao gồm bụi, đất, bồ hóng, khói và các giọt chất lỏng. Nồng độ lớn của các hạt vật chất thường được phát ra từ các nguồn như xe chạy dầu, đốt rác và hoa màu , và các nhà máy nhiệt điện chạy than.

Các hạt có đường kính nhỏ hơn 10 micromet (PM10) ảnh hưởng tới sức khỏe vì chúng có thể được hít vào và tích tụ trong hệ hô hấp.

Các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5) được gọi là các hạt “mịn” và gây ra những rủi ro về sức khỏe nghiêm trọng nhất, so với các hạt lớn hơn. Do kích thước nhỏ (khoảng 1/30 đường kính trung bình của một sợi tóc người), các hạt mịn có thể bám sâu vào phổi.

Năm 2016, theo cơ sở dữ liệu nói trên, các số liệu là 102,3 μg/m3 (đối với PM10) và 47,9 μg/m3 (đối với PM2.5) ở Hà Nội, và 89,8 μg/m3 (đối với PM10) và 42 μg/m3 (đối với PM2.5) ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Gánh nặng bệnh tật từ ô nhiễm không khí bên ngoài lớn như thế nào?

Trên thế giới có 4,2 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí bên ngoài/xung quanh vào năm 2016. Khoảng 88% số ca tử vong này xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Phân tích theo vùng (các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình):

Đông Nam Á: 1.332.000 ca tử vong.
Tây Thái Bình Dương : 1.255.000 ca tử vong
Châu Phi: 425.000 ca tử vong
Đông Địa Trung Hải: 319.000 ca tử vong
Châu Âu: 304.000 ca tử vong
Châu Mỹ: 164.000 ca tử vong

Phân tích theo vùng (các quốc gia có thu nhập cao):

Châu Âu: 205.000 ca tử vong
Châu Mỹ: 95.000 ca tử vong
Tây Thái Bình Dương: 82.000 ca tử vong
Eastern Mediterranean countries: 17.000 ca tử vong

Phân tích theo quốc gia (Việt Nam và các nước lân cận):

Trung Quốc: 2.184.202 ca tử vong
Philippines: 136.967 ca tử vong
Việt Nam: 60.000 ca tử vong
Campuchia: 15.525 ca tử vong
CHDCND Lào: 8.392 ca tử vong

WHO thu thập thông tin gì về phơi nhiễm không khí bên ngoài (ngoài trời)?

WHO duy trì một cơ sở dữ liệu công cộng toàn cầu về ô nhiễm không khí ngoài trời tại Đài Quan trắc Y tế Toàn cầu (Global Health Observatory).

Cơ sở dữ liệu bao gồm mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời do PM2.5 và PM10 từ hơn 4000 thành phố ở 108 quốc gia trong những năm 2010-2016. Những thông số này được sử dụng làm thông tin đầu vào nhằm ước tính mức độ phơi nhiễm bụi mịn trung bình hàng năm của dân số cả ở thành thị và nông thôn.

Trong năm 2013, WHO đã thiết lập một hợp tác rộng rãi với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các tổ chức lớn khác và các cơ quan LHQ, các đại diện quốc gia và nhà nghiên cứu, được gọi là Diễn đàn Toàn cầu về Chất lượng Không khí và Sức khỏe (gọi tắt “the Platform”). Thành viên của Diễn đàn này nhóm họp một cách thường xuyên để xem xét các bằng chứng hiện tại về ô nhiễm không khí và sức khỏe bao gồm cả tài liệu dịch tễ học hiện tại về tỷ lệ tử vong và bệnh tật do ô nhiễm không khí; các phương pháp nâng cao chất lượng không khí và theo dõi sức khỏe cũng như phân bổ nguồn; xác định các ưu tiên nghiên cứu và cơ hội hợp tác giữa các cơ quan và tổ chức.

WHO ứng phó thế nào với những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí bên ngoài đến sức khỏe?

Chức năng chính của WHO là xác định và giám sát các chất gây ô nhiễm không khí có ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe con người. Việc này giúp các quốc gia thành viên của WHO tập trung hành động theo cách hiệu quả nhất để ngăn chặn hoặc giảm thiểu những rủi ro sức khỏe. Nhiệm vụ của WHO là xem xét và phân tích các bằng chứng khoa học đã có và sử dụng tư vấn của chuyên gia để đưa ra kết luận về mức độ ảnh hưởng của các chất ô nhiễm không khí khác nhau đến sức khỏe cũng như xác định các biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm không khí.

Ở Việt Nam, Cuộc họp chuyên đề nhóm đối tác y tế (HPG) vào ngày 27/12/2017 đã nhất trí thành lập Nhóm công tác kỹ thuật liên ngành (TWG) về ô nhiễm không khí nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí và tăng cường phối hợp và hợp tác, đồng thời khuyến khích các sáng kiến bảo vệ sức khỏe công cộng khỏi các tác động của ô nhiễm không khí, thông qua tăng cường năng lực giám sát và kiểm soát chất lượng không khí ở Việt Nam và nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.

Những bước gì cần thực hiện để ngăn chặn các tác động của ô nhiễm không khí bên ngoài đến sức khỏe?

