⠀
Phật giáo và vấn đề quyền của các loài động vật
Trong việc đánh thức và cảnh báo về sự suy thoái môi trường và sự hủy diệt một số lượng lớn những loài động vật, vấn đề trở nên cấp thiết đối với loài người là đánh giá lại thái độ của mình đối với môi trường và động vật. Một nền văn minh mà ở đó chúng ta giết hại và bóc lột những dạng đời sống khác để sống thì không phải là một nền văn minh của những con người có tâm thức khỏe mạnh.
Bài viết của Giáo sư K.T.S. Sarao, Trưởng khoa Phật học, Đại học Delhi, Ấn Độ. Đăng Nguyên dịch.
Các ngành khoa học xã hội rõ ràng xem con người là siêu việt và sự thật của vấn đề là họ ít để ý hay không quan tâm đến lĩnh vực động vật không thuộc con người. Do đó, muông thú được mô tả như là cơ giới mà còn lâu mới được xem là những tác nhân hay chủ thể có quyền của riêng chúng, và chúng hầu như bị những nhà khoa học xã hội phớt lờ. Chúng và mối liên hệ của chúng với con người có khuynh hướng được xem như là không xứng đáng quan tâm ở trong khoa học xã hội. Do đó, những vấn đề liên quan đến lợi ích của động vật khó có mặt trong những khoa học xã hội mà ở đó động vật được xem như phần bổ sung của hệ sinh thái lấy con người làm trọng tâm.
Chúng ta cần hỏi chính mình câu hỏi trọng yếu về những việc làm khác nhau của con người với muông thú là có hợp lý về đạo đức và phương diện sinh thái hay không? (được xem từ quan điểm con người).
Ngoài những động vật mà chúng đóng chức năng như những yếu tố sinh kế, có những động vật lại được sử dụng để phục vụ cho những mục đích không phải sinh kế con người, ví dụ như những đối tượng của tế lễ hay như những tô-tem. Động vật ở nơi tư cách này được phong cho ý nghĩa tôn giáo và với sức mạnh biểu tượng và ẩn dụ. Thêm nữa, những nhà nhân loại học đã tập trung vào những vai trò mà động vật đóng ở trong đời sống tôn giáo và nghi lễ của con người. Nhưng quan tâm của nhân chủng học vào những tô-tem động vật hay những biểu tượng động vật thì không bảo đảm cho việc chống lại một giải pháp xem con người là siêu việt. Hiện tại, chủ nghĩa xem con người là ưu việt trong những khoa học xã hội rõ ràng không bị thách thức. Lý do đối với điều này là quan điểm được hiểu chung rằng động vật tự chúng không cống hiến được thứ gì cả vì theo họ tính xã hội và văn hóa không tồn tại bên ngoài thế giới con người.
Trên tổng thể, hình ảnh động vật trong khoa học xã hội không chỉ là những đối tượng cho chủ thể con người hành động trên đó mà cũng là những tương phản mà theo khoa học xã hội tạo nên những con người. Trở ngại khác đối với việc thừa nhận tính tiếp liên giữa con người-động vật là sự sợ hãi trong số những nhà sinh học về việc bị buộc tội thuyết hình người, việc quy kết những đặc điểm riêng của con người cho động vật. Về phía của mình, những nhà khoa học xã hội đang canh giữ đầy đố kỵ những gì họ xem là lĩnh vực con người và vì vậy có khuynh hướng ủng hộ nỗi sợ thuyết hình người của những nhà sinh học. Những gì hiện bị lên án là thuyết hình người là những mô tả đặc điểm đó mà những nhà khoa học xã hội kịch liệt dành riêng cho con người. Trong phê bình của họ về thuyết tiền định sinh học, những nhà khoa học xã hội chỉ ngón tay buộc tội vào bất kỳ ai mà họ công nhận động vật có tư cách con người. Tuy nhiên, có một vài nhà khoa học động vật can đảm nói rằng động vật là giống con người hơn và ít vật thể hơn mà khoa học của họ sẽ làm chúng ta tin.
Thuyết vật linh và thuyết hình người là phổ biến trong những người Ấn cổ đại. Động vật được xem như là một hiện thân của thần linh, hay những vị thần của chính tổ tiên họ. Tất nhiên, sự thật rằng bất kỳ con người nông nghiệp nào cũng đều có một cảm thức về sức mạnh mà nó vận hành trong tự nhiên, và đi đến nhân cách hóa mỗi sức mạnh riêng biệt. Sự thực, một số bản kinh Phật giáo sơ kỳ cho thấy rằng động vật chia sẻ bản chất tôn giáo của con người, mà những hiện tượng được quán sát như vậy là những bằng chứng rõ ràng về sự liên kết giữa con người, muông thú và thần linh.
