⠀
Viên chức và nhà buôn – hai nét tính cách ‘Người Hà Nội’
Còn nhớ, hồi giữa những năm 1960, đám trẻ chúng tôi từ các miền quê ra Hà Nội học đại học, một trong những chuyện khiến chúng tôi thường xuyên để tâm quan sát và luận bàn cùng nhau, ấy là những nét tính cách chung của “người Hà Nội”, người “thị dân” nói chung, điều mà chúng tôi chưa thấy, chưa biết, khi còn sống tại các vùng quê và tỉnh lẻ.
Bài viết của tác giả Lại Nguyên Ân đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, số Tết Quý Tỵ 2013.
Sau lớp chúng tôi, mỗi năm lại có thêm các lớp học trò khác tới Hà Nội, không chỉ ở đây học hành dăm ba năm, mà thường sau đó còn ở lại làm việc, định cư tại Hà Nội. Vậy là trên đề tài hồi xưa còn có thể luận bàn không chỉ từ sự quan sát những ai ai kia khác đã sống trước mình tại đây, mà còn có thể quan sát lẫn nhau, quan sát chính mình. Bởi mình và bạn bè cùng lứa mình, từ dạo ấy, đã dần dần trở thành “thị dân”, thành “người Hà Nội”.
Trong tiếng Việt, từ “thành phố” gồm hai phần trỏ hai không gian chức năng của cái không gian chung gói trong danh từ đó: “thành” và “phố”. “Thành” là khu vực của vua quan, nha lại, công bộc, binh lính; “phố” là khu vực của thường dân, “thị dân”. Đây là loại thường dân ít nhiều “đặc biệt”: họ không trực tiếp làm ra nông phẩm để “tự sản tự tiêu” như nông dân ở hầu khắp các làng quê, trái lại, họ chủ yếu làm những công việc đáp ứng nhu cầu của lớp người trong “thành”, nói bằng chữ của ngày nay, họ chủ yếu làm “dịch vụ”, bên cạnh đó họ là những người chuyên làm các nghề thủ công, hoặc buôn bán, đáp ứng cả nhu cầu của người trong “thành” lẫn người ở các làng quê.
Thời thế đổi thay, từ trung đại sang cận hiện đại, “thành” và “phố” càng ngày càng bớt tách biệt, càng ngày xen lộn nhau. Công sở, trại binh có khi phình ra tràn ra, lấn chiếm các khu dân cư; nhưng dinh thự đương thời các bậc cha chú quan cao bổng hậu cũng có thể sẽ đến lúc biến thành tư thất của đám “cậu ấm” không thành quan nhưng được hưởng thừa kế. Và tuy “quan” bao giờ cũng tách biệt, khác biệt “dân”, nhưng quan lại và bộ máy phục vụ quan lại lúc nào cũng cần đến các loại dịch vụ của dân ngoài phố, còn dân phố thì cũng cần trông vào các loại nhu cầu của đám người quyền thế kia để có việc làm, trong khi đó, các loại cửa hàng cửa hiệu cũng luôn luôn muốn áp sát các công sở.
Càng sang thời cận, hiện đại, bộ máy cai trị, quản lý càng có xu hướng phình ra, nhu cầu quản lý dường như luôn luôn muốn tăng lên; ở những lĩnh vực nhất định, việc quản lý từ chỗ là việc cai trị dần dần trở thành những loại dịch vụ, nhờ vậy, nghề viên chức được kể như một nghề nữa của thị dân.
Có một lời tục truyền bảo rằng, các gia đình hàng Ngang hàng Đào thời xưa luôn luôn chuyên chú vào hai thứ: phải lo sao cho có một quầy hàng tấm (vải sợi, tơ lụa) đàng hoàng, “ra tấm ra món”, và trong nhà phải có ít nhất một tiểu thư đoan trang hiền thục.
