Tín ngưỡng thờ Mẫu trong mối quan hệ với tín ngưỡng, tôn giáo khác

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt và có một sức sống mãnh liệt dẻo dai, uyển chuyển phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử.

Tín ngưỡng thờ Mẫu trong mối quan hệ với tín ngưỡng, tôn giáo khác

Mối quan hệ với Phật giáo

Tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu) là một hiện tượng văn hoá tín ngưỡng tâm linh độc đáo trong hệ thống tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt Nam. Trong tiến trình hình thành và phát triển của mình, tín ngưỡng thờ Mẫu có mối quan hệ gắn kết, tương giao với các hiện tượng tín ngưỡng và tôn giáo khác, đặc biệt với Phật giáo.

Các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng tôn giáo trong và ngoài nước đều nhận định đối với bất cứ một dân tộc nào, tín ngưỡng dân gian hay tín ngưỡng bản địa đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng nguyên thuỷ hay tôn giáo sơ khai và chúng được sản sinh trong lòng xã hội nguyên thuỷ. Nó bao gồm những quan niệm của một dân tộc về thế giới siêu nhiên kì bí xung quanh họ. Các quan niệm này mang tính dân tộc sâu sắc, vì vậy mà mỗi dân tộc đều có một hệ thống tín ngưỡng riêng biệt, mang những nét đặc trưng bản địa riêng của mình.

Người Việt cũng có một hệ thống tín ngưỡng dân gian hết sức phức tạp và phong phú. Từ nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước nên họ rất tôn sùng các hiện tượng tự nhiên có liên quan trực tiếp đến nghề nông. Đó là các vị thần linh siêu nhiên được người Việt quan niệm như các hiện tượng tự nhiên đầy sức mạnh huyền bí (mặt trời, mặt trăng, các vì sao, mây,mưa, sấm, chớp…). Các vật linh thiêng (theo thuyết vạn vật hữu linh), các linh hồn của người đã khuất (tổ tiên, ông bà, ma quỷ…). Bên cạnh đó còn có một hệ thống khá phức tạp là những người có khả năng giao cảm với hệ thống thần linh đó như: thầy cúng, thày địa lí, thày pháp, thày phù thuỷ… Tất cả các hiện tượng phức tạp này mang đầy tính huyền ảo và kì bí nhưng lại hết sức độc đáo, sinh động. Khi ấy lễ hội dân gian đã trở thành môi trường tâm linh lý tưởng để người Việt có điều kiện tiến hành các nghi lễ thờ cúng trang nghiêm với các đấng siêu phàm mà họ tin tưởng có sức mạnh siêu nhiên tác động lên cuộc sống cực nhọc ở trần gian của mình. Trước khi có sự du nhập của các tôn giáo từ bên ngoài vào thì hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa phát triển bình thường. Khởi nguyên từ các tín ngưỡng nguyên thuỷ, hay tôn giáo sơ khai, ở người Việt cổ đã xuất hiện các hiện tượng tín ngưỡng dân gian rất đa dạng phong phú. Đó là các tín ngưỡng nông nghiệp cổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tôn thờ đa thần (cả nhiên thần và nhân thần). Đặc biệt là các tín ngưỡng có liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: tục thờ Mẹ trời, Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ lúa… tục thờ Nữ thần và thờ Tứ Pháp: Mây, Mưa, Sấm, Chớp… Đó là các hạt nhân tín ngưỡng cơ bản để hình thành lên các lễ hội nông nghiệp cổ truyền. Trong quan niệm về vũ trụ (trời – đất) hay quan niệm âm – dương, thì người Việt cổ cho rằng Trời là Cha (dương), phần nào đồng nghĩa với người đàn ông – là đấng hoá sinh làm nên mọi sự xoay vần của vũ trụ như: mưa, gió, sấm, chớp và tạo nên sự chuyển động cho không gian và thời gian. Còn Đất là Mẹ (âm) – phần nào đồng nghĩa với người đàn bà luôn thu nhận mọi nguồn sinh lực từ vũ trụ (trời – cha) làm nảy sinh vạn vật và muôn loài. Từ quan niệm như vậy mà người ta coi Mẹ đất đã sinh ra tất cả và trở thành bà mẹ vũ trụ vĩnh hằng trong tâm thức dân gian của người Việt cổ. Ở đây bà mẹ đã được nhân hoá thành Bà mẹ của đất nước, quê hương xứ sở và dân tộc như Mẹ Âu Cơ. Đấy chính là cơ sở hình thành nên hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền văn hoá dân tộc sau này, khi tiếp xúc, giao lưu với các tín ngưỡng và tôn giáo từ bên ngoài vào.

Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử , tôn giáo, dân tộc học và văn hoá dân gian thì Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào nước ta khoảng những năm đầu công nguyên (cách đây khoảng 2000 năm). Lúc đầu Phật giáo đến bằng đường biển từ Ấn Độ, về sau lại đến ta qua Trung Quốc. Vào thế kỉ 6, Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam được sử sách ghi nhận. Trong sách “Thiền uyển tập anh ngữ lục” có ghi: “Có hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh”. Ngay sau khi du nhập vào nước ta Phật giáo đã tự điều chỉnh và biến đổi cho phù hợp với tín ngưỡng và tâm thức dân gian của người Việt bằng con đường phong tục hoá và dân gian hoá. Phật giáo đã nhanh chóng thu nạp các yếu tố có lợi cho mình trong hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, đặc biệt là trong các tín ngưỡng nông nghiệp như tục thờ Mẹ hay tục thờ Nữ thần và tục thờ Tứ Pháp để cho ra một hình thức Phật mới là Phật Mẫu và Phật Tứ Pháp. Đó là các vị Nữ thần hoá thân thành Phật Bà Quan Âm hay Phật Bà Tứ Pháp. Theo quan niệm dân gian thì hình tượng Phật Mẫu Man Nương và Tứ Pháp (là 4 người con gái của Bà: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) ứng với hiện tượng: Mây, Mưa, Sấm, Chớp trong tín ngưỡng nông nghiệp cổ, được thờ ở chùa Dâu, nằm gần trung tâm Phật giáo cổ nhất và lớn nhất nước ta là Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Như vậy hiện tượng tôn thờ Tứ Pháp trong Phật điện là kết quả của mối “kết duyên” giữa Phật giáo với tín ngưỡng nông nghiệp bản địa, và nguồn gốc của Tứ Pháp là các Nữ thần: Vân, Vũ, Lôi, Điện, tương ứng với Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Trước khi có sự du nhập của Phật giáo vào nước ta thì các vị Nữ thần này được thờ ở các đền miếu dân gian, và được tôn vinh là các vị thần nông nghiệp trông coi về ớc – là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sản xuất nông nghiệp lúa nước. Vì vậy trong dân gian vẫn có câu: “Nhất nước, nhì phân…”. Đến khi Phật giáo vào đã nhanh chóng dân gian hoá, thu nhận tín ngưỡng thờ Tứ Pháp của người Việt cổ, dẫn đến các ngôi đền (miếu) này chuyển hoá thành chùa chiền. Nhưng mỗi vị Tứ Pháp được thờ riêng như cũ dưới hình thức là một vị thần chủ (Phật chủ) thờ ở mỗi chùa, mà không thấy thờ thêm một vị Phật hoặc vị Bồ Tát nào khác. Như vậy, Tứ Pháp đã được người Việt coi là sự phân thân của đức Phật dưới hình thức lực lượng tự nhiên. Chính vì vậy, cụm di tích Tứ Pháp luôn có 4 ngôi chùa riêng biệt ở 4 thôn cạnh nhau trong các làng xã cổ truyền. Làng Dâu (nay là làng Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có 5 ngôi chùa thờ 5 mẹ con Bà Man Nương: Bà Man Nương (Phật Mẫu) thờ ở chùa Mãn Xá, các con gái của Bà là Bà Dâu (Pháp Vân) thờ ở chùa Dâu (Khương Tự); Bà Đậu (Pháp Vũ) thờ ở chùa Đậu (Thành Đạo); Bà Tướng (Pháp Lôi) thờ ở chùa Phi Tướng (Thanh Tương); Bà Dàn (Pháp Điện) thờ ở chùa Phương Quan (Phương Quan). Ngoài ra tượng Phật Tứ Pháp còn được tôn thờ ở nhiều ngôi chùa khác vùng châu thổ sông Hồng như: chùa Thứa thờ Pháp Vân, chùa Thanh Xá thờ Pháp Vũ (Mỹ Hào, Hải Dương); chùa Thứa thờ Phật Tứ Pháp (Thuận Thành, Bắc Ninh); chùa Ôn Xá thờ Phật Tứ Pháp (Văn Lâm, Hải Dương); chùa Nành thờ Bà Nành, tức Pháp Vân (Gia Lâm, Hà Nội); Chùa Đậu thờ Pháp Vũ (Thường Tín, Hà Nội).

