⠀
Vì sao người dân Hungary chọn ‘nhà độc tài thân Nga’ Viktor Orban?
Orban đã và đang trở thành một cái gai trong mắt chính các đồng minh phương Tây của Hungary nhưng chính việc trở thành cái gai ấy của ông lại đang chứng tỏ một cách hữu hiệu với các quốc gia khác về một thái độ cần có ở giai đoạn chính trị thế giới vô cùng phức tạp như hôm nay.
Tác giả: Nhà báo Hà Quang Minh.
“Một quốc gia Mafia” – nữ ký giả Kati Marton của hãng tin ABC đã viết như thế về chính phủ của Viktor Orban ở Hungary sau khi ông Orban thắng cử để lần thứ tư liên tiếp (và là lần thứ 5 trong sự nghiệp) giữ cương vị thủ tướng. Các cáo buộc xoay quanh việc Orban khống chế truyền thông Hungary đã được đưa ra và phương Tây nhận xét về cuộc bầu cử này là “gian lận và phi dân chủ”. Bằng chứng vững chãi nhất của họ là chuyện đối thủ chính trị của Orban là Péter Márki-Zay đã chỉ có đúng 5 phút trên đài truyền hình quốc gia trong suốt quá trình vận động tranh cử của mình. Kati cho biết, ở Hungary, các nhà báo bất đồng chính kiến sẽ không bị bắt giam nhưng họ chắc chắn sẽ không được làm việc nữa. Lối kể chuyện của Kati cho thấy chính quyền Orban mang bản chất độc tài và chắc chắn đi ngược lại các giá trị dân chủ và tự do mà phương Tây theo đuổi.
Nhưng thực tế, câu chuyện tranh cử, truyền thông bất đồng chính kiến có hẳn là như những gì Kati kể lại với bạn đọc của mình hay không? Thời đại hôm nay đã không còn như cách đây 12 năm, khi Orban lần thứ hai thắng cử thủ tướng (nhiệm kỳ đầu của ông là 1998-2002) sau 10 năm rời chiếc ghế ấy? Bây giờ là thời đại của truyền thông mạng xã hội. Zelensky đã thắng cử tổng thống Ukraine nhờ vào mạng xã hội. Người dân Hungary không phải là những con cừu ở một quốc gia bị cấm đoán ngặt nghèo đến mức không thể tiếp cận thông tin đa chiều. Và các nhà báo bất đồng chính kiến của Hungary vẫn thường xuyên viết bài cho những tờ như Washington Post, BBC, CNN, ABC đấy thôi. Tiếng nói của họ vẫn cất lên và vẫn được người Hungary tiếp nhận. Thậm chí, ngay cả một người như Andras Biro-Nagy, giám đốc viện nghiên cứu giải pháp chính sách Hungary, khi có ý kiến riêng khách quan (nhưng có thể bị xem là trái chiều đối với chính quyền Orban), vẫn có thể viết một bài rất dài cho tờ The New York Times để chỉ trích ngay sau khi có kết quả bầu cử. Ở phương diện này, không thể đổ lỗi cho sự thao túng của Orban đơn thuần mà cũng cần phải nhìn lại sự yếu kém của liên minh cánh tả trong cuộc đấu chính trị với liên minh cánh hữu của Orban.
Có một chi tiết khá thú vị là kể từ những năm đầu tiên tham gia chính trường, Viktor Orban chưa bao giờ ngừng đeo chiếc cà vạt màu cam, màu của đảng Fidesz. Chỉ duy nhất 1 lần ông đổi màu cà vạt là hồi 2011, khi ông phát biểu ở Nghị viện châu Âu. Lúc ấy, chính phủ Hungary bị châu Âu chỉ trích là một quốc gia chống dân chủ mạnh mẽ và Orban lập tức chọn chiếc cà vạt màu xanh EU như một thông điệp ngầm. Vậy mà ở đợt tranh cử lần này, Orban không đeo chiếc cà vạt may mắn màu cam một lần nào. Chỉ khi thắng cử, ông ta mới xuất hiện trở lại với chiếc cà vạt ấy. Chi tiết nhỏ đủ cho thấy sự tự tin của Orban và cả sự kiêu hãnh ngầm mà ông hướng tới Péter Márki-Zay.