Vì đâu các nhà buôn ấy lại đặt nặng sự “đầu tư” vào con gái thay vì con trai? Là vì con trai nhà giàu dễ thành kẻ phá gia chi tử hơn là kẻ có chí nối nghiệp nhà, bởi thế, người ta phải lo sẵn nong sẵn né chờ các chàng rể quý – những người từ các vùng quê ra đây đỗ ông nghè ông cống, làm quan trong triều ngoài quận, đem lại uy thế cho ông nhạc bà nhạc. Ngay hồi quân chủ, giới thị dân đã biết “săn đầu người”, làm “chảy máu chất xám” của dân quê như thế, đâu phải đến thời hiện đại, khi các cậu nhà quê ra đây học cao đẳng đậu bác sĩ kỹ sư, tiếp tục là đối tượng săn đón của các nhà giàu Hà Nội.
Dạo tôi mới ra trường đi nhận công tác, lần đầu được nghe một vị được coi như đứng đầu làng “báo nói” đến giảng bài, đã thấy thú vị vì một vài chuyện nghề ông đem ra nói hôm ấy, nhưng sau đó còn thấy thú vị hơn nữa khi nghe mấy anh lớn tuổi hơn kể về mối tình thời trẻ của chính con người nổi tiếng kia. Hóa ra thời ông từ một làng quê ra Hà Nội học, chàng sinh viên luật ấy đã say mê một thiếu nữ Hàng Đào. Mẹ chàng từ tỉnh Đông lặng lẽ ra Hà thành như một người qua phố, quan sát xem thử cơ ngơi nhà cô gái ra sao; vậy mà bà mẹ cô gái cũng biết được sự việc, kịp bố trí người làm hắt một chậu nước ra khoảng vỉa hè trước cửa hàng đúng lúc vị lữ khách sắp bước tới, như vô tình mà hữu ý đưa một tín hiệu khinh mạn trước bà điền chủ nhà quê có cậu con trai si tình. Nhưng rồi những kiêu kỳ hay thiện chí của hai phía thông gia tương lai đều không phát huy tác dụng gì, bởi do một sự cố nào đấy, cô gái quyết định trốn nhà đi theo chàng trai. Vậy mà mẹ nàng cũng không phải buồn phiền gì lâu, bởi khi chế độ mới thay chế độ cũ trên đất Hà thành thì chàng rể của bà đã nghiễm nhiên là một cán bộ cao cấp! Có thể bà mẹ vốn là nhà buôn ấy còn phải suy nghĩ rất lâu để hiểu xem con gái bà đã chỉ lãng mạn chạy theo tình yêu hay còn được hướng dẫn bởi một mẫn cảm thời thế nào khác?
Con người lớn lên ở thôn quê, gắn với thôn quê, thường rất mẫn cảm với những đổi thay của thời tiết, thời vụ, mùa màng; nhưng sự cảm nhận những đổi thay xã hội thì người thị dân, người lớn lên ở đô thị dường như lại nhạy bén hơn.
Từ giữa những năm 1950, khi lý thuyết giai cấp và bảng giá trị các thành phần xã hội tương ứng (đề cao công nông binh, kỳ thị địa chủ, tư sản, tiểu tư sản) bắt đầu chi phối cuộc sống con người trên đất Bắc, ngay ở Hà Nội cũng hầu như biến mất hình ảnh nhà buôn, chỉ còn hình ảnh người công nhân, viên chức.
Một số nhà máy mọc lên ngay tại trung tâm, giờ tan ca, màu xanh áo thợ tràn ra các con đường Ngô Quyền, Ngô Thì Nhậm, nơi có nhà máy ô-tô 1/5, nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà, nhà máy dệt kim Đông Xuân, cách đấy không xa là nhà máy rượu…
Làm công nhân trong nhà máy xí nghiệp nhà nước là thợ, làm xã viên trong các hợp tác xã tiểu thủ công, hợp tác xã vận tải, xích lô, ba gác… cũng coi như là thợ, Hà Nội những năm 1960s chỉ thấy những thợ là thợ. Không phải thợ có lẽ chỉ có thành phần cán bộ viên chức thuộc các Bộ của cơ quan trung ương hoặc các Sở trực thuộc thành phố. Những người là “nhân dân”, lĩnh tem phiếu thực phẩm hạng N, hầu như chỉ gồm người già và trẻ em; nhưng ngay trong hạng “nhân dân” ấy vẫn còn một số người mang dáng dấp thợ: ấy là những nhân viên các “tổ phục vụ” ở các phường các ngõ phố, chuyên đun nước bán nước sôi và làm một số tạp vụ khác, dịp tết thì bán thêm củi, lá dong, luộc bánh chưng, luộc giò giúp các nhà trong phố…
Ở cái xã hội bao cấp ấy tưởng như mọi thứ đều được hoạch định sẵn, mọi mặt hàng làm ra đều có địa chỉ tiêu thụ, mọi dịch vụ trù định đều được coi là đã đủ lấp kín các nhu cầu… Với xã hội bao cấp, loại hoạt động thương mại không nhắm địa chỉ cố định là loại hoạt động xa xỉ không đáng có. Thương mại “chính quy” đã được nhà nước hóa, từ những người phụ trách đến nhân viên bán hàng thuộc các tổng công ty điện máy, bách hóa, nông sản thực phẩm,… tất thảy đều là cán bộ viên chức, thì còn đâu chỗ cho những con buôn tự do?
