Thế giới sẽ ra sao khi một đế chế sụp đổ?

Khi một đế chế hoặc một cường quốc sụp đổ, hỗn loạn và chiến tranh sẽ lên ngôi.

Thế giới sẽ ra sao khi một đế chế sụp đổ?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Robert D. Kaplan, Giám đốc về Địa chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại. Ông là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “The Tragic Mind: Fear, Fate, and the Burden of Power”.

Nguồn: Robert D. Kaplan, “The Downside of Imperial Collapse,” Foreign Affairs, 04/10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.

Chiến tranh là “thời khắc bản lề” của lịch sử. Và những cuộc chiến không được chuẩn bị kỹ càng, khi đóng vai trò là điểm khởi đầu cho sự suy tàn của một quốc gia, có thể trở thành một đòn chí mạng. Điều này đặc biệt đúng đối với các đế chế. Nếu không thất bại trong Thế chiến I, Đế chế Habsburg, vốn đã cai trị Trung Âu suốt hàng trăm năm, hẳn đã có thể tiếp tục tồn tại bất chấp nhiều thập niên suy tàn. Có thể kết luận tương tự với Đế chế Ottoman, nơi mà từ giữa thế kỷ 19 đã được ví von là “bệnh nhân của châu Âu”. Đế chế Ottoman, giống như Đế chế Habsburg, có thể đã sống sót thêm hàng chục năm nữa, và thậm chí tái cấu trúc lại, nếu họ không phải là bên thua cuộc trong Thế chiến I.

Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp, hay ăn mừng ngày tàn của một đế chế. Các đế chế hình thành từ hỗn loạn, và cũng suy tàn trong hỗn loạn. Các quốc gia đơn sắc tộc hình thành từ đống tro tàn của hai đế chế đa sắc tộc Habsburg và Ottoman chứa đựng nhiều cực đoan và bất ổn. Lý do là bởi các nhóm sắc tộc và phe phái cùng những bất bình của riêng họ, từng được xoa dịu nhờ “chiếc ô đế chế”, nay bất ngờ trở nên tách biệt và quay sang đối đầu nhau. Chủ nghĩa quốc xã, và rộng hơn là chủ nghĩa phát xít, đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và phe phái ở Balkan thời hậu Habsburg và hậu Ottoman. Nó cũng ảnh hưởng đến các trí thức Ả Rập lúc ấy đang theo học ở châu Âu, những người đã mang các ý tưởng này trở lại quê hương hậu thuộc địa mới giành được độc lập của họ, và giúp hình thành một hệ tư tưởng tai hại – Đảng Ba’ath. Cuối Thế chiến II, Winston Churchill đã suy đoán rằng nếu các đế chế quân chủ ở Đức, Áo, và các nơi khác không bị xóa sổ trên bàn đàm phán Hòa ước Versailles, “thì chúng ta đã chẳng có Hitler”.

Nửa đầu thế kỷ 20 được định hình bởi sự sụp đổ của các đế chế, và nửa sau là bởi các cuộc chiến tranh và biến động địa chính trị đi kèm với sự sụp đổ đó. Đế chế vẫn thường bị giới trí thức đánh giá thấp, nhưng sự suy tàn của đế chế có thể gây ra nhiều vấn đề lớn. Chẳng hạn, Trung Đông vẫn chưa tìm ra giải pháp thỏa đáng cho sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, bằng chứng chính là những thăng trầm đẫm máu tại khu vực này trong 100 năm qua.

Tất cả những điều này cần phải được đề cập mỗi khi chúng ta xem xét tính dễ bị tổn thương của Trung Quốc, Nga và Mỹ ngày nay. Ba cường quốc này có thể mong manh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Một tầm nhìn cẩn trọng cần thiết để tránh các thảm họa chính sách – nghĩa là khả năng nghĩ đến thảm kịch để tránh rơi vào thảm kịch – đã không được phát triển đầy đủ, hoặc không có bằng chứng rõ ràng, ở Bắc Kinh, Moskva, và Washington. Cho đến nay, cả Nga và Mỹ đều đã từng khởi xướng các cuộc chiến tự hủy diệt: Nga ở Ukraina, còn Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Đối với Trung Quốc, nỗi ám ảnh phải chinh phục Đài Loan cũng có thể dẫn đến sự tự hủy diệt. Khi nói đến sự tồn tại lâu dài của họ, trong những năm và thập niên gần đây, cả ba cường quốc này đã nhiều lần cho thấy những phán đoán tồi tệ một cách bất thường.

