Vài suy nghĩ về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản

Làm sao để giải thích chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản theo cách bình dân nhất để cho ai ai cũng hiểu được?

Vài suy nghĩ về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản

Tôi từng tiếp xúc với rất nhiều đảng viên đảng cộng sản, cấp cao có, cấp thấp có, nông dân có, công nhân có và thậm chí cả những người đi nghĩa vụ quân sự vài năm phục viên cũng được vào đảng cũng rất nhiều. Thực ra nghe mọi người hồi ấy nói qua, hầu hết tôi chưa nghe mấy ai nói rằng phải học thuộc chủ nghĩa Marx, phải hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì.

Phần đa là vì họ được cho là biết sống gương mẫu, không vi phạm pháp luật, nghe lời chỉ huy…. nói đúng ra chỉ là những công dân gương mẫu và đấy là tất cả những gì tiêu chuẩn vào đảng từ thời xưa. Bản thân tôi chưa bao giờ quan tâm tới đảng hay đoàn, học cấp 3 vào đoàn chỉ đơn thuần là để đủ điều kiện tham dự thi tốt nghiệp phổ thông trung học.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng tôi chưa bao giờ đọc sách của Marx, của Lê nin, chưa bao giờ tìm hiểu về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa cộng sản. Bởi vì với tôi, trở thành một người đảng viên cộng sản không phải là điều quá khó, nhưng hiểu được thế nào là chủ nghĩa cộng sản còn khó hơn và khi hiểu rồi mà có thể mang khái niệm đó cho tất cả mọi tầng lớp có thể hiểu được, đó lại càng khó hơn nữa.

Đối với nhiều đảng viên, kể cả những người lớn tuổi, từng nắm chức vụ quan trọng hình như có sự ngộ nhận về hai khái niệm, thế nào là chủ nghĩa xã hội và thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Cũng chính vì thế đôi khi bản thân họ đã hiểu sai, cách giải thích của họ cũng khiến cho nhiều người khái niệm sai lầm về CNXH và CNCS.

Nhưng: Làm sao để giải thích chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản theo cách bình dân nhất để cho ai ai cũng hiểu được?

Đối với tôi, cách hiểu đơn giản nhất: Chủ nghĩa xã hội là sự phân chia lợi nhuận làm sao công bằng nhất, còn chủ nghĩa cộng sản là định về sở hữu tư liệu sản xuất.

CNXH hiện nay đang hình thành tại một số nước như Trung quốc, Việt Nam và một số nước khác ở châu Mỹ La tinh cho thấy rằng họ đang đi đúng đường và thực ra, cũng không cần thiết phải xóa bỏ thành phần kinh tế tư nhân mà quan trọng nhất là phân chia lợi nhuận trong xã hội. Người giàu sẽ đóng thuế cao để nhà nước có ngân sách hỗ trợ tầng lớp nghèo phát triển. Lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên, từ các doanh nghiệp nhà nước sẽ được sử dụng để chăm sóc y tế, giáo dục và quốc phòng…

CNXH với tôi đơn giản chỉ là vậy và thực chất các nước tư bản họ cũng không hẳn tư bản thật sự như chúng ta được học, được nghe và đọc trên báo chí của nước ngoài đâu. Họ cũng chẳng cho tự do phát triển, tự do kinh doanh mà nếu bạn muốn làm ăn kinh doanh thì phải chia chác lợi nhuận cho họ (Như bên Đức này đóng các khoản thuế + bảo hiểm rất cao.). Một phần để nuôi chính những thành phần cầm quyền như họ, phần khác để hỗ trợ các thành phần khác trong xã hội, xây dựng quĩ y tế, giáo dục và quốc phòng. Còn việc họ chống đối và chỉ trích phe XHCN trong quá khứ chẳng qua vì đụng chạm tới quyền lợi của họ nhưng họ thừa biết rằng muốn có một xã hội công bằng, văn minh thì không thể nào không dựa vào yếu tố CNXH. “Obamacare”, vụ quốc hữu hóa tài sản của Anh, của Pháp trong thập niên 80 của thế kỷ trước, tịch thu tiền trong ngân hàng tại Zypern mới đây,…. là những bằng chứng cho thấy họ không thể làm khác!

Riêng với các nước nghèo và đang phát triển khác thì họ cổ vũ cho tự do làm ăn, tự do buôn bán và thậm chí còn yêu cầu nhà nước không can thiệp cũng chẳng có cái gì khác ngoài vì quyền lợi của họ.

Bởi vì: chỉ khi nào một đất nước mà chính quyền không thể kiểm soát nổi nền kinh tế thì các nhà tài phiệt tư bản mới dễ làm giàu, mua rẻ tài nguyên và không phải đóng nhiều thuế. Nước nào càng loạn, họ mua bán càng dễ, hàng hóa xuất khẩu với giá vừa bán vừa cho. Còn hàng nhập khẩu vào nước đó thì tự do vô tội vạ, thậm chí có thể biến quốc gia đó thành bãi rác cũng không phải là việc xa lạ. Họ cổ vũ cho chúng ta đa đảng cũng chỉ là cách họ xé nhỏ đảng cộng sản hiện nay để dễ bề thao túng mua chuộc. Ấy là chưa kể tới việc họ hô hào cho kinh tế tự do, xóa bỏ sở hữu toàn dân về đất đai,…

Chúng ta chỉ cần hỏi lại họ rằng, bản thân họ có làm việc đó hay không? Còn lâu họ mới làm thế!

Theo KHAI PHÙNG

Tags: , ,