Tổng quan về phúc lợi xã hội cho người lao động ở Việt Nam

Trong công cuộc đổi mới đất nước, việc tăng cường phúc lợi xã hội đã trở nên cần thiết để nhà nước có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân. Điều kiện hiện nay đang khiến cho nhà nước không thể chi phí tràn lan cho phúc lợi xã hội mà phải tập trung vào những vấn đề thiết yếu nhất của người dân lao động, bảo đảm các thành phần kinh tế được công bằng và khuyến khích người dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển nước nhà. Phúc lợi xã hội không thể vượt quá khả năng của nền kinh tế, đồng thời cũng không bị động, cứng nhắc với các loại hình đa dạng nhằm phát huy được nguồn lực của toàn xã hội.

Tổng quan về phúc lợi xã hội cho người lao động ở Việt Nam

Bài viết của TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội

1. Phúc lợi xã hội và nhận thức về phúc lợi xã hội ở Việt Nam

Phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối lại, ngoài phân phối theo lao động. Ba thành tố cơ bản trong việc đảm bảo phúc lợi xã hội là Nhà nước, Thị trường lao động và dân cư (cá nhân/gia đình).

Phúc lợi xã hội bao gồm những chi phí xã hội như: trả tiền lương hưu, các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội; học bổng cho học sinh, sinh viên, những chi phí cho học tập không mất tiền; những dịch vụ y tế, nghỉ ngơi, an dưỡng, nhà trẻ, mẫu giáo; v.v. Với nội dung như vậy, phúc lợi xã hội có mục tiêu làm giảm thiểu sự bất công bằng trong xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội đều có thể thụ hưởng những thành quả của phát triển. Tùy theo mức độ phát triển của các mặt kinh tế-xã hội, quỹ phúc lợi thường có ba nhóm cơ bản: tập trung của nhà nước quản lý; quỹ phúc lợi của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và quỹ phúc lợi tập thể của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất[1].

Thực hiện phúc lợi xã hội cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, trong bối cảnh người dân cùng quẫn trong nạn đói, ngày 28/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào toàn quốc “cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Bằng cách huy động nguồn lực trong dân như vậy, hàng chục vạn người nghèo đã được trợ giúp lương thực, thực phẩm, quần áo và nạn đói được đẩy lùi. Trong năm 1945, Nhà nước ban hành chính sách qui định công nhân được hưởng tiền phụ cấp khi bị thải hồi[2]. Hiến pháp 1946 và một số sắc lệnh ban hành sau đó qui định các chế độ phúc lợi xã hội cho người dân như ốm đau, tai nạn và hưu trí[3]. Năm 1947, các chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình tử sỹ cũng được ban hành.

Hòa bình lập lại năm 1954, chúng ta xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở miền bắc và mở rộng ra toàn quốc khi đất nước thống nhất năm 1975, hướng đến mô hình nhà nước phúc lợi (nhà nước bao cấp). Giai đoạn này, các chế độ cụ thể về bảo hiểm xã hội được ban hành, góp phần đảm bảo thu nhập thay thế cho người lao động trong trường hợp bị rủi ro ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, nghỉ thai sản, nghỉ hưu, bị chết[4]; các đối tượng xã hội, người dân bị tai nạn chiến tranh cũng được trợ giúp[5]. Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, những người được hưởng trợ cấp, thương binh, gia đình liệt sỹ và những người được hưởng các chế độ tương tự thì được cấp tại nhà, tận tay, đúng kỳ, đủ số.

Sau khi đất nước thống nhất và những năm 80 khi nền kinh tế nước ta lâm vào khủng khoảng, bên cạnh những chính sách chung, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đảm bảo đời sống và phúc lợi cho người lao động.

Thực hiện chính sách Đổi mới (từ năm 1986), nền kinh tế từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới góc độ quản lý xã hội, mô hình nhà nước phúc lợi từng bước chuyển sang mô hình nhà nước xã hội để phát huy vai trò và trách nhiệm của các chủ thể (nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác xã hội khác) trong tham gia, đóng góp phát triển kinh tế và thụ hưởng các thành quả của phát triển như Văn kiện Đại hội Đảng XII xác định: “…bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”. Khoản 2 Điều 59 Hiến pháp 2013 hiến định “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước, các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền mặt và tín dụng ưu đãi để người dân có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở, đất ở, tiếp cận nước sạch, thông tin và truyền thông, các phương tiện giao thông công cộng và các công trình/chương trình nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, v.v… được qui định cụ thể trong các luật, chính sách. Về cơ bản, các chế độ phúc lợi xã hội đã thực hiện tốt chức năng phân phối lại thu nhập, hỗ trợ người dân thụ hưởng các thành quả của quá trình phát triển.

Có thể thấy, khái niệm và nội hàm của phúc lợi xã hội: (1) Phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng để góp phần thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội; (2) thực hiện phúc lợi xã hội là thực hiện phân phối lại ngoài phân phối theo lao động; (3) phúc lợi xã hội là biện pháp nhằm giảm bớt sự bất công bằng xã hội.

