Vấn đề chủ quyền dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa

Chủ quyền là giá trị tối cao đối với mỗi dân tộc. Trong điều kiện toàn cầu hóa, khi một số cường quốc đã và đang nhân danh “toàn cầu hóa” để thực hiện chính sách đế quốc thì vấn đề chủ quyền dân tộc cũng mang những hình thức mới, sắc thái mới.

Vấn đề chủ quyền dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa

Tác giả: Đỗ Minh Hợp, Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng, Phòng Triết học phương Tây, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Triết học, số 5 (300), tháng 5/2016.

Toàn cầu hóa là một thực tại. Nó được luận giải theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người quan niệm toàn cầu hóa là quá trình vận động lịch sử mang tính khách quan và tất yếu. Không phản đối “tính tất yếu” theo nghĩa “bắt buộc phải chấp nhận” hàng loạt quá trình kinh tế, xã hội, văn hóa… đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, tác giả bài viết muốn nhấn mạnh và phân tích các phương diện chủ thể và chủ quan của toàn cầu hóa. Theo tác giả, toàn cầu hóa cần phải được hiểu là “chính sách”, tức là hoạt động của các chủ thể lịch sử cùng với động cơ và lợi ích riêng của họ. Xét từ góc độ này, toàn cầu hóa sẽ phá vỡ hàng loạt “gốc rễ” của nhà nước dân tộc, qua đó đe dọa chủ quyền dân tộc. Đây là hình thức hiện đại của chủ nghĩa đế quốc – chủ nghĩa đế quốc về văn hóa.

Chủ quyền là giá trị tối cao đối với mỗi dân tộc. Trong điều kiện toàn cầu hóa, khi một số cường quốc đã và đang nhân danh “toàn cầu hóa” để thực hiện chính sách đế quốc thì vấn đề chủ quyền dân tộc cũng mang những hình thức mới, sắc thái mới. Do vậy, hơn bao giờ hết, cần phải làm sáng tỏ vấn đề chủ quyền dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa có tác động sâu rộng đến tất cả các mặt đời sống của xã hội và các dân tộc trên thế giới. Từ phương diện đạo đức, những đánh giá về toàn cầu hóa đã phân tách thế giới thành hai luồng tư tưởng không khoan dung với nhau: Một bên là những người coi toàn cầu hóa như một trong những cái ác lớn nhất mà nhân loại đang phải đối diện và một bên là những người coi toàn cầu hóa như hy vọng duy nhất giải thoát thế giới. Một số người khác thì cho rằng, quá trình toàn cầu hóa là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc mới về văn hóa. Số khác nữa lại cho rằng, toàn cầu hóa mang nguyên mẫu của một sự cứu thế mới. Trong khi đó, những đánh giá về mặt chính trị đối với toàn cầu hóa tiến triển từ quan niệm coi nó như triển vọng nhân văn đến chỗ nhìn nhận nó như một quá trình siêu bóc lột.(*)

Tuy nhiên, theo chúng tôi, các quan niệm trên đều mang tính chất thái quá và lạm dụng sự kiện, luận chứng đánh giá các xu hướng phát triển mới của thế giới. Giống như mọi quá trình khác, toàn cầu hóa đang làm phức tạp thêm những mối quan hệ. Vì thế, mọi cách tiếp cận phiến diện trong nghiên cứu hiện tượng này là hoàn toàn không thích hợp, cả từ góc độ thực tiễn lẫn lý luận.

Một nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng, hiện tượng “toàn cầu hóa” luôn hiện diện trong khuôn khổ nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Họ chống lại quan niệm coi kinh tế như là cơ sở của xã hội và quyết định các mặt khác của đời sống xã hội, như văn hóa, xã hội, chính trị. Theo họ, trên thực tế, quá trình toàn cầu hóa xuất hiện không phải chỉ vào những năm 1970. Lịch sử cho thấy xã hội tư bản đã trải qua các giai đoạn mở cửa tích cực hoàn toàn có thể được coi là các giai đoạn toàn cầu hóa. Chẳng hạn, giai đoạn cuối thế kỷ 19, sau nữa là giai đoạn đóng cửa kinh tế, như đã diễn ra ở những năm 20 của thế kỷ 20(1).