Nếu một hoặc tất cả các cường quốc ngày nay bị suy yếu đáng kể, thì tình trạng rối bời và mất trật tự sẽ gia tăng bên trong biên giới của họ và trên toàn thế giới. Một nước Mỹ suy yếu hoặc gặp nhiều khó khăn sẽ ít có khả năng hỗ trợ các đồng minh của mình ở châu Âu và châu Á. Nếu chế độ của Điện Kremlin bị lung lay vì các nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc chiến Ukraina, thì Nga, nước yếu hơn về mặt thể chế so với Trung Quốc, có thể trở thành một phiên bản của Nam Tư cũ, không thể kiểm soát các vùng lãnh thổ lịch sử của mình ở Caucasus, Siberia và Đông Á. Những biến động về kinh tế hoặc chính trị ở Trung Quốc có thể gây ra bất ổn ở các khu vực trong nước, đồng thời có thể khiến Ấn Độ và Triều Tiên cảm thấy mạnh dạn hơn, khi chính sách của họ trước giờ thường bị Bắc Kinh kiềm chế.

Nền tảng lung lay

Các cường quốc ngày nay không phải là các đế chế. Nhưng Nga và Trung Quốc vẫn mang theo di sản đế chế của họ. Cuộc chiến của Điện Kremly ở Ukraina bắt nguồn từ những xung động tồn tại trong cả đế chế Nga và Liên Xô. Ý định hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan mang âm hưởng của khát vọng bá chủ châu Á có từ thời nhà Thanh. Mỹ chưa bao giờ chính thức được xếp loại là một đế chế. Nhưng việc mở rộng về phía tây ở Bắc Mỹ và các cuộc chinh phục lãnh thổ ở nước ngoài đã mang lại cho Mỹ bóng hình của một đế chế trong thế kỷ 19, và trong thời kỳ hậu Thế chiến II, nước này đã có được một mức độ thống trị toàn cầu mà trước đây chỉ các đế chế mới sở hữu.

Ngày nay, cả ba cường quốc này đều đang đối mặt với tương lai bất định, trong đó không thể loại trừ sự sụp đổ hoặc tan rã ở một mức độ nào đó. Vấn đề mà từng nước phải đối mặt là khác nhau, nhưng chúng đều mang tính sống còn đối với sự tồn tại của họ. Nga là nước có nguy cơ cao nhất. Ngay cả khi bằng cách nào đó họ giành chiến thắng ở Ukraina, Nga sẽ vẫn phải đối mặt với thảm họa kinh tế khi bị phân tách khỏi EU và khối G-7, ngoại trừ trường hợp có một nền hòa bình thực sự, điều mà giờ đây rất khó xảy ra. Nga có thể đã trở thành “bệnh nhân Âu-Á,” như Ottoman từng là “bệnh nhân châu Âu”.

Đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này đang chậm lại, đi từ hai con số xuống một con số, và có thể sẽ còn thấp hơn. Nguồn vốn đã rời khỏi nước này, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán đi hàng tỷ đô la trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc. Cùng lúc đó, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt ngưỡng trưởng thành và đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm dần, dân số già đi và lực lượng lao động bị thu hẹp. Tất cả những điều này sẽ không đảm bảo cho sự ổn định nội bộ trong tương lai. Kevin Rudd, chủ tịch Hội Châu Á (Asia Society) và cựu thủ tướng Australia, nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thông qua các chính sách nhà nước và cộng sản hà khắc, “đã dần dần bóp chết con ngỗng mà trong 35 năm qua vẫn đang đẻ trứng vàng”. Những thực tế kinh tế nghiêm trọng này, bằng cách làm suy giảm mức sống của dân thường Trung Quốc, có thể đe dọa hòa bình xã hội và sự ủng hộ ngầm đối với hệ thống cộng sản. Các chế độ chuyên chế, dù bên ngoài luôn toát ra vẻ yên bình, nhưng bên trong thường lại đang thối rữa.

Mỹ là một nền dân chủ, vì vậy các vấn đề của nước này cũng minh bạch hơn. Nhưng điều đó không nhất thiết sẽ làm chúng bớt nghiêm trọng. Khi thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên đến mức không thể chịu nổi, quá trình toàn cầu hóa đã chia cắt người dân Mỹ thành hai nửa đối đầu: một nửa là những người bị cuốn vào các giá trị của một nền văn minh quốc tế-toàn cầu mới, và nửa còn lại là những người từ chối nó vì lợi ích của chủ nghĩa dân tộc có tính truyền thống và tôn giáo. Một nửa nước Mỹ đã tách mình khỏi yếu tố địa lý lục địa, trong khi nửa còn lại gắn chặt với nó. Các đại dương dần không còn là yếu tố ngăn cách Mỹ với phần còn lại của thế giới, điều mà trong hơn 200 năm qua đã góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng của nước này. Mỹ là một nền dân chủ đại chúng hoạt động tốt trong thời đại máy in và máy đánh chữ, nhưng ít thành công hơn trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nơi mà những đổi mới đã thúc đẩy cơn thịnh nộ của chủ nghĩa dân túy dẫn đến sự trỗi dậy của Donald Trump.

