⠀
Từ câu chuyện về một cánh rừng nguyên sinh nằm trong Đại học Saitama
Trong khuôn viên Đại học Saitama tại thành phố Saitama thuộc vùng Tokyo của Nhật Bản có một khu rừng nhỏ, khoảng một cây số vuông. “Đây là rừng nguyên sinh”, Giáo sư kinh tế Hiroyuki Taguchi nói với chúng tôi khi ông dẫn đoàn đi tham quan trường.
Thật chứ? Có người buột miệng ra câu hỏi mà có thể là khiếm nhã với người Nhật. Ông cười: Vâng, đây là khu rừng nguyên sinh mà khi xây dựng trường chúng tôi đã quyết định để lại. Vùng này ngày xưa là rừng già.
Ở Nhật Bản ngày nay chỉ còn một khu rừng quanh chân núi Phú Sĩ là rừng nguyên sinh, thuộc Công viên quốc gia Oishi, còn lại đều là rừng trồng. Khu rừng của Đại học Saitama không lớn song nó gồm đủ các thành phần của một khu rừng già. Ở tầng cây cao nhất có lẽ vài chục mét, rêu và tầm gửi bám đầy quanh thân, rồi đến tầng cây nhỡ và cây bụi, tới lớp lá rụng trên mặt đất cả gang tay. Thích nhất là trong khi người qua lại như thoi đưa trong campus (ký túc xá) của đại học lớn này thì chim vẫn ríu ran trên cành và cả bọn sóc nô đùa nhảy nhót. Những vị khách đến từ Việt Nam trầm trồ ngưỡng mộ. Một khu rừng “xịn” giữa một nơi mà cuộc sống con người được hiện đại hóa bậc nhất thế giới như ở Tokyo nói lên biết bao điều về giáo dục, con người, tầm nhìn và cốt cách Nhật Bản. Cách đây cả trăm năm, khi xây trường người Nhật đã nhìn xa đến vậy.
Tokyo đất chật người đông, là vùng thủ đô đông dân và lớn nhất thế giới nhưng người Nhật luôn cố gắng chêm vào mỗi khoảng trống nhiều màu xanh nhất có thể. Và cách họ trồng rừng rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
Chúng tôi tới thăm một trong những dự án trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái rừng lớn nhất ở Nhật do Tập đoàn Suntory đảm nhiệm từ những năm 1970. Suntory là tập đoàn gia đình trên 100 tuổi, chuyên sản xuất đồ uống và thực phẩm hàng đầu ở Nhật hiện nay tính về thị phần, với 28.800 nhân viên trên toàn cầu.
Tôi bước vào khu vực rừng bảo tồn của Suntory với tâm lý có phần dè chừng chuyện quảng bá. Chiếc xe với bác tài đúng giờ đến 1/10 giây và luôn cung kính, chỉn chu nhẫn nại đưa chúng tôi ra khỏi trung tâm Tokyo đang bước vào mùa mưa với màn diễu hành hùng hồn của các loại dù trên phố. Những dòng suối nước sạch tinh khôi hiện ra hai bên đường xen giữa những sân bóng chày (môn thể thao ưa thích của người Nhật) bói cả ngày không ra một cọng rác. Những khu rừng trồng xanh mướt và ngôi làng yên bình hiện ra như một bức tranh trên suốt hành trình hơn 100 ki lô mét. “Mình sắp tới khu rừng ở núi Minami”, Magdalena Ugorowska, nhân viên triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) thuộc bộ phận truyền thông doanh nghiệp của Suntory Holding Limited có trụ sở ở Tokyo, nói. Cô chỉ tay lên trời, một vài chú chim đen sải rộng cánh thong dong: “Diều hâu đấy, cách đây hơn 5 năm chúng tôi đã mừng xiết bao khi diều hâu quay trở lại khu vực này” –
Vì sao? “Diều hâu là sứ giả của môi trường và khi nó đến, chúng tôi vui mừng reo lên vì biết mình đã khôi phục được hệ sinh thái hoàn chỉnh”.