Quan điểm của Phật giáo về luân hồi ngang qua các loài sống làm giảm khoảng cách tinh thần giữa con người và động vật. Nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng động vật trải nghiệm những suy nghĩ và cảm xúc có ý thức, và bức tranh đời sống động vật như là sự hiện hữu không có ý thức là không thể đứng vững được nữa. Thật không còn tin được và lỗi thời khi xem những trải nghiệm tâm thức chủ quan như là lĩnh vực độc quyền của một loài hay thậm chí như lĩnh vực độc quyền của một số loài với não bộ lớn. Khả năng của động vật để phản ứng một cách thích hợp đối với những thay đổi hay thách thức minh chứng cho tính hợp lý hay sự hợp lý thực tiễn về những hành động của nó.
Phật giáo đã chế định những giới luật quan trọng mà chúng khẳng định rằng giết hại những chúng sanh khác là một sự vi phạm những quy tắc đạo đức cơ bản nhất của vũ trụ. Giới đầu tiên là cam kết tránh hủy hoại đời sống. Đây là một trách nhiệm đạo đức mà những người mới nhập đạo biết như một phận việc cốt lõi của đời sống tôn giáo. Xã hội đối với một Phật tử, do đó, không được xem trong nghĩa hẹp của xã hội loài người, mà ở trong nghĩa rộng hơn của một cộng đồng bao gồm tất cả những loài sống hay những chúng sanh khác.
Những Phật tử thời kỳ đầu chấp nhận quan điểm rằng tất cả muông thú thuộc về một lãnh vực mà nó thấp hơn lãnh vực của con người. Con người, mặc dù được thừa nhận là ở trong cùng một thể với những động vật khác, được xem là kiểu mẫu của những gì đời sống sinh học nên là. Một hệ quả của niềm tin này là rằng trạng thái của con người là vượt lên xa trạng thái của bất kỳ động vật nào khác. Điều quan trọng khác được đưa vào xem xét là niềm tin rằng bất kỳ vị trí hiện hành nào của chúng sanh trong vòng quay luân hồi đều được quyết định bởi luật nghiệp. Nói chung, động vật được hiểu là thua kém so với con người, một hệ quả của điều đó là niềm tin rằng sự hiện hữu của những động vật khác là bất hạnh, ít ra được so sánh với sự hiện hữu của con người.
Những câu chuyện tiền thân (Jātaka) của Phật giáo trình bày một quan điểm thuyết hình người về động vật, cho thấy những phẩm chất người thật sự của chúng, vừa tốt vừa xấu, vừa anh hùng vừa độc ác. Những câu chuyện tiền thân bao gồm nhiều loại truyện, từ sự giảng đạo của giới tu sĩ và những truyện ngụ ngôn muông thú đơn giản, đến những câu chuyện muông thú từ bi và những lát cắt của những sử thi anh hùng lớn hơn. Trong cả Jātaka Pali và Jātakamala của Ariyasura, Đức Phật được thể hiện không phải thoát ra khỏi cuộc đời mà là hành động với từ bi và trí tuệ vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Trong các Jātaka, chúng ta phát hiện cái cốt tủy của thái độ Phật giáo đối với đời sống – thái độ của lòng từ bi phổ quát mà nó là sự thúc đẩy tự nhiên để giúp đỡ kẻ khác phát ra từ sự hiểu biết của tổng thể nội tại.
Trong các Jātaka, chúng ta thấy rằng xa xưa, khi là một hươu chúa, Bồ-tát đã hy sinh mạng sống của mình để giải cứu tất cả sinh vật ra khỏi hiểm nạn; khi làm một con khỉ Ngài đã cứu một kẻ thợ săn vô ơn; khi làm một con sư tử Ngài đã cứu tất cả những con thú hoảng sợ khỏi nỗi sợ hãi; khi làm một con vẹt Ngài đã bất chấp tính mạng bay qua ngọn lửa để cứu tất cả những kẻ bị mắc kẹt trong một khu rừng đang cháy; khi làm một con voi Ngài đã hy sinh đời mình để những kẻ sắp chết đói có thể sống; khi là một vị vua Ngài đã dâng thịt của chính mình để cứu một con chim bồ câu; khi làm một vị thái tử Ngài đã hy sinh mạng sống của mình để một con cọp mẹ và bầy cọp con sắp chết đói có thể sống. Chúng chứng minh những hoạt động tự nhiên của tâm Bồ-tát, và bằng việc làm như vậy, đưa tất cả sự hiện hữu vào trong một lĩnh vực rộng lớn của nỗ lực tâm linh mà ở đó không có hình thức đời sống nào là bên ngoài đạo. Tất cả chúng sanh được cho thấy là những vị Phật và Bồ-tát sẽ thành. Vi trùng, chim sẻ, chó, khỉ, ngựa, cá heo, con người: mỗi loài ở tại cấp độ của chính nó có thể cảm nhận sự thương xót đối với khổ đau của kẻ khác và hành động một cách vị tha để làm giảm nỗi đau của tất cả chúng sanh. Ở một vài khoảnh khắc trong đời sống, nó dường như, mỗi loài được cung cấp một cơ hội và một sự chọn lựa.