Do những thay đổi này, một trật tự cường quốc toàn cầu mới có thể sẽ hình thành. Kịch bản thứ nhất: Nga sẽ sa sút nghiêm trọng vì cuộc chiến sai lầm của họ, Trung Quốc cảm thấy quá khó để đạt được sức mạnh kinh tế và công nghệ bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng quay trở lại chủ nghĩa Lenin chính thống, còn Mỹ vượt qua tình trạng hỗn loạn trong nước, và cuối cùng trở thành một cường quốc đơn cực, như đã xảy ra ngay sau Chiến tranh Lạnh. Kịch bản thứ hai là một thế giới lưỡng cực thực sự, trong đó Trung Quốc duy trì động lực kinh tế của mình ngay cả khi nước này trở nên chuyên chế hơn. Kịch bản thứ ba là sự suy giảm dần dần của cả ba cường quốc, khiến hệ thống quốc tế rơi vào tình trạng vô chính phủ lớn hơn, với các cường quốc tầm trung, đặc biệt là ở Trung Đông và Nam Á, ít bị kiềm chế hơn so với hiện tại; còn các quốc gia châu Âu chẳng thể thống nhất được với nhau điều gì, vì không có sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ, ngay cả khi lục địa này đang bị đe dọa bởi một nước Nga hỗn loạn thời hậu Putin.

Kịch bản nào trở thành hiện thực sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của các cuộc đối đầu quân sự. Thế giới đang chứng kiến việc một cuộc chiến lớn trên bộ ở Đông Âu có thể ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng và danh tiếng của Nga trong vai trò một cường quốc. Ukraina đã vạch trần bộ mặt thật của cỗ máy chiến tranh Nga – một thứ gì đó giống như đến từ các nước đang phát triển: vô kỷ luật, hay đào ngũ, hậu cần từ kém đến không có, với một lực lượng hạ sĩ quan cực kỳ yếu. Tương tự như cuộc chiến ở Ukraina, một xung đột hải quân, trên không gian mạng, hay một cuộc chiến tên lửa phức tạp ở Đài Loan, Biển Đông, hoặc Biển Hoa Đông, là chuyện dễ bắt đầu nhưng khó kết thúc. Và mục tiêu chiến lược của Mỹ sẽ là gì nếu những hành động thù địch quân sự như vậy thực sự xảy ra: chấm dứt sự cai trị của ĐCS ở Trung Quốc? Nếu vậy, Washington sẽ phản ứng như thế nào trước sự hỗn loạn diễn ra sau đó? Người Mỹ thậm chí còn chưa bắt đầu suy nghĩ thấu đáo những câu hỏi này. Chiến tranh, như Washington đã học được ở Afghanistan và Iraq, là một chiếc hộp Pandora.

Chiếc lược tồn tại

Không có cường quốc nào tồn tại mãi mãi. Nhưng có lẽ ví dụ ấn tượng nhất cho sự bền bỉ là Đế chế Byzantine, tồn tại từ năm 330 đến khi Constantinople bị chinh phục trong cuộc Thập tự chinh Thứ tư năm 1204, sau đó phục hồi và tồn tại cho đến khi người Ottoman giành chiến thắng cuối cùng vào năm 1453. Bạn sẽ còn thấy ấn tượng gấp đôi khi xét việc so với đế chế La Mã ở phía Tây, Byzantine ở phía Đông là nơi có vị trí địa lý khó khăn hơn và có nhiều kẻ thù mạnh hơn, do đó cũng dễ bị tổn thương hơn. Nhà sử học Edward Luttwak đã lập luận rằng Byzantine “ít dựa vào sức mạnh quân sự, nhưng dựa nhiều hơn vào đủ loại hình thức thuyết phục – từ chiêu mộ đồng minh, đến can ngăn kẻ thù, và khiến kẻ thù tiềm năng tấn công lẫn nhau”. Hơn nữa, khi buộc phải chiến đấu, Luttwak lưu ý, “người Byzantine ít có xu hướng tiêu diệt kẻ thù, mà chỉ kiềm chế họ, vừa là để bảo toàn sức mạnh của mình, vừa vì hiểu rằng kẻ thù hôm nay có thể là đồng minh ngày mai”.