Trong các lễ hội chùa thờ Tứ Pháp vẫn duy trì lễ tục rước nước (cầu nước) của cư dân nông nghiệp: Cầu mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi và nhân khang vật thịnh. Rõ ràng tục thờ Mẫu và Tứ Pháp được đạo Phật dung nạp vào thờ trong chùa từ khá sớm, dưới dạng Phật Mẫu và Phật Tứ Pháp, đó là mối quan tâm đầu tiên của đạo Phật khi muốn cắm rễ ăn sâu vào mảnh đất Việt.

Đạo giáo khi du nhập vào nước ta cũng phải tự điều chỉnh và biến đổi để dung hoà với tín ngưỡng dân gian bản địa. Theo các nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã công bố thì tín ngưỡng thờ Mẫu là kết quả của mối “giao duyên” giữa Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa, mà Đạo giáo lại có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào đất Việt cũng khoảng những năm đầu công nguyên. Đạo giáo vốn dĩ có tôn chỉ cao diệu ít người hiểu thấu, lại kết hợp nhuần nhuyễn với những tính chất huyền bí, thần kì của hệ tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, hết sức gần gũi với đời sống tâm linh của người Việt cổ xưa về sự kì vĩ và bí ẩn của vũ trụ. Vì thế mà Đạo giáo đã hoà đồng dễ dàng với hệ tín ngưỡng dân gian bản địa của người Việt. Người Việt đã tiếp nhận Đạo giáo như tiếp nhận thêm một niềm tin vào các vị thần linh mới, có uy lực siêu phàm đối với cuộc sống và vận mệnh của họ, cũng như tiếp nhận thêm một phương thức giao cảm mới với các đấng siêu nhiên đó. Do vậy mà Đạo giáo khi du nhập vào nước ta cũng đã tự điều chỉnh và biến đổi thông qua việc phong tục hoá và dân gian hoá trở thành 2 dòng tín ngưỡng mới của Đạo giáo trên mảnh đất Việt là Đạo Thần tiên và đạo Phù thuỷ.

Đạo Thần tiên (hay đạo Tu tiên) được đặc trưng bởi việc luyện linh đan, tu luyện phép trường sinh bất lão và bất tử để trở thành tiên. Người theo đạo này mang nặng tư tưởng xa lánh cuộc sống trần gian, phớt đời và giữ cho tâm hồn phiêu diêu tự tại… Còn đạo Phù thuỷ có sử dụng ma thuật, bùa phép để thờ cúng thần linh hoặc để xuất hồn và nhập hồn, hay chữa bệnh trừ tà bằng tàn hương nước thải… Để tồn tại và phát triển sâu rộng trong dân chúng, đạo Phù thuỷ tiếp tục dân gian hoá và phong tục hoá theo cách kết hợp các tục thờ Mẹ/ Mẫu và tục thờ Nữ thần vốn có trong hệ tín ngưỡng nông nghiệp cổ của cư dân nông nghiệp nước ta, đồng thời kết hợp với quan niệm dân gian “đất có thổ công, sông có hà bá” để hình thành nên tín ngưỡng Tam phủ và Tứ phủ (mang tính thuần Việt). Đó là việc các thầy phủ thuỷ và thầy pháp đã tạo nên 3 vị nữ thần chính trông coi 3 cõi của tự nhiên, gọi là 3 vị Mẫu/ Mẹ như: Cõi Trời – Mẫu Thượng Thiên (hay Mẫu Cửu Thiên); Cõi Đất hay Núi rừng – Mẫu Địa hay Mẫu Thượng Ngàn; Cõi sông bể (Nước) – Mẫu Thuỷ hay Mẫu Thoải. Tương ứng với các cõi ấy được gọi là phủ như: Thiên phủ (Trời), Nhạc phủ (Núi rừng) hay Địa phủ (Đất đai -ruộng đồng), Thuỷ phủ (Nước – sông biển).