Bên cạnh khai mở tính Phật ở trong con đường đạo của mình cho quả vị Phật, những Jātaka đồng thời xác nhận và đưa ra lòng tin đối với cảm thức thương yêu tự nhiên của chính chúng ta và hành động vị tha tự nguyện của chính chúng ta. Những câu chuyện này một cách lý tưởng chỉ cho ta cách để sống trong một thế giới khổ đau, cũng như trao cho chúng ta một cái nhìn tâm linh sâu sắc về bản chất của vũ trụ.
Thông điệp của các Jātaka là đặc biệt sâu sắc trong thời đại của chúng ta. Khi chúng ta biết rõ hơn về những sự phá hoại, những dạng đời sống của thế kỷ XXI mà chúng ta tạo nên trên hành tinh này, như cảnh ngộ khốn khổ của cá voi, khỉ núi, chó sói, và những loài thú khác trong tình thế nguy hiểm, cũng như sự đối xử thô bạo mà mèo, chó, thỏ, khỉ và chuột nhận lấy ở trong phòng thí nghiệm của chúng ta, thì trở nên rõ ràng đối với chúng ta, những Jātaka càng có ý nghĩa lớn hơn. Ai biết, như các Jātaka đề xuất, trong chính những động vật mà chúng ta gây khổ cho chúng, giết thịt và ăn nuốt chúng, là những chúng sanh có cảm thức và có khát vọng, là những Bồ-tát và Phật tương lai. Các Jātaka, mỗi khi chạm đến được trái tim, sẽ chuyển đổi những tri giác của chúng ta.
Sau khi đi vào thế giới của các Jātaka, chúng ta không thể không cảm nhận sâu sắc hơn đối với động vật. Nó cũng khó hơn để tin rằng chúng là thấp hơn chúng ta – rằng chúng có mặt ở đây dành cho sự hưởng thụ và sử dụng của chúng ta. Các Jātaka giúp chúng ta thấy rằng muông thú có đời sống riêng của chúng, có nghiệp, những thử thách, mục đích và khát vọng riêng của chúng. Và, vì thường đau khổ, vì đời sống của chúng có thể là như vậy, chúng cũng được ban cho sự thanh sạch mà chúng ta chỉ có thể khiêm nhường kính trọng, và có lẽ thậm chí đôi khi đố kỵ. Những Jātaka công nhận những cảm thức sâu sắc nhất của chúng ta và giúp cho chúng ta ngày hôm nay có hiểu biết về trí tuệ vốn có trong tất cả mọi dạng đời sống. Đánh mất sự kính trọng đối với tất cả những loài khác, trước hết, là làm yếu đi cái cơ bản đầu tiên và chính yếu nhất của các giới – không giết hại mà còn coi trọng tất cả mọi đời sống.
Nổi tiếng nhất là chuyện tiền thân Sata, kể về con thỏ sống trong rừng với một con khỉ, một con chó rừng và một con rái cá. Câu chuyện liên quan đến sự quyết định của chúng để tiến hành những thánh nhật và giới luật bằng việc bố thí. Quan sát ngày trăng tròn, chúng quyết định xem ngày kế tiếp như một ngày trai giới và bố thí cho bất kỳ kẻ ăn xin nào. Trong khi con khỉ, chó rừng và rái cá thu gom thức ăn để cho những ai cần nó, con thỏ không thể thu gom thức ăn nên đã dâng thịt của chính mình. Thỏ đã được tưởng thưởng là hình ảnh của nó được in lên mặt trăng. Con thú anh hùng ở đây được xem như là một vị Bồ-tát ở trong một tiền kiếp. Câu chuyện đưa ra một bức tranh nhân văn về những đặc tính động vật của nó.
Jātaka Nandimagga là một câu chuyện về một con hươu đã không sợ hãi đối mặt với một vị vua đang săn bắn; bằng cái nhìn bất động của mình, nó đã thay đổi tâm của vị vua và cứu những con thú khác. Trong kinh Pháp cú, chúng ta thấy câu chuyện về Dhanapalaka, một con voi chịu nỗi nhớ nhà sau khi bị tách ra khỏi mẹ của nó. Con voi bị bắt giữ đã từ chối thức ăn. Trong Jātaka Mahakapi, một con khỉ cứu sống bộ tộc của nó bằng việc sử dụng thân thể của mình như một phần của một chiếc cầu cho bầy khỉ vượt qua sông Hằng. Trong khi một vài Jātaka khác mô tả những phẩm chất siêu nhiên biểu lộ đời sống của Bồ-tát, chúng cũng phản ánh khả tính thương yêu, mà nó quan trọng như phẩm chất anh hùng là can đảm và hy sinh.
