⠀
Thomas Piketty và ‘Tư bản trong thế kỷ 21’
“Tư bản trong thế kỷ 21” (Capital in the Twenty-First Century) xuất bản năm 2013 của Thomas Piketty là cuốn sách được The Economist đánh giá là có tầm quan trọng ngang bộ “Tư bản” của Karl Marx.
Theo Thomas Piketty, cần phải khẩn trương suy nghĩ lại về chủ nghĩa tư bản từ tận gốc rễ nền tảng, một cách bình tâm và triệt để, bởi nếu sự bất bình đẳng tiếp diễn trong thế kỷ này thì nhiều khả năng thế kỷ 21 đang quay về với những gì đã diễn ra trong thế kỷ 19 khi một số gia đình dòng tộc nắm giữ phần lớn của cải. Và nếu những Chiến tranh Thế giới và Chiến tranh lạnh trong thế kỷ 20 đã là hệ quả từ hình thái xã hội với bất bình đẳng lên đến đỉnh điểm trong thế kỷ 19 thì liệu khi những bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng trong thế kỷ 21 không được đẩy lùi thì thế kỷ 22 tới có đầy sóng gió như thế kỷ 20?
Sau đây là bài viết của chính tác giả cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21” viết về chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ hiện tại.
Liệu chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21 này cũng sẽ bất bình đẳng như thế kỷ 20? Và liệu lần này, chủ nghĩa tư bản có kết thúc trong sự dữ dội trên quy mô toàn cầu của các cuộc chiến tranh, của xung đột giữa các dân tộc và của bạo lực? Có một điều chắc chắn đó là sẽ cần phải làm nhiều hơn những gì đã làm đối với cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 để một nền dân chủ có thể vượt lên trên và học cách chế ngự chủ nghĩa tư bản.
Một cuộc khủng hoảng chắc chắn có thể đóng một vai trò có lợi trong việc điều chỉnh một vài điều nghiêm trọng thái quá đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980. Vì ý tưởng điên rồ nào mà các cơ quan Nhà nước đã cho phép một ngành tài chính phát triển không kiểm soát, không quy định chặt chẽ, cũng không cần báo cáo chính xác? Vì sự mù quáng nào mà các nhà quản lý đã để cho các nhà lãnh đạo và các nhà giao dịch tùy ý sử dụng hàng chục triệu euro thu nhập mà không hề phản ứng gì, thậm chí lại còn vinh danh họ?
Sự sụp đổ của bức tường Berlin và chiến thắng lớn của chủ nghĩa tư bản trước Liên bang Xô-viết có thể đã góp phần khiến cho một thời điểm lạ lùng bắt đầu xuất hiện trong những năm 1990-2000. Chính là thời điểm đã được đánh dấu bằng một lòng tin quá mức vào một thị trường tự điều chỉnh và một cảm giác tuyệt đối không thể bị trừng phạt của những gã khổng lồ trong lĩnh vực kinh tế và tài chính.
Cho đến thời điểm hiện nay, khoảng thời gian cùng cực nhất đã qua đi, nhưng vẫn còn nhiều năm nữa, trước khi những bài phát biểu trước công chúng được biến thành hành động. Minh bạch tài chính và kế toán là một dự án khổng lồ, đụng chạm đến cả những thiên đường thuế, những cường quốc, những công ty phi tài chính lẫn lĩnh vực ngân hàng. Liên quan đến những mức lương khổng lồ, chỉ có những khoản đánh thuế nặng mới làm giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đang rất nghiêm trọng trong xã hội. Tuy nhiên, con đường sẽ còn dài trong khi những rào cản về mặt tư tưởng vẫn còn mạnh mẽ.
Một trong những điểm mấu chốt trong cuốn sách của là lời giải cho câu hỏi làm sao để giảm bớt bất bình đẳng giàu-nghèo trong xã hội.
Ngay cả khi hai cuộc chiến (vì nền tài chính – kế toán minh bạch và giảm chênh lệch giàu nghèo) được tiến hành, thì chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 21 vẫn sẽ không cho phép hình thành một thế giới công bằng và hòa bình.
Người ta thường nói rằng, chủ nghĩa tư bản của đầu thế kỷ 21 là “tài sản”. Người ta cũng thường nghe nói rằng, những chuyển động giá và lợi nhuận từ những tài sản tài chính và bất động sản đóng vai trò chủ đạo trong nền tư bản ấy. Điều đó không sai. Nhưng giờ đây, chúng ta cần phải nhận ra rằng, chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại dưới dạng khác mà không phải là “tài sản” và điều này là một nhân tố kiến thiết nên hình thái xã hội với sự bất bình đẳng. Trong thế kỷ 20, đặc biệt là sau cuộc Chiến tranh lạnh, người ta đã nhầm tưởng rằng phương Tây đã chuyển sang một giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản, một chủ nghĩa tư bản không có tư bản theo một số cách hiểu nào đó, hoặc ít nhất là không có những nhà tư bản.
