⠀
Quan hệ Mỹ – Trung: Nhìn lại mối quan hệ giữa thế lực cũ và thế lực mới
Quan hệ Mỹ và Trung Quốc ngày nay là mối quan hệ lớn nhất trên thế giới và chi phối hầu như toàn bộ các vấn đề quốc tế. Mối quan hệ này đóng vai trò không thể thiếu trong trật tự quốc tế và mang lại tác động to lớn cho thế giới và khu vực hiện nay.
Tác giả: Phạm Hoàng Khánh.
Quan hệ Mỹ – Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hiện nay
Quan hệ giữa một cường quốc tại vị với một cường quốc đang lên
Mỹ là cường quốc muốn giữ vững vị trí của mình trong trật tự thế giới hiện nay, trong khi đó, Trung Quốc là cường quốc xét lại với mục tiêu định hình lại trật tự thế giới. Hai cường quốc hàng đầu này đều triển khai các hoạt động nhằm đạt được vai trò đứng đầu và dẫn dắt thế giới. Chính điều này đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh trở thành siêu cường đứng đầu chi phối mọi vấn đề quốc tế.
Mỹ từ trước đến nay đều xem mình có vai trò dẫn dắt thế giới, do đó luôn thực hiện các hành động đơn phương để mang lại lợi ích cho mình, bất chấp sự phản đối của các quốc gia khác. Tuy nhiên, Mỹ đã gặp trở ngại từ thời của Tổng thống Trump khi Trung Quốc lớn mạnh lên, do đó mà Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã được dùng cho Trung Quốc. Đến thời của Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, cùng với đó là thúc đẩy Sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) với G7 nhằm mục đích duy trì sự kiềm chế Trung Quốc và đối chọi lại với Sáng kiến “Vành đai và con đường”. Bên cạnh đó, Mỹ đã lôi kéo đồng minh EU, Nhật cùng chống Trung Quốc và thông qua QUAD, AUKUS tại khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Những hành động này nhằm mục tiêu quay trở lại “dẫn đầu thế giới một lần nữa” và phải “cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác để giành lấy Thế kỷ 21”1 để giữ vững vị thế của mình.
Trung Quốc cũng cho thấy tham vọng vực dậy sức mạnh của chính mình như Mỹ sau “Thế kỷ ô nhục”. Dưới thời Tập Cận Bình Trung Quốc thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc”.2 Năm 2021, Trung Quốc đã tuyên bố thành công trong việc xây dựng mục tiêu “một trăm năm lần thứ nhất” (1921-2021) và tiến hành thực hiện mục tiêu “Trăm năm lần thứ hai” (1949 – 2049) để trở thành quốc gia dẫn đầu về sức mạnh ảnh hưởng quốc tế. Với giấc mộng phục hưng một Trung Hoa vĩ đại, bên cạnh Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong hệ thống kinh tế quốc, Trung Quốc công bố Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) tại Đại hội đồng Liên hợp quốc; tiếp đó, năm 2022 là Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI). Điều này cho thấy Trung Quốc đang rất quyết tâm trong việc định hình lại cấu trúc của hệ thống quốc tế có lợi cho mình. Trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung năm 2021, Tập Cận Bình đã nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là “gánh vác các trách nhiệm quốc tế đúng mức và cùng nhau thúc đẩy sự nghiệp cao cả của hòa bình và phát triển của con người”3 và được nhắc lại trong Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington (11/2023). Đây được xem là lời khẳng định cho vị thế của Trung Quốc trong nhận thức về chính mình là: Trung Quốc ngang hàng với Mỹ, cùng chung vai trò dẫn dắt và kiến tạo trật tự thế giới hiện nay.