Mặc dù chúng ta không thể tìm ra một bộ luật đạo đức có cấu trúc trong các động vật, chúng dường như biểu lộ một vài những đức hạnh có giá trị sâu sắc. Qua quán sát thấy rằng, muông thú hy sinh cho con cái của chúng, cảm thông với đồng loại của chúng, yêu mến bạn tình của chúng, và tương thuộc với cộng đồng của chúng.
Có những lý do khác nhau về sự xuất hiện của động vật ở trong văn học, điêu khắc và tranh vẽ Phật giáo. Trước hết, đây là bởi nghiệp ở đó con người tái sanh lặp đi lặp lại trong những hình thức khác nhau. Lý do thứ hai là khuynh hướng đối với thuyết vật linh, quan điểm rằng muông thú và thậm chí cỏ cây mà chúng liên quan đến con người thì có đời sống trong một cách thức tương tự như con người. Tư tưởng này dường như đã rất mạnh vào thời Đức Phật. Lý do thứ ba là sự nhân cách hóa muông thú mà nó được phát triển mạnh vào thời điểm đó. Nó là rất dễ để thích ứng những nhân cách hóa này cho những mục đích đạo đức và như vậy những con thú và con người nói chuyện với nhau trên cùng một cơ sở. Điều này xảy ra phần lớn ở trong những câu chuyện và ngụ ngôn. Việc sử dụng động vật mà nó quen thuộc với mọi người là một phương pháp rất hay để phổ biến giáo pháp.
Nhiều ví dụ của phương pháp này được tìm thấy trong các Jātaka. Jātaka Ruru viết: Con trai của một thương nhân giàu có, người sống một đời sống phóng đãng đã cố tự sát bằng việc gieo mình vào sông Hằng. Một con nai có tên là Ruru đã cứu người thanh niên bằng việc gây nguy hiểm cho tính mạng của nó. Sau đó, người thanh niên phản bội con nai bằng việc đưa thông tin về chỗ ở của con nai. Nhưng từ việc ấy, con nai bị bắt, nhà vua đến và biết về mối liên hệ giữa hai vị. Nhà vua để cho con nai đi nhưng muốn giết người thanh niên. Con nai, tuy nhiên, cầu xin nhà vua để cho người thanh niên đi.
Những ngụ ngôn được sử dụng cho việc dễ dàng lĩnh hội ý nghĩa của giáo pháp. Có những trường hợp con người được so sánh với thú vật để chỉ cho sự hùng dũng và tài trí của họ. Ví dụ, một người hùng dũng đôi khi được ví giống như sư tử. Đây là một biệt danh dành cho một con người tài giỏi giữa con người, giống như một con sư tử là đứng đầu tất cả muông thú. Đây cũng là một diễn tả khác dành cho Đức Phật. Trong tư tưởng Ấn Độ, đời sống con người không kết thúc với một đời mà được xem là tiếp tục ngang qua sức mạnh của nghiệp. Theo bản chất nghiệp của ta, sự tái sanh xảy ra và ta chuyển đổi vào trong những hình thức hiện hữu khác nhau. Điều này được gọi là luân hồi (samsara). Vì những loại nghiệp là vô tận, nên những loài chúng sanh cũng như vậy.
Chúng sinh trên trái đất này là vô số và loài này khác với loài kia. Đây là do sự khác nhau của nghiệp. Sanh làm thú được xem như một kết quả của nghiệp xấu khi đời sống của một con thú được xem như đời sống mà nó đầy bạo lực, thiếu lý trí và ít hạnh phúc. Những người mà phạm năm giới và mười nghiệp xấu ác thì sanh làm muông thú và đời sống như một con thú thì vô cùng khốn khổ do loài này phải làm mồi cho loài kia. Tuy nhiên, luôn có khả năng cho một con thú trở thành một vị Bồ-tát và như vậy, bất kể ở nơi lĩnh vực ta tái sanh là gì, luôn có khả năng cho việc đạt lấy Phật quả. Những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo tiêu biểu nhất được tìm thấy ở Bharhut, Sanchi và Ajanta mô tả những câu chuyện về Đức Phật Thích Ca như được trình bày trong các Jātaka. Trong số chúng là nhiều con thú. Sư tử, bò, ngựa, voi là đặc biệt được đề cập ở đây.