Thế nhưng, mọi sự có vẻ như vậy mà không phải như vậy. Những con buôn tự do vẫn có mặt ở Hà Nội, ngay những năm tháng bao cấp chặt chẽ nhất. Từ những đầu ô luôn luôn có những người gánh rau vào phố. Ruộng rau đã vào hợp tác xã, ở đâu ra gánh rau “tự do”? Xin thưa: rau từ phần ruộng 5%, ăn không hết, đến lứa, “nhà cháu” phải đem đi bán!
Khu vực chợ giời, ngay thịnh thời bao cấp, vẫn họp chợ ngày ngày. Mua bán gì? Xin thưa: đồ cũ đủ loại, đồng nát, giấy vụn, sách báo cũ, đồ gốm sứ cũ, đồ điện máy, trăm thứ giời ơi, nhiều thứ quý hiếm nữa, không dùng thì người ta bán, cấm sao được? Lại còn những hộp sữa, cân đường, chiếc lốp chiếc vành xe đạp, vài mét vải phin vải pô-pơ-lin vải si-mi-li, toàn hàng mậu dịch được mua bằng cắt ô tem phiếu, người ta chưa dùng thì người ta đem bán lại. Có bán ắt có mua, mua để dùng hay để bán lại cho người thứ ba, – là việc không thể quy định và cấm đoán. Thế là lớp “con buôn” tự do (nghĩa là người buôn bán không phải “người nhà nước”) tái xuất hiện; ban đầu họ bị gọi là “con phe”.
Một loại người buôn nữa lần lần tái xuất giữa Hà Nội là chủ các quán cóc, bán nước chè chén, thuốc lá cuộn, rượu “cuốc lủi”, kẹo lạc, kẹo bột… bao giờ ngồi bán hàng cũng là người già hoặc trẻ em trong độ tuổi học sinh. Sau này dân gian tổng kết: đây là loại hình “buôn chết rét, lãi quan viên”: không thể ngờ bà cụ ngồi cạnh cổng trường bán mấy chiếc kẹo vừng với mấy mớ ổi xanh táo xanh lại nuôi nổi một gia đình bốn năm miệng ăn, hơn đứt lương anh công chức ba cọc ba đồng! Nghịch lý nghề buôn có lẽ cũng là sức hấp dẫn của nó, hệt như bí ẩn của những mảnh ruộng 5% đã gợi ý cho “khoán chui”, “khoán hộ”.
Ngồi bán quán thì tất nhiên là có địa chỉ xác định, cán bộ phường biết rõ họ tên; trong khi đó, đám người bị gọi là “con phe” đứng đường thì luôn luôn mang tính chất ẩn danh, – rất khó biết họ thực sự là ai. Tại chỗ họ đứng săn hàng bán hàng, nếu bị hỏi, họ sẽ có vô vàn cách nói, chẳng hạn, làm như mình chỉ tình cờ đứng đây hôm nay, chốc nữa sẽ đi ca, sẽ vào làm ca ba…, tóm lại, mình cũng là dân thợ, không phải con buôn. Tại khu phố, họ vẫn được xem như cán bộ sở A., nhân viên công ty B., nhưng chẳng ai biết đó là vai trò hiện tại hay là vai trò của hai ba năm trước; chỉ một vài người thật sự biết chuyện mới đôi khi lỡ buột mồm: “Vẫn đi làm ở sở ấy à? Sở nào? Có mà sở lừa!”
