Niên hiệu của 9 vua triều Lý mang ý nghĩa gì?

Niên hiệu của các vị vua triều Lý đã cho thấy rằng những điều tốt đẹp gửi gắm trong đó đã được các hoàng đế của vương triều này hiện thực hóa trong đời sống ở mức độ khác nhau, nó chính là những dấu ấn lớn của triều Lý qua các công trình vật chất và tinh thần đến nay vẫn được lưu truyền, gìn giữ và được người đời ngợi ca, ngưỡng mộ.

Đền Đô, nơi thờ 9 vua nhà lý ở Bắc Ninh.

>> Điều cần biết về danh xưng của các vị vua Việt Nam
.

Niên hiệu là danh hiệu của vị vua được đặt khi lên ngôi để thần dân trong nước gọi thay cho tên chính, đồng thời để tính năm trị vì. Theo các từ trong niên hiệu, người ta thấy niên hiệu bắt nguồn từ triết lý vương quyền trong Nho giáo, theo lý thuyết này, vua trị nước là do mệnh trời vì thế niên hiệu đều mang ý nghĩa tốt đẹp.Thời nhà Lý, trải 9 đời vua trị vì trong 216 năm (1009- 1225) dù ở ngôi dài ngắn khác nhau nhưng đều chọn niên hiệu cho riên mình. Điều khác biệt giữa các vua triều Lý và các triều vua khác là hầu hết niên hiệu các đời vua Lý đều dài đến 4 chữ.

Về nguyên tắc, niên hiệu được lựa chọn rất cẩn thận vì nó là danh hiệu của người đứng đầu quốc gia với quyền lực to lớn, do đó niên hiệu khi đọc lên nghe phải có ân vang và trong sáng, ý nghĩa gửi gắm những sự cầu ước, nói lên điềm lành và có sự gắn kết với triết lý vương quyền, thần linh; thí dụ như các chữ liên quan đến trời, đến biểu tượng đế vương như chữ Thiên, Càn, Long…

Mặc dù đều có ý nghĩa cao quý, đẹp đẽ nhưng không phải vì thế mà niên hiệu có tính cách cố định. Thực tế có vua chỉ dùng một niên hiệu duy nhất trong suốt thời gian trị vì của mình, có vua thì thay đổi niên hiệu nhiều lần như trường hợp của Lý Nhân Tông, ông đã đặt tất cả 8 niên hiệu, trở thành vị hoàng đế có nhiều niên hiệu nhất trong lịch sử. Mỗi khi thay đổi niên hiệu, vua ban ra chiếu chỉ thông báo cho toàn dân được biết, việc thay đổi đó gọi là cải nguyên thường thấy khi xảy ra những sự kiện, biến cố quan trọng hoặc để ghi một dấu ấn đặc biệt nào đó. Thí dụ vào tháng 11 năm Giáp Thân (1044), sau khi đánh thắng Chiêm Thành, Lý Thái Tông đổi niên hiệu Minh Đạo thành niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ; hay như tháng giêng năm Bính Ngọ (1066) Nguyên phi Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử, Lý Thánh Tông mừng rỡ đã đổi niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thành Long Chương Thiên Tự; hoặc vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1186), Lý Cao Tông sai người đi săn, bắt được voi trắng, cho đó là điềm tốt bèn đặt cho voi tên là Thiên Tư rồi xuống chiếu đổi niên hiệu là Thiên Tư Gia Thuỵ…

Theo sử sách, 9 đời vua triều Lý đặt tổng cộng là 32 niên hiệu, tuy nhiên ý nghĩa của các niên hiệu đó không phải ai cũng rõ hoặc được các tài liệu, thư tịch giải thích cụ thể. Dưới đây là sự tóm lược ý nghĩa của các niên hiệu ấy:

1. Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, ở ngôi 18 năm (1009-1028), được ca ngợi là vị “vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính mật ôn nhã, có lượng đế vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong thời gian làm vua, Lý Thái Tổ chỉ đặt một niên hiệu là Thuận Thiên có nghĩa là Thuận ý trời, thuận theo mệnh trời, theo thiên đạo.