Quan hệ đan xen vừa cạnh tranh vừa hợp tác
Xu hướng quan hệ quốc tế hiện nay là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Quan hệ Mỹ và Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Mặc dù từ năm 2018, với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã tách hai nền kinh tế này ra xa, nhưng về cơ bản sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai quốc gia vẫn không bị cắt đứt và hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn tồn tại cho đến nay. Trên lĩnh vực kinh tế, theo tạp chí Asia Times, do ít đầu tư vào ngành sản xuất trong khoảng 20 năm qua, Mỹ đang phải nhập khẩu hầu hết trang thiết bị phục vụ ngành này. Năm 2022, Mỹ nhập siêu lên đến 1.000 tỉ USD và chiều ngược lại, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ. Trên lĩnh vực công nghệ, dữ liệu tài chính của Nikkei Asia cho thấy, các công ty công nghệ Mỹ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo QUICK-FactSet, Apple – công ty có giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường, kiếm được nhiều tiền nhất ở Trung Quốc4. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cùng nhau hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như chống sản xuất và buôn bán ma tuý, các vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu và nhiều vấn đề khác.
Từ năm 2018, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vô cùng khốc liệt. Trên lĩnh vực chính trị và ngoại giao, Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã chủ trương liên kết các đồng minh trong một mặt trận chống Trung Quốc thông qua QUAD, AUKUS và một số đồng minh khác. Năm 2023, tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 11 tại Indonesia, Mỹ thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở và tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – EU vào tháng 10/2023, Mỹ và EU đã “tái khẳng định cam kết của mình đối với mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương”5. Về phía Trung Quốc, năm 2021, quan hệ đối tác chiến lược Trung – Nga tiếp tục tự gia hạn thêm 5 năm và từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Nga đang gần Trung Quốc hơn; Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2021 và tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN và Hội nghị CAEXPO và CABIS lần thứ 20, Trung Quốc tuyên bố “kiên định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực”6. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng thúc đẩy “Cộng đồng chung vận mệnh” với sự tham gia của nhiều nước như Lào, Campuchia, Thái Lan….
Về an ninh quốc phòng, năm 2021, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới nhằm hợp pháp hoá yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển; đáp lại, Mỹ tiến hành tập trận và tuần tra cùng các đồng minh thân cận như Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức,…tại khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ vẫn tiếp tục xem Đài Loan là con bài trong chiến lược kiềm tỏa sự phát triển của Trung Quốc và mới đây Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đề cập rằng: “Mỹ cam kết tiếp tục thực hiện các trách nhiệm của mình theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, bao gồm cả việc đảm bảo Đài Loan có khả năng tự vệ”.7 Đạo luật đã thách thức Trung Quốc trong công cuộc thu hồi lại Đài Loan về với Trung Hoa.
Về kinh tế thương mại, Mỹ đã thực hiện chiến lược “Bảo vệ và Thúc đẩy”. Mỹ ban hành Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR) nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất chip trên toàn cầu cung cấp chip máy tính tiên tiến cho Trung Quốc. Đầu tuần thứ hai tháng 6/2023, Chính phủ Mỹ thêm 43 thực thể vào danh sách kiểm soát xuất khẩu (Danh sách thực thể), cáo buộc các thực thể này đào tạo cho các phi công quân sự Trung Quốc và hỗ trợ các hoạt động khác đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Trả đũa các động thái của Mỹ, vào tháng 4/2022, Trung Quốc khởi động cuộc điều tra về an ninh mạng đối với Micron, sau đó ra lệnh cấm các công ty Trung Quốc sử dụng sản phẩm của công ty này trong các dự án hạ tầng quan trọng. Bắc Kinh cũng tuyên bố hạn chế xuất khẩu nguyên liệu (như gallium và germanium) ra nước ngoài nhằm “bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”4. Bên cạnh đó với chiến lược “vòng tuần hoàn kép” và “made in China 2025” đã giúp cho Trung Quốc tự chủ trong việc sản xuất các mặt hàng khác nhau, trong đó về cơ bản Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong tự chủ ngành chip bán dẫn.