Mặc dù còn tồn tại những đánh giá khác nhau về toàn cầu hóa, song người ta vẫn nhất trí rằng, giai đoạn lịch sử hiện nay là giai đoạn chuyển biến sâu rộng, thực sự chi phối mọi phương diện sinh hoạt của con người – từ công nghệ sản xuất và quản lý cho tới những giá trị của cá nhân. Nó gắn liền với tính bất định của tồn tại người, của việc lựa chọn các hình thức tồn tại chính trị, các chuẩn tắc đạo đức và pháp lý, với tính bất ổn về tư tưởng hệ. Do vậy, trạng thái hiện nay của thế giới còn được đánh giá là “thời đại bất định”(2).

Tương tự như vậy, mặc dù còn nhiều quan niệm khác nhau về nguồn gốc của toàn cầu hóa, song chúng ta vẫn có thể nhận thấy diễn tiến của toàn cầu hóa hiện đại gồm ba giai đoạn như sau: Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và kết thúc vào những năm 1970. Đặc trưng cho giai đoạn này là sự thống trị của tư tưởng về dân tộc, về nhà nước dân tộc, coi đó là đối tượng chính của các chính sách đối nội và đối ngoại. Số phận của mỗi dân tộc trước hết được quyết định ở bên trong quốc gia đó. Sự chu chuyển của tư bản và hàng hóa hoàn toàn chịu sự giám sát của nhà nước dân tộc và trở thành nhân tố quan trọng quy định sự thịnh vượng của mỗi dân tộc cũng như của thương mại quốc tế thời kỳ này. Vì thế, theo chúng tôi, để thấu hiểu các lĩnh vực sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hóa, quan hệ quốc tế giai đoạn này, cần phải xuất phát từ nhà nước dân tộc.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ những năm 1970 và kết thúc ở những năm cuối thế kỷ 20. Các quá trình toàn cầu ở giai đoạn này mang hình thức xuyên quốc gia thể hiện ở chỗ: Các công ty xuyên quốc gia đã vượt khỏi biên giới dân tộc, tổ chức các mạng lưới kinh tế và thương mại riêng của mình trên khắp hành tinh với nhiều chi nhánh ở các quốc gia khác nhau. Nhà nước dân tộc giờ đây không còn là chủ thể duy nhất của nền chính trị thế giới nữa, chủ quyền của chúng bị đe dọa.

Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ cuối thế kỷ 20. Đây là một bước nhảy vọt mới về chất trong sự phát triển của các quá trình toàn cầu. Nó chính thức được gọi là toàn cầu hóa. Nội dung của toàn cầu hóa cho thấy hệ thống lợi ích của các chủ thể trên hành tinh đã cấu thành một sự thống nhất mới, vượt lên trên các nhà nước dân tộc và có quy mô toàn cầu. ở đây nảy sinh vấn đề dân tộc ở các quốc gia khác nhau có nguy cơ mất chủ quyền và trở thành đối tượng thứ yếu của chính trị. Vì thế, để thấu hiểu đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa dân tộc giai đoạn này, cần phải xuất phát từ sự phân tích trên cấp độ thế giới. Theo chúng tôi, vấn đề căn bản hiện nay là cần phải xem xét toàn cầu hóa từ phương diện bản thể của nó, tức là toàn cầu hóa là gì, nó là một thực tại kinh tế mới hay chỉ là hệ tư tưởng? Nếu nhìn nhận từ góc độ nguồn gốc của toàn cầu hóa, thì cần phải trả lời rõ câu hỏi: Toàn cầu hóa là một quá trình khách quan hay là kết quả của chính sách có mục đích rõ ràng của các chủ thể nào đó?