Nói “con phe” hay chủ quán cóc như là một vài kiểu dễ thấy nhất của hạng con buôn tự do “tiên phong” chui qua đêm dài bao cấp, thật ra chỉ là nói phần nổi, bởi họ có vô số kẻ đồng lõa và tiếp tay, ngay trong giới những người được ưu tiên ưu đãi đương thời. Các cửa khẩu đóng chặt, qua lại biên giới quốc gia chỉ có những người được nhà nước cử đi, vậy mà những thứ hàng ngoại vẫn thường khi xuất hiện chốn chợ giời, – chuyện ai buôn bán qua biên giới là quá dễ trả lời!
Như người ta nói, rồi mọi thứ đều có thời của nó. Sang những năm 1980s, dân “con phe” vừa tăng lên về số lượng – chứng cứ là số tụ điểm của họ tăng hẳn lên – lại vừa như có uy hơn. Ít ai còn nhớ sự việc có thật này: chính “con phe” là nhóm người đã phổ cập thời trang trên vỉa hè Hà Nội thời gian này! Diện các loại áo bay Nga, áo lông Đức, áo Natô… từ châu Âu đưa về, quần bò kính râm từ Thái đưa lậu sang, dám lần đầu khoác lên thân hình người nữ những màu chói gắt, những tấm áo bó chặt khoe đường cong thân thể, v.v… tất cả đều do “con phe” đưa ra khoe hàng trên các vỉa hè, khi mà tại Hà Nội có rất nhiều hội trường, rạp hát rạp chiếu bóng, nhưng hoàn toàn không có địa điểm nào cho trình diễn thời trang. Từ vỉa hè, các thứ mốt lặng lẽ và chậm chạp lan dần vào công sở. Son phấn, các thứ nước hoa, các thứ kem tô má tô môi bôi da, … cũng sống lại trên đất Hà thành theo cung cách đó.
Sau vài năm cao trào đổi mới, đến giữa những năm 1990s, lực lượng “con phe” có nhiều thay đổi; trong số họ có những người từ ẩn danh trở thành hiển danh, trưng họ tên chính cống mở công ty tư nhân, mang các chức danh giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, xuất hiện trước công chúng trong complet cravatte oai vệ như ngầm đua thời trang với các chính khách! – Không, không, nói vậy chứ chẳng dám đua tranh, ngược lại, rất sẵn sàng chụp ảnh cùng quan cỡ bự để in phóng chưng bày tại phòng khách nhà mình. Một số khác không thật hiển danh mà cũng không đến nỗi ẩn danh, tuy từ nay bị gọi chung là “cò”, làm đủ loại dịch vụ phức tạp hơn hẳn công việc của các “con phe” thuở xưa, nào môi giới đưa bệnh nhân đến bác sĩ, đưa người tìm việc đến chủ thuê, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… Một số nhà báo – thức thời hay xu thời chả biết – vội vã dùng từ “doanh nhân” thay cho từ “doanh gia” vốn đã có từ cuối thế kỷ XIX.
Trong xu thế tự do kinh doanh thời nay, nhà nhà mặt phố đều mở cửa bán hàng, ai ai cũng có thể là nhà buôn, ngoài việc chịu thuế ra chẳng có chuyện gì ngượng ngùng đáng dấu diếm nữa, tưởng như “con phe vô danh” không còn, vậy mà đôi khi lực lượng này vẫn tái xuất hiện, chẳng hạn trước cửa sân vận động, cửa rạp hát khi có trận bóng hay hoặc khi có suất diễn được cho là khá, vé ít nhiều “sốt”…
Có điểm đáng chú ý là xưa cũng như nay, thị dân Hà Nội thường không vì nghề buôn đang thịnh mà quên đầu tư cho tiềm năng về “trí” của con em; đứa nào học được sẽ được học cho đến hết mức cố gắng, nếu được thì cho đi du học, mai sau có danh mà lợi ắt cũng có; đứa nào sức học vừa phải, sẽ được tìm tới những chỗ làm vừa sức; đứa nào sức học yếu, mạnh chân tay hơn đầu óc, thường sẽ vất vả hơn khi tìm việc làm, tìm chỗ đứng, xưa kia đi đạp xích-lô, nay đi chạy xe ôm, làm bảo vệ các cửa hàng cửa hiệu khách sạn đóng tại phường mình hay phường bên cạnh… Một gia đình ba bốn thế hệ họp mặt, thế nào cũng đủ hầu hết các thành phần; ngay khi được hàng phố trầm trồ “nhà ấy đại trí thức đấy” thì nhẩm tính cũng chỉ có người ông nội hay người chú có đỗ bằng cấp gì đó ở nước ngoài, còn lại đều có qua hay chưa qua đại học, cao đẳng trong nước, lại có cả những thành viên chưa qua hết phổ thông.