Trên lĩnh vực tiền tệ, hiện nay, các giao dịch thương mại dầu mỏ và các hàng hóa khác với các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc đã gia tăng thanh toán bằng đồng CNY nhằm hạn chế các phụ thuộc kinh tế vào hệ thống thanh toán quốc tế bằng USD8. Ngoài ra trên phương diện công nghệ, Hoa Kỳ đã cấm Huawei và ZTE triển khai và cung cấp thiết bị 5G ở Mỹ, cũng như công bố Sáng kiến mạng sạch để lôi kéo các quốc gia tham gia làm việc này với Mỹ. Trung Quốc đưa ra những quy định nhằm hạn chế và điều tiết các công ty được phép cung cấp phần cứng, phần mềm và dịch vụ truyền dẫn, bao gồm cả truyền dẫn 5G.9
Có thể thấy rằng, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ – Trung hiện nay ngày càng trở nên căng thẳng khi đang có xu hướng tăng mạnh trên lĩnh vực thương mại và công nghệ, khi mà các sản phẩm như chip bán dẫn và nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn đang là công cụ để thực hiện cuộc cạnh tranh này; tiếp đó là Đồng Nhân dân tệ đang được Trung Quốc đem ra làm công cụ mới trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, khác với các thời kỳ trước đây, cán cân sức mạnh trong cuộc cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc đang nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn, khi họ đã và đang phần nào tự chủ được những gì mà trước đây họ luôn lo lắng về việc cạnh tranh với Mỹ sẽ xảy ra, cũng như là họ đã đưa Mỹ vào thế phụ thuộc vào tư liệu sản xuất của họ trong nhiều năm qua.
Mối quan hệ mang màu sắc ý thức hệ
Đây là mối quan hệ đặc trưng giữa Mỹ và thế giới phương Tây đối với Trung Quốc. Trung Quốc luôn kiên trì đường lối xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, trong khi Mỹ luôn nhấn mạnh “giá trị tự do” trong mọi chính sách. Tổng thống Joe Biden xem “Tập và những người khác – những kẻ chuyên quyền”1 như là một quan điểm để lôi kéo các nước đồng minh “cùng chí hướng” để chống lại Trung Quốc. Mỹ luôn dựa vào giá trị tự do, nhân danh “nhân quyền” cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền khi thường xuyên tố cáo Trung Quốc “đồng lõa với các vi phạm nhân quyền và lạm dụng trong chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện hàng loạt, cưỡng bức lao động và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc11. Tổng thống Joe Biden cũng lo ngại về việc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông12.
Trung Quốc cho rằng: “Cạnh tranh quyền lực lớn không thể giải quyết các vấn đề mà Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới đang phải đối mặt. Trái đất này có thể chứa được Trung Quốc và Hoa Kỳ”10, điều này giúp họ có vỏ bọc của một quốc gia dẫn dắt hoà bình và chung sống hoà bình, từ đó kéo dư luận ủng hộ họ và chĩa những mũi nhọn về phía Mỹ với hình ảnh một quốc gia thường gây ra xung đột trên toàn cầu. Năm 2020, sau khi Mỹ đưa 7 công ty siêu máy tính Trung Quốc vào danh sách đen, Trung Quốc tuyên bố: “Chính phủ Mỹ, được thúc đẩy bởi mong muốn duy trì thế độc quyền và bá quyền về khoa học của mình và nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc” và dùng “danh sách thực thể” để trấn áp các công ty công nghệ cao của Trung Quốc”13. Tiếp đó, Trung Quốc gọi khối QUAD là công cụ bá quyền của Mỹ vào năm 2021. Trong năm 2023, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, nhưng không chỉ đích danh là Mỹ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là “phản đối chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền, chủ nghĩa đơn phương và tâm lý Chiến tranh Lạnh”14.
Thực tế sự áp đặt những lệnh cấm về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền dựa trên tiêu chuẩn về “tự do” trong ý thức hệ của Mỹ đã không còn phát huy quá nhiều hiệu quả, ngược lại còn thúc đẩy Trung Quốc ra sức phải tự chủ được trên nhiều lĩnh vực khác để tránh những thiệt hại mà công cụ ý thức hệ của Mỹ mang đến cho Trung Quốc. Thậm chí, Trung Quốc cũng lợi dụng tiêu chuẩn này của Mỹ để chỉ trích Mỹ là quốc gia tiêu chuẩn “kép”. Trung Quốc đã thành công phần nào trong việc chĩa mũi nhọn chỉ trích vào tư duy bá quyền mà họ cáo buộc Mỹ đang áp đặt cho thế giới, dù bản thân Trung Quốc cũng đang vấp phải rất nhiều chỉ trích về tư duy bá quyền.