Ở nước ta, phúc lợi xã hội được thực hiện thông qua 3 nguồn tài chính: (1) dựa trên đóng góp của các chủ thể tham gia thị trường; (2) ngân sách nhà nước đảm bảo; và (3) huy động từ cộng đồng.

2. Vai trò của phúc lợi xã hội

Góp phần ổn định đời sống của của công nhân, viên chức, người lao động và nhân dân, thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị ốm đau, mất khả năng lao động, mất việc làm hoặc chết nhằm khắc phục nhanh chóng được những tổn thất về vật chất và phục hồi sức khỏe.

Đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế – xã hội góp phần phòng ngừa, hạn chế tổn thất. Khi có rủi ro, hệ thống phúc lợi xã hội kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động động ổn định cuộc sống.

Phúc lợi xã hội, trong đó bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột cơ bản làm tăng thêm mối quan hệ gắn bó giữa người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.

Phúc lợi xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Quỹ phúc lợi xã hội, trong đó có quỹ bảo hiểm xã hội là nguồn thu tài chính tập trung khá lớn, được sử dụng để chi trả cho người lao động và gia đình họ.

3. Các loại hình phúc lợi cho công nhân, viên chức và người lao động

a. Phúc lợi bắt buộc

Là các phúc lợi tối thiểu mà các tổ chức phải đưa ra theo yêu cầu của phúc lợi. Phúc lợi bắt buộc có thể là: các loại bảo đảm, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Ở Việt Nam, các phúc lợi bắt buộc bao gồm 5 chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động: trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất.

b. Phúc lợi tự nguyện

Là các loại phúc lợi mà các tổ chức đưa ra, tùy thuộc vào khả năng kinh tế của họ và sự quan tâm của lãnh đạo ở đó; đối với doanh nghiệp có bảo hiểm hưu trí bổ sung.

c. Các phúc lợi bảo hiểm bao gồm:

– Bảo hiểm sức khoẻ: để trả cho việc ngăn chặn bệnh tật như các chương trình thể dục thể thao để tránh căng thẳng khi mà hiệu ứng stress ngày càng tăng trong môi trường làm việc hoặc chăm sóc ốm đau, bệnh tật.
– Bảo hiểm nhân thọ: tiền cho gia đình người lao động khi người lao động qua đời. Có thể người sử dụng lao động hỗ trợ đóng một phần bảo hiểm hoặc toàn bộ khoản tiền bảo hiểm.
– Bảo hiểm mất khả năng lao động: trong một số công ty còn cung cấp loại bảo hiểm này cho những người lao động bị mất khả năng lao động không liên quan đến công việc họ đảm nhận.

d. Các phúc lợi bảo đảm bao gồm:

– Bảo đảm thu nhập: những khoản tiền trả cho người lao động bị mất việc làm do lý do từ phía tổ chức như thu hẹp sản xuất, giảm biên chế, giảm cầu sản xuất và dịch vụ…
– Bảo đảm hưu trí: Khoản tiền trả cho người lao động khi người lao động làm cho công ty đến một mức tuổi nào đó phải nghỉ hưu với số năm làm tại công ty theo công ty quy định.

4. Công đoàn chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động

Có thể nói, Công đoàn Việt Nam từ khi thành lập đến nay, đều thể hiện vai trò quan trọng trong việc chăm lo phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp lao động bao gồm công nhân, viên chức, người lao động trên tất cả các phương diện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng Liên đoàn đã tổ chức được nhiều chương trình hoạt động như: Chăm lo phúc lợi và triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”; đề xuất xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề bức xúc cho công nhân các khu công nghiệp. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, lợi ích cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà, ổn định.

Tổ chức Công đoàn trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật…, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống công đoàn và đoàn viên, người lao động. Đặc biệt là Chương trình “Nhà ở mái ấm Công đoàn” đã được các cấp công đoàn tích cực thực hiện với nhiều phương thức hiệu quả, trở thành Chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn. Trong 5 năm qua (2013-2018) đã có hơn 18 ngàn gia đình đoàn viên nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 382 tỷ đồng.

Tổ chức công đoàn các cấp và cơ sở đã tiến hành thương lượng, đối thoại để mang lại quyền lợi cho người lao động, thể hiện vai trò đại diện của tổ chức công đoàn phù hợp xu thế tất yếu. Công đoàn còn góp phần thúc đẩy thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc; thương lượng để nâng cao giá trị bữa ăn ca cải thiện sức khỏe người lao động

Các cấp công đoàn luôn coi trọng và dành nhiều sự quan tâm công tác nữ công, đề xuất chính sách cán bộ nữ, thúc đẩy bình đẵng giới, chăm lo lợi ích chính đáng của lao động nữ. Tham gia thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ có những chuyển biến quan trọng; mô hình phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp được nhân rộng; nhiều công đoàn cơ sở đã thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể một số phúc lợi cho lao động nữ.