Dân viên chức ở đô thị ngày nay, tư chức đông không kém công chức. Công chức cấp cao thì coi như quan rồi, thời bao cấp xưa cũng như thời nay đều được ở nhà công, biệt thự hẳn hoi; lương tháng nghe nói không cao lắm, nhưng sinh hoạt cách biệt hẳn với các cấp dưới, đi lại có xe riêng đưa đón, không họp hành, tham quan nước ngoài hoặc công cán tỉnh xa thì cũng đi đánh golf, đi pic-nic, họp mặt chơi bời với các hạng “quan” đồng cấp hoặc doanh gia cỡ đại…
Dân công chức trung cấp trở xuống, thời bao cấp là chuyên viên ở các bộ hoặc cơ quan tương đương, lúc về hưu leo hết 9 bậc chuyên viên là tương đương thứ trưởng, được phân nhà riêng, không phải biệt thự mà thường chỉ là căn hộ trong các khu nhà tập thể. Thời “hậu bao cấp” ngày nay, trong đám thường thường bậc trung này có thêm giới khoa học, giảng viên đại học, chuyên viên tại các viện nghiên cứu,… Quen biết nhiều người trong giới này, tôi dần dà nhận thấy, như một “nguyên lý”: người thị dân loại này, dù mức lương công chức viên chức là tạm đủ cho sự ăn sự mặc, họ vẫn không đoạn tuyệt với “nghề nghiệp” buôn bán!
Thật thế. Thời du học sang Nga hay Đông Âu kiếm tấm bằng “phó tiến sĩ” về nước để có chỗ làm vững chắc, họ đã “vừa học vừa … buôn”, lăn lộn khắp các loại cửa hàng lớn nhỏ nước người để gửi về nhà từng thùng hàng gồm đủ thứ, từ dây may-so đến thuốc lá, quạt điện, phích đá, máy khâu, máy mài, tủ lạnh… tức là tất tật những thứ gì đem bán trong nước sẽ có lãi; bên nhà thì gửi sang quần bò, áo phông, kính râm, túi du lịch, những hàng hóa có nguồn từ Thái Lan,… rồi bột nghệ, túi cói làn cói chiếu cói “đặc sản” quê nhà … tức là tất thảy những thứ có thể bán cho dân Nga và Đông Âu thuở ấy cũng đang thời bao cấp. Đối với anh nghiên cứu sinh nhà nghèo thuở bấy giờ, vợ con bên nhà đang thật sự đói ăn thiếu mặc, thì những việc buôn bán cho dù có làm “chân dung” anh ta và giới anh ta nhếch nhác đi ít nhiều, vẫn là điều có thể hiểu được.
Sang thập niên đầu thế kỷ XXI, phần lớn những người nguyên là nghiên cứu sinh kia đã là cán bộ đầu ngành các khoa các trường các viện trong nước, mỗi dịp từ thủ đô đi tới các tỉnh thành lớn là có vô số học trò kéo đến gặp thăm nom hỏi han, mà học trò của họ không chỉ là học trò: đó có khi là chánh phó giám đốc sở này sở kia, xoàng ra cũng là giảng viên trường cao đẳng, vẫn ngầm chịu ơn thầy đã hướng dẫn hoặc phản biện hoặc tham gia hội đồng chấm cái luận án năm nọ, nhờ tấm bằng ấy mà được giữ những chức này chức khác.