Chim hôm nay, người ngày mai
Trên kim tự tháp hệ sinh thái rừng, diều hâu và đại bàng là “kẻ tiêu dùng bậc cao” vì thức ăn của chúng là động vật ăn thịt và động vật ăn cỏ khác. Tức chúng chỉ tồn tại khi các loài động vật ăn thịt và ăn cỏ khác dồi dào, và để nhóm thức ăn của diều hâu sống khỏe thì hệ động vật bậc thấp hơn như côn trùng và thực vật (là thức ăn của nhóm này) phải sống khỏe. Các loài côn trùng có công cải tạo đất khiến đất giàu dinh dưỡng và đó là chìa khóa để các loài thực vật lớn lên. Một hệ sinh thái không què cụt là ở đó loài nào cũng có thể sống dù chúng ăn loài khác và chính chúng cũng bị loài cao cấp hơn ăn thịt nhưng sự sinh diệt đảm bảo một tỷ lệ cân bằng để chúng cộng sinh ổn thỏa trong khu rừng.
Bảo vệ các loài chim săn mồi như diều hâu núi và đại bàng là bạn đã cứu toàn bộ kim tự tháp của hệ sinh thái và mở rộng sự sung túc của môi trường tự nhiên, cô Saito Hiromi, giáo viên chương trình giáo dục ngoài trời của khu rừng và cũng là nhân viên của bộ phận phát triển bền vững về môi trường của Suntory, nói khi chúng tôi dạo trong khu dự trữ sinh quyển Hakushu tại dãy núi Minami phía Nam Nhật Bản.
Chim là linh hồn của môi trường và là chỉ số dự báo nhạy cảm nhất về môi trường vì đó là loài rất nhạy cảm với các biến đổi về khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, thức ăn, nguồn nước của khu rừng. Chim là động vật biến nhiệt, tức thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Khi một loài chim biến mất, có nghĩa khu rừng có sự biến đổi về nhiệt độ, độ ẩm hay mật độ cây xanh, độ dày của lá hay một số loài côn trùng, cỏ (thức ăn của chim) đã thiếu hụt. Chỉ cần thiếu sự xuất hiện của một loài chim các nhà khoa học có thể biết các chỉ số an toàn của khu rừng đã thay đổi thế nào.
Đó là lý do từ năm 1973, tập đoàn Suntory đã mở chiến dịch Save the Birds! Là chiến dịch bảo tồn chim hoang dã. Quỹ tín thác bảo tồn chim hoang dã của Suntory thành lập khi công ty 90 tuổi, năm 1989 và cho đến năm tài chính 2014, quỹ đã quyên góp tổng cộng 299,2 triệu yen Nhật từ 275 tổ chức và đang tiếp tục theo đuổi các chương trình bảo vệ chim hoang dã trong và ngoài Nhật Bản.
Khu bảo tồn Hakushu nơi chúng tôi đang đi là một điểm trung chuyển của các loài chim hoang dã di cư qua Nhật. Trong các sân chim, Suntory cùng với khách hàng và người dân địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng để duy trì một môi trường do các hoạt động khác nhau bao gồm trải nghiệm xem chim, treo hộp làm tổ lên cây. Người dân được tham gia hội thảo về chim hoang dã, “nghe lén” tiếng hót và hoạt động của một số loài chim, được phát tờ rơi về sinh hoạt của chúng và cách tận hưởng niềm vui khi xem chim. Với hàng ngàn tình nguyện viên, nhân viên và các chuyên gia, họ đã đưa hàng chục khu rừng ở Nhật trở thành thiên đường của các loài chim. Bảo vệ chim hoang dã là bảo vệ tương lai của con người.
Lấy nước, trả rừng
Chim chưa phải là tất cả câu chuyện. Vì bảo vệ chim chỉ là một cách để bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng đem đến việc quan trọng hơn, là bảo vệ những nguồn nước ngon nhất Nhật Bản mà tập đoàn Suntory đang được cùng với người dân khai thác để kinh doanh.