Đến thế kỉ 16, xã hội phong kiến Đại Việt khi mà Nho giáo chiếm vị trí độc tôn càng đè nặng lên thân phận người phụ nữ thì trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt lại xuất hiện thêm một linh hồn bất tử nữa, đó là vị Nữ thần quê ở làng Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định) là Mẫu Liễu Hạnh công chúa. Sự linh thiêng cao đạo của Bà, cùng với việc ảnh hưởng của tín ngưỡng Tam phủ đã được dân gian bổ sung vào thần điện để tôn thờ thành tín ngưỡng Tứ phủ. Bà Liễu Hạnh được dân gian tôn vinh là Thánh Mẫu (Mẫu Liễu) làm vị thần chủ trông coi cõi Nhân gian (hay Trần gian) và tương ứng với cõi này là Nhân phủ. Có lẽ từ đây đạo Tứ phủ được dân chúng gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian và nhanh chóng ăn sâu vào tâm thức dân gian của người dân đất Việt. Tuy nhiên không phải ở đâu người ta cũng thờ Mẫu Liễu, mà phổ biến nhất vẫn là thờ “Tứ phủ công đồng” gồm có Tứ Mẫu trông coi 4 miền của Vũ trụ: Trời, rừng, nước, đất; với trung tâm là “Tam Toà Thánh Mẫu“. Trong đó, Mẫu đệ nhất là Mẫu Thiên; Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu đệ tam là Mẫu Thoải (Thuỷ); Mẫu đệ tứ là Mẫu Địa. Riêng ở những ngôi đền (hay phủ) thờ Mẫu Liễu thì dân gian đồng nhất với Mẫu Thiên. Và Tam toà Thánh Mẫu khi ấy là: Mẫu đệ nhất là Mẫu Liễu (mặc áo đỏ, đồng nhất với Mẫu Thiên); Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn (mặc áo xanh lá cây); Mẫu đệ Tam là Mẫu Thoải (mặc áo trắng), như ở Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội) và Phủ Sòng (Thanh Hoá)…

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, đạo Phật và tín ngưỡng thờMẫu dân gian luôn luôn gắn bó và có mối quan hệ tương giao với nhau; cùng nương tựa, dung hoà, bổ sung cho nhau. Do đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu đều được hình thành và phát triển trên mảnh đất Việt, cùng dựa trên nền tảng của hệ tín ngưỡng nông nghiệp (hay hệ tín ngưỡng dân gian) bản địa nên trong chúng chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá tương đồng. Một dẫn chứng tiêu biểu cho mối giao duyên giữa đạo Phật với tín ngưỡng thờ Mẫu là trong lễ hội Phủ Giầy được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 3 âm lịch, ngoài phần nghi lễ trọng thể dâng hương tưởng niệm Mẫu Liễu Hạnh còn có những cuộc rước “Thỉnh kinh” diễn ra như sau: mồng 4 từ Phủ Giáp Ba (đền Bảo Ngũ) sang chùa Thông, mồng 5 từ Phủ Vân Cát sang chùa Dần, mồng 6 là cuộc rước lớn từ Phủ Tiên Hương đến chùa Gôi và ngược trở lại. Theo quan niệm dân gian thì đó là sự biểu hiện việc quy theo đạo Phật của Mẫu Liễu Hạnh.