Cân bằng quyền lực Mỹ – Trung trong hệ thống quốc tế hiện nay
Sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định trong quan hệ quốc tế. Bởi nếu chiến tranh hiện đại xảy ra, đó sẽ là cuộc chiến tranh hạt nhân và dù thắng hay bại thì cũng bị tổn thất nặng nề, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của quốc gia.
Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu bằng việc tham gia kiến tạo luật chơi trong các thể chế quốc tế như SCO, RCEP,… đã đe doạ đến vị thế của Mỹ. Do đó, Mỹ không còn có thể hành động đơn phương như trước. Thay vào đó, Mỹ ra sức, tập trung mọi nguồn lực kiềm chế Trung Quốc. Việc Mỹ giảm các hành động đơn phương để tập trung đối đầu với Trung Quốc đã đem lại sự ổn định cho tình hình thế giới và buộc Mỹ phải cân nhắc trước khi hành động vì có thể sẽ bị Trung Quốc vượt qua khi tính toán sai lầm. Nếu vấn đề đó xảy ra thì sẽ bị thâm hụt nguồn lực do dàn trải cho các cuộc chiến và là điều kiện cho Trung Quốc có thể lôi kéo được các quốc gia khác và dư luận quốc tế về phe của mình trong việc chống lại “tư duy bá quyền”, “tư duy chiến tranh lạnh”. Thực tế, Mỹ đã nhận hậu quả do tính toán sai lầm khi nguy cơ vỡ nợ vào tháng 5/2023, sau thời gian dài đối mặt với suy thoái kinh tế, đại dịch Covid-19 và chi phí đắt đỏ cho việc can thiệp nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, việc Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tại Trung Đông cũng đã vấp phải rất nhiều chỉ trích từ các quốc gia trên thế giới. Những việc này đã mang lại cơ hội rất lớn cho Trung Quốc giảm được phần nào sự tấn công toàn diện của nước Mỹ và có được ủng hộ từ dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, nếu không có đối trọng Mỹ, Trung Quốc có thể cũng sẽ thực hiện tư duy bành trướng bá quyền. Bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã thực hiện yêu sách “Đường lưỡi bò” tại khu vực Biển Đông, dùng những áp lực về kinh tế và quân sự để tác động tới các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, gây chia rẽ trong nội khối. Những căng thẳng mới đây giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông15 càng làm gia tăng căng thẳng. Chính vì vậy, Mỹ đã ra sức kiềm chế và thách thức Trung Quốc bằng chiến lược Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Vào tháng 10/2023, Mỹ cùng Philippines và các đồng minh tiến hành tập trận ngoài khơi Manila, phía nam đảo Luzon nhằm đáp trả Trung Quốc sau vụ bãi Scarborough và thể hiện quan điểm cứng rắn của Mỹ và đồng minh về lập trường tự do hàng hải (FONOP).
Mỹ – Trung tăng cường tập hợp lực lượng, gia tăng ảnh hưởng ở các khu vực trên thế giới
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung diễn ra gay gắt hiện nay, bất cứ một quốc gia nào trong hệ thống quốc tế cũng có thể trở thành mắt xích quan trọng trong việc trở thành một đối tác để Mỹ hoặc Trung Quốc lôi kéo vào xu hướng tập hợp lực lượng. Do đó, các các quốc gia trên thế giới đều tìm cách nắm bắt và lợi dụng cạnh tranh Mỹ – Trung để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng.
Đối với Châu Phi, Tổng thống Joe Biden đã cam kết gói hỗ trợ 55 tỷ USD tại Hội nghị thượng đỉnh Châu Phi (tháng 12/2022), nhằm đầu tư vào an ninh lương thực, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng, đồng thời thúc đẩy các ưu tiên và hỗ trợ của người Mỹ gốc phi. Ngoại trưởng Blinken tuyên bố “Châu Phi là một thế lực địa chính trị quan trọng18. Trong khi đó, Trung Quốc là nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm ở châu Phi và là nước cho vay lớn nhất tại châu Phi16. Ngoài ra, 42 quốc gia Châu Phi đã ký Biên bản ghi nhớ về các dự án phát triển đường sắt, đường bộ, năng lượng và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thông qua BRI20.
