Sự thất bại của mô hình phát triển kiểu phương Tây ở châu Phi

Trong các chuyến đi của mình đến Phi Châu và quan sát thấy nhiều thứ còn bất cập ở nơi đây, tôi chợt nghĩ về Đất nước mình, một đất nước đã cố gắng rất nhiều để thoát ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp (theo quan điểm Tây Phương).

Nhìn ngắm Phi Châu để ta thấy là mình có nhiều tiến bộ, nhưng cũng để thấy rằng nếu chúng ta không tự “vươn” lên được bằng nội lực, thì cũng như Phi Châu, chúng ta vẫn sẽ là nơi để các “Chúa tể (gây) nghèo đói” chọn làm trạm dừng chân dài hạn.

Giống như Việt Nam những năm gần đây, khi nhiều chính sách giảm nghèo được bàn bạc và thảo luận tại Melia, Hilton hay Horizon, ở cấp độ toàn cầu những hội nghị đình đám từ trước tới giờ hay được tổ chức tại các khách sạn 5 sao cùng Sâm panh tràn trề và Limousine xa xỉ bởi các định chế tài chính hùng mạnh như WB, IMF và các tổ chức ăn theo khác. Sự bàn bạc và thỏa thuận “chung tay hành động” xung quanh món trứng cá hồi và tôm hùm nướng đã góp phần định hình những chính sách theo hướng “hợp nhất phát triển” trong đó lấy “phát triển công nghiệp” theo mô hình phương tây làm nền tảng. Từ quan điểm này, khái niệm “phát triển” khi đứng trước tên một Quốc gia nào đấy (trong tiếng Anh developed countries) thường được mặc định là có nền công nghiệp tiên tiến và kinh tế phát triển. Ngược lại những nước được đứng sau từ “dưới mức phát triển” (under-developed) hoặc “đang phát triển” (developing) là những gì thuộc về “đi sau”, “lạc hậu” và “còi cọc”. Chưa vội bàn đến việc quan điểm này đúng hay sai mà hãy tạm thời tìm hiểu xem nó có ảnh hưởng như thế nào đến cách tiếp cận trong phát triển của phương Tây đối với các nước khó khăn mà đặc biệt là Phi Châu.

Trước hết, từ quan niệm này, người phương Tây, mà đặc biệt là WB và IMF (cùng các tổ chức nhận tài trợ của họ) luôn coi mình là những gì thuộc về “tiến bộ” và “văn minh”. Họ đến Phi Châu để giúp các nước này tìm ra “niềm hy vọng” và “tiềm năng” ở nơi đây và họ tin tưởng rằng nếu mô hình “hợp nhất phát triển” được áp dụng thì sẽ rất nhanh chóng làm thay đổi lục địa này. Theo số liệu của Văn phòng Cố Vấn cho Châu Phi của Liên Hợp Quốc (United Nations Office of the Special Adviser on Africa – UNOSAA), trong vòng 4 thập kỷ, viện trợ từ các nước phát triển (Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản .v.v) dành cho cho Phi Châu đã tăng lên 4 lần từ mức 11 tỷ USD lến 44 tỷ USD vào năm 2008, trong đó trong giai đoạn 2005-2008 số tiền này tăng khoảng 10 tỷ USD. Tiền tài trợ cho Phi Châu chiếm khoảng 36% tổng vốn viện trợ toàn cầu. Vậy số tiền khổng lồ này (và còn rất nhiều nguồn viện trợ khác nữa) có thực sự mang lại niềm hy vọng và sự thịnh vượng cho Phi Châu không? Theo nhận định của Dambisa Moyo, tác giả cuốn “Dead Aid: why aid is not working and how is another way for Africa” thì là không, và “trong thực tế, xuyên suốt lục địa này, những người nhận viện trợ không những không sung sướng hơn như họ mong đợi mà ngược lại – tồi tệ hơn nhiều”. Thực tế tình trạng nghèo đói tiếp tục leo thang và tăng trưởng kinh tế tụt giảm đều đều. Tuy có một vài nước đạt tăng trưởng ổn trong những năm qua, nhưng về cơ bản có thể khẳng định, phương Tây đã thất bại trong việc vực dậy một Phi Châu nghèo đói.

Vậy tại sao họ lại thất bại, rất khó giải thích đầy đủ vì bản thân tác giả không đủ kiến thức và chuyên môn cùng các nghiên cứu sâu để làm điều đó. Tuy nhiên có thể nguyên nhân trước hết là do phương Tây luôn đóng vai trò là “kẻ cho” trong hầu hết các dự án cứu trợ hay phát triển, và tuy họ luôn nói là đến để đáp ứng các nhu cầu của người bản địa nhưng phần lớn họ lại thiếu lòng tin về các đối tác (đặc biệt là các cơ quan chính phủ) địa phương và cho rằng các Chính phủ Phi Châu thường cố gắng đòi hỏi nhiều hơn thực tế họ cần. Vấn đề này đã phần nào giảm đi đáng kể các tác động tích cực của các chương trình phát triển và khi đã không được tin tưởng thì cái gọi là “chung tay hành động” chỉ còn là khẩu hiệu.

