Tiền tươi và án tử nhìn từ vụ án lịch sử ‘chuyến bay giải cứu’

Phiên tòa xử vụ án “chuyến bay giải cứu” tạm khép lại. Đã có nhiều bình luận về tính chất đặc biệt của vụ án và lý giải tại sao án tòa có nhiều khác biệt so với đề nghị của viện kiểm sát.

Tiền tươi và án tử nhìn từ vụ án lịch sử ‘chuyến bay giải cứu’

Bài viết này đề cập góc độ kinh tế và pháp lý liên quan quy định pháp luật hiện hành về nộp tiền khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ hình phạt. Tiền tươi và án tử, đồng tiền – nhìn từ góc độ kinh tế hay pháp lý, vẫn cần được tiếp tục mổ xẻ qua vụ án này.

Trước giờ Tòa tuyên án, các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả hàng trăm tỉ đồng. Trong đó có ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử hình nhờ thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và nộp 42,2 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Các bị cáo khác đã nộp lại tiền khắc phục hậu quả phạm tội lãnh án thấp hơn mức đề nghị của cơ quan công tố. Bên cạnh đó, xét bối cảnh, điều kiện phạm tội và thái độ thành khẩn, có 10 bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp được tòa cho hưởng án treo.

Ngược lại, nhóm bị cáo mặc dù dùng tiền khắc phục một phần hoặc toàn bộ số tiền phạm tội, nhưng vẫn bị Tòa tuyên án cao hơn mức viện kiểm sát đề nghị với hai án chung than. Riêng cựu điều tra viên cao cấp Hoàng Văn Hưng không nhận tội lừa đảo 800.000 đô la Mỹ, tương đương 18,8 tỉ đồng, lãnh án tù chung thân, cao hơn mức viện kiểm sát đề nghị là 19-20 năm tù.

Vụ án này nổi lên “tính hai mặt của đồng tiền”, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa tội ác và trừng phạt. Đồng tiền tội lỗi của những kẻ phạm tội ăn trên nỗi đau, xương máu của đồng bào mình và đồng tiền cứu mạng, thoát án tử, giảm án tù cho các bị cáo. Vụ án tạm kết thúc, nhưng cũng đang đặt ra yêu cầu từ thực tiễn phòng chống tội phạm, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật liên quan chế định “nộp tiền khắc phục hậu quả được giảm án”.

Các phương thức, thủ đoạn, hành vi và mức độ phạm tội của các bị cáo gồm hối lộ, môi giới, nhận hối lộ hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vụ án này đều liên quan đến số tiền cực lớn. Đồng tiền dưới góc độ kinh tế là vật trung gian trao đổi, thanh toán, đã được tội phạm sử dụng, tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp phải hối lộ để kiếm lợi bất chính. Đến lượt doanh nghiệp, họ phải thu tiền cao ngất ngưởng của người dân trong cảnh khó khăn, khốn cùng do dịch bệnh để bôi trơn và kiếm lời.

Đồng tiền chạy án là phần chìm của tảng băng tội phạm lâu nay bị che đậy nay được phơi bày, đến đồng tiền pháp lý giúp các bị cáo thoát tội chết, giảm án phạt cần được “phân ranh” rõ ràng.

Việc vận dụng quy định pháp luật hình sự, pháp luật phòng chống tham nhũng hiện hành để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo của Tòa án là đúng và đây không phải lần đầu tòa án dụng quy định này. Trường hợp bị cáo Phạm Trung Kiên thoát án tử hình có yếu tố nộp tiền khắc phục hậu quả không phải lần đầu trong lịch sử tư pháp nước ta.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phần tiền các bị cáo, gia đình bị cáo nộp khắc phục hậu quả tại các vụ án này đều có nguồn gốc tội phạm, nên bị tịch thu là đương nhiên. Việc kê biên tài sản là cần thiết để đảm bảo điều kiện thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

Pháp luật cần quy định rõ ràng hơn, chỉ trong các trường hợp mà cơ quan điều tra, xét xử không phát hiện ra nhưng bị cáo và gia đình chủ động khai báo và tự nguyện nộp khắc phục hậu quả thì mới được xem là căn cứ giảm nhẹ hình phạt.

Quy định này cũng cần thời gian để xem xét tương tự “án tử hình treo 2 năm” mà Trung Quốc đang áp dụng đối với các quan tham, chứ không thể “ngay và luôn” sau khi các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả.

Thực tế cho thấy, tham nhũng chính là trở ngại lớn cho phát triển bền vững của quốc gia, đang thách thức chế độ kỹ trị và nhà nước pháp quyền. Tham nhũng làm tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Chọn lựa bên nào hay hài hòa như thế nào giữa lằn ranh đúng người, đúng tội, nghiêm minh và nhân đạo, khoan hồng, khuyến khích sự ăn năn hối lỗi, nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế điều chỉnh xung đột về lợi ích đang là đòi hỏi, thách thức cần được xem xét từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, hối lộ hiện nay.

Theo TRẦN HIỆP THỦY / THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: , ,