Tại khu vực châu Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “công bố gói hỗ trợ cứu sinh mới trị giá hơn 645 triệu USD tại hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ lần thứ 9 (tháng 6/2022), nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trong khu vực và tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa cũng như các dòng người tị nạn và di cư lịch sử” và nhấn mạnh “châu Mỹ sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ”21. Tháng 10/2022, Mỹ tiếp tục hỗ trợ 240 triệu USD cho các nước Mỹ La Tinh. Về phía Trung Quốc, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc sang Mỹ Latinh đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Năm 2023, 21 quốc gia Mỹ Latinh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc.
Tại châu Âu, Mỹ là đối tác đầu tư nước ngoài quan trọng nhất của EU17. Trong năm 2023, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – EU, Mỹ nhấn mạnh “Chúng tôi còn hơn cả những đồng minh thân thiết; chúng tôi là những người bạn thân”12. Với Trung Quốc, trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”, đầu tư của Trung Quốc vào các nước EU là “đôi bên cùng có lợi”, đặc biệt là ở các nước Nam và Đông Âu dọc theo tuyến đường. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Tây Balkan và Đông Âu, bao gồm đầu tư xây dựng các cảng như Piraeus ở Hy Lạp và cung cấp tài chính để xây dựng các tuyến giao thông. Đặc biệt, việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu đã đưa các nước thành viên EU và các nước ứng cử viên ở Đông và Đông Nam Âu vào phạm vi hợp tác18.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ năm 2022, Mỹ nhấn định: “Vai trò trung tâm của ASEAN chính là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ”,25 qua đó Mỹ và ASEAN đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này đã cho thấy sự quyết tâm và sự nghiêm túc của Mỹ trong việc lôi kéo ASEAN vào chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, nhằm thực hiện mục tiêu ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Mỹ đã hỗ trợ cho ASEAN 100 triệu USD cho các chương trình tăng cường hợp tác và 150 triệu USD cho việc phát triển cảnh sát biển, chống biến đổi khí hậu và xây dựng cơ sở hạ tầng.26 Năm 2023, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh vai trò “ASEAN là trung tâm trong các cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”27. Ngoài ra, nguồn vốn FDI Mỹ đầu tư vào từng quốc gia của ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore… cũng rất lớn.
Về phía Trung Quốc, trong năm 2021, Trung Quốc đã trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của ASEAN. Tháng 9/2023, tại Hội nghị Lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN lần thứ 26, Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt với ASEAN “Trung Quốc và ASEAN là những nước láng giềng tốt, anh em tốt, đối tác tốt không thể tách rời nhau” và “Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận quan trọng với sáu nước ASEAN về việc cùng nhau xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai chung”10. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường thúc đẩy xây dựng mạng lưới khu vực thương mại tự do theo “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” và xây dựng Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.019.
Cạnh tranh Mỹ – Trung gây chia rẽ, bất ổn toàn cầu
Mối quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đã trở thành một vấn đề hệ thống, tác động đến nhận thức về bản sắc và lợi ích các quốc gia. Khi Mỹ và Trung Quốc có những hành động lôi kéo làm ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác, các quốc gia đó sẽ dựa trên nhận thức về bản sắc và lợi ích để điều chỉnh hành vi và thái độ của mình.
Để chống lại tư tưởng “bá quyền” và “tư duy Chiến tranh Lạnh” của Mỹ, Trung Quốc đã lôi kéo các quốc gia có “hiềm khích với Mỹ” như Nga, Triều Tiên, Iran…, ủng hộ các nước này trong các vấn đề như ủng hộ những “lợi ích cốt lõi” của Nga20 trong bối cảnh xung đột với Ukraine; tăng cường hợp tác với Triều Tiên và sẵn sàng ủng hộ Iran về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi21… Đáp lại, Nga cũng sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để chống lại bá quyền đơn cực và bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế22; Iran coi trọng Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ đối tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như sự phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế21… Trong khi đó, các nước “cùng chí hướng” với Mỹ nhìn nhận Trung Quốc độc tài, mất dân chủ và đe dọa đến lợi ích của họ. Tổng thống Joe Biden ủng hộ Nhật tại Senkaku trong tranh chấp với Trung Quốc bằng tuyên bố “Điều V của Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung, sử dụng toàn bộ khả năng của mình, bao gồm cả năng lực hạt nhân”23. Mỹ ủng hộ Australia về vấn đề ở Solomon khi Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở đây24. Mỹ và các nước đồng minh EU cũng tích cực hợp tác trong nhiều vấn đề quốc tế, nhất là trong cuộc chiến đối phó với Nga tại Ukraine hiện nay.