Lễ rước “Thỉnh kinh” trong ngày mồng 6 còn nói lên sự giao kết của tín ngưỡng thờMẫu với đạo Phật vì ở chùa Gôi là nơi thờ ông Đề Sát (hay Tướng Lữ Gia thời Triệu) tu hành đắc đạo. Ngài vốn là nhân vật có nhiều công lao cứu nước, giúp dân và cứu giúp Mẫu Liễu trong nhiều phen hoạn nạn. Theo sự tích “Sùng Sơn đại chiến”, khi Liễu Hạnh tung hoành ở núi Sòng (Thanh Hoá), sau những ngày “đại chiến kinh hoàng”, tiền quân Thánh đã bắt được Liễu Hạnh, nhưng cả vua và Tam Thánh cũng không xử phạt được Bà. Chỉ khi đức Phật hiện ra, giải cứu cho công chúa con gái của Ngọc Hoàng thì Liễu Hạnh mới qui phục. Đây là một bằng chứng sinh động nói lên mối quan hệ gắn bó của đạo Phật với đạo Mẫu dân gian mà Mẫu Liễu làm đại diện trong việc quy y cửa Phật, như Bà đã chính thức tuyên bố: “Ta là Công chúa Quỳnh Hoa ở cung Tiên thấy đạo Phật từ bi, nên muốn quy y tụng niệm”. Cho đến vài trăm năm trở lại đây, tục thờ Mẫu đã lan nhanh ra khắp vùng châu thổ Bắc Bộ và tiếp tục phát triển ở một phần Trung Bộ và Nam Bộ sau này. Bên cạnh những đền (Phủ hay điện) thờ các Thánh Mẫu, các chầu Bà, các đức Ông, cùng các thánh Cô, thánh Cậu, vẫn song song tồn tại trong các khuôn viên chùathờ Phật. Như vậy các ngôi chùa ở khắp làng quê Việt Nam do sự chi phối mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian, thông qua mối quan hệ mật thiết với đạo Phật mà có cấu trúc theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh, “tiền Phật hậu Mẫu”. Đó là một đặc trưng quan trọng của ngôi chùa Việt. Như vậy có thể coi việc thờ Mẫu là một đảm bảo chắc chắn cho sự tồn tại của ngôi chùa. Đây là cách lựa chọn đúng đắn nhất của đạo Phật khi lấy đạo Mẫu dân gian làm bạn đồng hành. Vì thế mà đạo Phật có chỗ dựa vững chắc trong đời sống tâm linh ở cộng đồng người Việt. Bởi lẽ, tục thờ Mẫu từ ngàn xưa là một tín ngưỡng có hình thức và nội dung gần gũi với tư tưởng và tâm linh rộng rãi trong tâm thức dân gian Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt và có một sức sống mãnh liệt dẻo dai, uyển chuyển phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử. Theo quan niệm dân gian thì một Mẫu đầy sức mạnh siêu nhiên, quyền năng vô lượng đã hoá thân và phân thân thành các vị thần linh tối thượng như Phật Quan Âm Bồ Tát với khuôn mặt của Nữ thần (hay Thánh Mẫu). Đó là đức Phật Bà Quan Âm “Thiên thủ, Thiên nhãn” nghìn tay, nghìn mắt”) và một số vị thần Nữ khác cũng tham gia vào việc cai quản vũ trụ. Một trong những nét tương hợp khác nữa của đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu là cả hai đều cùng kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa như tục thờ Mẹ và thờ Nữ thần với tục thờ Tứ Pháp để tạo ra Phật Mẫu, Phật Tứ Pháp hay Phật Bà Quan Âm.

Theo sách nhà Phật thì Quan Âm là một vị Bồ Tát nam giới nhưng khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc và nước ta, qua mối quan hệ với tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp, luôn đề cao bà Mẹ Đất – Nước với các yếu tố âm nên Quan Âm trong đạo Phật Việt Nam đã ứng hiện ra dưới bộ mặt nữ thành Phật Bà Quan Âm. Quan Âm Nam Hải trong nhận thức của người Việt vốn là Diệu Thiện (nghĩa là “điều thiện tốt đẹp nhiệm màu”), con thứ ba của Diệu Trang (Cubhavyuha). Công chúa là một hiện thân của đức Quan Âm, bỏ sự sang quí vượt mọi ngăn trở để tu hành đắc đạo.