Abhaya-dana (vô úy thí) là một loại bố thí mà nó có nghĩa là giúp xua đi nỗi sợ của kẻ khác và mang lại sự bình an. Theo một truyền thống Phật giáo, Abhaya-mudra được nói là đã bắt nguồn từ cử chỉ mà Đức Phật thể hiện khi Ngài bị con voi say Nalagiri do Đề Bà Đạt Đa chủ mưu thả ở trên đường đe dọa. Abhaya-dana được một số vị vua của những quốc gia Theravada thể hiện cụ thể, theo cách của họ. Chúng ta có những ví dụ từ những bản khắc chữ của vua Ashoka chẳng hạn như sắc lệnh thứ 2, thứ 5 và thứ 7 được viết trên trụ đá, mà ngày hôm nay chúng ta biết như luật ngăn chặn sự thô bạo với muông thú. Mặc dù sắc lệnh thứ năm không hoàn toàn cấm giết hại muông thú và chỉ đưa ra một cái nhìn hiện thực về chủ đề, tuy nhiên, trong thực tế, không nghi ngờ rằng nó là một trường hợp tích cực của vô úy thí. Cũng như vậy nó thật sự rõ ràng từ những nội dung của bảng khắc song ngữ (gồm tiếng Hy Lạp và một ngôn ngữ vùng Cận Đông cổ đại) của hoàng đế Ashoka được phát hiện gần đây ở Afghanistan. Mahavamsa đề cập rằng một vài vị vua của Sri Lanka đã cấm sát hại thú vật, đôi khi tuyệt đối và tại những thời điểm khác ở trong một vài tình huống. Amandgamani Abhaya (thế kỷ I TL) và Kassapa V (thế kỷ X TL) có thể được trích dẫn như những ví dụ.
Trong những thời đại về sau chúng ta có những ghi chép từ những bản khắc chữ, như bản khắc chữ của Nissanka Malla của thế kỷ XII, người đã đem lại sự an toàn sống cho muông thú chẳng hạn như cá trong bể, chim và thú rừng. Cũng lưu ý ở đây rằng, không giống như những bảng khắc chữ của Ashoka, từ ngữ thực sự được sử dụng là abhaya-dana.
Trong Ấn Độ lịch sử, những vị thần muông thú có trước những vị thần hình nhân. Trong suốt thời kỳ Mauryan, những bức tượng hoàn toàn thuộc về thế giới muông thú. Trong thời kỳ theo sau, hình ảnh tập trung nhiều vào muông thú hơn là con người. Muông thú chiếm ưu thế như là đặc điểm trong các câu chuyện Jātaka và những vị anh hùng nói chung không phải con người mà là muông thú. Thêm nữa, đây là những kẻ mang văn hóa. Nhân loại nhận nước từ một con rắn, lửa từ một con ếch và giấc ngủ từ một con thằn lằn. Có lẽ con người nguyên thủy quá sợ hãi bởi những khả năng siêu nhiên của những sinh vật khác. Những muông thú mà chúng được khắc họa trong văn học và nghệ thuật Phật giáo luôn là những động vật có tốc độ và sức mạnh ấn tượng – ngựa, trâu, hươu, cọp, sư tử, gấu, tê giác. Nhưng động vật cũng có thể được đề cập như Bồ-tát chỉ bởi vì chúng không giống như chúng ta, và do đó đầy những bí ẩn.
Sự xuất hiện của những vị thần muông thú là sản phẩm của sự trải nghiệm văn hóa vượt qua hàng trăm thiên niên kỷ, mà trong đó con người đã sống như muông thú trong số những sinh vật khác của đời sống hoang dã. Bởi vì những sinh vật này dường như không còn kết nối với họ một cách trực tiếp, con người cố với lấy những muông thú thông qua hình ảnh và ký hiệu. Những hình ảnh và ký hiệu được mô tả trong văn học và nghệ thuật Phật giáo trên cơ sở kích cỡ, sức mạnh, thói quen và tướng trạng của chúng trở thành những sinh vật thiêng liêng, được tuyên bố bởi những thần linh hay con người. Thông qua những hình ảnh thiêng liêng con người có thể vượt qua vực rộng giữa trải nghiệm và trí nhớ.
Đức Phật nhiệt thành biện luận tầm quan trọng của việc đối xử đạo đức với tất cả chúng sanh như là một sự ưu tiên. Ngài phản đối tế lễ muông thú và quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng một hệ thống đạo đức mà ở đó công bằng cho muông thú được xem như mô thức thay vì sự ngoại lệ. Đề cập thường xuyên của Đức Phật đối với sự di chuyển luân hồi ngang qua những loài sống làm giảm khoảng cách tinh thần giữa con người và những sinh vật khác. Trong bài viết này, một nỗ lực được thực hiện để tỏ rõ trên cơ sở của văn học Phật giáo sơ kỳ mà muông thú trong Phật giáo không chỉ bị dồn đuổi bởi những thúc đẩy vượt qua khỏi sự kiểm soát của chúng và rằng chúng có khả năng cảm xúc và động cơ tự nguyện. Khi những quyền của động vật/ phong trào phúc lợi đang phát triển mạnh mẽ hơn từng ngày, ngang qua bài viết này đã cho thấy rằng Phật giáo có nhiều bài học quan trọng đáp ứng ở trong lĩnh vực này.