Tại khu vực Đông Nam Á, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc dùng lợi ích kinh tế để chia rẽ các nước. Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng quân sự với việc tìm cách tiếp cận một phần Căn cứ Hải quân Ream và Sân bay Quốc tế Dara Sakor ở miền nam Campuchia25. Mỹ cũng lôi kéo nhiều quốc gia trong khu vực để chống lại Trung Quốc. Tháng 7/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định sẽ sát cánh cùng các nước Đông Nam Á khi đối mặt với hành vi áp bức của Bắc Kinh26 . Mỹ cũng cam kết hỗ trợ tăng cường năng lực an ninh hàng hải cho các nước trong khu vực27.
Việc Mỹ và Trung Quốc tiến hành cạnh tranh trên toàn cầu với nhiều lĩnh vực đã tạo ra sự bất ổn trên toàn cầu, đặc biệt là các cuộc chiến tranh “không đổ máu” giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự ổn định của thế giới và khu vực. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu từ năm 2018 và kéo dài đến hiện nay làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm kim ngạch xuất khẩu, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát và gây nên thiệt hại cho các nước trên thế giới. Từ căng thẳng trong kinh tế, thương mại đã dẫn đến “đóng đăng” trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm cả các nước là đồng minh của họ. Bên cạnh đó, với việc chạy đua vũ trang giữa hai quốc gia và đồng minh đã làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ chiến tranh. Cụ thể, với việc duy trì chi tiêu quân sự ở mức 3% GDP, ngân sách quốc phòng của nhóm Bộ Tứ (QUAD) tính gộp lại sẽ là 900 tỷ USD, gấp 4 lần ngân sách quốc phòng của Trung Quốc28. Trong khuôn khổ AUKUS, Australia đã đạt thỏa thuận với Mỹ, Anh để mua tối đa 5 tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân lớp Virginia29 bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc. Phía Trung Quốc trong năm này đã có bước đột phá trong cuộc đua vũ khí siêu thanh30. Ngoài ra, với việc lôi kéo và tập hợp lực lượng ở nhiều nơi của Mỹ và Trung Quốc đã làm cho các nơi trên thế giới trở nên bất ổn.
Thay lời kết
Quan hệ Mỹ và Trung Quốc là mối quan hệ giữa một cường quốc tại vị với một cường quốc đang lên, mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ còn là xu thế tất yếu, có thể sâu sắc, thậm chí quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khi Mỹ bước vào năm bầu cử 2024. Nhưng hai bên cũng vẫn nỗ lực duy trì quan hệ theo một quỹ đạo ổn định. Trong thế giới đầy biến động hiện nay, cải thiện quan hệ Mỹ – Trung Quốc có thể sẽ làm giảm khả năng xảy ra xung đột, tạo hiệu ứng tích cực cho hệ thống quốc tế đương đại.
—————————–
Tài liệu tham khảo:
1. Biden, Joe. 2021. “Remarks by President Biden in Address to a Joint Session of Congress.” The White House. April 29, 2021. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/04/29/remarks-by-president-biden-in-address-to-a-joint-session-of- congress/.
2. Yuzhi, Shi . 2013. “中国梦区别于美国梦的七大特征_理论阵地_求是理论网.” web.archive.org. May 20, 2013. https://web.archive.org/web/20130520192733/http://www.qstheory.cn/zz/zgtsshzyll/201305/t20130 520_232259.htm.
3. The State Council of the People’s Republic of China. 2021. “习近平:中美应该相互尊重、和平共处、合作共赢,既办好各自国内的事情,又承担起应尽的国际责任_滚动新闻_中国政府网.” Www.gov.cn. November 16, 2021. https://www.gov.cn/xinwen/2021- 11/16/content_5651153.htm.