Thế giới quan đối lập giữa người lao động và nhà tư bản – được thịnh hành cho tới năm 1914 và tồn tại trong khoảng thời gian giữa hai cuộc Chiến tranh Thế giới (WW1 và WW2) – đã bắt đầu được thay thế từ năm 1945, bằng một điểm nhìn khác cũng phân nhánh thành hai (lưỡng phân) giữa người lao động và nhà tư bản, nhưng nhẹ nhàng hơn. Một mặt, các “hộ gia đình” được giả định rằng chỉ sống nhờ tiền lương và mặt ngược lại, các “doanh nghiệp” bị chi phối bởi lô-gic không thể thay thế của năng suất và hiệu quả, nhưng trên hết đó là nơi mà tiền lương được phân phối và luôn luôn tăng trưởng. Trong khi đã bỏ quên một điều: chủ sở hữu cuối cùng của các công ty và tư bản luôn luôn là những thực thể con người và đích xác chính là những hộ gia đình. Và sự phân bổ bất bình đẳng trong sở hữu tài sản và thu nhập (cổ tức, lợi suất, tiền cho thuê, lợi nhuận đầu tư) vẫn là sự bất bình đẳng chủ yếu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa: ít nhất Marx đã đúng ở điểm này.
Vì không phân biệt một cách rõ ràng, nên thậm chí có thời điểm người ta đã nhầm tưởng rằng, thu nhập từ tư bản đã biến mất theo lợi ích mà thu nhập đem lại cho người lao động. Hay những người lao động đáng khen cuối cùng đã được thay thế bằng những gã cổ đông bụng phệ. Người ta bắt đầu nghĩ rằng, sự bất bình đẳng chỉ đơn thuần diễn ra trong tiền lương giữa người lao động với công nhân, nhân viên và công chức. Trong khi một thế giới đã thống nhất trong cùng một nguyên tắc – phải được xây dựng trên ý tưởng của những nhân tài.
Chúng ta sẽ không bao giờ có vinh hạnh để thế giới có thể quay trở lại “30 năm vinh quang”. Đó đã là một phần của giấc mơ thành kính và của một thời kỳ chuyển tiếp đặc biệt, khi chủ nghĩa tư bản đang được xây dựng lại.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ một hiện tượng khá phổ biến: tỷ lệ tăng trưởng GDP thường xuyên nằm trong khoảng 4-5%/năm trong khoảng thời gian 1945-1973. Tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định cho phép sức mua được giữ ở mức cao, đồng thời cũng khiến cho mọi người có linh cảm rằng, tăng trưởng sẽ kéo dài mãi mãi. Hiện tượng này được giải thích trước tiên bởi quá trình phục hồi diễn ra sau những thập kỷ mất mát kéo dài từ 1914-1945.
Bên cạnh đó, một lý do khác còn sâu sắc hơn đến từ những hậu quả trong dài hạn. Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổi ra, tài sản tư nhân cũng biến mất. Đầu những năm 1950, tổng giá trị tài sản tài chính và bất động sản của các hộ gia đình chỉ tương đường hơn 1 năm tổng thu nhập quốc dân, so với hơn 6 năm tổng thu nhập quốc dân trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Cần đến hơn nửa thế kỷ sau để mối tương quan giữa tài sản và thu nhập (thước đo trung tâm cho sự phát triển của tư bản) phục hồi về tỷ lệ gần như xấp xỉ (đạt 6/7 trong những năm 2000) so với “Thời kỳ tươi đẹp” tại châu Âu (“Belle Époque” – kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1914 khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra).
Trong số các nước phương Tây, thời kỳ tỷ lệ tư bản thấp diễn ra đặc biệt đáng chú ý tại Pháp. Đó là khi tầm quan trọng của Chính phủ ngày càng được khẳng định sau khi Chính phủ Pháp trở thành chủ sở hữu nguồn vốn tư bản của các doanh nghiệp sau sự kiện quốc hữu hóa năm 1945. Kèm theo đó là một chính sách thắt chặt tiền cho thuê và sau đó, đã trở thành nguyên nhân chủ đạo để giải thích cho tình trạng giá bất động sản xuống thấp kỷ lục trong những năm 1950-1970.
Tuy nhiên, người ta cũng nhận ra đây là xu hướng chung trong tất cả các nước phát triển chứ không riêng gì ở Pháp. Trên cấp độ toàn cầu, sự tích lũy tư bản của tư nhân đã được nhìn nhận như việc mở ra những lĩnh vực mới và vùng “lãnh thổ” mới mà trước kia từng chỉ thuộc sở hữu của Nhà nước.