Phật giáo không phân biệt muông thú và con người một cách rõ ràng như những tín ngưỡng Do Thái-Thiên Chúa giáo, và những vị thần Phật giáo thường được miêu tả trong hình thức muông thú. Một số lượng lớn những vị Bồ-tát muông thú là chứng cớ của điều này. Sư tử, bò, voi vẫn liên kết trực tiếp với Đức Phật.
Có nhiều câu chuyện Jātaka mà chúng có thể đã phục vụ để đồng hóa những sùng bái muông thú địa phương vào trong Phật giáo. Những sùng bái muông thú xa xưa vẫn là một phần của truyền thuyết dân gian vào thời Đức Phật, và Ngài cho thấy đã hòa trộn những những đặc điểm động vật với những đặc điểm con người trong khi gộp chúng vào trong hệ thống Phật giáo. Chúng ta cần những nhân vật gây cảm hứng mà chúng không phải là hình nhân để nhắc chúng ta rằng thế giới không chỉ tạo ra cho con người, mà rằng những sinh vật khác cũng cần được kính trọng. Thêm nữa, nhận thức những thần tính mà đó không phải là thuyết hình người có thể khuếch tán và hòa giải sự căng thẳng mà nó xuất phát từ việc xem thần tính chỉ có dưới dạng người nam và người nữ.
Đức Phật đại diện cho một mối liên hệ giữa con người và muông thú được đặt cơ sở trên đạo đức. Quan điểm về sự tiếp tục của đời sống giữa đời sống con người và muông thú là ẩn tàng trong những khái niệm Phật giáo chẳng hạn như khái niệm nghiệp và tái sanh. Đức Phật chỉ ra rằng chúng sanh thấp kém hay cao quý, xinh đẹp hay xấu xí, khỏe mạnh hay ốm yếu, là do nghiệp của họ.
Chúng sinh trải từ sự hiện hữu này đến sự hiện hữu khác là tái sanh tương ứng với bản chất hành vi của họ. Nghiệp của một chúng sanh đưa vị ấy trải từ sự hiện hữu này đến sự hiện hữu khác tùy thuộc nó thiện hay bất thiện. Sau khi chết, thân xác tan rã và một cá nhân tái sanh trong một trạng thái hiện hữu thỏa đáng (sugati) chẳng hạn là một con người nếu hành vi của nó là tương đối tốt hay một trạng thái hiện hữu đau khổ (duggati) chẳng hạn như một con thú hay thậm chí tệ hơn nếu hành vi của nó là xấu.
Như vậy, những cá nhân mà họ đi cùng với đời sống này, thì nếu họ là những thợ săn tay đẫm máu, hay những tên trộm, hay những loại người đại loại giống vậy, thì có khả năng tái sanh vào trong hình thức của một sinh vật vụng trộm hay bò trườn như một con rắn, một con bò cạp, một con rết, một con cầy mangut, một con mèo, một con chuột, một con cú và v.v… Theo cách khác một con thú có thể sanh làm một con người.
Muông thú cũng được Phật giáo xem như là chủ đề đối với nghiệp của họ. Một số lớn Jātaka coi nghiệp tốt và xấu được thực hiện trong quá khứ bởi những loại thú khác nhau. Những nghiệp này sau đó nối kết với hiện tại, những sinh vật tốt được nhận biết thông qua tiến trình tái sanh với Phật và những đệ tử của Ngài, còn những kẻ xấu với Đề Bà Đạt Đa và những người như vậy. Do đó, một người có thể sanh làm thú và ngược lại tùy thuộc vào nghiệp. Như vậy, Phật giáo xem muông thú và con người như là phần của cùng một chuỗi hình thành, cùng một dòng vũ trụ trong quan điểm Phật giáo cấu thành nên sự hiện hữu hiện tượng. Điều này thể hiện rõ trong một lời nói của Đức Phật khi Ngài cho rằng thật không dễ gì để tìm ra một chúng sanh nào mà đó không phải là mẹ, cha, anh, chị, con cái của chúng ta…(do vì) sự diễn tiến của tái sanh.