Chính phủ có thể xác định nguồn ô nhiễm không khí bên ngoài chính và thực hiện các chính sách cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe công cộng, ví dụ: tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ và đi xe đạp (thay vì xe cơ giới cá nhân); khuyến khích các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu tái tạo sạch (không sử dụng than) và cải thiện hiệu suất năng lượng của các hộ gia đình, các tòa nhà thương mại và sản xuất.

Các bước đi kèm thiết yếu bao gồm nâng cao nhận thức về gánh nặng bệnh tật cao từ ô nhiễm không khí bên ngoài và các nguồn chính gây ô nhiễm, cũng như nêu bật tầm quan trọng của việc thực hiện ngay các can thiệp theo từng quốc gia cụ thể. Ngoài ra, việc sử dụng giám sát hiệu quả để đánh giá và truyền đạt tác động của các biện pháp can thiệp cũng là một công cụ quan trọng trong việc nâng cao nhận thức. Các bước này có thể giúp thúc đẩy việc đề ra các chính sách mang lại lợi ích cho sức khỏe, khí hậu và môi trường.

Bản thân ngành y tế có vai trò ở cả cấp chính sách và đối với người bệnh để dự phòng các tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí. Các chuyên gia y tế công cộng làm việc ở cấp chính sách có thể ủng hộ lợi ích sức khỏe trong các chính sách liên quan đến ô nhiễm không khí và y tế. Ở cấp độ lâm sàng, các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế cộng đồng có thể tư vấn người bệnh về nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí và các biện pháp can thiệp sẵn có để tự bảo vệ hoặc giảm thiểu tác động do tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở mức cao (ví dụ: ở trong nhà, các nhóm dễ bị tổn thương giảm hoạt động trong các đợt ô nhiễm không khí cao).
Q.8 WHO bảo vệ ý kiến rằng giảm ô nhiễm không khí bên ngoài có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Điều này có đúng không và có thể tìm thêm thông tin ở đâu?

Bằng cách giảm nồng độ trung bình hàng năm trong không khí bên ngoài của PM10 từ 70 xuống 20 µg/m3 và PM2.5 từ 35 xuống 10 µg/m3, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Hướng dẫn chất lượng không khí của WHO 2005, có thể đạt được mức giảm 15% nguy cơ tử vong lâu dài. (http://www.who.int/airpollution/publications/aqg2005/en/).

WHO ước tính 12,5% ca tử vong có thể được ngăn chặn bằng việc cải thiện chất lượng không khí trên toàn thế giới. Mức độ ô nhiễm không khí thấp hơn sẽ làm giảm gánh nặng bệnh đường hô hấp và bệnh tim mạch, chi phí chăm sóc sức khỏe và năng suất lao động bị mất do bệnh tật, cũng như tăng tuổi thọ của người dân địa phương.

Ngoài ra, những hành động làm giảm ô nhiễm môi trường không khí bên ngoài cũng sẽ cắt giảm phát thải các chất ô nhiễm khí hậu ngắn hạn, đặc biệt là các-bon đen – một thành phần chính của khí thải bồ hóng từ các xe chạy dầu và các nguồn khác cũng như khí nhà kính (CO2), góp phần tác động lâu dài đến biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán và thời tiết khắc nghiệt (gió bão, lũ lụt), có tác động bất lợi đối với sức khỏe ví dụ như các bệnh có nguồn gốc từ nước và thực phẩm. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh do véc-tơ truyền như sốt xuất huyết hoặc sốt rét.

Các tác động đến y tế công cộng là gì?

Y tế công cộng coi ô nhiễm không khí là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe. Ngày nay, điều này đặc biệt đúng với trường hợp các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi tiếp xúc với ô nhiễm không khí hiện cao hơn ở các nước có thu nhập cao và nơi có áp dụng biện pháp giảm nhẹ dẫn đến giảm thiểu tiếp xúc. Có sự bất bình đẳng đáng kể trong việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí và các nguy cơ sức khỏe có liên quan: ô nhiễm không khí kết hợp với các khía cạnh khác của môi trường xã hội và tự nhiênđể tạo ra gánh nặng bệnh tật không cân xứng trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương và thiệt thòi.

Phơi nhiễm với các chất gây ô nhiễm không khí phần lớn nằm ngoài sự kiểm soát của cá nhân và đòi hỏi chính quyền ở cấp quốc gia, khu vực và thậm chí là quốc tế phải có hành động.

Ngành y tế có thể đóng vai trò trung tâm trong việc chủ trì tiến hành một phương pháp tiếp cận đa ngành nhằm phòng ngừa tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Ngành y tế có thể tham gia và hỗ trợ các ngành có liên quan khác (giao thông, nhà ở, sản xuất năng lượng và công nghiệp) trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách dài hạn nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí đối với sức khỏe.

Có những yếu tố nguy cơ nào khác gây ra những ca tử vong do ô nhiễm không khí ngoài trời?

Tỷ lệ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, chế độ ăn không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc và ô nhiễm không khí trong gia đình. Một số nguy cơ khác đối vớiviêm phổi ở trẻ em bao gồm bú sữa mẹ không đầy đủ, thiếu cân, khói thuốc thụ động và ô nhiễm không khí trong gia đình. Đối với ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hút thuốc lá và khói thuốc lá thụ động cũng là những yếu tố nguy cơ chính. Những yếu tố nguy cơ này có thể góp phần gây tử vong do ô nhiễm không khí bên ngoài gây ra.

Theo WHO

Tags: ,