Vân Đồn – thương cảng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam

Năm 1149, vua Lý Anh Tông đã cho lập trang Vân Đồn – đánh dấu sự ra đời của thương cảng sớm nhất lịch sử Việt Nam. Giá trị lịch sử, văn hoá của thương cảng Vân Đồn và tầm ảnh hưởng của nó đến lịch sử Quảng Ninh nói riêng, đất nước nói chung, đã được nhiều nhà khoa học khẳng định.

Lịch sử hình thành thương cảng Vân Đồn được Đại Việt Sử ký toàn thư ghi rất ngắn gọn: “Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149), mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Cái tên Vân Đồn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam bắt đầu từ ấy. Theo dòng chảy thời gian và những tác động của lịch sử, thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ 13-16, sang thế kỷ 17, 18 thì giảm dần vai trò sau khi các điểm giao thương chuyển sâu vào nội địa.

Cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ Việt Nam và Nhật Bản đã quan tâm nghiên cứu thương cảng Vân Đồn trong hành trình của “Con đường tơ lụa” từ Đông Bắc Á sang Trung Đông và Châu Âu. PGS Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ học VN) trong các công bố nghiên cứu của mình đã khẳng định thương cảng Vân Đồn nằm trong quần đảo Vân Hải. Cụ thể là tại bến Cái Làng (Quan Lạn) và Cống Đông, Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, Vân Đồn). Căn cứ để nghiên cứu là các bến bãi cổ vương vãi đầy mảnh gốm sứ, sành thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. Ngày 29-3-2003, di tích thương cảng cổ Vân Đồn được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Có câu chuyện hy hữu, đó là ban đầu Bộ VH-TT cấp bằng công nhận di tích là địa điểm đảo Cống Tây (xã Thắng Lợi), thấy vậy, người dân xã Quan Lạn đã làm đơn “kêu” lên Trung ương, rốt cục Bộ VH-TT phải cấp thêm 1 bằng công nhận nữa cho địa điểm Cái Làng (xã Quan Lạn).

Trong khoảng chục năm trở lại đây, có nhiều hơn các cuộc nghiên cứu về Vân Đồn của các nhà sử học. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng các nhà sử học đều chung nhận định thương cảng Vân Đồn là một hệ thống hàng chục bến thuyền cổ phân bố trên các đảo, ven bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, kéo dài từ Móng Cái đến Vân Đồn, Hạ Long, Hoành Bồ, Quảng Yên. Việc hình thành nhiều bến thuyền có ý kiến cho rằng nhằm san bớt lưu lượng tàu thuyền vào các bến, không tập trung quá đông vào một bến thuyền, đồng thời quy định cụ thể nơi đỗ của tàu thuyền ngoại quốc và tàu thuyền trong nước, tránh đỗ xen kẽ để dễ bề quản lý. Hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn thời đó, chủ yếu là hương liệu, ngà voi, sừng tê, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu và đồ gốm sứ. Tại các bến thuyền cổ trên đảo Quan Lạn, Cống Đông, các lớp gốm, sứ là các đồ vỡ thương nhân xưa vứt xuống ken dày, có nơi tới gần 1m.

Theo cố GS Trần Quốc Vượng trong nghiên cứu của ông về Vân Đồn từ năm 1965, việc buôn bán ở Vân Đồn – cũng như việc ngoại thương dưới thời phong kiến nói chung – đều do nhà nước kiểm soát. Những người buôn lậu đều bị trị tội. Đầu thời Trần, triều Trần đã cử Trần khánh Dư làm phó tướng Vân Đồn, uỷ quyền cho việc biên vụ. Năm 1349, nhà Trần đặt trấn quan, lộ quan, sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển) ở trấn Vân Đồn, lại đặt một đội quân trấn giữ ở đây, gọi là Bình hải quân. Sở dĩ có sự kiểm soát chặt chẽ ở Vân Đồn ngoài do chính sách “trọng nông ức thương” còn đặc biệt là vì lý do chính trị. Triều Lý cũng như triều Trần đều ngăn cản con buôn nước ngoài vào đất liền, sợ chúng dò xét tình hình trong nước. Việc phòng bị này không phải không có cơ sở. Đại Việt Sử ký toàn thư viết: “Trần Ích Tắc ngầm có lòng đoạt ngôi vua của dòng đích, thường đem thư riêng gửi khách buôn ở Vân Đồn xin nhà Nguyên đem quân sang nước Nam”.

Sau khi được công nhận di tích cấp quốc gia và là một trong 4 di tích trọng điểm của tỉnh, việc quy hoạch, đầu tư, tôn tạo phát huy giá trị di tích Thương cảng Vân Đồn còn rất hạn chế so với 3 di tích còn lại (Chiến thắng Bạch Đằng 1288, Yên Tử, Lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều). Lý do dễ hiểu bởi di tích Thương cảng Vân Đồn là một hệ thống có phạm vi quá rộng, bao trùm cả Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long; các di tích vật thể gần như không còn, cơ bản chỉ còn lại dấu tích vị trí các bến thuyền với mảnh gốm sứ, dấu tích một số ngôi chùa, tháp trên đảo Cống Đông…

Mặc dù vai trò, giá trị, ý nghĩa lịch sử của di tích Thương cảng Vân Đồn đã được các nhà khoa học làm sáng tỏ nhưng nó đã, đang và sẽ vẫn được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế quan tâm. Đơn giản bởi tầm ảnh hưởng của nó đến đời sống chính trị nhiều thế kỷ của nước Đại Việt, và quan trọng – nó là thương cảng đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam.

Theo BÁO QUẢNG NINH

Tags: ,