Tuy nhiên, muông thú vẫn không được xem là có khả năng thăng tiến trong giáo pháp. Phật giáo đánh giá thấp những phẩm chất tâm linh của muông thú và có thể nói rằng muông thú trên tổng thể nói chung được xem là nhiều bạo lực, ít thông minh, và sự hiện hữu của chúng là ít thỏa mãn hơn sự hiện hữu của con người. Nhưng, vẫn có thể nói rằng bên trong chuỗi luân hồi không có sự tách biệt cố định hay cuối cùng giữa các chúng sanh bên trong hai dòng hiện hữu.
Trong những giới luật của Luật tạng, giới không được sát sanh có thay đổi theo một cách thức đáng kể. Không được tước đoạt mạng người được liệt ở đây như là giới thứ ba của parajika (ba-la-di), loại phạm tội nghiêm trọng nhất, đưa đến bị tẩn xuất khỏi Tăng đoàn vì sự bạo lực của nó. Điều này phân biệt với sự hủy hoại đời sống chúng sanh không phải con người, mà nó được phân loại trong pacittiya (ba-dật-đề) ít nghiêm trọng hơn mà nó cấm Tăng sĩ sử dụng nước có chứa sinh linh làm rõ ràng ý định áp dụng luật chống lại sự hủy hoại đời sống ngay cho dù với côn trùng và những loại sinh vật đơn bào nhỏ nhất.
Một số văn bản về sau có những bước đi dài hơn khi ghép những người hủy hoại những loại đời sống muông thú khác nhau dưới những tình huống khác nhau với những địa ngục tương xứng. Kinh Saddharmasm-tyupasthana, một bản kinh Sanskrit có niên đại thế kỷ IV-V TL, là một trường hợp sớm của kiểu mẫu này. Theo văn bản này, những người giết hại chim hay hươu mà không hối hận thì bị đọa vào một địa ngục thấp được gọi là địa ngục Phân dơ; những người nấu sống lạc đà, heo, cừu, thỏ, gấu, và những loài như vậy thì bị trừng phạt trong địa ngục Vạc nấu; những người mà đánh đập rùa hay bóp chết cừu thì bị đày vào địa ngục Tối tăm. Thậm chí làm bị thương một con thú là hành vi không thể chấp nhận được. Được quy định rằng nếu một Tăng sĩ đào một cái hố và một con thú rơi vào trong đó, có một sự phạm tội về việc làm sai trái. Trong trường hợp con thú chết, tội buộc phải sám hối.
Đức Phật phê bình mạnh mẽ những thực hành tế lễ muông vật cũng như lấy săn bắn để tiêu khiển của vua chúa. Ngài không khuyến khích chiến tranh như một phương thức bình định bất đồng và chứng minh sự hoàn toàn vô ích của nó. Vấn đề này được mở rộng đến những sinh vật nhỏ nhất. Giới luật dành cho Tăng sĩ cấm chặt phá cây cối. Hủy diệt cây cối, đào đất v.v… có thể được giải thích như một cảnh báo rằng những dạng đời sống nhỏ nhiệm có thể bị hủy diệt bởi những hành động như vậy. Một số dạng đời sống được gọi là ekindriya jiva cư trú trên cây cỏ và đất đai, và thậm chí nước có thể có những sinh vật (sappanaka udaka) ở trong đó. Một vị vua lý tưởng, như được đề cập ở trong kinh Cakkavattisihanada, nên bảo vệ không chỉ con người, mà cũng cả thú rừng và chim chóc.
Quan tâm của Đức Phật về giá trị của đời sống phát xuất từ lòng từ bi, đó là tại sao Ngài phê bình việc tử hình, chiến tranh, săn bắn, tế lễ muông thú, tự tử và sự nhẫn tâm đối với chúng sanh. Agni, thần Lửa của Vệ-đà, có lẽ bị đối xử khinh bỉ nhất trong số những vị thần Vệ-đà được đề cập đến trong văn học Pali Phật giáo sơ kỳ, không giống như những vị thần khác như Indra (Sakka) và Phạm thiên (Brahma).
Những tác giả Phật giáo thời kỳ đầu không nhầm lẫn về việc xác định hay kết hợp vị thần này bằng những tế lễ (brahmana) với nghi lễ lửa của Vệ-đà, điều mà, đặc biệt liên quan đến tế lễ muông thú, những Phật tử luôn hoàn toàn chê trách. Sự khinh miệt đối với nghi lễ này có lẽ liên quan đến sự thật rằng thần Agni của Vệ-đà chia sẻ những đặc điểm chung với tu sĩ tế lễ, mà đối với họ những tác gia Tăng sĩ của Phật giáo sơ kỳ dường như không có điều gì ngoài sự nhạo báng và khinh miệt.