Theo chúng tôi, toàn cầu hóa hoàn toàn không chỉ mang tính chất lịch sử, khách quan. Nó cũng không đơn thuần là quá trình xã hội, nếu chúng ta nhìn nhận nó như là kết quả của hàng loạt quyết định và hoạt động chính trị của thế giới ở cuối thế kỷ 20, thì toàn cầu hóa còn là chức năng của chính trị. Bằng chứng là chúng ta đang chứng kiến những “chính sách toàn cầu hóa” với tư cách là hiện thân những quyết định của con người.

Chính cách đặt vấn đề về bản chất của toàn cầu hóa thuần túy là một quá trình khách quan như vậy đã làm cho vấn đề số phận của nhà nước dân tộc trở nên đặc biệt gay gắt. Trên thực tế, nhà nước dân tộc đang trở thành chủ thể tích cực của quá trình xây dựng xã hội dân chủ và pháp quyền, hiện đại hóa xã hội. Theo Eisenstadt, có một “mã phát triển” ổn định, quy định tiến trình và các đặc điểm của quá trình toàn cầu hóa(3). Toàn cầu hóa không thể thủ tiêu hoàn toàn truyền thống với tư cách nhân tố định trước tiến trình và các đặc điểm của hiện đại hóa, thái độ trung thành của xã hội với các truyền thống biểu hiện ra là nhân tố ổn định hóa, đem lại tính chất bền vững và nhất quán cho hiện đại hóa(4). Còn A.Touraine cho rằng, thành công của hiện đại hóa phụ thuộc vào mức độ hòa nhập của nó với các đặc điểm văn hóa của dân tộc, số phận của văn minh nhân loại phụ thuộc vào sự thỏa hiệp giữa phát triển với tư cách mục đích phổ biến và văn hóa với tư cách sự lựa chọn giá trị(5).

Cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa, một trong các mâu thuẫn chủ yếu của thời đại – mâu thuẫn giữa quá trình toàn cầu hóa và nhà nước dân tộc – cũng trở nên gay gắt hơn. Toàn cầu hóa đe dọa nền tảng của nhà nước dân tộc, đồng thời nhà nước dân tộc cũng là trở ngại cơ bản đối với diễn tiến của toàn cầu hóa.

Có thể nói, mâu thuẫn căn bản của thời đại toàn cầu hóa là mâu thuẫn giữa các “dòng toàn cầu hóa” với “nguồn gốc” của nó. Triển vọng lịch sử đang cho thấy quá trình phá hủy dần dần “nguồn gốc”. Chẳng hạn, việc tước đoạt đất của nông dân làm cho họ đánh mất “nguồn gốc” truyền thống theo nghĩa tách biệt họ khỏi đất đai cội nguồn truyền thống của họ.

Khởi đầu dưới khẩu hiệu toàn cầu hóa, thế kỷ 21 đang động chạm tới thành trì cuối cùng của “nguồn gốc” dân tộc là sự ràng buộc về lãnh thổ. Với đặc trưng thời đại là giao tiếp, toàn cầu hóa thế kỷ 21 đang gia tăng mạnh mẽ tốc độ dịch chuyển, trao đổi tư tưởng, thông tin, giá trị và lối sống. Bằng tăng cường trao đổi, toàn cầu hóa tất yếu sẽ phá vỡ tính toàn vẹn, bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa là nó đã và đang xâm nhập vào “điều thiêng liêng nhất” của nhà nước dân tộc, đó là vấn đề lãnh thổ. Chúng ta biết rằng, chức năng đầu tiên của nhà nước dân tộc là gắn kết và bảo vệ lãnh thổ, nhưng chức năng ấy đang bị đe dọa bởi sự thâm nhập vào biên giới trong thời đại toàn cầu hóa. Nhà nước dân tộc bị giằng xé bởi hai trách nhiệm trái ngược nhau là bảo vệ không gian địa chính trị và không cản trở sự chu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài chính, tư tưởng và bản thân con người.(4)