Khảo sát mối quan hệ giữa đạo Phật với tín ngưỡng thờ Mẫu còn có thể tiếp cận từ góc độ xem xét việc bài trí trong điện thờ Phật và điện thờ Mẫu ở nhiều ngôi chùa khắp làng quê Việt Nam. Như đã nêu trên, trong khuôn viên của các ngôi chùa ngoài có điện chính thờ Phật còn có điện thờ Mẫu và bàn thờ Tổ (các sư trụ trì ở chùa).Ở trong điện Phật có Toà Tam Bảo, có Tam Thế Phật và Tam Tôn Di Lặc…thì ở điện thờ Mẫu có Tam Toà Thánh Mẫu, có Tam phủ, Tứ phủ và Tam vị Đức vua Cha…Theo quan niệm dân gian con số 3 là con số vừa để biến đổi vừa để cân bằng thường được viện vào trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống tâm linh như: Vũ trụ có 3 tầng, tam ngôi thánh thiện, tam giáo đồng nguyên hay tam vị nhất thể… Số 3 là số lẻ, vì lẻ thì động chuyển nhờ đó mà biến đổi và phát triển không ngừng. Vì vậy, con số 3 được sử dụng nhiều trong cách bài trí sắp đặt tượng thờ ở điện Phật và điện Mẫu. Không những thế trong điện thờ Phật có nơi còn thờ cả Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng với Nam Tào và Bắc Đẩu như ở điện thờ Mẫu và nhiều nét tương hợp khác nữa.

Tóm lại, những điều phân tích và lí giải ở trên phần nào cho chúng ta thấy quá trình dân gian hoá và phong tục hoá (dân tộc hoá) của đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta. Đồng thời trong suốt quá trình ấy đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu đã có mối quan hệ gắn bó tương giao và dung hoà, nương tựa hay bổ sung cho nhau, để cùng nhau tồn tại và phát triển; trở thành phổ biến rộng khắp trong đời sống tâm linh của người dân đất Việt. Từ ngàn xưa đến nay Trời – Phật – Mẫu được coi là những biểu tượng linh thiêng trong tâm tưởng của con người có sức mạnh siêu nhiên của đấng thần linh tối thượng sáng tạo ra thế giới vạn vật muôn loài và điều khiển vòng quay của vũ trụ. Vì vậy người ta tôn thờ, tin tưởng vào các đấng thần linh tối thượng đó để cầu mong sự phù hộ độ trì hoặc chở che cho kiếp sống con người ở cõi trần gian. Cũng nhờ có đức tin cao cả đó cho con người ta luôn hướng đến những giá trị đích thực của cuộc sống là cái ChânThiện, Mỹ và làm cho con người ta luôn luôn chú tâm vào việc tu nhân tích đức, khuyến thiện trừ ác, hoà thuận, thương yêu và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Trong suốt tiến trình hình thành và phát triển của mình, đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu là hai loại hình tín ngưỡng tôn giáo dân gian (dân tộc) đã tích tụ, bảo lưu và hàm chứa nhiều giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hoá truyền thống, góp phần giữ gìn, lưu truyền và phát huy những tinh hoa văn hoá thuộc về bản sắc dân tộc độc đáo của Việt Nam.