4. Vũ Huy Hùng. 2023. “Quan Hệ Mỹ – Trung Và Những Tác Động Tới Thương Mại Việt Nam.” org.vn. October 30, 2023. https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/quan-he– my—trung-va–nhung-tac-dong-toi-thuong-mai-viet-nam-5554.4050.html.
5. Council of the European Union. 2023. “EU-US summit.” Www.consilium.europa.eu. October 20, 2023. https://www.consilium.europa.eu/en/meetings/international- summit/2023/10/20/
6. Thanh Giang và Dương Giang. 2023. “Thúc Đẩy Mạnh Mẽ Thương Mại ASEAN và Trung Quốc Phát Triển Cân Bằng, Bền Vững.” Báo Nhân Dân Điện Tử. September 17, 2023. https://nhandan.vn/thuc-day-manh-me-thuong-mai-asean-va-trung-quoc-phat-trien-can- bang-ben-vung-post772989.html..
7. Trần Phương. 2023. “Mỹ Khẳng Định Không Ủng Hộ Đài Loan Độc Lập.” TUOI TRE ONLINE. June 20, 2023. https://tuoitre.vn/my-khang-dinh-khong-ung-ho-dai-loan-doc-lap- 20230619234642191.htm.
8. Hồ Tú. “Xu Hướng Thanh Toán Quốc Tế Bằng Đồng Nhân Dân Tệ Trên Toàn Cầu.” Mof.gov.vn. April 28, 2023. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi- tiet-tin?dDocName=MOFUCM275468.
9. Nguyễn Thị Hải Yến. 2021. “Xu hướng chia tách Mỹ – Trung và tác động tới Việt Nam”. Châu Mỹ ngày nay số 5 -2021: 10 – 18
10. 中華民國外交部. 2023. “重要新闻_中华人民共和国外交部.” www.mfa.gov.cn. September 7, 2023. https://www.mfa.gov.cn/zyxw/202309/t20230907_11139468.shtml.
11. Rogin, Josh. 2023. “Opinion | Biden Just Lowered the Pressure on China’s Latest Human Rights Violations.” Washington Post, December 12, 2023. https://www.washingtonpost.com/opinions/2023/12/12/biden-xi-dna-collection-biometrics-abuses/.
12. The White House 2023. “Remarks by Vice President Harris at the 11th U.S.-ASEAN Summit.” The White House. September 6, 2023. https://www.whitehouse.gov/briefing- room/speeches-remarks/2023/09/06/remarks-by-vice-president-harris-at-the-11th-u-s-asean- summit/.
13. Thành Đạt. “Trung Quốc Cáo Buộc Mỹ Bá Quyền, Dọa Tung Đòn Đáp Trả.” Báo Điện Tử Dân Trí. April 9, 2021. https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-cao-buoc-my-ba- quyen-doa-tung-don-dap-tra-20210409212725780.htm.
14. Xuân Mai 2023. “Trung Quốc Kêu Gọi ‘Chống Bá Quyền’ Trước Liên Hiệp Quốc.” Báo Người Lao Động Online. September 22, 2023. https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung- quoc-keu-goi-chong-ba-quyen-truoc-lien-hiep-quoc-20230922084443217.htm.
15. Nguyễn Hùng. 2023. “Trung Quốc Đẩy Căng Thẳng Trên Biển Đông Nhằm Giảm Sức Ép Nội Bộ?” Nghiên Cứu Quốc Tế. October 14, 2023. https://nghiencuuquocte.org/2023/10/14/trung-quoc-day-cang-thang-tren-bien-dong-nham-giam- suc-ep-noi-bo/.
16. Sheehy, Thomas. 2022. “10 Things to Know about the U.S.-China Rivalry in Africa.” United States Institute of Peace. December 7, 2022. https://www.usip.org/publications/2022/12/10-things-know-about-us-china-rivalry-africa.
17. The European Union. 2023. “US Remains Top EU Foreign Ultimate Investment Partner – Products Eurostat News – Eurostat.” Ec.europa.eu. March 31, 2023. https://ec.europa.eu/eurostat/web/products-eurostat-news/w/ddn-20230531-2.
