⠀
Số phận của Ukraina rồi cũng sẽ không khá hơn Việt Nam Cộng hòa
Mỹ sẽ phải chấp nhận buông cái góc bàn cờ nhỏ xíu kia, trả Ukraina về với thực tại là không có ai bảo kê cho mình khi đóng vai tiền đồn nữa. Thực tại này quá nhiều chính quyền đã từng phải trả giá mà điển hình là chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam Việt Nam những năm 70.
Tác giả: Nhà báo Hà Quang Minh.
Joe Biden với chuyến công du châu Á đã cho thấy thực tế Mỹ không coi Ukraina là tâm điểm quan trọng nhất trong cuộc đấu với Nga lần này. Ukraina chỉ là một góc nhỏ trên một bàn cờ lớn. Mối quan tâm của Mỹ còn là Thái Bình Dương và Ấn độ dương, đại dương của những cạnh tranh khốc liệt trong tương lai.
Sự mệt mỏi của cả thế giới do đứt gãy chuỗi cung ứng hệ luỵ từ chiến cuộc ở Ukraina có lẽ đã bắt đầu lên đến cùng cực. An ninh đời sống bây giờ đã không chỉ còn được nhìn từ những thùng dầu hay những van khí đốt nữa mà nó bắt đầu được liếc nhìn qua cả những ổ bánh mì, sữa công thức, dầu ăn thực vật cùng mức chi trả hàng ngày của dân chúng mỗi lúc một đắt đỏ hơn. Áp lực ấy đè nặng lên mỗi chính phủ và rồi sẽ đến một lúc nào đó, thay vì các bình luận ủng hộ cuộc chiến chống Nga dưới mỗi bài viết trên các trang mạng xã hội của báo chí phương Tây sẽ được thay thế bằng những bình luận là các câu hỏi trực diện về an sinh xã hội.
Khi sự chán nản trong dân cư lên đến tột cùng, có lẽ Mỹ sẽ phải chấp nhận buông cái góc bàn cờ nhỏ xíu kia, trả Ukraina về với thực tại là không có ai bảo kê cho mình khi đóng vai tiền đồn nữa. Thực tại này quá nhiều chính quyền đã từng phải trả giá mà điển hình là chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam Việt Nam những năm 70. Nước Mỹ vĩnh viễn không đấu tranh cho lý tưởng nào phục vụ các quốc gia khác cả. Nước Mỹ tồn tại vì nó, đấu tranh vì nó, duy nhất là nó. Thế thôi.
Trong bối cảnh ấy, khi mà chiến cuộc ở Mariupol không thể che giấu bằng ngôn ngữ nào khác là “thất bại của Ukraina”, việc Zelensky lên tiếng đòi “tối đa hoá mức trừng phạt Nga” qua phát biểu online trong diễn đàn Davos càng cho thấy sự mơ hồ của ông tổng thống Ukraina về kinh tế. Ông ta nhấn mạnh “Nếu kẻ xâm lược mất tất cả (về kinh tế), các quốc gia cũng mất đi động lực khai chiến”. Các quốc gia trong câu nói này bao gồm những ai? Zelensky vô tình đã để lộ tất cả khi nói hớ điều đó. Trong các tuyên truyền từ cuối tháng 2 tới nay, chỉ có Nga là kẻ gây chiến duy nhất. Vậy thì còn quốc gia nào gây chiến nữa nếu hiểu theo ý của Zelensky?
Và Zelensky cũng khơi gợi lại sự kiện Sarajevo 1914 cùng Munich 1938 để liên hệ tới sự kiện Ukraina hôm nay, với ám chỉ thế giới sẽ phải rên xiết trước một kẻ bạo tàn. Nhưng ông cũng không quên trách móc Mỹ và đồng minh về chuyện “nếu chúng tôi được cung cấp đầy đủ các thứ vũ khí mà chúng tôi cần từ hồi tháng 2, cả ngàn sinh mệnh đã không bị hi sinh”. Dùng sức mạnh ngôn từ để kêu gọi, Zelensky muốn Mỹ và đồng minh tiếp tục bơm quân viện cho mình. Và ước tính, mỗi tháng Ukraina cần 5 tỷ USD vũ khí để chống lại Nga. 5 tỷ mỗi tháng cho một hi vọng quật ngã một cường quốc như Nga là một cái giá quá đắt đối với Mỹ lúc này, khi nền kinh tế Mỹ đang có những tổn thương rất lớn.
Zelensky muốn tối đa hoá trừng phạt kinh tế Nga nhưng bản thân ông ta cũng không hiểu tối đa hoá bằng cách nào, ngoài việc cấm nhập dầu từ Nga. Cấm nhập dầu từ Nga hay không lại không phải quyết định đến từ một nước Mỹ hiệu lệnh toàn cầu được. Nó đến từ nhu cầu sống còn của các nền kinh tế vốn dĩ lệ thuộc năng lượng Nga thành một tập quán rồi.
Và trong lúc đó, chính nguồn tin từ lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraina cho biết “Putin thoát khỏi một vụ ám sát ở ngay những ngày khởi đầu cuộc chiến”. Thông tin này đăng trên trang nhất tờ Telegraph và nó cho thấy một phần khác của sự thật mà chúng ta cần tìm hiểu. Ai ám sát Putin? Ukraina hay NATO hay chính người Nga? Nếu sự thật này được phanh phui, lý do của việc Nga đánh Ukraina sẽ được khách quan hiểu đi rất khác so với những gì được tuyên truyền. Và trớ trêu thay, Zelensky lại nhắc tới vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand, ngòi nổ thế chiến I ở Davos (Sarajevo 1914). Có trùng lặp lịch sử nào ở đây không? Cùng lúc, cựu ngoại trưởng Kissinger nói thẳng đại ý để đạt được hoà bình, Ukraina giờ phải chấp nhận mất đất, coi như Krym và Đông Nam Ukraina (đã trong tay Nga) là của Nga vĩnh viễn. Ông Kissinger cũng không quên nhắc lại rằng 8 năm trước ông đã cảnh báo và đưa ra giải pháp Ukraina nên đưa vào hiến pháp việc mình là một quốc gia trung lập và tạo lợi thế là một cầu nối Nga – phương Tây. Lúc này, Kissinger cho rằng cơ hội vàng này đã không còn tồn tại nữa.
Mỹ có mỏi mệt với cuộc chiến mà thực tế họ không thể tham chiến trực tiếp hay không? Mỏi mệt chứ, khi mà Ukraina không thể chống lại sức mạnh quân sự Nga và các viện trợ Mỹ bơm vào đều tiêu tan nhanh chóng. Khí tài không phải là vô tận và tới một mức độ buộc phải dừng, Mỹ sẽ dừng. Châu âu có mỏi mệt không? Quá mỏi mệt rồi. Nước Anh cũng hết cao giọng liên tục một cách hiếu chiến như cách đây vài tuần. Còn ở Ukraina? Thiệt hại ước tính tới nay lên tới 400 tỷ bảng Anh cùng vô số người chết và viễn cảnh mất đất đổi hoà bình đủ để hiểu họ đã bước vào trong mối hoạ bằng một sự liều lĩnh đến dại khờ.
Cuộc chiến có lẽ sắp đến buổi cờ tàn.
Và căng thẳng sẽ lại được nuôi dưỡng từ đầu, ở những vùng địa lý khác.
Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK
Tags: Mỹ, Ukraina, Xung đột Nga - Ukraina