Mối quan hệ với các tín ngưỡng khác

Có một sự hỗn dung khác giữa tín ngưỡng Việt và người Khơme bản địa, đó là hình tượng Bà Đen – Linh Sơn Thánh Mẫu. Tiền thân của Bà Chúa Xứ, Bà Đen của Khơme và kể cả bà Pô Inư Nagar của Chăm đều thấy hình tượng thấp thoáng của Ấn Độ giáo, trong đó vai trò của thần Siva là nổi bật. Tuy nhiên, quá trình bản địa hóa văn hóa Ấn Độ của người Khơme và Chăm trên địa bàn Trung Bộ và Nam Bộ đã diễn ra trước khi người Việt đầu tiên có mặt. Sau đó khi người Việt tới đây, họ lại Việt hóa các vị nữ thần Chăm và Khơme này thành các vị nữ thần tôn kính của mình. Quá trình Việt hóa vị nữ thần Khơme này qua các chuỗi chuyển tiếp Kali – Bà Đinh – Bà Chúa Động – Bà Đen – Linh Sơn Thánh Mẫu. Tất nhiên cần tiếp tục quá trình nhận thức sự chuyển tiếp này nhưng thực tế trên thần điện ở đền Bà Chúa Xứ, vốn gốc là nữ thần Khơme, không thấy có hiện tượng phối thờ Bà Đen. Nhưng ở đền – chùa Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen, nơi chính điện, người ta thấy Bà Đen và Bà Chúa Xứ ngồi ngang nhau, một bà mặt đen (Bà Đen) và mặt trắng (Bà Chúa Xứ). Hơn nữa theo quan niệm dân gian ở đây, người ta coi Bà Đen và Bà Chúa Xứ là hai chị em.

Tại một ngôi đền lớn thờ Bà Rá mà dân gian quen gọi là Bà Đen ở Phước Long (Bình Phước) lại phối thờ linh tượng Bà Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen và coi Bà Rá và Bà Đen – Linh Sơn Thánh Mẫu là hai chị em, trong khi đó ở đền Linh Sơn Thánh Mẫu (Tây Ninh) lại không phối thờ Bà Rá. Xa hơn nữa, hé mở cho chúng ta mối quan hệ giữa Bà Chúa Xứ (An Giang) – Bà Đen (Tây Ninh) – Bà Rá (Phước Long) với tục thờ Muk Juk (Bà Đen) của người Chăm ở phía đông nam trên địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận. Và cũng không loại trừ khả năng phía sau những hiện tượng “Bà Đen” này là một ảnh hưởng xa hơn của văn hóa Ấn Độ.

Tính đa lớp trong tín ngưỡng thờ Mẫu là một đặc trưng chung trên phạm vi cả nước, tuy nhiên, đặc trưng này thể hiện rất rõ, rất đậm trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ. Trong đền thờ Bà Chúa Xứ ở Núi Sam hay Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen đều có những miếu nhỏ nằm ngoài điện thờ chính. Nhìn vào không gian chật hẹp trong am miếu đó ta thấy hình tượng trụ đá tròn, trên đỉnh có phủ tấm khăn đỏ, biểu tượng của linga nguyên thủy, hai bên có tượng hay hai bát hương mà dân gian quan niệm đó là thờ Cậu (Cậu Tài, Cậu Quý). Bên ngoài, người ta ghi đó là nơi thờ ông Tà hay Tà thần. Nhìn vào hiện tượng thờ cúng dân gian này chúng ta thấy ít nhất cũng có 4 lớp văn hóa – biểu tượng tiềm ẩn:

– Lớp thờ thần Siva của Ấn giáo biểu tượng bằng linga nguyên thủy, tồn tại ít nhất từ thời vương quốc Phù Nam đã bị Ấn Độ hóa.
– Người Khơme đã dân gian hóa linh tượng này thành biểu tượng của vị thần Nieak Tà, mà sau này người Việt đã Việt hóa tên gọi thành ông Tà, vị thần mang lại mưa thuận, gió hoà, tránh rủi ro, dịch bệnh và cả cầu mong tình yêu nữa.
– Linh tượng này còn tiềm ẩn lớp tín ngưỡng Chăm, với việc đồng nhất linga với Pô Inư Nagar, mà hai bên Bà luôn có linh tượng của hai con trai là cậu Tài và cậu Quý.
– Người Việt khi vào đây đã Việt hóa thành hình tượng thờ Cậu của tín ngưỡng thờMẫu, với tâm thức lưỡng nguyên đực – cái / núi Bà – núi Cậu, mang lại sự phồn thực sinh sôi.