Toàn cầu hóa cũng làm thay đổi mục đích của nhà nước dân tộc. Nhà nước dân tộc vốn bị ràng buộc với các “giá trị gốc” (truyền thống dân tộc) không những về phương diện lãnh thổ, mà cả về phương diện sắc tộc. Nhưng toàn cầu hóa đe dọa chủ quyền và bản thân nhà nước dân tộc để xây dựng một thế giới toàn cầu hóa mới. Hệ thống thế giới toàn cầu lấy cá nhân làm cơ sở, làm “tế bào” của mình chứ không phải là nhà nước dân tộc. Quá trình tăng cường cá nhân hóa không gian toàn cầu và tư tưởng tự do chủ nghĩa đã tồn tại trước khi toàn cầu hóa được mở rộng và đẩy mạnh. Về mặt triết học, có thể nhận thấy biểu hiện của nó ở chỗ xuất hiện chủ nghĩa tự do lấy cá nhân, tự do cá nhân làm xuất phát điểm. Trong lý luận của chủ nghĩa tự do, nhà nước dân tộc chuyển biến từ “nơi cư trú của lý tính tập thể”, biểu thị và đại diện cho phúc lợi xã hội thành nhà nước pháp quyền đặt trọng tâm vào các quyền của cá nhân.

Các chức năng cơ bản của nhà nước dân tộc, trước hết là chức năng an sinh xã hội và an ninh cá nhân đang có nguy cơ bị đe dọa(6). Vốn được thừa nhận là cơ sở của sự hợp thức quyền lực và chủ quyền quốc gia từ thời Hobbes, Locke và Rousseau, “khế ước xã hội” đã quy định an ninh cá nhân, bảo vệ các quyền sở hữu và tự do của cá nhân là các giá trị xã hội tối cao. Trong khi đó, với tư cách là “dòng chảy”, trao đổi thông tin, tư tưởng, lối sống, v.v., toàn cầu hóa có xu hướng thủ tiêu trạng thái tĩnh (tĩnh thái) của nhà nước dân tộc mà ở đó, trật tự, kỷ cương xã hội là điều kiện cần thiết tối thiểu cho sự tồn tại và hoạt động lành mạnh của cộng đồng người.

Sự xung đột giữa đặc điểm cơ bản của toàn cầu hóa hiện đại – đẩy nhanh quá trình trao đổi với tĩnh thái của nhà nước dân tộc sẽ dẫn đến tình trạng làm mất chức năng cơ bản của nhà nước dân tộc là đoàn kết, cố kết, hiệp thông tất cả mọi công dân, mọi thành viên của cộng đồng dân tộc. Triết học chính trị từ thời Locke đã khẳng định luận điểm về chức năng tích cực của nhà nước là bảo vệ, tức nhiệm vụ củng cố trạng thái hòa bình trong xã hội. Từ thời điểm đó, các thiết chế xã hội ở bên trong nhà nước đã phát triển theo hướng bảo đảm bình đẳng hết mức có thể của công dân, dung hòa mâu thuẫn giữa kẻ giàu với người nghèo, cũng tức là duy trì đoàn kết của xã hội. Quan điểm “nhà nước xã hội”, được xây dựng suốt một thời gian dài và hoàn chỉnh vào giữa thế kỷ 20, đã phản ánh xu hướng vận động đó của nhà nước dân tộc. Tất cả mọi thiết chế của nhà nước đó, như hệ thống thuế, hệ thống bảo hiểm xã hội, hệ thống giáo dục, hệ thống tái phân phối tài chính và kinh tế, v.v. đều được xây dựng phù hợp với mục đích cuối cùng là duy trì hòa bình trong xã hội, tức là nhằm tới mục tiêu đoàn kết xã hội.(6)