Khu bảo tồn chim hoang dã đầu tiên là nơi có lò rượu Hakushu, loại rượu mạnh trứ danh của Nhật Bản sinh ra ở đây, dưới chân đồi Kaikomagatake trong dãy núi cách đây cả trăm năm còn heo hút, nơi làn nước trong vắt chảy qua một môi trường rừng giàu có. Cha đẻ tập đoàn thức uống Suntory, ông Shinjiro Torii, với giấc mơ tạo ra loại rượu ngon nhất gắn với cốt cách Nhật Bản đã sang Scotland học tập công nghệ nấu rượu và lò rượu ban đầu với tên gọi Yamazaki được xây dựng năm 1923. Ông chọn vùng rừng rộng lớn này, nổi tiếng với nguồn nước sạch và ngon, tinh tế được nhắc đến trong tuyển tập thơ cổ Manyoshu của Nhật để xây nhà máy mà ngày nay là nơi sinh ra các loại rượu Yamazaki, Hakushu, Hibiki 12, 18, 25, 30 năm tuổi. “Bảo vệ rừng là sứ mệnh của chúng tôi, là bảo vệ nguồn nước quý chúng tôi đang sử dụng và phải trả lại cho thiên nhiên bằng rừng”, cô nhân viên dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy giải thích.
Để duy trì tính bền vững của nguồn nước ngầm đó, cô cho biết tập đoàn đã ký hợp đồng dài hạn nhiều thập kỷ trước với các chủ rừng và từ năm 2003 với chính phủ để phát triển các dự án bảo vệ các khu rừng đầu nguồn.
Tập đoàn cũng được chính phủ giao một số khu rừng đầu nguồn, cũng là một số nguồn nước ở Nhật để trồng mới, bảo vệ và phát triển nhằm bảo vệ nguồn nước của quốc gia nói chung và một số nguồn nước ngầm tự nhiên công ty khai thác nói riêng, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái các khu vực này. Nếu như năm 2003, Suntory chỉ bảo tồn 180 héc ta rừng thì nay họ đang bảo tồn 17 khu rừng trên khắp nước Nhật với tổng diện tích khoảng 8.000 héc ta. Suntory đặt ra mục tiêu mới cho năm 2020 là mở rộng diện tích các khu rừng đến 12.000 héc ta trên khắp Nhật Bản. 12.000 héc ta rừng sẽ nuôi dưỡng lượng nước ngầm gấp đôi lượng nước các nhà máy của tập đoàn này sử dụng dự báo là 6.000 héc ta vào năm 2020, ngoài ra để cung cấp cho xã hội.
Khoảng 70% diện tích đất của Nhật Bản được cho là rừng, nhưng không phải tất cả các khu rừng đều khỏe mạnh. Tập đoàn có các chuyên gia về rừng, nguồn nước, môi trường và giáo dục môi trường, các chuyên gia trong các lĩnh vực như địa chất, thực vật, đất, rừng, chống xói mòn, chim, côn trùng, và vi khuẩn, cộng tác với các trường đại học và các nhà nghiên cứu, cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp, và các tình nguyện viên… Công việc của họ là giữ gìn để các chỉ số về sức khỏe của khu rừng đảm bảo ở mức cao đủ để nguồn nước sạch và dồi dào không chỉ trong vài chục mà hàng trăm năm nữa.
Sở dĩ một tập đoàn tư nhân như Suntory làm được điều đó đầu tiên phải nhờ có chính sách thông minh và độc đáo của Chính phủ Nhật Bản với các doanh nghiệp “sử dụng tài nguyên thì phải trả lại tài nguyên” (sử dụng nước – trả lại rừng) đã kích thích trách nhiệm với xã hội, sự sáng tạo, năng động và tính nhân văn của doanh nghiệp Nhật.
Ở đất nước này, không khí sạch tới nỗi bạn có thể mặc một chiếc áo cả tuần mà cổ áo không đen. Các chuyên gia toàn cầu từ lâu đã cảnh báo rằng một hệ sinh thái sụp đổ là điều hoàn toàn có thể xảy ra song dấu hiệu của nó luôn không rõ ràng. Tôi tin tương lai chỉ mở ra nếu cửa rừng đóng lại.
Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Tags: Con người và thiên nhiên, Nhật Bản, Bảo vệ rừng, Đạo đức môi trường