Ngay sau khi thắng cử, Orban tuyên bố một quyết định khiến cả châu Âu lẫn Mỹ phải rúng động. Đó là Hungary sẵn sàng trả cho Nga tiền mua dầu khí bằng đồng rouble theo đúng yêu cầu của Nga. Ai cũng biết, mối liên hệ mật thiết giữa Orban và Putin là như thế nào. Việc Orban làm đủ khiến NATO phải suy nghĩ đau đầu khi Mỹ và châu Âu muốn tăng cường thêm trừng phạt lên Nga. Vậy mà Hungary, một quốc gia thành viên NATO từ 1997 và thành viên EU từ 2003, lại thẳng thừng đi ngược lại mệnh lệnh chung từ Biden.
Orban đã và đang trở thành một cái gai trong mắt chính các đồng minh phương Tây của Hungary nhưng chính việc trở thành cái gai ấy của ông lại đang chứng tỏ một cách hữu hiệu với các quốc gia khác về một thái độ cần có ở giai đoạn chính trị thế giới vô cùng phức tạp như hôm nay. Và Hungary thực tế cũng đã thi hành chính sách của mình một cách vô cùng khôn ngoan suốt nhiều năm qua mà nhờ vào đó, khó ai có thể phủ nhận được rằng Orban đã chèo lái con tàu rất tốt. Hungary được xem là một nước cỡ “nhỏ và trung bình” trên bản đồ chính trị châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung. Nhưng Orban, đúng như hiệu triệu tranh cử của mình thời 1998 đã đánh thức được người Hung về một lịch sử hào hùng có thật của họ thông qua một slogan đơn giản “Dám trở nên vĩ đại”.
Ở nhiệm kỳ đầu của mình, Orban nhận về một Hungary sắp rơi vào tình trạng phá sản. Nhưng từ 1998-2002, ông ta đã cứu được cái con tàu sắp phá sản ấy và tạo ra lộ trình để người kế nhiệm là Peter Medgyessy đưa Hungary vào EU. Bước sang nhiệm kỳ thứ hai của mình, Orban tiếp tục nhận về một Hungary kiệt quệ lần nữa sau khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008. Và ông ta đã không làm cho quốc gia ấy chìm đắm vào vỡ nợ như Hy Lạp. Còn ở nhiệm kỳ vừa rồi, hai năm dịch bệnh đã hoành hành toàn cầu và Hungary chính là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên mở cửa sớm nhất. Orban cho tiêm vaccine toàn dân rất sớm và ông ta dùng hơn 90% là vaccine Tàu. Tất nhiên, Hungary của Orban vẫn còn đầy rẫy những khó khăn mà điển hình là lạm phát. Nhưng cơ bản, ông đã tạo lập được một Hungary ở vị thế rất “cây tre” là “Nga cũng chơi thân và phương Tây cũng chơi thân”. Với Orban, một người theo chủ nghĩa quốc gia, cứ chính sách ngoại giao nào có lợi cho Hungary thì lựa chọn.
Thực chất, sau khi đã đạt mục đích vào NATO sớm và vào EU, nhiều người tưởng rằng Hungary sẽ ngả hẳn về phương Tây. Tuy nhiên, chỉ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chính sách của Hungary đã chuyển hướng mạnh mẽ. Họ lựa chọn thêm một đường đi mới được gọi tên là “Mở cửa về Đông” (Eastern Opening Policy). Orban cho rằng đây chính là con đường hiện đại khi ông ta nhận thấy dân chủ tự do đã trở nên lỗi thời trong việc kiến tạo một quốc gia, đặc biệt là khi dân chủ tự do không thể ứng phó được trước các thách thức thời đại. Ở việc lựa chọn “Mở cửa về Đông” này, thực tế Orban không chỉ coi nó là một chính sách mà còn xem đó là một lý tưởng. Ông ta bị ảnh hưởng khá mạnh bởi ý tưởng của chính trị gia Nga Vladimir Surkov và nhà lý luận Nga Alexander Dugin. Học thuyết chủ nghĩa Á – Âu (Eurasianism) của cặp bài trung Nga này thực tế không mở ra hay đào sâu thêm các khác biệt Đông – Tây cổ điển mà cố gắng định hình lại một trung tâm thế giới là cả đại lục địa Âu – Á. Orban tìm ra cách định vị Hungary trong bối cảnh ấy. Ông muốn xây dựng một quốc gia độc lập cao, tự chủ cao, giao thương đa dạng đối tác và tận dụng bất kỳ cơ hội nào. Và để bảo vệ sự sống còn của Hungary, Orban có những chính sách mà cơ bản nhìn vào ban đầu có vẻ đi ngược lại các giá trị phương Tây vẫn rao giảng. Điển hình là chuyện Hungary đóng cửa cực kỳ chặt chẽ trước làn sóng tị nạn và nhập cư. Lựa chọn của Orban đã đúng khi cuộc khủng hoảng tị nạn 2015 nổ ra. Hungary an toàn trong bối cảnh nhiều quốc gia oằn mình với gánh nặng này. Và khi nước Anh quyết định đi tới cuộc ly hôn EU mang tên Brexit cũng một phần từ gánh nặng nhập cư này, chúng ta mới hiểu rằng Orban khôn ngoan đến nhường nào.