Một trong những hệ quả quan trọng nhất của toàn cầu hóa là làm mất đi cơ sở khởi thủy của xã hội hiện đại – tư tưởng “khế ước xã hội”. Bắt đầu từ Hobbes, tư tưởng “khế ước xã hội” hoàn thiện dần và trở thành cơ sở để xây dựng nên một lý thuyết hiện đại về chủ quyền. Tư tưởng về “khế ước xã hội” xuất hiện từ nhu cầu tất yếu của tồn tại (sống) trong xã hội loài người. Để tồn tại (sống), người ta buộc phải giao phó một phần ý chí tự do của mình cho nhà nước nhằm nhận được sự bảo đảm về an ninh, sự tự do xã hội và tự do kinh tế. Với tư cách thành tố cơ bản của tư tưởng “khế ước xã hội”, khái niệm chủ quyền quốc gia đã mang đến quan niệm về nhà nước như là một bản chất hợp lý, có ý chí, có các quyền và nghĩa vụ đối với công dân của mình. Toàn cầu hóa hiện đại lại loại bỏ khái niệm này. Nếu trong toàn cầu hóa hiện đại, chủ quyền quốc gia được giữ lại trong một khoảng thời gian nào đó, thì nội dung của nó chỉ dừng lại ở việc giám sát lãnh thổ khi quyết định một số vấn đề do luật quốc tế định trước.

Trong bối cảnh trên, một số nhà tư tưởng đã tranh luận đến khả năng thay thế “khế ước xã hội” bằng một khế ước toàn cầu. Nhưng ở đây lại xuất hiện các mâu thuẫn khá nan giải. Cụ thể, người ta không biết rõ nên nhìn nhận nhà nước dân tộc như bên tham gia bình quyền của khế ước ở chừng mực nào, vì nó không phải là thực tại khách quan tồn tại bên ngoài con người, mà là sản phẩm lịch sử của hoạt động con người, là sản phẩm của văn hóa. Ngoài ra, người ta cũng không chắc chắn về việc nếu lấy hệ thống toàn cầu làm cái thay thế cho nhà nước thì việc thực thi những chức năng, như đoàn kết, thống nhất, cố kết công dân để thực hiện phúc lợi chung của dân tộc sẽ như thế nào. Hiện tại bức tranh về “thế giới mới” vẫn chưa định hình rõ nét. Trong bức tranh đó, “trật tự” đang biến mất và nhường chỗ cho tranh luận giữa đại diện của các cấp khác nhau bao gồm cá nhân, tổ chức, xí nghiệp và cả nhà nước nữa(7).

Ngoài những suy luận về mục đích và mâu thuẫn của toàn cầu hóa, còn nảy sinh những suy luận về động cơ của nó. Những suy luận này hiện đang trở thành một trong những vấn đề chủ yếu. Để nắm bắt thực chất mâu thuẫn của nó, cần phải làm sáng tỏ tư tưởng cơ sở của “phong trào toàn cầu hóa” hiện đại.

Có thể nhận thấy động cơ của các quá trình toàn cầu hóa tại các thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt mà gắn với nó là trên thực tế, tại thời điểm đó, một số dân tộc đã tích lũy được các nguồn dự trữ (về kinh tế, quân sự, công nghệ, cách tân, tôn giáo) riêng của mình vượt trội so với các dân tộc khác. Còn những giai đoạn bùng nổ của toàn cầu hóa lại thường đi liền với khát vọng giải quyết những vấn đề của bản thân nó thông qua mở rộng sự thống trị, cai trị, giám sát các lãnh thổ khác. Một sự thống trị như vậy sẽ cho phép giải quyết vấn đề dân cư dư thừa. Việc chiếm đoạt các miền đất mới để người ta có thể di cư đến sẽ tạo ra cơ hội giảm thiểu thất nghiệp, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.

Mọi mưu toan toàn cầu hóa luôn bao hàm chủ ý đế quốc (bành trướng). Động cơ vật chất của những mưu toan đó có nguyên do từ sự thiếu hụt các nguồn tài nguyên dự trữ quan trọng cho phát triển, như vàng, dầu khí, v.v.. Vấn đề là sự thống trị vững chắc đối với thị trường các nguồn dự trữ đó chỉ có thể đạt được thông qua quá trình đế quốc hóa (bành trướng). Vì thế, mong muốn của các siêu cường là phải thiết lập được sự giám sát đối với các khu vực có nguồn dự trữ tài nguyên trên.