Quan niệm “Quốc gia phát triển” đã hình thành nên những nhìn nhận lêch lạc về năng lực của các cá nhân hay tổ chức vì nó ngầm định rằng do tôi là công dân Tây Phương nên chắc rằng tôi phải tiến bộ hơn anh, năng lực tốt hơn anh vì anh là người Phi Châu và anh sống trong một đất nước lạc hậu. Một ví dụ điển hình là có rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ và thuộc dạng “miệng còn hôi sữa” được cử sang Phi Châu trong một chương trình cứu trợ mà phần lớn tiền tài trợ được dùng để trả lương cho các sinh viên này. Họ chưa sang Phi Châu bao giờ và cũng không hề có một chút kinh nghiệm thực tiễn nào về các lĩnh vực này, tuy nhiên họ vẫn được gửi sang và được trao “quyền” và trọng trách quản lý các trại tị nạn nơi nắm giữ cuộc sống của hàng trăm ngàn người – và rất nhiều trong số đó có trình độ và kỹ năng vượt xa các sinh viên kia. Đây chính là vấn đề về “Quyền tự quyết và chủ động” của chính phủ và người dân các Quốc gia được gọi là kém phát triển. Đây cũng là kết quả của việc không hoạt động trên mối quan hệ đối tác bình đẳng (với Chính phủ các nước nhận tài trợ). Ngoài ra các các khoản đầu tư quá lớn và vội vã còn có thể góp phần triệt tiêu các nỗ lực vươn lên của những cộng đồng có sức mạnh nội tại thấp như Phi Châu.

Một vấn đề nữa cũng có thể là nguyên nhân đó là khi khái niệm về “khoảng cách giàu nghèo” ra đời thì chúng ta thường hỏi là làm thế nào để có thể giảm khoảng cách này giữa các Quốc gia phát triển và các Quốc gia kém phát triển, góp phần tạo ra một thế giới công bằng hơn. Câu trả lời là trong khoảng cách giữa giàu và nghèo này tồn tại cái được gọi là các “tổ chức làm về phát triển”. Họ hoạt động như các thực thể trung gian để đem các nguồn lực và giá trị phương Tây đến với các nước nghèo. Để thực thi cái họ gọi là “sứ mệnh” này họ sử dụng rất nhiều “chuyên gia” đến từ các nước giàu, được trả lương hậu hĩnh, những người mà cuộc sống hàng ngày chưa bao giờ đụng chạm đến các vấn đề về nghèo đói toàn cầu hay những vấn đề tương tự, nhưng họ lại được trông đợi sẽ giúp các nước kém phát triển đẩy lùi nghèo đói. Một thực tế là tuy làm việc ở các nước kém phát triển, nhưng cuộc sống và các chế độ đãi ngộ của những chuyên gia này vượt xa so với những gì họ có thể có nếu sống ở trong nước và làm việc trong ngành công nghiệp hay tài chính. Tuy nhiên cái quan trọng hơn là so với các đồng nghiệp ở trong nước, họ không bị đánh giá gắt gao về thành tích và kết quả đầu ra do đặc thù cộng việc làm về phát triển. Nghề này được xếp loại là “nhân đạo” chứ không phải “sản xuất” hay “bán hàng”, cho nên sản phẩm của họ không đong đếm được cụ thể.

Đặc biệt hơn, bao xung quanh họ chính là những “mỹ từ” nhằm lừa phỉnh về ngành nghề “cao quý” của họ và để giúp họ bảo vệ được lợi ích của riêng mình từ các chương trình phát triển. Vậy thì tại sao họ lại để cho các nước nghèo và đặc biệt là Phi Châu phát triển? Họ sẽ ra sao nếu nước nào cũng phát triển nhanh chóng như Hàn Quốc hay Trung Quốc? Câu trả lời là họ sẽ vẫn là người trung gian, những người có sứ mệnh cao quý và mức lương “tạm ổn” chừng nào vẫn còn nhiều các nước thuộc thế giới thứ 3 khó thoát nghèo, và họ sẽ cố gắng trong khả năng nhất định của mình (cùng tổ chức) để duy trì trật tự này, và về bản chất họ mới chính là “Chúa tể của nghèo đói” theo quan điểm của Graham Hancock trong tác phẩm “Lords of Poverty” nổi tiếng.

Và những tuyên bố giống phát biểu của Barber Conable, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) giai đoạn 1986 – 1991 tại một cuộc họp của WB, IMF và Đại diện Chính phủ các nước giàu trên thế giới vẫn còn văng vẳng trong các khách sạn sang trọng giữa các nước nghèo: “Chúng ta là một tổ chức hùng mạnh về nguồn lực và kinh nghiệm, nhưng sẽ thật khiếm khuyết nếu chúng ta không thể nhìn thế giới bằng con mắt của phần lớn những người bị thiệt thòi, hoặc nếu chúng ta không thể chia sẻ “niềm hy vọng” và “nỗi sợ hãi” với họ. Chúng ta có mặt ở đây để đáp ứng “các nhu cầu của họ”, giúp họ nhận ra các “thế mạnh, tiềm năng” và “lòng khao khát” của chính mình… Chung tay hành động chống lại đói nghèo trên toàn cầu chính là mục đích chung gắn bó chúng ta tại đây, ngày hôm nay”. Tiếc rằng, nếu nhìn lại tình hình đói nghèo và bất bình đẳng trên thế giới, các phát biểu trong khách sạn 5 sao như thế này thường vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Bài học từ sự thất bại của Phi Châu trong công cuộc thoát nghèo nhắc nhở Việt Nam chúng ta một thực tế rằng vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta thực sự bắt tay hành động với mong muốn và nguồn lực của riêng mình trong khi vẫn trân trọng sự giúp đỡ từ các nguồn vốn viện trợ từ các nước giàu – như là chất xúc tác cần thiết cho các dự án phát triển. Cũng giống như ý nghĩa từ câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine – “Chim Sơn ca và đàn con” – “nếu như người ta tự bắt tay vào công việc chứ không trông đợi ở những người khác thì chắc chắn việc này sẽ thành hiện thực”. Đất nước của chúng ta chỉ có thể phát triển khi nội lưc con người cùng các giá trị Quốc gia, Dân tộc được khơi dậy và phát huy đúng thời điểm.

Theo TRẦN VĂN TUẤN / DIENNGON.VN

Tags: ,