Trong cuộc tranh cử vừa rồi, thực tế liên minh cánh tả đã chủ quan khi đánh giá về Orban thì đúng hơn. Họ xoáy sâu trọng tâm rằng Orban và đảng phái của ông ta chủ trương phi dân chủ và phi tự do và cách thức vận động ấy giúp họ gặt hái được cử tri từ Budapest và các đô thị lớn. Nhưng Fidesz của Orban lại giữ rất vững trận địa là những vùng nông thôn Hungary, và Orban cũng chọn được trọng tâm cho cuộc tranh cử của mình. Đó chính là cuộc chiến ở Ukraine và đời sống người dân Hungary trong bối cảnh một cuộc chiến như thế.
Chủ trương của Orban cùng Fidesz lần này là “Bảo vệ”. Ông ta nhấn mạnh vào hai điểm “hoà bình và an ninh” và cho thấy rằng nếu như phe liên minh cánh tả thắng cử và Péter Márki-Zay lên làm thủ tướng, sự thân thiết quá mức với phương Tây cũng như thái độ chống Nga rõ rệt của cánh này có thể sẽ kéo Hungary sa đà vào chiến tranh. Đây là một thông điệp rất giá trị và rõ ràng. Không một người dân nào lại không muốn sống trong một quốc gia hoà bình và an ninh cả. Và bất kỳ nguyên thủ nào đẩy nhân dân mình vào một cuộc chiến có thể tránh khỏi, nguyên thủ ấy chắc chắn có tội với lịch sử. Orban cho người Hungary cảm giác họ đang được chính phủ bảo vệ cả trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội và đó mới là mấu chốt của việc Orban thắng cử. Chuyện thao túng truyền thông hay mafia chính trị như cáo buộc (nếu có) thật ra chỉ là chi tiết nhỏ.
Song song với thông điệp “bảo vệ”, Orban có những điều chỉnh mà người dân Hungary hài lòng. Đó là những điều chỉnh về an sinh xã hội ví dụ như hoàn thuế thu nhập cho các gia đình có con, miễn trừ thuế thu nhập cá nhân cho người dưới 25 tuổi, tăng lương tối thiểu, phát tháng lương thứ 13 cho hưu trí, ổn định giá nhiên liệu và thực phẩm. Trong khi đó, đối thủ chính trị của ông có gì trong tay? Họ chỉ xoáy vào cá nhân ông, với câu chuyện Hungary đã trở thành một quốc gia phi dân chủ, chống lại các định chế của châu Âu, chống lại các tổ chức phi chính phủ, chống lại IMF, chính sách thắt lưng buộc bụng, thái độ chống lại cộng đồng LGBT và cả những đối sách về vấn đề tỷ phú gốc Hung George Soros. Kết quả thì đã rõ nhưng liên minh cánh tả thật ra không nhận ra rằng trong suốt thời gian qua đã có tới hơn 1 triệu đảng viên của các đảng liên minh cánh tả rời bỏ đảng của mình. Cơ bản, họ không nhìn thấy ở Péter Márki-Zay và cộng sự một chính sách nào có thể giúp Hungary tốt hơn so với hiện trạng gắn liền với Orban.