5. Tồn tại, hạn chế và giải pháp phát triển phúc lợi xã hội

Tồn tại, hạn chế

Phạm vi bao phủ của phúc lợi xã hội còn hạn hẹp, chủ yếu hướng đến nhóm khá giả còn được gọi là nhóm trung lưu toàn cầu với mức tiêu dùng trên 15 USD PPP/người/ngày (thông qua các chính sách bảo hiểm) và nhóm nghèo, cận nghèo với mức tiêu dùng dưới 5,5 USD PPP/ngày (thông qua các chính sách trợ giúp xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo và huy động từ cộng đồng). Nhóm trung lưu mới nổi với mức tiêu dùng 5,5-15 USD PPP/ngày (hiện chiếm gần 60% dân số) dường như đang bị bỏ rơi, không tham gia bảo hiểm xã hội và cũng không thuộc diện được thụ hưởng các chế độ trợ giúp xã hội bằng nguồn ngân sách nhà nước[6][6]. Nhóm trung lưu mới nổi là nhóm dân cư năng động nhưng dễ gặp rủi ro và dễ rơi vào cảnh nghèo đói. Việc có chính sách phúc lợi xã hội và phương thức tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm của nhóm này sẽ phát huy được trách nhiệm của họ trong xây dựng một xã hội gắn kết; đồng thời giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước cần trợ giúp họ khi gặp rủi ro (nhất là trong tương lai khi họ về già).

Khu vực tư (doanh nghiệp) trong thực hiện phúc lợi xã hội cho người lao động, cho cộng đồng chưa trở thành một trào lưu trong xã hội. Doanh nghiệp thực hiện tốt phúc lợi cho người lao động là một trong những nền tảng giúp phát huy hết thái độ, trách nhiệm, sáng kiến và sự tận tâm của người lao động trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, cần cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, vì một cộng đồng gắn kết và thịnh vượng.

Ngân sách chi thực hiện an sinh xã hội tăng dần nhưng tỷ lệ chi trong tổng chi ngân sách cũng như so với GDP đang giảm dần cho thấy việc thực hiện chính sách xã hội chưa được coi trọng, chưa đáp ứng quan điểm của Đảng “gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”[7] và nhu cầu của người dân. Tỷ lệ chi cho an sinh xã hội trong tổng chi ngân sách nhà nước giảm từ 10,58% năm 2012 xuống còn 5,67% năm 2018; so với GDP, giảm dần từ 2,95% xuống còn 1,9% trong cùng giai đoạn. Do vậy, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn xã hội tối thiểu và tiến tới có qui định về tỷ lệ chi thực hiện chính sách xã hội trong tổng chi ngân sách nhà nước hoặc so với GDP hàng năm.

Tuy phạm vi bao phủ của phúc lợi xã hội, an sinh xã hội còn hạn hẹp nhưng vấn đề lạm dụng, trục lợi, lãng phí ngân sách đã và đang xảy ra. Nghiên cứu của UNDP cho rằng tỷ lệ rò ri của Việt Nam khoảng 40%[8]. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ còn lạc hậu. Do vậy, cần tận dụng thế mạnh của công nghệ số để nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của nước ta.

Giải pháp về phúc lợi xã hội trong thời gian tới

Quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước cùng với tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng cao là cơ sở quan trọng để bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như nêu ở trên. Chính vì vậy, cần có nhận thức mới, đầy đủ hơn về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phát huy thành quả và những kinh nghiệm tốt đã đạt được, khắc phục những yếu kém bất cập để xây dựng một hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đồng bộ, hiệu quả cao. Trong thời gian tới, để nâng cao phúc lợi xã hội cần tập trung thực hiện một số giải pháp tổng thể như: (1). Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai các chương trình phát triển kinh tế – xã hội gắn với giải quyết việc làm; (2). Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW); (3). Thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, Nghị quyết số: 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đọan 2021 – 2030; đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững; (4). Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; (5). Tăng cường huy động nguồn lực và phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước để nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển đa dạng hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản; (6). Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để thực hiện tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; (7) Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật về phúc lợi xã hội; (8) Chú trọng hoạt động chăm lo lợi ích chính đáng cho đoàn viên công đoàn; đầu tư xây dựng, thiết chế của tổ chức công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, thiết thực nâng cao đời sống công nhân, gắn bó lợi ích với tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm, dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên công đoàn; tích cực tham gia phát triển việc làm bền vững cho người lao động, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ nhận thức, nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm tăng năng suất lao động cá nhân, đảm bảo đón đầu và thích nghi với những đổi mới về quy trình quản trị, sự thay đổi về công nghệ sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo các nội dung thương lượng phúc lợi xã hội cho người lao động; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn; tiếp tục đổi mới hoạt động huy động các nguồn lực từ xã hội và cộng đồng, thông qua tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện…, để nâng cao phúc lợi xã hội.

Theo HDLL.VN

Tags: ,