Nói cách khác, vấn đề không chỉ là tránh chiến tranh lớn bất cứ khi nào có thể, mà còn là vấn đề không quá tập trung vào ý thức hệ, để có thể coi kẻ thù của hôm nay là bạn của ngày mai, ngay cả khi họ có một hệ thống chính trị khác với hệ thống chính trị của nước mình. Điều đó không hề dễ dàng đối với Mỹ, vì họ tự coi mình là “cường quốc truyền giáo”, cam kết truyền bá dân chủ. Người Byzantine đã đưa vào hệ thống của họ một sự linh hoạt không mang tính đạo đức, bất chấp tính tôn giáo giả định của nó – một cách tiếp cận hiện thực đang ngày càng khó áp dụng ở Mỹ, một phần là do sức mạnh của giới truyền thông luôn cho rằng mình đạo đức hơn người. Các nhân vật có ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông Mỹ không ngừng kêu gọi Washington thúc đẩy và thậm chí ép buộc thực thi dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới, ngay cả khi việc đó gây tổn hại đến lợi ích địa chính trị của Mỹ. Ngoài các phương tiện truyền thông, còn có nhóm hoạch định chính sách đối ngoại. Như cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Libya năm 2011 đã chứng minh một cách rõ ràng, những người này đã không thực sự học được bài học về sự sụp đổ của Iraq, và xa hơn, là bài học về những khó khăn ở Afghanistan. Tuy nhiên, phản ứng tương đối có kiểm soát của chính quyền Biden ở Ukraina – không cho triển khai quân đội Mỹ và khuyên Ukraina không mở rộng chiến tranh sang lãnh thổ Nga – có thể đánh dấu một bước ngoặt. Thật vậy, Mỹ càng ít tỏ ra “truyền giáo” trong cách tiếp cận của mình, thì càng có nhiều khả năng tránh được những cuộc chiến thảm khốc. Tất nhiên, Mỹ không cần phải đi xa như Trung Quốc chuyên chế, những người đã không lên tiếng rao giảng đạo đức cho các chính phủ và xã hội khác, nhưng luôn sẵn sàng bắt tay với mọi chế độ có các giá trị khác biệt với Bắc Kinh, nếu việc đó mang lại cho Trung Quốc lợi thế kinh tế và địa chính trị.

Một chính sách đối ngoại Mỹ kiềm chế hơn có thể là công thức cho sự tồn tại lâu dài của cường quốc Mỹ. “Cân bằng khơi xa” (offshore balancing) thoạt nhìn có thể là chiến lược chỉ đạo của Washington: “Thay vì kiểm soát thế giới, Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia khác đi đầu trong việc giám sát các cường quốc đang lên, và chỉ can thiệp khi cần thiết,” như hai nhà khoa học chính trị John Mearsheimer và Stephen Walt đã viết trên Foreign Affairs vào năm 2016. Tuy nhiên, vấn đề đối với cách tiếp cận đó là thế giới thường xuyên biến đổi và liên kết sâu rộng, khủng hoảng ở một nơi có thể lan sang các nơi khác, thế nên sự kiềm chế đơn giản là không thực tế. Cân bằng khơi xa có thể quá hạn chế và quá máy móc. Chủ nghĩa biệt lập đã phát huy tác dụng trong thời đại mà tàu thủy là cách duy nhất để băng qua Đại Tây Dương, và phải mất nhiều ngày để làm vậy. Tuy nhiên, ngày nay, một chính sách kiềm chế sẽ chỉ báo hiệu sự yếu kém và bất ổn.

Như định mệnh, Mỹ sẽ bị lôi kéo vào các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài, một vài trong số đó sẽ có yếu tố quân sự. Đó là bản chất của thế giới ngày càng đông dân và đan xen vào nhau này. Một lần nữa, điều quan trọng là phải luôn suy nghĩ theo hướng bi quan: nghĩa là dự tính các tình huống xấu nhất cho mọi khủng hoảng, nhưng không cho phép bản thân bị gắn với tình trạng không hành động. Nó là một nghệ thuật và một bản năng, hơn là một khoa học. Nhưng nó chính là cách để cường quốc tồn tại.

Các đế chế có thể đột ngột sụp đổ, và khi điều đó xảy ra, hỗn loạn và bất ổn sẽ theo sau. Có lẽ đã quá muộn để Nga có thể tránh được số phận này. Trung Quốc có thể sẽ làm được điều đó, nhưng sẽ rất khó khăn. Mỹ vẫn là nước có vị thế tốt nhất trong ba cường quốc, nhưng càng chần chừ không áp dụng một cách tiếp cận thực tế và bi quan hơn, thì tình hình sẽ càng tồi tệ. Một đại chiến lược của những giới hạn (grand strategy of limits) là rất quan trọng. Hãy hy vọng nó sẽ được bắt đầu ngay bây giờ, với chính sách chiến tranh ở Ukraina của chính quyền Biden.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: ,