Như vậy, giám sát các nguồn dự trữ chính là nội dung của mọi chính sách đế quốc. Việc giám sát này có thể có các hình thức khác nhau. Việc xâm chiếm lãnh thổ trong quá khứ là một trong các mục đích phổ biến của chính sách đế quốc. Mục đích ấy biểu hiện ở quá trình thuộc địa hóa châu Mỹ, châu á, châu Phi. Việc giám sát các nguồn dự trữ khi đó đồng nhất với việc giám sát không gian địa lý. Song, tính hữu hạn về địa lý của thế giới, sự phân chia tương đối ổn định, vững chắc không gian địa lý, sự hình thành các nhà nước dân tộc có chủ quyền cùng với biên giới bất khả xâm phạm đã làm cạn kiệt khả năng của chủ nghĩa đế quốc về địa lý.

Thay thế cho chủ nghĩa đế quốc về địa lý là chủ nghĩa đế quốc về tư tưởng. Quá trình này diễn ra khi sự giám sát đối với các dân tộc được thực hiện thông qua các biện pháp tâm lý – lý luận. Ban đầu, sự phân chia thế giới diễn ra trong lãnh địa tôn giáo, giữa các tôn giáo thế giới, song nó vẫn cho phép tín ngưỡng bản địa tồn tại. Tính tích cực lịch sử của hoạt động truyền giáo cho thấy hoạt động đế quốc không chấp nhận giới hạn và nó cố lấp đầy những không gian chưa bị các tôn giáo thế giới khác chiếm giữ. Cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng thế tục thay thế cho các hệ giáo lý kết thúc bởi cái gọi là “chiến tranh lạnh” ở thế kỷ20.

Sự chấm dứt “chiến tranh lạnh” cũng là sự chấm dứt đối kháng về tư tưởng. Thực tế này mở ra triển vọng giám sát đối với việc ra quyết định về phương thức phát triển, loại hình tiến hóa của thế giới trên quy mô toàn cầu dưới dạng các mô hình phát triển văn hóa. Thời điểm mang tính bước ngoặt trong phát triển của thế giới được diễn tả là sự “đụng độ giữa các nền văn minh”, hay “cú sốc văn hóa” (A.Toffler).

Xuất phát từ khái niệm trung tâm “mô hình văn hóa” trong suy lý hiện đại, giai đoạn có khát vọng giám sát các nguồn dự trữ hiện nay cần được gọi là chủ nghĩa đế quốc về văn hóa. Trên thực tế, chính sách đế quốc này được các nhà nghiên cứu phương Tây gọi là “chủ nghĩa toàn cầu”. Nó đòi hỏi giám sát đối với tương lai của toàn thể nhân loại. Chính sách này còn được khoác cho cái vỏ là chủ nghĩa đế quốc sinh thái. Sinh thái ở đây đóng vai trò cơ chế để hình thành và hoạch định “lợi ích chung” của loài người như lợi ích sẽ phải vượt lên trên những bất đồng riêng tư, những lợi ích của các dân tộc do nhà nước dân tộc có chủ quyền đại diện. Nhưng ai sẽ định hướng lợi ích chung ấy, ai sẽ bắt những lợi ích đó phải phục tùng các mô hình phát triển văn hóa và việc làm đó được thực hiện vì lợi ích của ai? Theo chúng tôi, đây mới là thực chất của vấn đề. Bản chất của giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay vẫn là sự thống trị thế giới. Quyền lực toàn cầu như vậy cần được thể hiện thông qua tổ chức có tên gọi khác là “trật tự thế giới mới”.

Những suy luận ở trên về các hậu quả tiêu cực của toàn cầu hóa đối với nhà nước dân tộc làm nảy sinh nhu cầu cấp bách cần phải hiện đại hóa cách tiếp cận việc sử dụng thể chế nhà nước trong điều kiện mới. ở đây, lại đặt ra vấn đề thị trường hay nhà nước?

Toàn cầu hóa là thắng lợi của thị trường đối với nhà nước dân tộc, song nó đồng thời cũng tạo ra nhu cầu về nhà nước. Thị trường là một kết cấu lịch sử căn cứ trên lôgíc trao đổi và tổ chức. Nhà nước và thị trường thực ra là các thành tố bổ sung cho nhau, chứ không phải đối kháng với nhau. Chúng thực chất là hai hình thức điều tiết, trong đó thị trường có thiên hướng tự phát, nhà nước có thiên hướng giám sát và kiềm chế.

