⠀
Về cuộc cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và Nga ở Trung Á
Mỹ không cần và không thể tìm kiếm thế thượng phong ở mọi nơi. Xét riêng yếu tố địa lý, có một số vùng mà ảnh hưởng của Mỹ sẽ kém hơn Nga và Trung Quốc. Phương án tối ưu dành cho Mỹ là tập trung vào trọng điểm thay vì dàn trải nguồn lực.
Khi Tổng thống Joe Biden kết thúc việc tham dự hội nghị G7 ở Hiroshima (Nhật Bản) mà trong đó Mỹ đã dàn xếp để cả nhóm G7 phản đối Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố một bản kế hoạch của riêng mình để đối phó lại. Sau một cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á ở Tây Bắc Trung Quốc vào tuần trước, ông Tập công bố kế hoạch thúc đẩy phát triển Trung Á bằng việc gia tăng thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng và giúp củng cố năng lực sản xuất quốc phòng và thực thi pháp luật của khu vực này. Điều này cho thấy vai trò của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể ở Trung Á.
Sáng kiến mới của Trung Quốc trong vùng Trung Á có khả năng tạo ra phản ứng lo ngại ở Washington, nhưng nỗi lo đó có thể là một sai lầm. Mỹ không cần và không thể tìm kiếm thế thượng phong ở mọi nơi.
Xét về riêng khía cạnh địa lý, Trung Á sẽ luôn là một vùng mà ảnh hưởng của Mỹ sẽ thấp hơn của Trung Quốc và Nga. Nếu cố tham gia cạnh tranh nước lớn ở đây, Mỹ sẽ làm phân tán sự chú ý và nguồn lực của mình khỏi những khu vực khác quan trọng hơn. Trong kịch bản tệ hại nhất, sự cố gắng đó có thể góp phần tạo ra bất ổn khu vực, thậm chí cả xung đột.
Lợi thế của Nga và Trung Quốc
Động thái đối phó của Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Á giảm dần sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan cũng như ảnh hưởng của Nga tại đây suy giảm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trung Á về mặt lịch sử là một trong các vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga, nhưng trong thập kỷ vừa qua, vùng này đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Năm ngoái, thương mại giữa Trung Quốc và Trung Á đạt mức kỷ lục là 70 tỷ USD, trong đó Kazakhstan đứng đầu với mức 31 tỷ USD.
Do Nga và Trung Quốc đã đạt được một dạng thức “hòa hoãn nước lớn” ở Trung Á, nơi Nga vào vai đối tác an ninh chính, còn Trung Quốc là đối tác kinh tế chính, nên cả hai không cạnh tranh lẫn nhau về ảnh hưởng. Tuy nhiên, cả hai nước này đều lo ngại về ảnh hưởng của Mỹ và sẽ đoàn kết mạnh mẽ với nhau để đối phó với Mỹ.
Ngoài ra, Nga và Trung Quốc đều lo ngại sự lan truyền của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa dân tộc tộc duệ – những yếu tố nhạy cảm với cả hai nước trong bối cảnh họ đều có các cộng đồng Hồi giáo thiểu số. Hơn nữa, mối lo ngại đó của Nga và Trung Quốc có lẽ cũng giúp Mỹ an toàn hơn, khi chính Mỹ cũng từng đối mặt với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Gói hỗ trợ tài chính hào phóng 36 tỷ NDT (tương đương 3,8 tỷ USD) mà Trung Quốc dành cho Trung Á tạo ra sự tương phản mạnh với mức khiêm tốn 50 triệu USD mà Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken dành cho vùng này trong chuyến công du tới đó cách đây 3 năm. Sự khác biệt lớn này phản ánh chính xác sự chênh lệch trong tầm quan trọng của vùng đối với Trung Quốc và đối với Mỹ. Trong khi G7 ra một tuyên bố chỉ trích cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông, Tân Cương và Tây Tạng thì các chính phủ Trung Á lại có vẻ hoan nghênh vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong vùng.
Trung Á đa dạng mối quan hệ, tránh cạnh tranh nước lớn
Cuối tháng 5, Trung Quốc bày tỏ “đặc biệt không hài lòng” với thông cáo do các nhà lãnh đạo G7 đưa ra. Trung Quốc cho rằng khối G7 “cản trở hòa bình thế giới và ngăn cản sự phát triển của các nước khác”.
Phản ứng của G7 và Trung Quốc cho thấy rõ sự đối đầu giữa một bên là phương Tây với một bên là Nga và Trung Quốc đang gia tăng và lan rộng khắp thế giới – cả hai bên đều ganh đua giành ảnh hưởng ở Nam Toàn cầu. Phản ứng của thế giới trước xung đột quân sự ở Ukraine cho thấy Nga và Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục Nam Toàn cầu nhìn nhận phương Tây như một thực thể “khai thác” các nước phi phương Tây vì các lý do mang lại lợi ích cho riêng phương Tây.
G7 đang thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Các gói trừng phạt này được thiết kế theo hướng giảm khả năng của Moskva lẩn tránh các lệnh trừng phạt thông qua các giao dịch với các nước ở Nam bán cầu. Nhưng nếu G7 trừng phạt các nước ở Nam bán cầu chỉ vì giao dịch với Nga thì họ sẽ càng khiến cho khu vực này phẫn nộ với Mỹ nói riêng và G7 nói chung.
Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng các nước ở Nam bán cầu sẽ hy sinh các nguồn thu nhập lớn của họ chỉ để phục vụ mong muốn của riêng Mỹ.
Trung Á là một khu vực mà Mỹ không nên cố gắng cạnh tranh giành thế thượng phong. Nga và Trung Quốc cho tới nay đã đầu tư vào khu vực này nhiều hơn Mỹ rất nhiều trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Tương lai cũng sẽ như vậy.
Nếu Mỹ khởi động cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở Trung Á, điều này sẽ chỉ biến khu vực này thành một cuộc đấu “có tổng bằng 0” giữa các đại cường mà trong đó Mỹ ít cơ giành được nhiều ảnh hưởng hơn Nga và Trung Quốc do hai nước sau gần gũi Trung Á về mặt địa lý. Đưa nhiều nguồn lực quý giá vào đây mà vẫn không vượt được Nga và Trung Quốc thì đó là sự đầu tư không khôn ngoan đối với Mỹ. Trên thực tế, các nước Trung Á đã áp dụng chính sách đối ngoại đa hướng đối với Trung Quốc, Nga và Mỹ, trong đó Mỹ nhiều khả năng chỉ đứng ở vị trí thứ 3. Chính sách đối ngoại này giúp Trung Á phát triển kinh tế mà không khuyến khích cạnh tranh nước lớn trong khu vực.
Nếu Mỹ gây sức ép yêu cầu các nước Trung Á đi theo mình, kết quả có thể ngược lại: Các nước đó lại ngả hẳn sang Nga và Trung Quốc.
Theo VOV / NATIONAL INTEREST
Tags: Trung Á, Nghiên cứu quốc tế, Trung Quốc, Mỹ, Nga