⠀
Vị vua Việt đầu tiên thực thi quyền ‘bình đẳng giới’ bằng pháp luật
Triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) là triều đại cực thịnh của phong kiến Việt Nam, phát triển đến mức hoàn bị theo hướng chuyên chế. Mọi thiết chế, luật lệ đều tuân theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo. Tuy vậy, có những điều lệ trong bộ luật Hồng Đức được Lê Thánh Tông coi trọng, dành sự ưu tiên quyền “bình đẳng giới” cho phụ nữ. Đây là điều hiếm thấy trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Lê Thánh Tông (1442 – 1497), tên húy là Tư Thành, là vị vua có công đưa chế độ phong kiến Việt Nam phát triển lên đỉnh cao trong lịch sử. Dưới sự trị vì của Lê Thánh Tông xã hội phát triển ổn định, hòa bình, nhân tài được trọng dụng, chế độ bang giao với nước ngoài thu được nhiều thành tựu, giúp cho đất nước ngày càng thịnh trị, cương vực lãnh thổ ngày càng được mở rộng.Lịch sử đã đánh giá rất cao tài năng, đức độ của Ông, cũng như những việc ông đã làm được cho nhân dân, đất nước. Trong đó, việc Lê Thánh Tông cho sưu tập những điều luật đã ban hành rồi bổ sung thêm và hệ thống hóa thành bộ “Quốc triều hình luật” hay còn gọi là luật Hồng Đức nổi tiếng là đáng nói hơn cả. Theo “Hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, luật Hồng Đức gồm 722 điều phỏng theo luật nhà Đường, nhà Minh và những điều thực tế ở nước ta (328 điều dựa vào thực tế đất nước để ban thành điều luật) được in năm 1777; bao gồm nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: Lĩnh vực luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân-gia đình, luật hành chính v.v.. Những điều luật này tồn tại lâu dài và trở thành “lệ làng” ăn sâu trong đời sống nhân dân về sau.
Trong những điều được ghi trong luật Hồng Đức, Lê Thánh Tông cũng chú ý nhiều đến phụ nữ, điều rất hiếm thấy trong các bộ luật phong kiến, nhất là phong kiến Á Đông. Nhiều điểm đáng chú ý, và rất tiến bộ:
“ Về măt hôn nhân, ngay từ khi sắp sửa lấy chồng, người con gái được hỏi ý kiến xem có bằng lòng thì hôn thú mới thành. Đôi bên trai gái đã bằng lòng lấy nhau song chưa tới kỳ thành hôn mà người con trai bị ác tật hay phạm hình hoặc phá sạch gia sản, người con gái có thể trình quan làm bằng, đem gia sản sính lễ, không lấy nữa. Người con trai nào trái lệnh, cố ý bắt ép sẽ bị trượng 80 gậy. Trái lại nếu người con gái mắc tật hay phạm hình mà pháp luật không truy thì người con trai không được bỏ”.
Hay như: “ Người con gái đã xuất giá vẫn được hưởng quyền lợi bên nhà bố mẹ đẻ mà lại không bị liên can tội vạ. Chẳng hạn người con gái lấy chồng rồi mà bố mẹ đẻ mắc trọng tội, không bị sung làm quân nô tì nữa”.
“ Tài sản của cha mẹ để lại trừ một phần hai mươi là của hương hỏa còn lại bao nhiêu chia đều cho các con, phần con trai, con gái đều nhau. Nếu không có con trai, người con gái được nhận cả phần hương hỏa”.
“ Người đàn bà đã lấy chồng, dù làm kế và không có con vẫn có quyền lợi…”
Đối chiếu với những điều lệ “thất xuất”, với quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, thì bộ luật Hồng Đức quả là tiến bộ vượt bậc. Điều này phản ánh vai trò của phụ nữ trong đời sống lúc bấy giờ, đặc biệt là trong thời kỳ chống Minh. Nhưng mặt khác Lê Thánh Tông rất sáng suốt khi thừa nhận những quyền lợi đáng được hưởng của người phụ nữ, khác hẳn với các triều khác mà luật lệ thường bị tư tưởng “nam tôn, nữ ti” trói chặt.
Có thể nói Lê Thánh Tông là vị vua minh quân sáng ngời mà đất nước Đại Việt đã sinh ra. Dù trên cương vị là người đứng đầu đất nước, song những việc nhỏ đến việc to lớn, mà có lợi cho dân, cho nước Ông đều kiên quyết làm, tất cả vì mục tiêu “vì nước vì dân”. Lê Thánh Tông mất ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tị (1497) để lại muôn vàn tiếc thương cho đời. Mọi thế hệ người Việt Nam sau này vẫn luôn luôn ngưỡng mộ, tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao của vị vua Lê Thánh Tông – một đấng vua minh quân toàn tài mưu lược và đầy khí phách của thế kỷ XV.
LƯƠNG ĐỨC HIỂN
Tags: Công bằng xã hội, Vua chúa Việt Nam, Luật pháp, Lê Thánh Tông, Nhà Hậu Lê, Phụ nữ, Giới tính