Việc định giá rất cao giá trị các tài sản trong những năm gần đây là một hệ quả từ tình trạng bong bóng chúng khoán và bất động sản và tỷ lệ tài sản/thu nhập được dự báo sẽ giảm trong những năm tới. Những con số đó không bao giờ thấp hơn mức trong thời kỳ “30 năm vinh quang” và tất cả mọi thứ cho thấy, tài sản và thu nhập trong thế kỷ 21 ít nhất sẽ tương đương với mức đã đạt được trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Những tác động lên cấu trúc xã hội và sự bất bình đẳng ở cả trong nước và quốc tế sẽ mất nhiều thời gian để được nhìn nhận ra một cách đầy đủ, nhưng đó lại là những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt xu hướng giảm thuế khóa trên diện rộng, đã làm suy yếu hệ thống thuế lũy tiến đã được kiên nhẫn xây dựng trong thế kỷ 20. Chắc chắn, mức thuế trong thế kỷ trước chưa lên đến đỉnh điểm nhưng đến thế kỷ 21 này, hệ thống đó có nguy cơ sẽ bị suy giảm bằng cách đơn giản là bãi bỏ mọi hình thức đánh thuế lên tư bản và thu nhập. Và như vậy, sẽ chẳng còn điều gì có thể ngăn cản chủ nghĩa tư bản quay lại thời kỳ đỉnh điểm của bất bình đẳng như trong thế kỷ 19.
Nền kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân vốn tư bản cuối cùng đã được nhìn nhận trong những khía cạnh tích cực.
Không phải vì một hệ thống được tạo lập dựa trên sự chấp nhận thực tế thói ích kỷ của cá nhân hay sự không hoàn hảo của con người, mà là vì đây là hệ thống duy nhất hướng đến sự to do của con người và đáp ứng những mong muốn vô hạn của cá nhân. Nhưng cũng từ đó mà người ta nhận ra rằng, điều tất yếu không thể tránh khỏi khi chủ nghĩa tư bản giải phóng khỏi kích thước hiện có, chắc chắn sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, không bền vững, vô lý và đe dọa giá trị cốt lõi của sự dân chủ mà trước tiên là tư tưởng trọng nhân tài.
Trong “30 năm vinh quang”, chỉ có 1% dân số có khả năng nhận tài sản thừa kế tương đương tổng thu nhập của 1 đời lao động với mức lương tối thiểu (tương đương 500.000 euro hiện nay). Tỷ lệ này đã tăng gấp 10 lần trong vòng 20 năm, vượt trên 10% dân số trong những năm 2010 và còn cao hơn nữa nếu tính cả lợi nhuận sinh lời của những tư bản đó. Thậm chí, sẽ phải mất nhiều thời gian nữa để nhận ra điều đó, trong khi phần tư bản nhận được từ thế hệ trước rồi chuyển cho thế hệ tiếp theo sẽ tiếp tục tăng.
Ý tưởng về sự tích lũy tư bản được xác lập dựa trên hiện tượng tiết kiệm trích ra từ thu nhập lao động – đã từng phổ biến trong “30 năm vinh quang” trong giai đoạn tăng trưởng cao về kinh tế và nhân khẩu học – đã biến mất ngay sau khi những hậu quả của những cuộc chiến tranh đã lùi xa và lợi nhuận từ tư bản vượt xa tỷ lệ tăng trưởng. Sự giàu lên một cách vô lý nhờ tài sản đã vượt qua việc nhận thừa kế.
Tuy vậy, tư bản tạo ra nguồn lợi nhuận không ổn định và khó dự đoán: có thể tạo ra cho mỗi người giá trị thặng dư hoặc làm thiệt hại giá trị thặng dư (thông qua các tài sản như chứng khoán và bất động sản) một giá trị tương đương mức lương của nhiều chục năm lao động cộng lại. Và thậm chí, sự tích lũy tư bản đang diễn ra mạnh mẽ và có thể còn tăng. Khi đó chẳng có gì nhiều ảo tưởng hơn việc hình dung tư bản tập trung trong một số gia đình quyền lực.
Trên cấp độ quốc tế, sự bất ổn trong biến động giá và lợi nhuận của tư bản thậm chí còn diễn ra mạnh hơn. Không có một sự hồi phục mạnh mẽ của nền dân chủ thì một hệ thống như vậy sẽ dẫn đến những thảm họa.
Trong thế kỷ trước, những cuộc chiến tranh đã gạt bỏ những điều cũ trong quá khứ và đưa ra ảo ảnh tạm thời về sự vươn lên về mặt cấu trúc của chủ nghĩa tư bản. Để thế kỷ 21 này cũng tạo nên sự vượt bậc trên cả hai khía cạnh: hòa bình hơn và bền vững hơn, cần phải khẩn thiết suy nghĩ lại về chủ nghĩa tư bản từ tận gốc rễ của nó, một cách bình tâm và triệt để.
Theo GAFIN (2014)
Tags: Tư bản, Công bằng xã hội, Thomas Piketty