18. 妮思娜. “欧洲学者:‘一带一路’框架下中国在欧投资,与沿线国家达成双赢.” Cn.chinadaily.com.cn. May 4, 2023. https://cn.chinadaily.com.cn/a/202305/04/WS64539de4a310537989372c41.html.
19. People’s Daily. 2023. “Continuously write a new chapter in China-ASEAN’s joint construction of “One Belt, One Road”. China. Com. Cn. October 7, 2023 cnhttp://ydyl.china.com.cn/2023-10/07/content_116728294.shtml
20. Lê Huy. 2023. “Nước Cờ ‘Khôn Ngoan’ Của Trung Quốc Trong Cuộc Xung Đột Nga- Ukraine.” VOV.VN. April 17, 2023. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nuoc-co-khon-ngoan-cua- trung-quoc-trong-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-post1014421.vov.
21. Ngọc Ánh. “Trung Quốc, Iran Ủng Hộ Nhau về Những Vần đề Liên Quan Lợi Ích Cốt Lõi.” Vietnam+ (VietnamPlus). August 21, 2023. https://www.vietnamplus.vn/trung- quoc-iran-ung-ho-nhau-ve-nhung-van-de-lien-quan-loi-ich-cot-loi-post890173.vnp.
22. Văn Khoa. 2023. “Tổng Thống Putin Nói Gì Khi Tiếp Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị?” Thanhnien.vn. September 21, 2023. https://thanhnien.vn/tong-thong-putin-noi-gi-khi- tiep-ngoai-truong-trung-quoc-vuong-nghi-185230921111306683.htm.
23. Joe Biden. 2023. “Joint Statement by President Biden and Prime Minister Fumio Kishida of Japan”. The American Presidency Project. January 13, 2023. https://www.presidency.ucsb.edu/documents/joint-statement-president-biden-and-prime-minister- fumio-kishida-japan
24. Trần Phương. 2022. “Úc, Mỹ Cảnh Báo Solomon, Trung Quốc Nói đó Là ‘Ăn Hiếp.’” TUOI TRE ONLINE. April 24, 2022. https://tuoitre.vn/uc-my-canh-bao-solomon-trung-quoc- noi-do-la-an-hiep-20220424180957025.htm.
25. Karbaum, Markus . 2020. “Cambodia, Laos and Their Involuntary Contribution to a New Era in Southeast Asian Security Cooperation.” BTI Blog. November 25, 2020. https://blog.bti-project.org/2020/11/25/cambodia-laos-and-their-involuntary-contribution-to-a- new-era-in-southeast-asian-security-cooperation/.
26. Hoàng Thế 2021. “Động thái mới cạnh tranh Mỹ – Trung và hàm ý đối với Việt Nam”. Châu Mỹ ngày nay, số 7-2021: 20 – 27
27. Nghiêm Tuấn Hùng và Nguyễn Thị Như Quỳnh. 2022. “Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á dưới thời Tổng thống Joe Biden”. Châu Mỹ ngày nay, số 8-2022: 15 – 23
28. Hồng Anh. 2021. “Thỏa Thuận Tàu Ngầm Hạt Nhân Của Australia Khiến Đông Nam Á Như ‘Ngồi Trên Lửa.’” VOV.VN. September 22, 2021. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thoa-thuan-tau-ngam-hat-nhan-cua-australia-khien-dong-nam-a-nhu-ngoi-tren-lua-892597.vov.
29. Lê Huyền. 2023. “Trung Quốc Cảnh Báo Thỏa Thuận AUKUS Châm Ngòi Chạy Đua vũ Trang.” Vnexpress.net. March 30, 2023. https://vnexpress.net/trung-quoc-canh-bao-thoa- thuan-aukus-cham-ngoi-chay-dua-vu-trang-4587566.html.
30. Vũ Hoa. 2023. “Trung Quốc Có Bước Đột Phá Trong Cuộc Đua vũ Khí Siêu Thanh.” VOV.VN. October 24, 2023. https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/trung-quoc-co-buoc-dot-pha- trong-cuoc-dua-vu-khi-sieu-thanh-post1054637.vov.
Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Trung Quốc, Mỹ, Quan hệ Mỹ - Trung, Nghiên cứu quốc tế