Cũng như người Việt ở Bắc Bộ, trên cái nền thờ Nữ thần và Mẫu thần với việc tiếp thu ảnh hưởng Đạo giáo dân gian Trung Quốc đã ra đời tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, hình thức phát triển cao nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung. Nhất là từ thế kỷ XVI-XVII, trong điều kiện xã hội Việt Nam thời đó, xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh và bà đã trở thành vị thần chủ cao nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Và cũng từ đây, đạo Mẫu trở thành một tín ngưỡng tôn giáo gắn với đời sống dân gian, thoả mãn ước vọng sức khoẻ, tài lộc, may mắn của con người.

Những lớp cư dân Việt sớm nhất từ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, khi mà ở Bắc Bộ đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ chưa thật hình thành và định hình, do vậy họ mang theo chủ yếu là tâm thức thờ Nữ thần, Mẫu thần và khi vào vùng đất mới, nơi có người Chăm và Khơme sinh sống, đã hỗn dung và tiếp thu tín ngưỡng người dân bản địa để hình thành nên các lớp thờ Nữ thần và Mẫu thần như đã nói ở trên.

Ở Nam Bộ, bên cạnh tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần, nhiều nơi đã thấy các đền, điện thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và kèm theo là nghi lễ Hầu bóng. Theo điều tra bước đầu và có lẽ còn xa với sự thật thì ở Tp Hồ Chí Minh có 11 đền, điện, Bình Dương có 7 đền, điện, Đồng Nai có 4 đền, điện. Ngoài ra còn thấy rải rác ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt… Vấn đề đặt ra là ai và khi nào người Việt đã mang tín ngưỡng thờ Mẫu và kèm theo đó là nghi thức Hầu bóng vào Nam Bộ

Thời kỳ Pháp thuộc, đặc biệt là từ sau năm 1954, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ phát triển ở Nam Bộ do người Việt từ Bắc Bộ trực tiếp di cư mang vào. Cùng với việc du nhập tín ngưỡng thờ Mẫu từ Bắc Bộ, hình thức thờ phụng các anh hùng dân tộc, đặc biệt là thờ Đức Thánh Trần, một “cặp bài trùng” với tín ngưỡng thờMẫu cũng du nhập theo, khiến cho nhiều nơi ở Nam Bộ, nhất là phía Đông Nam Bộ, phát triển hình thức tín ngưỡng này. Tất nhiên, cùng với tín ngưỡng thờMẫu Tam phủ, Tứ phủ và thờ Đức Thánh Trần, thì nghi lễ Hầu bóng và lễ hội “tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”, mà ở đây Mẹ là Thánh Mẫu, còn Cha là Đức Thánh Trần, một thứ Ngọc Hoàng của Đạo giáo dân gian Việt Nam, cũng dần phổ biến ở Nam Bộ.

Diêu Trì Thánh Mẫu vốn là một vị thần của Đạo giáo, từ lâu đã thâm nhập vào Phật giáo (Phật Mẫu) và cả đạo Cao Đài. Gần đây, vị Thánh Mẫu Diêu Trì này đã xuất hiện trong tín ngưỡng thờ Mẫu và và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Hay đền thờ Mẫu ở Bình Hoà (Thành phố Hồ Chí Minh) có ban thờ Diêu Trì Thánh Mẫu ở ngay cạnh nơi đặt các bát hương thờ bản mệnh của con nhang đệ tử. Hiện tượng này chưa thấy ở các đền phủ thờ Mẫu thần hay Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở Bắc Bộ.

——————————–

Tài liệu tham khảo:

1. Thái Anh (1992), Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Chí Bền (2003), Văn hóa dân gian Việt Nam, những phác thảo, Nxb Văn hóa – Thông tin
3. Nguyễn Đăng Duy (1998), Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội.
4. Mai Thanh Hải (2005), Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
5. Lê Thanh Hải (2001), Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
6. Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng Thành hoàng làng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
7. Đinh Gia Khánh (1995), Văn hoá dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
8. Ngô Đức Thịnh (cb) (2004), Đạo Mẫu và các hình thức shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
9. Ngô Đức Thịnh (cb) (1996), Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội

Theo BTGCP.GOV.VN

Tags: , ,