2. Lý Thái Tông tên thật là Lý Phật Mã, 26 năm (1028-1054) ở trên ngôi báu đã có nhiều công lao với dân với nước, được coi “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong thời gian làm vua, Lý Thái Tông đã đặt 6 niên hiệu là:

– Thiên Thành (1028-1034) nghĩa là trời tác thành mà được làm vua.
– Thông Thụy (1034-1039) nghĩa là điềm lành thông suốt.
– Càn Phù Hữu Đạo (1039-1042) nghĩa là Trời ban mệnh và phù giúp có thiên đạo.
– Minh Đạo (1042-1044) nghĩa là đạo Trời sáng tỏ.
– Thiên Cảm Thánh Vũ (1044-1049) nghĩa là Trời cảm ứng mà ban cho mưa móc.
– Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054) nghĩa là nhờ sùng kính Trời mà được báu vật lớn.

3. Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, làm vua 18 năm (1054-1072), được sử sách đánh giá là vị vua “khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, yên ủi người gần, đặt khoa Bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, có thể gọi là bậc vua tốt” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong thời gian làm vua, Lý Thánh Tông đã đặt 5 niên hiệu là:

– Long Thụy Thái Bình (1054-1058) nghĩa là điềm rồng xuất hiện báo hiệu nền thái bình tốt đẹp.
– Chương Thánh Gia Khánh (1059- 1065) nghĩa là Thánh thần phù trợ đem đến sự rạng rỡ, tốt đẹp, vui mừng.
– Long Chương Thiên Tự (1066- 1068) nghĩa là ngôi rồng là kẻ thừa tự rạng rỡ của Trời.
– Thiên Huống Bảo Tượng (1068- 1069) nghĩa là Trời ban phúc cho con voi quý.
– Thần Vũ (1069- 1072) nghĩa là biểu dương vũ lực như thần của hoàng đế.

4. Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, ở ngai báu trong 55 năm (1072 -1127) là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử. Sử sách ca ngợi Lý Nhân Tông là người “nhân hiếu, có tiếng đức tốt, trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi Tiến sĩ, có quan hầu Kinh Diên, xuống chiếu mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khóa, ít lao dịch cho nên tự hưởng cõi thái bình, rất mực nên giàu thịnh, đáng gọi là bậc vua giỏi ở lúc thừa bình vậy” (Việt giám thông khảo tổng luận).

Trong thời gian làm vua, Lý Thánh Tông đã đặt 8 niên hiệu là:

– Thái Ninh (1072-1076) nghĩa là thiên hạ được an ninh cực lạc.
– Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084) nghĩa là vũ lực hùng mạnh đem lại chiến thắng rực rỡ.
– Quảng Hựu (1085-1092) nghĩa là sự phù hộ lan tỏa rộng khắp.
– Hội Phong (1092-1100) nghĩa là sự hội tụ phong phú.
– Long Phù (1101-1109) nghĩa là điềm rồng xuất hiện báo hiệu sự phù trợ tốt đẹp.
– Hội Tường Ðại Khánh (1110-1119) nghĩa là hội tụ các điều tốt lành lớn.
– Thiên Phù Duệ Vũ (1120-1126) nghĩa là Trời phù giúp để có võ công rực rỡ.
– Thiên Phù Khánh Thọ (1127) nghĩa là Trời phù hộ của vua được hưởng thọ.

5. Lý Thần Tông tên thật là Lý Dương Hoán, làm vua 10 năm (1128-1138) đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực nhằm ổn định xã hội, tăng cường sức mạnh của đất nước và được đánh giá là vị vua biết “sửa sang chính sự, nhậm dụng hiền năng, đặt khoa Hoành từ, định lệnh binh nông, xét về mặt chính trị cũng là bậc siêng năng” (Việt giám thông khảo tổng luận).

Trong thời gian làm vua, Lý Thần Tông đã đặt 2 niên hiệu là:

– Thiên Thuận (1128- 1133) nghĩa là thuận theo mệnh Trời.
– Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138) nghĩa là mệnh Trời rạng rỡ tôn quý.