Oai phong, danh giá thật đấy, nhưng trong túi thì cũng vẫn nhẹ tênh. Lương tuy tạm đủ ăn đủ mặc, nhưng chẳng dư giả gì mấy. Mỗi năm hướng dẫn mấy cái luận án sau đại học, mỗi cái theo quy định ngân sách chỉ chi cho thầy hướng dẫn không quá 3 triệu đồng, trải ra trong 3 năm hoặc nhiều hơn; mỗi năm phản biện chừng mươi luận án, mỗi cái được ngân sách cho vài trăm ngàn đồng; có ngồi hội đồng các cuộc bảo vệ luận án tiến sĩ thạc sĩ đi nữa, ngân sách cũng chỉ cho thầy thêm chừng một trăm ngàn mỗi cuộc. Trong số các nghiên cứu sinh, đôi khi có người mang tới biếu thầy chút quà, trị giá từ dăm bảy trăm ngàn đến dăm ba triệu, nhưng cũng có anh học trò nhe răng cười trừ với thầy. Giáo sư H. hay kể chuyện một nghiên cứu sinh vừa viết luận án vừa buôn rượu từ quê ra phố, lúc “bảo vệ” xong cái phó tiến sĩ, bèn xách một can rượu đến phòng thầy, tưởng nó loay hoay cái gì, hóa ra nó bảo, thầy có cái chai nào em rót mời thầy nếm một chút vị men quê em, mà xưa nay mình có uống được đâu! Hẳn đấy là một ca ít nhiều “cá biệt” khiến thầy nhớ lâu đến thế, chứ trong đời hẳn không nhiều kẻ học trò “mắt trắng” thế đâu.
Không đến nỗi “tiếng cả nhà không”, nhưng là viên chức hạng trung thì chẳng giàu có gì, mà nhu cầu tiêu pha thì không hề nhỏ, xét theo tiềm năng phát sinh. Lễ lạt bạn bè họ hàng, đám hiếu đám hỉ, – là chuyện thường ngày; cái quan trọng hơn là phải dự trù những món lớn, khi cần phải “chạy”, chẳng hạn, đứa con sẽ đi du học nước ngoài, hoặc ông chồng sẽ đứng trước cơ may lên chức, – những món phải tính bằng trăm triệu đồng hoặc chục ngàn đô, không trù liệu từ trước thì cầm chắc sẽ bỏ lỡ cơ hội. Tạo nguồn dự trữ bằng cách nào là câu chuyện riêng từng gia đình, nhưng chung quy khó nằm ngoài công việc buôn bán. Không phải buôn bán nhỏ lẻ hàng ngày, nhưng tựu chung vẫn là buôn bán, mà “mặt hàng” thông thường lại chính là nhà ở, đất ở.
Những thanh niên thanh nữ từ vùng xa đến Hà Nội, ban đầu thường ở trong các ký túc xá sinh viên, ra trường đến nhận việc tại một cơ quan nào đó sẽ được bố trí đến ở trong nhà tập thể; lúc lấy vợ lấy chồng, may mắn thì được ở nhờ nhà bố mẹ bên chồng hoặc bên vợ, không được thế thì ban đầu thuê nhà, lần hồi sẽ có nhà riêng, do cơ quan chia cho, hoặc do tự mua lấy. Từ căn hộ nhỏ người ta sẽ đổi sang căn hộ rộng hơn. Cái chu trình thay đổi chỗ ở của người viên chức đô thị gần như đã gợi ý cho mỗi người thuộc giới này chuyện buôn bán nhà cửa.
Trên danh chính ngôn thuận, thời bao cấp, không có chuyện mua bán nhà ở, tuy trong thực tế nó vẫn xảy ra, với những giấy tờ viết tay chỉ có giá trị đối với hai bên liên quan; thời ấy chỉ thường nghe các chuyện phân phối nhà ở, với những từ mô tả “chiến tranh nhà cửa” làm sôi động đời sống một cơ quan mỗi khi có đợt phân nhà. Sang thời “hậu bao cấp”, việc mua bán nhà trở nên công nhiên, và khi chưa xuất hiện các công ty môi giới nhà đất chuyên nghiệp thì tham gia mua bán nhà đất là việc của bất cứ ai; viên chức đang tại chức là một lực lượng đáng kể.