Trong hệ thống thờ phượng Vệ-đà, Thần Agni, một thầy tế của các thần linh, là biểu tượng thiêng liêng của giới tư tế. Một thái độ chỉ trích có mặt khắp trong tất cả những đề cập đến Agni trong văn học Pali Phật giáo. Lý do cho điều này là rằng trong tâm người Phật tử nghi lễ luôn được kết hợp với tế lễ sinh mạng muông thú. Những điên cuồng của tế lễ được miêu tả nhấn mạnh ở trong kinh Aggi. Đức Phật kịch liệt chống lại những tế lễ muông thú. Ngài chỉ ra rằng những tế lễ như Asvamedha mang lại những tai họa to lớn. Tế lễ muông thú là một đặc điểm nổi bật của tín ngưỡng Bà-la-môn trước và vào thời Đức Phật. Đức Phật công khai bác bỏ một sự thực hành tai hại như vậy.
Trong liệt kê năm loại buôn bán mà tất cả Phật tử hoàn toàn bị cấm tham gia vào, có hai loại buôn bán liên quan đến thú vật và đó là kinh doanh thịt, và kinh doanh chúng sinh. Công việc giết mổ cừu, giết lợn, ngư phủ, bẫy thú được xem là quá tàn ác đến độ chúng được xếp cùng với trộm cắp và đao phủ. Phật giáo khuyên tín đồ của mình đối xử với muông thú bằng những nguyên tắc đạo đức tích cực và phổ quát (các phạm trú) mà chúng chi phối mối liên hệ hỗ tương của con người, tức là những đức hạnh này bao gồm từ (metta), bi (karuna), hỷ (mudita) và xả (upekkha) có ý định được áp dụng đối với tất cả chúng sanh. Phật giáo có đầy đủ những ví dụ về sự cộng sinh của con người với những động vật khác và những cách sống thân thiện với môi trường.
Trong một vài truyền thống Phật giáo, ăn thịt là hoàn toàn bị cấm. Trong Phật giáo Theravada ăn thịt được phép nhưng dưới một vài điều kiện. Trong mọi trường hợp, ngay dù cả Phật giáo Theravada, như được chỉ ra trong kinh Puttamamsa, rằng thực phẩm vật chất (kabalinkara ahara) nên được thọ nhận không phải vì sự thích thú (davaya), hay sự ham thích (madaya), hay sự sung sướng cá nhân (mandayana), mà chỉ vì sự cần thiết để sống. Trong khi thực phẩm được thừa nhận là điều kiện tiên quyết chính cho sự tồn tại, nó cũng được biết như một nguồn cám dỗ, như một đối tượng mà thông qua nó vị giác phát triển thèm muốn.
Do đó, trong vô số lý do, sự điều độ liên quan đến thực thẩm được ủng hộ, mặc dù không bao giờ đến mức hành xác (attakilamatha). Vị Tăng lý tưởng được mô tả là người kiểm soát được hành vi và lời nói, tiết chế và điều độ trong thọ nhận thực phẩm, dễ dàng thỏa mãn. Ngược lại, một người không điều độ với thực phẩm được mô tả như là người thiếu suy nghĩ và thiếu khôn ngoan.
Trong Phật giáo, giết hại hay làm tổn thương chúng sanh được xem là bất thiện và về bản chất là thiếu đạo đức; vì, một mặt, giết hại hay làm tổn thương chúng là nghiệp xấu mà nó đưa đến những kết quả xấu ác cho kẻ gây ra sau khi chết, và mặt khác tất cả mọi chúng sinh khác đều sợ chết và muốn tránh khổ đau giống như chúng ta.
Phật giáo không xem con người như một sáng tạo đặc biệt của Thiên Chúa, hay được trao cho quyền lực hay cương vị quản lý muông thú v.v… Mặc dù con người có một sự tự do và khả năng hiểu biết lớn hơn muông thú, thì giống như tất cả những chúng sanh khác, con người cũng luẩn quẩn ở trong lĩnh vực giới hạn và có điều kiện của thế giới luân hồi. Tuy nhiên, khả năng và hiểu biết lớn hơn không có nghĩa là ta có quyền bóc lột, mà cần có một thái độ tử tế với những loài sống thấp kém hơn.
Cần hiểu rằng, vị trí may mắn hiện tại của chúng ta là một con người chỉ là một trạng thái tạm thời, tùy thuộc vào nghiệp thiện quá khứ. Ta không thể tách mình ra khỏi cảnh khốn khổ của thú vật, khi chính ta đã trải nghiệm điều đó, giống như những muông thú đã trải qua những kiếp làm người. Thêm nữa, ở trong vòng luân hồi vô tận, mỗi chúng sanh đôi khi đã là một người bạn hay một người thân, và đã từng rất tốt với ta. Mang điều này trong tâm, ta nên quan tâm hơn đến muông thú và quyền sống của chúng.
Theo GIÁC NGỘ ONLINE
Tags: Phật giáo, Động vật, Đạo đức môi trường, Bảo vệ động vật, Con người và thiên nhiên