Vấn đề hiện nay là quy mô và các lĩnh vực hoạt động của nhà nước dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Có một sự thật hiển nhiên là nhà nước dân tộc sở hữu một lĩnh vực chính sách bao gồm: Không gian văn hóa, ngôn ngữ và xã hội, cũng như các phương diện hợp pháp của sự tái phân phối của cải dân tộc nhằm điều chỉnh, đền bù và khắc phục những hậu quả tiêu cực của kinh tế thị trường (bất bình đẳng về thu nhập, ô nhiễm môi trường, v.v.).

Tuy nhiên, nhà nước dân tộc đang vấp phải những thách thức mới vượt ra khỏi khuôn khổ lãnh thổ dân tộc. Song, điều này hoàn toàn không có nghĩa là phải khước từ, phủ định nhà nước dân tộc. Tình hình hiện nay đòi hỏi phải tìm kiếm các hình thức tác động chính trị mới. Hoạt động chủ yếu của nhà nước dân tộc là nơi thị trường hoàn toàn bất lực, đó là lĩnh vực phúc lợi chung. Nhà nước dân tộc vẫn tiếp tục thực hiện chức năng của nó, đó là áp dụng những thể chế, những chuẩn tắc, hoàn thiện chế độ thuế và giám sát đối với nền kinh tế.

Cần ý thức rõ rằng, loài người ra đời không phải ngay lập tức, mà là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài. Sự ra đời của nền văn minh nhân loại gắn liền với quá trình phát triển của lực lượng sản xuất, của các quan hệ kinh tế, và các phương tiện giao tiếp. Nhưng cũng phải thấy rằng, những nhân tố khách quan ấy chỉ tạo ra các tiền đề cho cộng đồng toàn cầu. Để trở thành loài người thống nhất, nhân loại còn cần phải ý thức được sự thống nhất của mình. Mỗi cộng đồng dân tộc phải trở thành và có quyền trở thành một thành viên bình quyền và có ý thức gánh vác trách nhiệm về số phận của dân tộc mình và cũng là số phận chung của một loài người thống nhất. Nhà nước dân tộc chính là chủ thể hoàn thành mục đích cao cả nhưng nặng nề ấy trong điều kiện toàn cầu hóa.

————————-

Chú thích:

(1) P.Muller. L’analise cognitive des polotiques publiques: vers une sociologie politique de l’action publique // Revue francaise de science politique. P., 2000, vol. 50, N% 2, p. 189-207.
(2) R.Vaillancuort. Le cote noir de la mondialisation // Le Monde Diplomatique. P., 1988, Janvier.
Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “nhà nước dân tộc” ở đây để nhấn mạnh thiết chế chính trị này với tư cách đại diện duy nhất cho mỗi dân tộc trên diễn đàn chính trị thế giới, như đơn vị, tế bào cơ bản của Liên hợp quốc; đồng thời, chúng tôi cũng khu biệt nó với cái gọi là “nhà nước toàn cầu” đang được hàng loạt tổ chức phương Tây truyền bá nhằm thay thế cho “nhà nước dân tộc” mà họ cho rằng dường như đã “lỗi thời” (Xem thêm: Đỗ Minh Hợp. Những vấn đề toàn cầu trong thời đại ngày nay. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 210-211).
(3) Xem: S.N.Eisenstadt. Tradition change and Modernity. N.Y., 1973, p. 29, 262.
(4) S.N.Eisenstadt. Tradition change and Modernity. Sđd., tr.37-46.
(5) A.Touraine. Modernity and Identity // International Journal of Social Science. P., 1988, N% 118, p.451.
(6) Xem: Đỗ Minh Hợp. Những vấn đề toàn cầu trong thời đại ngày nay. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.19-21.
(7) Xem: Ph.M.Defarges. La Mondialisation. Vers la fin des frontieres? P., 1993, p.78.

Theo PHILOSOPHY.VASS.GOV.VN

Tags: , ,