Khi Orban quyết định vẫn trả Nga tiền mua nhiên liệu bằng đồng rouble, đó chính là cách ông ta không để Hungary sa đà vào cuộc chiến. Hungary không muốn sẽ rơi vào tinh trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng và cấu trúc bình ổn giá nhiên liệu hiện nay của họ bị phá vỡ. Đó là một cách mà Orban phòng thủ cho nền kinh tế của mình. Đáp lại, phía Ukraine tiếp tục chỉ trích Orban nặng nề. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Ukraine, Oleg Nikolenko, cho rằng “trong bối cảnh Nga bị trừng phạt hiện nay, việc thanh toán bằng đồng rouble là để giúp Nga cứu vãn nền kinh tế của mình. Quân đội Nga cần nguồn lực để duy trì cuộc chiến xâm lược Ukraine. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi nhìn nhận việc chấp nhận thanh toán bằng rouble là tự đặt mình vào vị thế không thân thiện với Ukraine. Những phát biểu như vậy (ám chỉ lời của Orban) cũng chống lại sự thống nhất của EU”.
Sự hờn trách của Ukraine thật ra không khiến Orban quá bận tâm. Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto, khẳng định “Sẽ tốt hơn nếu như Ukraine đừng liên tục can thiệp vào chuyện nội bộ của Hungary. Họ muốn được giúp đỡ nhưng song song đó thì tấn công chúng tôi một cách rất đê tiện và tạo ra những luận điệu không thể chấp nhận được”. Song song đó, điều Orban làm là gì? Qua hội đàm điện thoại, ông ta mời cả Putin lẫn Zelensky đến Budapest để đàm phán. Putin đã đồng ý với một số điều kiện nhất định. Lời mời này cũng được gửi tới cả tổng thống Pháp và thủ tướng Đức. Nếu cuộc hội đàm này có thể diễn ra thật, vị thế Hungary liệu có khác?
Trước đó, trước làn sóng chỉ trích rằng Orban quá thân Nga, ông tuyên bố rất mạch lạc rằng “Đây là một cuộc chiến mà Nga xách động và họ tấn công Ukraine. Hungary, trong vai một thành viên NATO, có quan hệ hiện thời với Nga là đối đầu. Phía Nga cũng trao đổi với chúng tôi như vậy, họ gọi mối quan hệ hiện thời là không thân thiện. Nhưng họ không hề đòi hỏi chúng tôi phải làm gì cả. Họ chấp nhận việc chúng tôi với họ lúc này là đối đầu”. Tuyên bố ấy không đủ để NATO nhìn nhận khác đi về Hungary. Các nước thành viên, đặc biệt là Ba Lan, đang nhìn Hungary như một kẻ lạc loài. Song, Orban có cần quan tâm hay không khi điều ông ta quan tâm nhất chỉ là vận mệnh của Hungary chứ không phải quốc gia nào khác.
Orban là kẻ thù của dân chủ Hungary hay chính là người đang mang lại các lợi ích cho Hungary? Phần trả lời của câu hỏi này là tuỳ nhận thức và đánh giá của mỗi người. Nhưng trong làn sóng chỉ trích ông ta từ phương Tây, không hẳn không có những tiếng nói khác mà chúng ta nên lắng nghe. Eva Vlaardingerbroek, nhà lý luận người Hà Lan đã nhận xét rằng “Orban là một hình mẫu để các nhà lãnh đạo phương Tây có thể học cách nâng niu các giá trị quốc gia”. Vlaardingerbroek cho rằng chuyện nói Orban thân Nga chỉ là cái cớ để đổ lỗi không hơn không kém. Và Vlaadingerbroek đã khẳng định rằng “Vấn đề là, câu chuyện (tái đắc cử) này không chỉ là chuyện riêng ở Hungary. Đó là một chọn lựa mà những người phương Tây chúng ta nên cân nhắc. Chúng ta hoặc là theo chân những người lãnh đạo chủ nghĩa toàn cầu, hoặc là lựa chọn tiến lên và bảo vệ tương lai của mình theo cái cách mà người Hungary đã và đang làm”.
Nếu tìm kiếm thông tin, các bạn có thể thấy Eva Vlaardingerbroek còn rất trẻ, mới 26 tuổi, và các bạn nhiều khi sẽ xem thường quan điểm của tiến sỹ luật và triết học này. Nhưng nên nhớ, Eva là đại diện cho thế hệ đang quyết định vận mệnh ở nhiều quốc gia và việc Eva từng làm việc ở Nghị viện châu Âu đủ cho thấy trình độ chính trị của cô không phải ít ỏi gì.
Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK
Tags: EU, Xung đột Nga - Ukraina, Dân chủ, NATO, Hungary