6. Lý Anh Tông tên thật là Lý Thiên Tộ, ở ngôi vua 37 năm (1138-1175), tỏ ra là người biết quản lý, điều hành chính trị, “không mê hoặc lời nói đàn bà, ký thác được người phụ chính hiền tài, có thể gọi là không hổ thẹn với trách nhiệm gánh vác” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong thời gian làm vua, Lý Anh Tông đã đặt 4 niên hiệu là:

– Thiệu Minh (1138-1139) nghĩa là nối tiếp sự anh minh.
– Đại Định (1140-1162) nghĩa là sự ổn định lớn.
– Chính Long Bảo Ứng (1163-1174) nghĩa là thiên chính ứng với đạo Trời.
– Thiên Cảm Chí Bảo (1174-1175) nghĩa là Trời cảm động mà ban vật quý.

7. Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát, làm vua trong 35 năm (1175-1210) tuy cũng làm được một số việc mà sử sách ghi nhận là tốt, nhất là giai đoạn những năm đầu làm vua nhưng chủ yếu ham chơi, đắm chìm trong tửu sắc. Sử chép: “Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong thời gian làm vua, Lý Cao Tông đã đặt 4 niên hiệu là:

– Trinh Phù (1176- 1186) nghĩa là theo phù mệnh Trời để bền vững.
– Thiên Tư Gia Thụy (1186-1202) nghĩa là điềm lành Trời ban.
– Thiên Gia Bảo Hựu (1202- 1205) nghĩa là Trời ban phúc phù hộ họ Lý.
– Trị Bình Long Ứng (1205-1210) nghĩa là đất nước thái bình thịnh trị với điềm rồng ứng hiện.

8. Lý Huệ Tông tên thật là Lý Hạo Sảm, ở ngôi trong 14 năm (1211-1224) khi mà vương triều nhà Lý đã suy yếu, ông không có đủ tài để khắc phục những điều đó. Sử sách bình rằng: “Đến đời Huệ Tông cái rường mối hư hỏng của thiên hạ đã quá lắm mà vua thì không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa mối hư hỏng lâu ngày thì làm thế nào được. Huống chi Huệ Tông lại bị chứng hiểm, chữa thuốc không được; lại không có con trai để nối nghiệp lớn. Thế là cái điềm nguy vong đã hiện ra rồi” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong thời gian làm vua, Lý Cao Tông chỉ đặt một niên hiệu là Kiến Gia, có nghĩa là xây dựng sự tốt lành.

9. Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, làm vua hơn 1 năm, từ tháng 10 năm Giáp Thân (1224) đến tháng 12 năm Ất Dậu (1225) thì bị họ Trần lập kế cướp ngôi thông qua “vở kịch” vợ nhường ngôi cho chồng. Tuổi thơ lên ngôi báu khi mà vương triều đã suy vong đến cùng cực, không thể vực dậy được nữa nên kết cục của triều Lý đến đời Lý Chiêu Hoàng thì phải rời bỏ vũ đài chính trị.

Trong thời gian làm vua, Lý Chiêu Hoàng chỉ đặt một niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo nghĩa là đạo Trời sáng tỏ.

Triều Lý khởi nghiệp từ Lý Thái Tổ và truyền tới Lý Chiêu Hoàng, trải qua 216 năm tồn tại với 9 đời vua nối nhau trị vì, mặc dù có những thăng trầm, biến cố nhưng đây là triều đại được sử sách đánh giá cao bởi “không có vua nào thất đức lớn, nhiều vua thánh hiền, lâu năm thái bình, từ thời tiền cổ đến khi ấy chưa có triều đại nào hơn. Đại ước cách thống trị của đời vua chỉ cần pháp độ chứ không cần người cho lắm, chính sự chuộng khoan hậu không chuộng sự bạo tàn, đương khi vô sự thì cứ theo sách cũ giữ chế độ cũ, tuy là vua còn nhỏ tuổi mà vẫn thống trị nổi thiên hạ” (Việt sử tiêu án).

Xét ở khía cạnh hẹp, niên hiệu của các vị vua triều Lý đã cho thấy rằng những điều tốt đẹp gửi gắm trong đó đã được các hoàng đế của vương triều này hiện thực hóa trong đời sống ở mức độ khác nhau, nó chính là những dấu ấn lớn của triều Lý qua các công trình vật chất và tinh thần đến nay vẫn được lưu truyền, gìn giữ và được người đời ngợi ca, ngưỡng mộ.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,