Một ông bạn từng có lúc làm việc cùng cơ quan với tôi, suốt đời là một dịch giả, cả khi làm việc ở nhà xuất bản hay khi ở viện nghiên cứu, vài năm lại có một cuốn sách được in; nhưng có gần anh mới biết ở anh đầy ắp những thông tin nhà đất; thành thử, năm nay nghe nói nhà anh ở phố này, năm sau lại được biết đã chuyển sang phố khác; mua để ở một vài năm rồi bán lại, hoặc mua rồi sửa sang rồi bán lại, chẳng có vẻ gì là buôn bán mà thực ra chính là buôn bán, … mọi thứ diễn ra tự nhiên như kết thúc một đoạn văn dịch rồi đặt bút chấm xuống dòng!
Nói ra thì khó tin, nhưng trải qua mấy năm đầu “hậu bao cấp”, tức là đầu những năm 1990, một loạt cán bộ nghiên cứu viện nọ viện kia mượn cớ dành thời gian viết luận án sau đại học để ít lui tới cơ quan, nhưng thực ra chăm chuyện buôn hơn chuyện nghề. Mươi năm đi qua, họ giàu lên rõ rệt, đổi đời rõ rệt, nhiều người có biệt thự, trang trại, mà cái luận án tiến sĩ cũng hoàn thành, lễ bảo vệ, nếu muốn, sẽ “hoành tráng” với hàng trăm người dự, luôn thể khổ chủ chiêu đãi toàn viện, cũng chẳng đáng là bao!
Vài ba năm trước, một lần tôi đến thăm một anh bạn từng học cùng trường ở tỉnh lẻ, đang bị bệnh nặng. Bên giường bệnh, bọn tôi nhắc lại chặng đường đã qua, anh học xong ở lại dạy ở một đại học miền trong, dăm năm sau mới được gọi về Bộ; nhưng rồi anh không thành một quan chức quản lý, cũng không theo nghiệp nghiên cứu, mà xin về dạy một trường điểm ở thủ đô và đứng vững trong nghề luyện thi; bạn bè có con sẽ thi đại học luôn tin tưởng gửi cho anh. Hôm ấy, hình như anh cảm thấy đang trải qua những ngày tháng cuối đời nên anh “tự bạch” cả những việc ai cũng ngại hỏi. Hạ thấp giọng, anh bảo, vài chục năm vừa dạy vừa luyện thi, bây giờ tạm nằm đây, mình nhẩm tính những thứ mình có: căn hộ đang ở này (căn hộ ở khu tập thể cũ), một căn nữa ở nhà cao tầng Trung Hòa Nhân Chính, hoàn thiện xong sẽ cho thuê này, một mảnh đất gần trăm mét vuông trong làng ven đê La Thành này, với lại chừng 4 tỷ tiền gửi ngân hàng nữa. Tất cả có thế thôi, không có quyển sách nào cả, dù bài vở luyện thi soạn sẵn thì nhiều, cũng có “đứa” bảo sẵn lòng in giúp! – Anh thở dài, chẳng ra mãn nguyện hay chua chát.
So với các vùng làng quê với cư dân ổn định, đời nọ nối đời kia ở yên một chỗ, thì đô thị là nơi cư dân biến động thường xuyên. Một bộ phận đáng kể di dân là những người tới đô thị làm viên chức. Nhưng làm viên chức ở đô thị không phải là nghề có thể “truyền” lại cho con cháu như nghề nông ở làng quê. Khi lương viên chức không đủ nuôi gia đình, người đang làm viên chức đã phải tính kế làm thêm, buôn bán thêm. Đến đời con đời cháu, nếu không tìm được việc làm trong nghề viên chức như cha mẹ, chắc chắn những đứa con sẽ làm những nghề buôn bán gì đó để tiếp tục sống ở đô thị chứ rất ít khi quay về quê cha làm nghề nông.
Thị dân, nhất là thị dân ở những đô thị lớn như Hà Nội, luôn mang trong mình tố chất viên chức và tố chất con buôn, – hai nét bổ sung nhau, làm nên chân dung người thị dân, xưa kia cũng như hiện tại.
Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Tags: Hà Nội, Hoài niệm, Kinh doanh - Sản xuất, Lao động - việc làm